Cu Nhớn hát hết bài hát thì chúng đã đến cầu Đuống lúc nào mà không hay. Cu Nhớn muốn trỏ dòng sông cho Đức xem thì Đức gạt ngay:

- Thôi, thôi, sông nào cũng như sông nào mà.

Nó còn hơi sức đâu.

Đầu đường kia là bước chia ly rồi. Phải không? Cu Nhớn đã nói với nó quá cầu này là sắp tới lò gạch. Lúc ấy thì đừng nói một con sông Đáy “trọc đầu”. Đến mười con sông Đáy “mọc tóc” cũng không có nghĩa gì trước con mắt nó nữa. Nghĩ đến lúc phải chia tay với Cu Nhớn, nó tưởng chừng như có một cái gì trong người nó đứt ra.

Ruột nó nôn nao, chân tay nó bải hoải. Nó cứ cung cúc đầu nó đi.

Cu Nhớn thấy thế, vội hỏi:

- Anh lại mệt đấy ư?

Nó quay ngay lại, nói hơi gắt:

- Không, không. Tôi đã bảo tôi không mệt mà.

Cu Nhớn thấy nó có vẻ bực bõ, không dám hỏi nữa, lủi thủi đi theo sau. Đi quá cầu Đuống một quãng, bỗng dưng Đức vứt que, vứt gậy ở tay đi, rồi loạng choạng muốn ngã.

Cu Nhớn vội vàng lại đỡ nó:

- Có phải anh mệt, phải không? Mệt thì nghỉ ở đây. Gần đến nhà rồi, không cần.

Đức ngồi xệp ngay xuống đường, ngồi xệp ngay xuống đất. Rồi nó oà lên khóc.

Cu Nhớn ngơ ngác không hiểu, cũng ngồi xuống cạnh nó:

- Làm sao mà anh khóc thế? Có phải anh mỏi thì anh nghỉ ở đây, rồi ta cùng đi chứ sao?


o O o


Nó ôm ngay lấy cổ Cu Nhớn, gục đầu vào ngực Cu Nhớn:

- Có phải anh bảo quá đây một tí là nhà anh không?

Cu Nhớn chợt hiểu ra, bàng hoàng cả người. Rồi thì cảm động quá, nó cũng ôm lấy cổ thằng Đức, khóc hu hu.

Bóng chiều đổ dần, đổ dần xuống cảnh chia ly. Một người đi qua đường thấy hai đứa trẻ ôm nhau khóc, lên tiếng hỏi:

- Chúng mày làm sao mà khóc đấy?

Không một tiếng giả lời. Chúng nó còn hơi sức đâu; mà có lẽ chúng nó cũng không nghe thấy tiếng nữa.

Không thấy tiếng giả lời, người ấy tiến lại gần:

- Kìa, tao hỏi, tại làm sao mà chúng mày khóc đấy?

Đức đang trong lúc xé lòng, văng ngay:

- Tôi khóc thì mặc kệ chúng tôi, việc gì đến bác!

Rồi nó dắt tay Cu Nhớn, kéo dậy.

Kẻ qua đường thấy nó giả lời một cách vô lễ như thế, lẩm bẩm, quay đi:

- Đồ con nhà mất dạy!

Đức ngửng đầu nhìn lên, toan cãi. Nhưng chỉ một loáng, nó lại cúi đầu xuống.

Còn hơi sức đâu!

Nó khoác tay Cu Nhớn, lẳng lặng đi một đỗi xa. Rồi nó dừng lại, níu lấy áo Cu Nhớn:

- Anh về Hà Nội với tôi, tôi sẽ bảo cậu mợ tôi cho anh đi học. Nhà tôi ăn sướng lắm cơ, có xe nhà cơ, cái gì cũng có đủ. Anh về với tôi, không thì tôi nhớ lắm cơ.

Cu Nhớn nấc lên, rồi ngả đầu vào ngực nó:

- Nhưng còn thầy tôi, nhưng còn bu tôi, nhưng còn em tôi, mà không về với anh, thì tôi cũng nhớ anh lắm!

Đức sốt sắng:

- Tôi sẽ bảo cậu mợ tôi gửi cho rất nhiều tiền cho thầy anh, cho bu anh, cho em anh, anh đừng lo. Cậu mợ tôi chiều tôi lắm kia. Tôi bảo gì, cậu mợ tôi cũng nghe.

Cu Nhớn chứ úp mặt vào ngực nó, thút thít khóc, không nói. Sự cảm xúc đã chẹn lấy họng, còn nói làm sao được nữa!

Chúng nó ôm nhau khóc, khóc mãi. Rồi thì Cu Nhớn mới sẽ gỡ tay ra, nghẹn ngào bảo nó:

- Anh thương tôi, anh yêu tôi, anh bảo thế. Nhưng chắc là thầy tôi không bằng lòng đâu. Bởi như thế tức là tôi đi ở nhờ nhà anh rồi còn gì?


o O o


Đức tưởng như mình hóa dại. Một cái gì cháy ở trong người nó, cháy ở trong đầu nó, cháy ở trong ruột nó:

- Thế thì chúng ta không bao giờ gặp nhau nữa ư?

Cu Nhớn giơ tay vuốt những dòng nước mắt trên má nó:

- Tại làm sao không? Tuy tôi không sang Hà Nội được với anh, nhưng cậu mợ anh chiều anh thì anh rất có thể sang làng tôi chơi với tôi. Thế thì chúng ta được gặp nhau luôn ấy chứ lại.

Phải rồi, trẻ con chúng nó cũng có khi nghĩ đến bước đường dài. Nhưng cái chúng nó khổ nhất là cái hiện tại, Đức van vỉ, nài xin:

- Thế thì ít nhất anh cũng phải sang Hà Nội một lần chứ. Cho cậu mợ tôi biết mặt anh, các chị tôi biết mặt anh, các em tôi biết mặt anh.

Cu Nhớn biết rằng không bao giờ thầy bu nó cho nó đi rồi, nhưng nó cũng nói xuôi:

- Thế để tôi còn xin phép thầy bu tôi xem có được đi không.

Đức cầm ngay lấy tay Cu Nhớn:

- Thế thì chiều nay, anh sang chơi với tôi, rồi tôi bảo thằng bếp nhà tôi nó làm gà cho anh ăn.

Cu Nhớn không còn biết làm thế nào, đành phải gật gật đầu.

Chiều tà đổ thấp hơn. Cảnh vật bắt đầu ảm đạm. Nhưng chúng nó đều không nhận thấy. Cái ảm đạm của lòng chúng nó còn ảm đạm hơn.

Từ đấy thì không thể gọi là chúng nó đi được nữa. Bởi chúng nó có còn nghĩ đến đi đâu. Một bản năng đẩy chúng nó đi đấy thôi. Mệt nhọc, đói rét, khổ sở, cái gì thằng Đức cũng quên tuốt. Nó chỉ còn nhớ cái phút chia lìa sắp tới. Lâu lâu, nó lại ngẩn đầu lên. Và ở chỗ nào, nó cũng hình như trông thấy cái lò gạch.

Cu Nhớn thấy điệu bộ nó như thế, hiểu ngay:

- Chưa đến đâu, anh ạ. Còn một thôi dài nữa kia.

Đức ngửng đầu lên:

- Thế ở tận đâu?

Cu Nhớn trỏ về cái chỗ mù mịt trước mặt, về cái mù mịt của sương chiều đã bắt đầu đổ xuống:

- Kia kìa!

Đức nhìn ở trước mặt, chỉ thấy trắng xoá, sung sướng:

- Ồ, thế thì tôi còn được đi với anh lâu.

Chúng nó đi chậm, đi chậm lắm. Chúng nó đều sợ chóng đến. Chả bù với lúc bắt đầu ở nhà ra đi, chúng nó hăm hở biết chừng nào.

Thằng Đức thấy chân nó nặng, đầu nó nặng, ngực nó nặng, nhưng đây không phải là cái nặng gây ra bởi mệt nhọc, mà là cái nặng trĩu của lòng hiện ra trong những phút tình cảm sôi nổi. Nó nắn cánh tay thằng Cu Nhớn, nó nắn vai thằng Cu Nhớn, nó vuốt sống lưng. Rồi thì có lúc, nó ôm lấy thằng Cu Nhớn, nó hôn lấy hôn để nữa. Thôi thì nó làm đủ các thứ trò.

Cu Nhớn cứ để lặng yên cho nó làm, sung sướng được để cho nó làm, sung sướng được yêu đương, sung sướng được thương nhớ, sung sướng được thấy mình ở cạnh một người bạn.


o O o


Chúng nó lết đi, lết đi rất chậm, nhưng chậm đến đâu, một khi đã đi thì phải tới.

Một làn khói lam chọc làn sương trắng toả lên giời. Cu Nhớn hốt hoảng, nắm lấy tay thằng Đức:

- Thôi, đêm mất rồi, anh ạ.

Đức oà lên khóc, rồi lại ngồi xệp xuống đường. Cu Nhớn mặt nhăn nhó, kéo nó dậy:

- Thôi, tôi lạy anh, anh đừng khóc nữa, anh khóc thì tôi khổ lắm! Đừng khóc nữa, anh ạ. Tôi lạy anh. Tôi lạy anh.

Miệng nó khuyên Đức đừng khóc, nhưng chính nó nước mắt cứ chảy ròng ròng. Chúng nó đứng ngẩn ngơ nhìn nhau một lát. Rồi thì thằng Đức thấy rằng mình cần phải can đảm. Nó chùi nước mắt cho nó, nó chùi nước mắt cho thằng Cu Nhớn. Rồi nó cởi chiếc áo tây:

- Thôi, thế anh giữ chiếc áo này, để bao giờ cũng nhớ đến tôi nhé?

Cu Nhớn nhìn làn sương bao bọc chung quanh:

- Thế thì từ đây về Hà Nội, anh mặc bằng gì? Đêm đến nơi rồi, rét lắm!

Đức tốc bụng, phanh ra trước gió:

- Không, tôi không rét mà. Tôi lạy anh, anh cầm lấy. Chỉ vài hôm là tôi xin phép cậu mợ cho tôi sang chơi với anh. À, hay nếu anh sợ tôi rét thì anh cầm lấy đôi giầy này. Tôi bây giờ đau chân lắm, không đi được nữa. Anh cầm lấy để khi nào đánh nhau với ai, đá cho mạnh.

Cu Nhớn nhìn đôi giầy mà Đức cầm ở tay:

- Tôi không đi giầy bao giờ, chúng nó cười chết.

Đức đang lúc hăng hái:

- Chúng nó cười thì đá vào đít chúng nó ấy chứ.

- Đành hiểu thế rồi, nhưng không quen đi giầy, đau chân lắm. Ấy, những người lính chào mào làng tôi, đi giầy rồi thành bị sâu quảng đấy.

Đức vỗ vào đôi giầy:

- Không, giầy tôi mềm lắm, không đau chân đâu. Với lại thỉnh thoảng anh đi một tí để cho nhớ đến tôi thôi.


o O o


Cu Nhớn biết rằng, nếu mình từ chối thì bạn khổ sở lắm, thứ nhất là trong lúc này:

- Thôi được. Nếu tôi không thể đi thì tôi cứ giữ lấy đấy.

Đức không bằng lòng:

- Ồ, sao lại không đi? Anh phải đi thì anh mới nhớ đến tôi chứ.

Rồi nó bắt Cu Nhớn ngồi xuống vệ đường:

- Anh thử đi thử xem có vừa không nào? À, đôi tất này, đêm đi ngủ mà đắp chiếu như anh, đi nó vào ấm lắm… À, vừa khẳm. À, anh thử đứng dậy đi xem nào?

Cu Nhớn lộc cộc đi lên mấy bước. Đức sung sướng quá, mừng rú lên:

- Đấy, đấy, có đau chân đâu nào?

Cu Nhớn quay lại:

- Ừ, không đau chân thực, giầy anh mềm thực.

Nhưng mềm mà không đau chân thì Cu Nhớn cũng ngồi xuống, cởi ra. Nó tủm tỉm cười, rỉ vào tai:

- Tôi ăn mặc thế này mà đi giầy tây, đi tất, thì đến lò gạch, người ta cười tôi.

Đức nghe bùi tai, cũng cười:

- Ừ nhé, thì lúc nào vắng, anh phải đi nhé. Các em anh nó trông thấy anh đi nó lại tưởng là tôi đấy. Anh về, anh bảo với em anh rằng hôm nào tôi sang thì tôi sẽ mua cho đủ thứ đấy.

- Không cần, tôi cứ giơ đôi giầy này cho chúng nó xem thì chúng nó thích chán, rồi tôi sẽ cho chúng nó đi thử một lượt.


o O o


Trong khi mãi bù khú về vấn đề tương lai, chúng nó quên hẳn cuộc chia ly hiện tại. Nhưng Cu Nhớn nhớ ra trước:

- Thôi, thế anh cứ đứng ở chỗ đồn điền Cổ Bi nhé. Rồi tôi chạy vào, tôi xin thầy tôi cho anh ba xu. Kia kìa, cầu Hà Nội kia kìa. Ở đây thấp, không trông thấy đấy thôi; trèo lên cây là trông thấy ngay. Ở đằng kia có hàng, anh có đói, ra đấy ăn. À, có phải anh bảo đến cầu sông Cái thì anh có thể nhảy xe về nhà anh, phải không?

Đức lại thấy lòng nặng chình chịch, và cái đầu nó cũng nặng chình chịch, lúc gật xuống để trả lời.

- Ồ, nếu thế thì chả mấy chốc. Một loáng là đến nơi thôi.

Rồi nó lại căn dặn Đức, như lúc ra đi, mẹ nó đã căn dặn nó:

- Anh nhớ đi từ từ chứ, nghe không. Anh nhớ đi bên đường chứ, không có xe cộ, nghe không. Anh nhớ ra chỗ hàng kia ăn một xu bún ốc, nghe không?

Đức nhớ, nhớ tất cả, nhưng nó nhớ hơn là Cu Nhớn, vì thế cho nên nó bịn rịn:

- Thế anh về, anh xin phép với thầy anh ra ngồi đây với tôi một chốc nữa, nghe không. Hà Nội sáng lắm, tí nữa tôi về nhà cũng chẳng sao kia mà.