Cách lập luận nên thế nào?

Cách lập luận nên thế nào?  (1931) 
của Phan Khôi

Bài đăng trên Trung lập, Sài Gòn, số 6503 (Phụ trương văn chương số 14, thứ bảy, 01.8.1931)

Bài nầy là do những bài trong mục Những đều nghe thấy của Trung lập bữa trước và trong mục Chuyện vui của Tiếng dân mới rồi mà viết ra. Kỳ thủy nó là câu chuyện nói như nói chơi, nửa dỡn nửa thiệt, nhưng đến hôm nay nó phải thành ra câu chuyện nói thiệt.

Chữ nói thiệt đây, nghĩa là coi câu chuyện ấy là một vấn đề chánh đáng mà đem ra bàn luận thiệt tình, chớ không còn theo cái tánh chất nói chơi và nửa dỡn nửa thiệt đâu.

Một độ vào năm kia năm ngoái, tôi viết rất nhiều bài trên tờ báo nầy và Phụ nữ tân văn mà đề xướng luận lý học hay là logique. Tôi làm như đứa điên, hầu như bất kỳ chuyện gì tôi cũng kéo cho vào luận lý học hết. Vì vậy nên đã bị người ta chế nhạo lắm điều. Dầu vậy sự đề xướng ấy, tôi tạm nghỉ đi một độ, chớ rồi đây tôi lại bắt đầu làm. Hễ tôi còn lạm dự trong trường ngôn luận ngày nào, là tôi còn cứ khuyên người ta học luận lý học ngày nấy.

Ấy không phải vì tôi quá say mê gì cô logique như nhiều người nói về tôi. Song tôi thấy sự ngôn luận ở nước ta mắc nhiều bịnh quá, mà những bịnh ấy duy có luận lý học thì mới cứu được. Tôi biết được phương thuốc hay nên tôi muốn cho ai nấy dùng để tự cứu, thế thôi. Vậy mà người ta chẳng những xem thường xem khinh, lại còn đeo theo mà chế nhạo tôi nữa. Gặp chăng hay chớ, tôi chỉ có cười mà chịu!

Một người, họ tự cho là không có đau ốm chi hết, mà mình bưng thuốc tới cho họ uống, họ không mắng cho là may! Tôi nghĩ vậy nên vui lòng mà chịu những lời chế nhạo kia bằng những nụ cười.

Thật cũng như thế, ở ta đây, có nhiều người tự cho mình ngôn luận là đúng phép hết, họ tự nhận là người không có bịnh, nên không cần gì thuốc.

Nhưng tôi từng để ý xem xét lâu ngày, tôi thấy ra nhiều điều trái ngược trong lời luận bài văn, không thể kể ra cho hết; tôi ví nó cũng như là cái bịnh. Vả, những sự trái ngược ấy đều là có hại cả; hại cho bên nói cũng hại cho bên làm. Giả như luận một sự gì mà cứ nói quàng nói xiên như vậy thì cứ có chỗ mà nói hoài, nghị luận quanh năm mà không bao giờ tìm thấy lẽ thật. Huống chi cái mục đích của sự nghị luận là ở việc làm, mà lời luận đã chẳng trúng thì khó mong cho việc làm được thành công. Bởi có những cái hại ấy nên mới phải tìm thuốc để cứu bịnh; nếu không thì có quan tâm làm gì cho thêm chuyện.

Lấy một việc mới đây làm lệ (exemple), xin kể câu chuyện mà báo Tiếng dân với tờ Trung lập nầy nói qua nói lại cùng nhau.

Nguyên trong sách Dinh hoàn chí lược của người Tàu làm trước đây chừng 60 năm, chỗ nói về nước ta, có câu rằng: Kỳ sĩ phu háo vi thi, tuy liệt bất thành cú diệc háo vi chi (Nghĩa là: Sĩ phu Việt Nam ưa làm thơ, dầu dở không nên câu mà cũng ưa làm).

Theo tôi, câu đó tôi cho là đúng. Một cái chứng cớ hiển nhiên, là trong các nhà báo[1] những bài lai cảo phần nhiều là thơ; mà thơ dở quá, nhiều khi lại phản niêm thất luật nữa.

Tôi thấy vậy, nhiều lần đem câu của người Tàu nói đó mà lặp lại cho người mình nghe. Vẫn biết họ nói vậy có hơi nhục cho mình, song cái nhục ấy nếu là đáng thì mình nên biết lắm chớ, biết thì mới mong chữa đi được chớ. Há chẳng thấy người Tàu gần đây đã lập ra bao nhiêu ngày quốc sỉ kỷ niệm vì họ nghĩ có biết nhục mới mong có ngày rửa nhục, hay sao?

Vậy mà trong báo Tiếng dân trước đây, bài Sao gọi là hào kiệt, nhơn nói chuyện thi nhân nước ta, có dẫn qua câu sách Tàu đó, cho là một sự nhục chung cho cả nước, vậy mà lại có kẻ vui lòng nhận lấy. Chẳng những thế thôi, báo ấy còn nói câu của người Tàu đó là không đúng nữa.

Cái sự Tiếng dân trách đó có ám chỉ về tôi chăng, thì tôi có kể làm chi. Sở dĩ thành vấn đề ra, là tại báo ấy cho câu của người Tàu không đúng mà thôi.

Theo luận lý học, muốn phiên cái án người Tàu lập ra đó thì duy có một nước, là kiếm làm sao cho được nhiều tài liệu để chỉ ra sĩ phu An Nam ta làm thơ đều hay hết, không hề có một người nào làm liệt bất thành cú như họ đã nói, thì mới được mà thôi. Muốn cho càng tinh tế hơn nữa, thì nên tìm những chứng cớ để tỏ ra rằng sĩ phu ta ít hay làm thơ, mà hễ làm ra thì đều là hay tất cả. Nếu những chứng cớ đó mà vững vàng thì lời phẩm bình kia tức khắc phải đổ ráo.

Báo Tiếng dân không làm như vậy. Lại nhè cử ra một ông Cao Bá Quát, khen là người hay thơ, gồm cả Lý Đỗ làm một, để tỏ ra câu sách Tàu kia là không nhằm. Như vậy có lý sự gì đâu.

Vả câu sách Tàu đó là tổng quát hết cả sĩ phu An Nam, nói đại khái bọn họ ưa làm thơ, dầu làm thơ dở; chớ không nói một người nào, và nhứt là không hề nói An Nam không có người hay thơ. Vậy thì dầu có đem hết những ông Tùng, ông Tuy, ông Trần Tử Mẫn, ông Nguyễn Thông, ông Phạm Phú Thứ cho đến hằng trăm nhà thi nhân của ta ra nữa cũng vô ích, cũng không ăn thua gì với câu của họ, chớ đừng nói đem ra một mình ông Cao Bá Quát làm chi!

Cách lập luận như vậy là thiên về tình cảm, thấy họ nói một câu hơi nhục mình, rồi cố cãi cho được, chớ chẳng có sự lý gì.

Trung lập thấy cách lập luận không chánh đáng, sợ vì đó nuôi cái óc hư ngụy cho quốc dân, nên trước đây có một bài, ký tên Thông Reo, cử ra một câu thơ bất thành cú của cụ Huỳnh Thúc Kháng, và sự tôi (Phan Khôi) đốt tập thơ non một ngàn bài của cụ mà cụ cảm ơn để tỏ ra rằng rất đỗi Hán học giỏi như cụ Huỳnh mà thơ còn dở và ưa làm thơ (đến non ngàn bài) cho biết lời người Tàu nói đó là thật, và tôi nhìn nhận nó, là phải lắm. Vậy mà báo Tiếng dân còn chưa chịu, lại bới việc ra nữa.

Mới rồi, số 402, ra ngày 18 Juillet, báo ấy nhận tất cả lời Thông Reo trong Trung lập là quả thật, song có cử thêm mấy câu thơ bất thành cú của tôi - mấy câu nầy sai bậy hết, tôi có gởi bài cải chánh rồi - mà không biết vì ý gì! Rốt bài có nói rằng: Tóm lại, câu sách trong Dinh hoàn chí lược kia ai nhận thì nhận chớ cụ Huỳnh nhứt định không nhận.

Cách nghị luận với nhau như vậy thiệt làm cho tôi quái lạ vô cùng. Chẳng biết Tiếng dân nói như vậy là ý gì? Câu sách Tàu đó nói chung cả sĩ phu An Nam mấy mươi đời nay, chớ có nói một mình cụ Huỳnh đâu mà cụ hòng không nhận? Nhưng dầu cụ không nhận đi nữa, là cái án sĩ phu An Nam làm thơ dở mà ưa làm, nó vẫn còn sờ sờ đó, nào ai đã xóa đi được ở đâu?

Báo Tiếng dân lại còn vô tình mà làm chứng thêm cho câu sách ấy là thật nữa. Theo lời báo ấy thì chẳng những cụ Huỳnh Thúc Kháng đã từng làm thơ bất thành cú và ưa làm mà thôi, Phan Khôi nầy cũng vậy; ấy là Tiếng dân chưng thêm chứng cớ ra cho câu sách Tàu ấy, nó sẽ thành án sắt không thể đổi dời.

Đó, cái kết quả của sự viết văn bằng tình cảm nó ban cho chúng ta những điều lầm lạc, xa với mục đích mình, là như vậy đó! Bài nầy tôi có ý chỉ cho anh em làng văn ta thấy sự hại ấy mà tránh, chớ không phải là biện bác với Tiếng dân. Bởi vì tôi sợ nếu Tiếng dân cứ lấy cái kiểu ấy mà biện bác lại thì mấy đời cũng không rồi!

Cách lập luận nên thế nào?

Tôi xin lặp lại lời mấy lâu nay mà rằng: Phải lấy luận lý học làm nền. Phàm một người đã nắm bút làm văn thì ít nữa phải biết qua luận lý học.

Phan Khôi

   




Chú thích

  1. "Trong các nhà báo" ở đây có nghĩa là ở các tòa soạn báo.