Nó đang vẩn vơ, vơ vẩn với những ý nghĩ ấy thì giấc ngủ lại đến bắt nó lúc nào, nó cũng không hay. Lần này thì nó không nằm mê về nhà với mợ nó nữa, nó nằm mê lên ở trên nhà bác Giáo nó. Rồi thì nghe nhời bác Giáo, nó sống một cách chăm chỉ và ngoan ngoãn như các anh chị nó, rồi nó thành ra đức học trò giỏi nhất lớp, rồi thì đến kỳ thi, nó thi đỗ. Rồi thì...

Đến đấy thì bỗng có một bàn tay vỗ mạnh vào vai nó. Nó vùng dậy, nói to:

- Con đỗ rồi, mợ ạ!

Nhưng đến khi nhìn cái người đàn bà đứng trước mặt không phải là mợ nó, nó bàng hoàng nhận thấy rằng nó vừa sống một giấc mơ thú vị và cùng lúc thấy cái sự thực nó chẳng thú vị một tí nào.

Chà, chân tay nó sao mỏi nhừ, tưởng chừng như có ai dần ra vậy. Mà bụng thì hốc hác làm sao ấy.

Người đàn bà đứng trước mặt nhìn nó một cánh tò mò từ đầu cho tới chân, rồi hỏi nó:

- Cậu đi đâu mà lại ngủ ở đây?

À, trước kia, những cái người ăn mặc rách rưới như người đàn bà này mà hỏi nó thì là nó khinh đứt đi rồi, và không thèm giả nhời là khác, nhưng bây giờ hoạn nạn (thì cũng là hoạn nạn chứ sao) đã làm cho dẹp sự kiêu căng của nó đi rồi. Nó lễ phép trả lời:

- Tôi đi Hà Nội.

Người đàn bà mở to hai mắt:

- Cậu đi Hà Nội?

- Vâng, tôi đi Hà Nội.

- Thế cậu đi Hà Nội với ai?

- Một mình.

- Thế cậu đi tàu nào chắc dậy sớm, rồi buồn ngủ, ngủ gục ở đây phải không?

- Không, tôi đi bộ ở Bắc Giang từ chiều hôm qua.

Mắt người đàn bà lại càng mở to:

- Thế cậu ngủ suốt đêm hôm qua ở đây?

- Vâng.

- Trời ơi! Thế sao nhà tôi ở phía đằng đồi kia, cậu không lại mà xin ngủ nhờ?

- Tôi không biết.

- Thế bây giờ cậu lại về Hà Nội chứ?

Đức trả lời một câu gọn thon lỏn:

- Vâng, chả về Hà Nội thì còn đi đâu.

Người đàn bà lại chăm chú nhìn nó, rồi nhép miệng:

- Cậu đi như thế thì bao giờ cho đến nơi được! Thế tại làm sao người nhà cậu lại không có ai đưa cậu đi? Thế tại làm sao cậu lại không đi tàu hay ô-tô?

Người đàn bà hỏi dồn một thôi một hồi, khiến cho thằng Đức không còn biết sao mà trả lời, và trả lời như thế nào. Thành ra nó chỉ trả lời câu sau cùng:

- Tôi không có tiền.

- Cậu ăn mặc sang trọng như thế kia mà không có tiền à? Thế người nhà cậu không cho tiền à?

- Cậu mợ tôi ở Hà Nội cơ.

- Thế cậu ở trên Bắc Giang với ai?

- Với bác tôi.

- À, thế ra cậu nhớ nhà, cậu định trốn về Hà Nội?

Đức cúi đầu, không trả lời.

Rồi thì không hiểu ngẫm nghĩ làm sao, nó bỗng òa lên khóc.

Thấy nó khóc, người đàn bà hình như ái ngại, liền cúi xuống, kéo tay nó dậy:

- Thôi nín đi. Cậu phải nói thực với tôi, rồi tôi sẽ giúp cậu đưa cậu về nhà tử tế. Thế cậu đi từ Bắc Giang bao giờ nào?

- Từ bốn giờ. Tối thì tôi đến đây, rồi tôi bị mưa. Rồi tôi mệt, tôi ngủ lúc nào, tôi cũng không biết.

Người đàn bà nhìn những vết bùn bám vào quần áo và mặt mũi nó, rồi lắc đầu:

- Cậu táo gan thật! Cậu bé như thế mà định đi bộ về Hà Nội thì bao giờ cho đến được! Đến người lớn đi cũng còn nhòai người ra nữa là...

Sự khổ sở đêm qua đã làm cho nó hiểu câu nói của người đàn bà ấy rồi. Tuy nó chưa nhận được rõ, nhưng những sự khổ sở đã qua cũng làm cho nó hiểu rằng, đó là một việc làm trên sức nó. Và nó đã lấy làm nghi ngờ câu nói của bác Giáo nó: "Đi từ Hà Nội lên Bắc Giang chỉ mất có hai giờ thôi", nhưng nó cũng không biết là nghi ngờ ở chỗ nào.

Người đàn bà phủi những đất bám vào áo, rồi vùng hỏi:

- Thế chiều hôm qua, cậu đã ăn cơm chưa?

Nó lắc đầu:

- Thế bây giờ cậu có đói không?

Nó sẽ gật đầu.

Người đàn bà liền dắt nó đi về phía sau:

- Cậu về nhà tôi, tôi cho ăn rồi tôi sẽ liệu cho.

Chà, nó mới sung sướng làm sao, khi trao tay cho người đàn bà ấy! Nó sung sướng đến quên cả đói, cả rét, cả mệt.

Nhưng đi được một quãng thì nó cứ bước chậm lại dần. Người đàn bà dừng lại:

- Cậu mệt lắm, phải không?

Nó gật đầu.

- Thôi, cố đi một chút nữa. Nhà tôi cũng ần đến rồi. Đến đấy rồi nghỉ. Cậu rét lắm có phải không?

Lúc ấy nó đang run, thành ra cái run trả lời cho nó.


o O o


Túp nhà tranh màu xám trông ngay phía trước, mà trời ơi, nó đi mãi, đi mãi vẫn chưa thấy đến cho.

Lúc ấy thì nó nhận thấy rằng nó không thể nào đi cho tới Hà Nội được, bởi cái cầu thứ hai là một phần đường, nó còn chưa trông thấy nữa là. Rồi thì nó nghĩ về câu nói của bác Giáo nó lung lắm.

Lúc ấy thì nó đói lả ra rồi, nên chân nó bước đi cứ nặng chình chịch. Mà sao còn có thể gọi là đi được nữa, nó bị người đàn bà lôi đi thì đúng hơn.

Bây giờ thì thật là nó mệt hơn hôm qua nhiều lắm, nhưng lòng nó thì không còn hoang mang như ngày hôm qua nữa.

Nó đã thấy chăng chắc, yên yên, nhưng cũng không biết chăng chắc, yên yên bởi đâu.

Người đàn bà lâu lâu lại ngừng lại để cho nó thở, rồi thì khi bắt đầu đi, bà ta khuyến khích:

- Cố một tí nữa đi, sắp đến nhà rồi. Nhà tôi có cái cây cau cao tít kia kìa.

Quái chưa, giời rét như thế này mà tại sao thằng Đức bỗng thấy mồ hôi vã ra như tắm, và thấy ở hai bên tai nó như có những đàn ong vỡ tổ.

Thấy nó lấy tay vuốt những giọt mồ hôi chảy xuống má thì người đàn bà liền tủm tỉm cười:

- Cậu đói đến vã mồ hôi ra cơ à?

Nó lặng thinh, không biết giả nhời làm sao. À, ra bây giờ nó hiểu rồi. Đó vã mồ hôi ra là thế này đây!

Người đàn bà thấy nó đi chậm quá liền đề nghị:

- Hay nếu cậu đói quá không đi được thì để tôi cõng cậu?

À không, không, một lũ trẻ nhấp nhô ở phía xóm kia. Nếu nó để cho cõng thì lũ trẻ kia cười nó chết. Thì ra bao giờ sự xấu hổ cũng là cái cảm giác mạnh nhất ở trong nó.

Nó thu hết can đảm:

- Không. Tôi đi được.

Rồi kỳ chưa, nó bật ra một câu mà suốt trong đời nó, nó chưa từng nói bao giờ:

- Cám ơn bà.

À, nó mới cảm ơn người đàn bà này là lần đầu. Trước kia, những ai làm gì cho nó, không bị nó ục và chửi cho là may rồi.

Thì ra hoạn nạn dạy người ta nhiều thứ. Nó dạy cho người ta cả sự lễ phép nữa.