Cá nhơn chủ nghĩa  (1931) 
của Phan Khôi

Bài đăng trên Trung lập, Sài Gòn, số 6602 (28.11.1931)

Một bài học của quan tổng trưởng Paul Reyaud cho người Việt Nam

Trong xã hội ta ngày nay có một phần rất đông người khuynh hướng về chủ nghĩa dân trị (démocratie)[1]. Chẳng những người có học thức mới như thế; trong đám bình dân, kém học thức mà mở miệng ra cũng ưng nói bình đẳng tự do. Sự khuynh hướng đó, không phải là sự bắt chước nói theo mà thôi đâu; họ muốn thiệt tình, vì họ ở dưới chánh thể chuyên chế đã lâu, gần đây lại gặp lấy phong trào ở ngoài làm như thúc giục họ,

(Bị kiểm duyệt bỏ).

Tuy vậy, họ ham muốn cái chủ nghĩa dân trị thiệt tình, mà làm thế nào cho được thiệt hành cái chủ nghĩa ấy thì hình như ít ai suy nghĩ tới. Mà cũng đừng nói đến sự thiệt hành nữa, giá có ai thiệt hành rồi để sẵn cho họ hưởng, là cũng chưa chắc họ biết hưởng đâu.

Nói làm vậy, hẳn đã có người la rầy rồi, bảo sao dám khinh miệt dân An Nam. Không thì cũng có kẻ cho rằng quan sát không đúng: vì trình độ dân ta gần đây đã bước tới một bước xa lắm rồi.

Chúng tôi xin nói thiệt tình rằng: Khinh miệt thì chúng tôi đâu có khinh miệt; còn bảo quan sát không đúng thì hẵng xin nghe những lời sau đây rồi mới biết có đúng hay không.

Chúng tôi nhìn nhận rằng dân ta gần đây quả có tấn bộ thật, mà tấn bộ một cách khá lắm, chớ không phải tầm thường. Song le, cái tấn bộ đó, chỉ là một phương diện, chớ chưa phải là hết cả các phương diện. Nói rõ ra, chúng tôi xin nói rằng mấy năm gần đây người mình quả có phát đạt về quốc gia tư tưởng thật; nhưng nếu bảo hết thảy dân ta trở nên một dân có tư cách đúng đắn, nhứt là theo tư cách dân kim thời, đủ sức thiệt hành cái chủ nghĩa dân trị hay là biết hưởng sự lợi ích của cái chủ nghĩa ấy, thì chúng tôi thật không dám nhận chân.

Muốn thiệt hành cái chủ nghĩa dân trị trong một nước nào thì người làm dân trong nước ấy trước phải thiệt hành cái cá nhân chủ nghĩa (indvidualisme) mới được. Mà cái cá nhân chủ nghĩa ấy, ở nước ta xưa nay chưa hề có, cho đến ngày nay cũng chưa thấy mấy ai đề xướng ra, thế mà nói chuyện dân trị, ôi, có dễ dầu gì!

Muốn biết cá nhân chủ nghĩa là gì, để hôm nào chúng tôi viết một bài mà cắt nghĩa cho rõ mới đặng. Hôm nay chỉ xin nói sơ qua cái đại khái của nó.

Cá nhân chủ nghĩa là hết thảy người trong nước, mỗi người đều độc lập về phần mình; mà độc lập cả hai đường: về tinh thần và về vật chất vậy. Độc lập về tinh thần, tức là mỗi người đều biết tự suy nghĩ lấy, tự phán đoán lấy, nhắm lẽ phải ở đâu thì theo đó, chớ không làm nô lệ cho ý kiến của người nào hay đảng phái nào. Độc lập về vật chất tức là độc lập về kinh tế, mỗi người đều làm lấy mà nuôi sự sống mình, chớ không chịu nhờ vả ai, dầu con cũng không nhờ cha, vợ cũng không nhờ chồng.

Có độc lập như vậy rồi mới nói chuyện hiệp quần được. Sự hiệp quần ví dụ cũng như khi có bão to mà đông người đứng ra, giăng hàng chữ nhứt để đón gió. Trong hàng chữ nhứt đó, người nào người nấy phải có sức mạnh mà trụ chưn cho vững thì mới được. Bằng chẳng vậy, trong đó hết già nửa người yếu, chỉ dựa vào mấy người mạnh kia, thì cái hàng chữ nhứt ấy sẽ không cự với gió được mà lại ngã làm một cùng nhau. Bởi vậy, trước khi hiệp quần phải cần cho mỗi người độc lập, tức là thiệt hành cái chủ nghĩa cá nhân.

Xã hội ta xưa nay chưa hề chiêm bao tới cái sự độc lập đó! ấy chẳng đáng trách gì, cũng tại cái luân lý và cái chế độ kinh tế của ta nó ngăn cấm ta, không cho mộng tưởng tới đó thôi. Theo đức Khổng Tử cha chết ba năm rồi mà không đổi cái cách cuộc ăn ở của cha, như vậy gọi là hiếu. Thế thì bao nhiêu những kẻ còn có cha phải nghe lời cha, phải tuân mạng lịnh của cha, là sự mà luân lý bắt buộc, đã rõ ràng lắm rồi. Lại còn theo cái chế độ đại gia đình, một người làm, nuôi không biết mấy người, như vậy là kẻ nầy phải nhờ kẻ kia mà sống, đường kinh tế không độc lập.

Theo luân lý và chế độ ấy thì sống làm thần dân dưới chánh thể chuyên chế mới được, chớ còn mong thiệt hành chủ nghĩa dân trị, hay là hưởng sự lợi ích của nó, có được đâu?

Kẻ viết bài nầy từng nói: hễ theo Tây thì phải theo cho hết, chớ còn bảo giữ cái tinh thần của mình, mà mô phỏng cái hình thức của họ là không được; cho nên một đôi khi dám phản đối cả cái thuyết bảo tồn quốc túy.

Mới rồi, nhơn đọc bài diễn thuyết của quan Tổng trưởng Reynaud mà tôi lại càng tin vững cái ý kiến đó. Trong bài đó, có một chỗ ngài tỏ ra cái ý rằng nước An Nam chưa có cái cá nhân chủ nghĩa thì cũng chưa cho họ hưởng cả sự lợi ích của dân chủ được đâu. Ngài có lấy một ví dụ rõ ràng lắm; trong mười tên cu li An Nam hiệp nhau làm một việc gì, thì phải đặt từ trong đám họ lên một người cai cầm đầu, rồi dành bớt phần tiền công của mình mỗi người một ít để dâng cho người cai ấy.

Tôi nhận cho lời quan Tổng trưởng nói đó là một bài học hay cho người Việt Nam, nếu chúng ta muốn hưởng sự tự do bình đẳng sau nầy thì ngay từ đây ta phải theo lời ngài, làm cho cái cá nhân chủ nghĩa nó nẩy nở ra trong xã hội ta mới được.

Còn nếu chúng ta muốn bảo tồn quốc túy, giữ trơ trơ những luân lý cũ rích mà không chịu bỏ, thì đừng đèo bòng nói đến dân trị chủ nghĩa làm chi.

P. K.

   




Chú thích

  1. Ngày nay dịch là dân chủ.