Biên dịch:Thư gởi các Mục sư - thư thứ sáu

Thư gởi các Mục sư - thư thứ sáu
của Charles Grandison Finney, do Wikisource dịch từ tiếng Anh
Năm 1845 - 1846


Có một sai lầm khác, tôi e rằng, ngày càng phổ biến trong các cuộc truyền giảng phục hưng, đó là diễn giả thường tán dương người nghe thay vì cáo trách tội lỗi để họ chịu bắt phục. Tôi muốn nói đến cung cách giảng dạy nhằm trình bày triết lý tôn giáo hơn là rao giảng sự mặc khải thiên thượng. Bản thân tôi cũng dễ mắc sai lầm này. Một khi sự giảng luận trở nên quá siêu hình và đậm tính triết lý nhằm gây ấn tượng rằng chúng ta có thể hiểu và giải thích mọi vấn đề liên quan đến tôn giáo, thì hậu quả rõ ràng là tai hại. Tâm trí con người là xấu xa, vừa tự mãn vừa quá vô tín; do đó, nếu được tán dương, bợ đỡ, cùng lúc bị mê hoặc bởi những diễn dịch siêu hình về lẽ thật của đạo, họ sẽ tự huyễn hoặc để tin rằng mình có thể thấu hiểu hầu hết hoặc toàn bộ chân lý về Thiên Chúa và vương quốc của Ngài.

Có hai điều tai hại do quy trình này gây ra. Thứ nhất, chúng chiếm chỗ các luận chứng của chúng ta về đức tin. Khi người ta mãi chăm chú triết lý và suy diễn về một giáo huấn cho đến khi nó trở nên một triết thuyết, họ sẽ dựa dẫm hoàn toàn vào những luận chứng hoặc kết luận triết học của chính họ hơn là tin cậy lời chứng của Thiên Chúa. Mà đó không phải là đức tin. Đến khi nó trở thành thói quen, thì họ sẽ triệt để bác bỏ bất cứ điều gì không thể thấu hiểu hoặc lý giải theo triết học, hoặc họ sẽ duy trì một niềm tin cạn cợt như thể không tin gì cả... Họ sẽ thẳng thừng bác bỏ hoặc chấp nhận cách hời hợt những giáo lý trọng yếu của phúc âm như thần tính và nhân tính của Chúa Cơ Đốc, giáo lý Ba Ngôi, mục đích tốt lành của Đấng Tạo Hóa, cùng các lẽ thật khác liên quan đến đức tin Cơ Đốc. Cung cách giảng dạy này không những không đánh đổ sự kiêu ngạo của lòng người, mà còn chuyển tải loại tri thức mà Phao-lô cho là sẽ sinh lòng kiêu ngạo.[1] Tôi vẫn thường suy nghĩ đến điều này khi quan sát các tân tín hữu. Họ rất khôn khéo trong sự tự mãn. Họ hiểu điều họ tin. Họ kiêu hãnh về phong cách triết gia, về ý thức và xác tín của họ; nhưng thật ra họ đang tin vào những điều mà họ không có chút hiểu biết về chúng. Rõ là họ chưa hề có đức tin thật. Niềm tin của họ chẳng liên quan gì đến Thiên Chúa, Kinh Thánh, và những điều liên quan. Họ hài lòng và tin tưởng các diễn dịch của chính họ, mà có rất ít sự tôn kính dành cho Chúa, rất ít sự tôn trọng dành cho thẩm quyền của Ngài, và không thực sự tin tưởng Lời Chúa.

Hậu quả của loại giảng dạy theo kiểu triết lý này trước tiên là không thể sản sinh đức tin. Thứ nhì, nếu đức tin có xuất hiện lúc ban đầu thì cũng không thể phát triển, củng cố, và xác chứng, nhưng rồi sẽ lụi tàn và tiêu vong. Cần ghi nhận rằng các tác gia được soi dẫn không hề triết lý hóa, nhưng luôn sử dụng một nền triết học chân chính. Có thể thấy rõ rằng phương pháp trình bày lẽ thật của những vị này mang đậm tính triết học, trong đó mục tiêu tối hậu là hướng về Thiên Chúa. Đức tin tập chú vào tính cách và lời chứng của Thiên Chúa không thể tách rời khỏi tấm lòng vâng phục Ngài. Có người bảo khải tượng về thiên đàng sẽ phủ lút đức tin; không thể được. Tin cậy Chúa cùng tính cách, sự khôn ngoan, sự tốt lành, và sự nhân từ trọn vẹn của Ngài dành cho mọi người là không thể thiếu trên thiên đàng cũng như ở trần gian. Từ bản chất của sự việc, quyền tể trị của Thiên Chúa là quá lớn và quá huyền nhiệm trừ khi chúng ta có sự tin cậy sâu sắc nhất vào sự khôn ngoan và sự nhân từ của Ngài. Ngay bây giờ trong thế gian này, mục tiêu lớn của Thiên Chúa là phục hồi sự tin cậy vào chính Ngài và quyền tể trị của Ngài, hầu cho đức tin được sản sinh và tăng trưởng trong chúng ta đến mức tối đa. Do đó, Ngài trình bày các dữ kiện mà không giải thích chúng. Ngài không sử dụng triết học, nhưng chỉ đơn giản khẳng định các dữ kiện Ngài muốn chúng ta biết, rồi dành chỗ cho đức tin làm nốt phần còn lại. Còn nhiều điều chúng ta không thể hiểu. Tuy nhiên, chúng ta biết rằng một sự việc nào đó là có thật dù không thể giải thích bằng ngôn từ triết học. Vì vậy rất cần cho chúng ta được dạy dỗ ngay từ lúc ban đầu rằng cứ chấp nhận các dữ kiện cho đến khi chúng ta đủ trưởng thành để nhận lãnh lời giải thích...

Từ trải nghiệm của chính mình, tôi nhận ra rằng đã nhiều lần tôi gây tổn hại cho lòng tin kính của mình do cố sức hiểu biết mọi sự trước khi học biết chấp nhận chúng. Đã nhiều lần tôi không chịu thỏa lòng với các dữ kiện đã được xác chứng, nhưng cứ trăn trở, bức bối với đòi hỏi phải hiểu, nắm bắt, giải thích được triết lý của dữ kiện. Đó chính là trải nghiệm trước đây của tôi về giáo lý đền tội. Tôi không thể hài lòng với lời tuyên cáo đơn giản rằng Chúa Cơ Đốc đã chết thế cho tôi, song tôi muốn hiểu rằng điều này đã được thực hiện như thế nào và tại sao, tôi cũng muốn hiểu các nguyên lý mầu nhiệm của quyền tể trị thiên thượng cùng cung cách thực thi công lý của đế chế Giê-hô-va, theo đó sự đền tội được thực hiện. Trong thực tế, tôi có thể tự giải thích triết lý của sự đền tội, và cũng thành công nhiều lần khi giải thích giáo lý này cho những người hoài nghi nhất; nhưng sau khi suy nghĩ cặn kẽ, tôi tin quyết rằng nếu để những dữ kiện ấy tác động trên chúng ta, và nếu chúng ta chấp nhận lẽ thật ấy dựa trên thẩm quyền của lời chứng thiên thượng, thì linh hồn chúng ta sẽ được bồi bổ bội phần hơn. Trong vòng một hoặc hai năm trở lại đây, tôi ngày càng quan tâm đến tầm quan trọng của việc chấp nhận các giáo lý cho đến khi chúng ta tin tưởng chúng như là các lẽ thật, rồi thì dần dà chúng ta sẽ có thể giải thích triết lý của chúng. Tôi nhận ra rằng điều này hết sức bổ ích cho linh hồn tôi, cũng như linh hồn của những người khác, là những ai tin các lẽ thật mà không cần nghe lời giải thích về triết lý của các lẽ thật ấy. Điều này giúp phát triển và củng cố đức tin, và khiến chúng ta tin cậy Chúa, biết rằng cần chấp nhận mọi giáo huấn của Ngài chỉ vì lời chứng của Ngài là có thẩm quyền. Sau này, dù có thể thấu hiểu triết lý của các lẽ đạo ấy thì lòng tin của chúng ta cũng không mạnh mẽ hơn, nhưng chúng ta được gây dựng rất nhiều, và cảm thấy thích thú với những giãi bày có tính triết học về những sự việc mà chúng ta đã vững tin dựa trên thẩm quyền của Thiên Chúa.

Chúng ta có thể tìm thấy khắp mọi chỗ trong Kinh Thánh, dạy rằng: Trước tiên, hãy nhận lãnh các lẽ đạo như là những dữ kiện chắc chắc và chính xác, chỉ đơn giản bởi vì chính Chúa đã khẳng định chúng. Kế tiếp, hãy giải thích các lẽ đạo ấy trong mức độ hiểu biết của chúng ta vì sự gây dựng và tăng trưởng trong sự hiểu biết của con dân Chúa. Song nếu chúng ta đảo ngược quy trình: cố giải thích các lẽ đạo trước, thì sẽ không còn chỗ cho đức tin; rồi thì chúng ta sẽ nhận ra rằng các tân tín hữu chẳng có đức tin gì hết, họ sẽ hoàn toàn bác bỏ hoặc chấp nhận cách hời hợt và hoài nghi các dữ kiện hoặc các lẽ đạo của trong Kinh Thánh, mà Kinh Thánh được viết không phải để trình bày những phân tích và giảng giải triết học. Đây rõ là hậu quả của nỗ lực triết lý hóa và diễn dịch siêu hình trong giảng luận.

Cung cách thuyết giảng này có thể làm hài lòng nhiều nhóm người khác nhau, nhưng nhìn chung sẽ khiến hội chúng tự đắc và tự mãn, dần dà họ tưởng rằng mình được gây dựng và bồi linh, nhưng thật ra họ chẳng hề trưởng thành trong sự cầu nguyện, chẳng trở nên khiêm nhường, và cũng không cung hiến mình cho Chúa. Họ không học biết sự khiêm nhu của con trẻ và sự nhẫn nại của Chúa Giê-xu. Sự tăng trưởng của họ không phải là sự tăng trưởng Cơ Đốc chân chính, nhưng đúng hơn là sự tăng trưởng trong triết lý đời này, thường dẫn đến sự kiêu ngạo, tự tôn, và vị kỷ, là những đặc điểm nổi trội của các hội chúng được nuôi dưỡng bằng triết học và siêu hình học thay vì bằng lẽ thật của phúc âm.


   




Chú thích

  1. 1Cor. 8: 1, “Chúng ta biết rằng ‘tất cả chúng ta đều hiểu biết cả,’ Nhưng sự hiểu biết sinh kiêu căng, còn tình yêu thương thì xây dựng.”


Xem thêm sửa




   Tác phẩm này là một bản dịch và có thông tin cấp phép khác so với bản quyền của nội dung gốc.
Bản gốc:
 

Tác phẩm này, được phát hành trước ngày 1 tháng 1 năm 1929, đã thuộc phạm vi công cộng trên toàn thế giới vì tác giả đã mất hơn 100 năm trước.

 
Bản dịch:
 

Tác phẩm này được phát hành theo Giấy phép Creative Commons Ghi công-Chia sẻ tương tự 3.0 Chưa chuyển đổi, cho phép sử dụng, phân phối, và tạo tác phẩm phái sinh một cách tự do, miễn là không được thay đổi giấy phép và ghi chú rõ ràng, cùng với việc ghi công tác giả gốc.

 
 

Tác phẩm này được phát hành theo các điều khoản của Giấy phép Tài liệu Tự do GNU.


 

Điều khoản sử dụng của Wikimedia Foundation yêu cầu văn bản được cấp phép theo GFDL được nhập sau tháng 11 năm 2008 cũng phải cấp phép kép với một giấy phép tương thích khác. "Nội dung chỉ khả dụng trong GFDL không được phép" (§7.4). Điều này không áp dụng cho phương tiện phi văn bản.