Bây giờ mới rõ chân tướng cuộc binh biến ở Tây An

Bây giờ mới rõ chân tướng cuộc binh biến ở Tây An  (1938) 
của Phan Khôi

Bài đăng trên Dư luận, Hà Nội, số 11 (5 Septembre 1938), trang 4, 8; số 12 (12 Septembre 1938), trang 6.

Ngày 12-12 đã thành ngày kỷ niệm của dân Tàu

Cuối năm 1936 ở bên Tàu xảy ra một việc to tát mà có vẻ bí mật kỳ quặc. Trương Học Lương “bắt cóc” Tưởng Giới Thạch ở Tây An. Còn bí mật kỳ quặc hơn nữa là: sau khi việc xảy ra mười lăm hôm, Tưởng và Trương cùng về Nam Kinh, kẻ làm Tổng tư lệnh vẫn lại làm Tổng tư lệnh như thường, còn kẻ đã dám bắt cóc ông Tổng tư lệnh ấy cũng có bị đưa ra tòa án nhưng chỉ xử qua loa cho xong chuyện rồi lại được ân xá.

Lúc việc mới phát ra, đăng tin trên các báo, nhất là các báo Pháp ở đây,[1] người ta cho là cái trò không thể hiểu được, và cứ nay chờ mai, mai chờ mốt để xem thử kết cục ra sao. Khi đã thấy cái kết cục là như thế rồi, người ta “phì” một cái, “suỵt” một cái, bảo rằng thứ “chuyện Tàu” (Chinoiserie), không hơi sức nào mà hiểu!

Còn những người cố hiểu thì cũng đã vắt óc ra để đồ thế này, đề chừng thế nọ. Họ bảo rằng Tưởng Giới Thạch mưu với Trương Học Lương chế tạo ra cuộc binh biến đó, đặng có dịp chế tạo luôn ra những điện tín các nơi ủng hộ Tưởng, hầu tỏ cho thiên hạ biết thế lực mình là mạnh, vì cả nước đều ái đới mình. Họ còn bảo rằng làm một việc mục đích chỉ có thế mà đang tay chém giết đến những bốn mươi vệ binh, thật những kẻ cầm quyền ở đời này quá nhẫn tâm!

Bấy giờ câu chuyện đương còn như “ở trong trái ổi”, mình nghe người ta nói vậy thì hay vậy, dù không tin cũng chẳng cãi chối làm chi, mình biết đâu trong “trái ổi” mà cãi chối!

Đến ngày nay, “trái ổi” ấy đã bổ ra, mình càng không cần cãi chối nữa, chỉ phải mất công thuật lại đầu đuôi cho người ta biết.

Cuộc binh biến ở Tây An đến nay đã giáp một năm tám tháng. Nhưng lúc chưa giáp năm, mới được bảy, tám tháng, nghĩa là lúc tiếng súng ở Lư Cầu Kiều nổ xong, chính phủ Nam Kinh hạ lệnh cho toàn quốc kháng chiến, thì việc ấy đã phơi cả chân tướng ra, quốc dân Tàu đều thấy rõ rồi. Nhận cho là việc có giá trị lớn, nhờ nó mà dân tộc Trung Hoa có cơ phục hưng, nên bắt đầu từ năm ngoái đây người Tàu đã lấy ngày 12 tháng 12, ngày việc xảy ra làm kỷ niệm, gọi là “Song thập nhị”, một khánh tiết mới!

Trong bạn đọc, những ai chưa biết việc này, đọc đến đây hẳn thấy là đột ngột lắm: Quái, việc như thế, sao bây giờ lại đem mà kỷ niệm? Nhưng, để sau sẽ rõ, ở đây tôi cần phải nói qua về đảng cộng sản.

Có người nói cuộc binh biến Tây An thế nào cũng có đảng cộng sản Trung Hoa nhúng tay vào. Thậm chí họ bảo Trương Học Lương, một cậu công tử sang trọng phong lưu nhất nước mà đã nhuộm đỏ, đã đồng mưu với đảng cộng sản làm việc ấy.

Sự đó chúng ta không làm sao biết chắc được. Một tạp chí Tàu nói quyết rằng đảng cộng sản Tàu không hề dự mưu, cũng không đủ cho ta tin. Ở đây tôi nói, là chỉ nói sự quan hệ giữa đảng cộng sản và chính phủ Nam Kinh ở trước và sau cuộc binh biến.

Tưởng Giới Thạch chuyên việc “tiễu cộng” luôn trong mười năm. Hồng quân tuy có thua chạy nhưng chạy đến đâu lại gây thế lực đến đó, họ vẫn mạnh. Những người lĩnh tụ của họ biết điều lắm, thấy cái họa Nhật Bản càng ngày càng tới sát thì không muốn trong nước có cuộc nội chiến kéo dài ra.

Trước cuộc binh biến, đảng cộng sản đã có nhiều lần đưa thư đến cho chính phủ Nam Kinh và Quốc dân đảng, xin hợp nhau tổ chức một mặt trận kháng Nhật chung cho cả 5 dân tộc. Chính phủ Nam Kinh và các lĩnh tụ Quốc dân đảng đối với cái đề nghị ấy tỏ ra hoài nghi lắm, không chịu nhận lời. Thế nhưng sau vụ Tây An, đảng cộng sản lập tức phái một viên toàn quyền đại biểu đến Nam Kinh, trình với Tưởng Giới Thạch, xin đình chỉ nội chiến, hợp hết các đảng phái tổ chức ra mặt trận chống Nhật, thì Tưởng liền nghe theo và thực hành đâu ra đó.

Coi đó thì việc Tây An, cho rằng có đảng cộng sản nhúng tay vào cũng không quá đáng; nhưng cứ bề mặt của việc mà nói thì do những người khác mà ra, chứ đảng cộng sản không dính chi.

Mấy chục vạn tướng sĩ của những đạo quân Đông Bắc, sau khi Đông tam tỉnh mất về tay Nhật Bản rồi, họ lui về giữ Bắc Bình và Thiên Tân. Cuối năm 1935, còn bị người Nhật áp bách nữa, họ lại phải đưa lên hai tỉnh Thiểm Tây và Cam Túc. Mấy chục vạn người ấy, nhà phá, sản nghiệp mất, cha mẹ vợ con lìa tan, đem thân đi đến xứ xa, ăn đói mặc rách, tình trạng rất là thê thảm. Họ muốn đánh với Nhật để cho mát thân lắm chứ, nhưng bấy giờ nhà đương cục lại chủ trương bất đề kháng. Đánh chẳng đánh mà đầu cũng chẳng đầu, cái chính sách lỡ dở ấy làm họ phải điêu đứng chốn tha hương, không còn mong ngày về được. Bấy giờ cái nghĩa phẫn của họ đối với nhà với nước, cái nộ khí của họ đối với kẻ cầm quyền thật đều đã lên đến cực điểm, gặp cơ hội thì phát ra.

Trương Học Lương vốn là chủ súy của mấy chục vạn tướng sĩ ấy, nay lại thống suất họ đóng tại Thiểm Tây để phòng quân cộng sản. Thình lình cơ hội ở đâu đưa đến, những người trai trẻ trong hàng tướng sĩ bèn lấy đại nghĩa hiểu Trương, lấy thế lực bách Trương, bắt phải thi hành cái việc mà họ đã đồng ý quyết định, là việc bắt cóc Tưởng Giới Thạch.

Ngày 12 tháng Chạp năm 1936 (Dân Quốc năm 25), Tưởng đi kinh lý đến Tây An (thủ đô Thiểm Tây) cùng mấy viên thuộc quan và năm mươi vệ binh. Quan quân sở tại mà người ta tưởng là ra nghênh tiếp thì lại xông vào đánh giết hầu hết vệ binh rồi bắt lấy Tưởng, đem giam một chỗ. Việc Trương Học Lương và các tướng sĩ làm đó giống với việc người đời xưa từng làm: “hiếp manh” hay “binh gián”.[2] Bởi vậy, sau khi Tưởng Giới Thạch đã chịu kháng Nhật rồi, thế là mục đích của họ được đạt, họ bèn thả Tưởng trở về Nam Kinh. Lúc Tưởng trở về rồi, tất cả lý hành lời manh ước trong khi bị hiếp, có lẽ nào giở mặt xử tệ với Trương được? Duy đối với bên ngoài, một người đã phạm đến bậc nguyên thủ cũng khó mà bỏ qua không hỏi đến, cho nên vờ đưa Trương ra chịu sự trừng phạt của tòa án rồi lại ân xá ngay.

Một việc xảy ra cách hợp lý như thế, chỉ có đáng phục cái trí, cái dõng, cái tín của những nguời trong cuộc mà thôi, chứ không có gì là kỳ cục, là oái oăm, đáng buồn cười hết; thế mà trong lúc đó người ta đã dám buồi cười, đã dám coi là “chuyện Tàu” như những chuyện Tàu khác.  

*

* *

Trung Hoa từ lập lên Dân Quốc về sau, trải mười lăm năm, bọn quân phiệt nối nhau mà cát cứ, cuộc thống nhất mưu đồ mãi không thành. Đến năm Dân Quốc 16, Tưởng Giới Thạch bắc phạt thành công mà cũng vẫn chưa thống nhất được. Sau khi Trần Tế Đường hạ giã, cánh Tây Nam quy phục trung ương, thì cũng còn có đảng cộng sản làm mưa làm nắng ở một vùng. Họ có thổ địa, có nhân dân, có chánh phủ gọi là sô viết, có quân đội gọi là hồng quân, nghiễm nhiên một nước trong một nước. Cái tình hình ấy nếu không có một sự biến động gì làm nó thay đổi đi mà cứ kéo dài ra mãi, thì nước Tàu cũng vẫn lại nước Tàu hồi Trương Tác Lâm, Đoàn Kỳ Thụy, nhân dân biết bao giờ cho ra khỏi nạn binh đao? Nhờ có cuộc binh biến Tây An, liền đó đảng cộng sản thủ tiêu các cơ quan quân sự và hành chính, chịu hợp tác với chính phủ họ Tưởng, dưới chủ nghĩa tam dân, nền thống nhất của Trung Hoa đến đây mới thật là thống nhất. Có thế rồi mới cả nước một lòng lo chống cự lâu dài với Nhật Bản, hầu cho năm dân tộc được giải phóng và tự do. Do lẽ đó, việc Tây An mà gọi là việc có giá trị rất lớn, cái ngày xảy ra việc ấy mà gọi là ngày dân tộc phục hưng là phải lắm; kỷ niệm cái ngày ấy cũng là phải lắm nữa.

Lâu nay đế quốc Nhật Bản vẫn lợi dụng sự cát cứ của bọn quân phiệt Tàu để cho dễ tiến hành cái chính sách xâm lược; vậy nếu Tàu mà thống nhất thật đi, thì người Nhật chẳng những ghét thôi, lại còn sợ nữa. Họ sợ khi bốn trăm triệu rưỡi người đã họp làm một, sẽ đưa Trung Quốc lên địa vị phú cường ngay mà bất lợi cho họ chăng. Thành thử họ lừa khi nước Tàu mới vừa thống nhất xong, chưa kịp làm gì thì họ đánh.

Sau việc biến ở Tây An, hai đảng Quốc, Cộng mới vừa liên hiệp, chính phủ sô viết Trung Hoa mới vừa giải tán, ngày mồng 7 tháng 7 – cách việc Tây An mới 7 tháng – người Nhật đã chế tạo ra vụ xô xát ở Lư Cầu Kiều để có cớ kéo hàng mấy chục vạn lính và những binh khí tối tân tiến công vào đại lục. Cái chính sách xâm Hoa của đế quốc Nhật từ trước vốn theo chủ nghĩa tiệm tiến, lần này là lần đầu hết thấy họ đại cử và mãnh công.

Tiếng súng ở Lư Cầu Kiều vừa nổ xong, dân khí cả nước Tàu sôi lên sùng sục. Ngày 17 tháng 7, Tưởng Giới Thạch ở Lư Sơn cũng phát ra lời tuyên ngôn trầm hùng bi tráng, quyết một lòng kháng Nhật đến cùng. Các lĩnh tụ đảng cộng sản cũng quay đầu lại với tổ quốc, tình nguyện đem toàn thể hồng quân đặt dưới quyền sai cắt của chính phủ, quyết sống mái cùng quân địch. Nếu không có vụ Tây An, đế quốc Nhật cũng còn chưa đại cử đánh Tàu và nước Tàu cũng còn chưa thống nhất, người Tàu cũng còn chưa đoàn kết thành một mặt trận được như thế.

PHAN KHÔI

   




Chú thích

  1. “Các báo Pháp ở đây”: ý nói các báo của người Pháp xuất bản ở Đông Dương.
  2. Trong sử Tàu đời xưa đã có những chuyện: Hai ông vua hội kiến với nhau để đính một điều ước, ông này dùng thế lực của một dũng sĩ lấy cái chết đe dọa ông kia bắt phải ưng thuận những điều kiện có lợi cho mình; thế gọi là “hiếp manh”; lại có vị đại thần can vua việc gì đó, vua không nghe, bèn cử binh dàn ngay ra dưới cửa khuyết ép vua phải nghe, thế gọi là “binh gián” (nguyên chú của P.K.)