Mợ bực mình, ôm mặt khóc hu hu. Cậu thấy ồn ào, từ cửa hàng chạy vào. Vừa đi, vừa hỏi:

- Cái gì đấy? Cái gì đấy?

Mợ thấy cậu là lô la ngay:

- Đấy, cậu vào mà xem nó! Nó chả chịu học hành gì cả. Chỉ chòng em và đánh em thôi, bảo nó thì nó lăn ra sàn cho bẩn hết quần áo như thế kia kìa. Nó lại còn uống hết cả lọ mực nữa, kia kìa, giời ơi là giời, cậu có dạy được nó không, chứ tôi thì chịu rồi đấy!

Ngọai tứ tuần mới có được một mụn con giai, cậu nuông và chiều lắm. Càng nuông và chiều, vì là đứa con cầu tự.

Năm ba mươi nhăm, sau khi đã đi cầu tự ở chùa Hương, Tứ Tổng, Tuần Cuông, Phố Cát, mợ phải vào luồn khó voi đền Chào, đền Chào gì ở tận trong Thanh, mới sinh được Đức.

Vì thế cho nên mười năm nay, chẳng những cậu mợ không dám đánh bao giờ, đến mắng thật sự cũng không dám mắng nữa. Đức có làm quá thì chỉ la lối lên như thế, hay bực lắm thì mợ khóc.

Và nếu Đức cứ ra gan thì cậu mợ lại phải dỗ đến sứt trán, dỗ bằng lời, dỗ bằng quà, dỗ bằng xu hào. Có khi dỗ bằng sự... dọa cắn lưỡi chết, và dỗ cả bằng sự cho Đức đánh mình.

Lên mười rồi, và đã có ba em gái, nhưng tối là Đức phải nằm với mợ. Đức không bao giờ chịu ngủ với ai cả. Các em có mon men đến gần mợ, là Đức đuổi lấy, đuổi để. Nếu đuổi không đi, Đức đánh thì phải biết.

Các trò sờ vú bú tí, Đức giữ nguyên như hồi còn bé, ai chế Đức vòi thì phải biết có giời dỗ.


o O o


Những con cầu tự phần nhiều xanh lướt và khoe khẳng, ngồi đâu thì chẳng buồn xua ruồi. Và nhát như cáy thì là cái đức chung của hồ khắp.

Đức, trái lại, khoẻ như vâm, và tợn vô kể. Đùa nghịch thì thôi, không còn chổ để tả.

Nhiều khi mợ ngồi nhìn Đức nhảy nhót, tủm tỉm cười liếc cậu:

- Thằng chó, trông không có vẻ con cầu tự một tí nào.

Cậu chúm chím:

- Nó là con quỷ sứ, chứ con cầu tự gì nó.

Rồi thì ở trong con mắt cậu, con mắt mợ, nẩy ra những tia lửa hân hoan. Rồi thì mợ sẽ đánh yêu vào đùi cậu:

- Chỉ rủa con thôi nào!

Những con cầu tự phần nhiều ăn uống nhỏ nhẻ như mèo, vào chúa hay quặt quẹo. Đằng này không, Đức ăn như cọp, và từ bé đáng lý ra chưa mất đồng xu thuốc nào.

Nhưng số kiếp buộc là con nhà giàu, và con một, Đức nhiều khi được lạy van để uống sâm và ăn cao. Sâm và cao, cậu mợ quay đi là Đức cho tuốt con vú em.

Vì thế, vú em của Đức béo như con chút chít. Và thôi, dựa thế dựa thần, nó hống hách nhất trong đám bọn đầy tớ, ai đụng vào nó, nó làm mình, làm mẩy thì phải biết.

Mà hễ nó làm mình, làm mẩy thì cậu mợ lại phải hết sức dỗ ngon, dỗ ngọt, bởi vì Đức không để cho ai hầu cả, trừ nó.

Vào nuôi Đức từ năm ba mươi mốt, bây giờ bốn mốt, đã thành ra con u già, ấy thế mà nó vẫn con xưng "em, em" cái mồm trề ra và dẻo quèo quẹo.

- Nào Đức đi ngủ với "em" nào.

- Nào Đức ra đây "em" tắm nào.

- Nào Đức ra đây "em" thay quần áo nào.

Họ hàng và khách khứa ai cũng chướng tai gai mắt về sự dập dờn của Đức và "em". Chỉ duy có cậu mợ là chẳng thấy chướng một tí nào. Thì cha mẹ có mấy khi thấy bị chướng về con bao giờ, thứ nhất cha mẹ ấy lại đã long đong về đường tử tức quá nửa đời người, mới có một mống.

Chẳng những thế, cậu mợ còn khóai về chỗ vú em độc đoán, tước đi chữ đầu trong cái tiếng "nom compose" ấy.

Mà cậu mợ khóai thế cũng có lý, bởi thật ra "em, em" nghe nó du dương hơn vú em nhiều. Sự du dương ấy phù hợp vào với tấm lòng cậu mợ nuông chiều con.

Đã có nhiều lần, mợ, người mẹ nội trợ thấy mỗi tháng phải nuôi một miệng ăn vô ích và tốn năm đồng bạc tiền công, đề nghị với cậu cho con vú em đem cái tiếng "em" du dương ấy về nói với con nó ở nhà quê, nhưng lần nào đến tai con vú em là nó cũng xúc xiểm cho Đức ăn vạ bằng cách khóc kêu trời và lăn ra đất.

Thôi thế là cậu mợ chịu. Thành ra cái vấn đề tiết kiệm ấy chỉ đề nghị ra mà không bao giờ được quyết nghị cả.


o O o


Đức có giống các "cậu ở chùa Hương" chỉ là giống ở chỗ quấy, quấy thiu thịt, và lười, lười chảy ra.

Năm lên tám mới dám cho đi học, mà hai năm nay rồi. Đức đọc cái thư quốc ngữ chưa được trơn tru mấy.

Chà, cái ngày cho Đức đi học thật có thể gọi là một ngày lịch sử của nhà họ Phạm.

Cậu mợ dậy từ bốn giờ sáng, bàn tán, lo lắng. Rồi tới khi Đức dậy, thật là dỗ như dỗ vong. Thôi lạy van, thôi nũng nịu, thôi cho tiền, ôi thôi, ôi thôi, kể không xiết nữa.

Hoạnh hoẹ đủ trăm khoanh tứ đốm rồi, Đức mới cắp cái cặp vào nách, rồi đưa tay cho vú em. Nhưng trước khi đi, Đức còn bảo cậu mợ:

- Nhưng con đi học là chỉ đi chơi đấy thôi nhé, mợ nhé. chứ con không học đâu đấy nhé.

Mợ thấy con cắp cái cặp vào nách ra phết một cậu học trò, sung sướng trả lời ngay:

- Phải rồi, phải rồi, con đi chơi, chứ ai bắt con đi học.

Từ đấy, cứ mỗi buổi Đức đi học là mợ phải thuê Đức một hào. Một nửa vào túi con vú em, một nửa vào hàng quà.

Con mà đã đến cái thứ phải thuê để đi học thì tất nhiên là phải học trường tư rồi, chứ trường công thì cút sớm, cút sớm.

Hôm xin cho con vào học, cậu đã phải nói lót với ông Đốc trường tư chỉ có vỏn vẹn hai mươi hai học trò:

- Thưa ngài, cháu nó còn bé bỏng lắm, cho cháu đi học đây là để cho nó đỡ nghịch ngợm và chòng các em nó, vậy xin ngài...

Cậu chưa kịp kết luận thì cái ông Đốc đang sung sướng về cái tổng số học trò của trường mình đã nâng được lên hai mươi ba, vội ngắt lời:

- Vâng, tôi hiểu, tôi hiểu, rồi dần dần nó khắc quen đi.

Rồi ông cười cái cười hóm hỉnh để lấy lòng và để che sự mừng rỡ thái quá của mình:

- Chúng ta lúc đầu đi học, ai cũng thế cả.


o O o


- Con đi chơi đấy thôi, chứ con không đi học đâu.

Câu ấy Đức đã thực hành một cách triệt để, đến nỗi đã có mấy lần, một ông Đốc như thế mà phải đề nghị đến sự đuổi Đức. Bởi vì chẳng những Đức lười, Đức lại còn nghịch như quỷ sứ.

Nhưng có lẽ có một ông trời của những bà mẹ, vấn đề ấy chỉ cũng mới đề nghị ra, chứ không bao giờ bị nghị quyết cả.

Ông Đốc tiếc cái số tiền một đồng một tháng cũng có, nể lời cậu mợ cũng có. Càng nể hơn, vì rằm mồng một, và mồng năm ngày Tết, không bao giờ cậu mợ quên không sai thằng bếp bưng một cái quả trong đựng những miếng chín lại biếu ông Đốc.

Và còn cái điểm tâm lý này nữa, nhưng điều này thì có chăng ông Đốc chỉ dám thú với mình, và có lẽ không dám thú cả với mình nữa.

Trong trường, chỉ có Đức là có xe nhà đi đưa về đón. Mà cái xe nhà gì? Một cái xe nhà gọng đồng bóng nhoáng, sơn đen loang loáng.

Đuổi Đức đi, thì trường mình còn đâu cái vẻ "cũng có những con nhà giàu sang" tới học.


o O o


Đức lười chảy ra như thế mà trong hai năm nay đã võ vẽ đọc được, đã nguệch ngọac viết được, thì thật là một điều lạ, mà cái điều lạ ấy, cậu mợ cũng đã lấy làm mãn nguyện lắm rồi.

Đức không bao giờ chịu học cả, ấy thế mà Đức biết được chữ, có lẽ vì Đức có khiếu thông minh, nghe trẻ con chúng nó kêu như cuốc trong hai năm, những chữ tự nhiên chui vào đầu Đức bằng trí nhớ.

Và những khi buồn tình, thấy trẻ con nó cặm cụi viết, Đức cũng gạch chơi, ấy thế rồi quen tay viết được chữ.

Cái hôm Đức đánh vần được chữ mợ, mợ sung sướng phát điên, và cái hôm Đức viết được chữ mợ, mợ thấy mình sắp sửa có thể đi khoe con với bạn hàng được rồi.

Tối hôm ấy thì cậu mợ thì thầm nói chuyện với nhau khuya lắm:

- Thôi, trăng đến rằm, trăng tròn, nó lớn rồi nó khắc biết nghĩ. Con nhà mình lúc nó đã biết nghĩ, học thì mấy chốc. Thế này nó cũng là ngoan và thông minh lắm rồi.

Cậu nghĩ đến sự Đức câu con cá vàng ra rồi bắt chước thầy thuốc mổ cái mắt lồi, làu nhàu:

- Ngoan, ngoan với mợ ấy. Nghịch như quỷ, lười như gấu ấy.

- Ồ, nó thế cho là may đấy. Nó mà không chịu đi học, cứ ở nhà chòng em, thì làm gì được nó chửa?

Cậu cười, nói đùa mợ:

- Thì phễn vào đít nó ấy!

Mợ hốt hoảng:

- Thôi, thôi, tôi xin ông, bao nhiêu công của tôi kêu cầu, Vua mẫu mới thương mà cho tôi đấy. Gớm, ông tưởng một chốc vào tận Thanh mà luồn khố voi được đấy.