Báo cáo về thúc đẩy tự do và dân chủ năm 2008
Việt Nam
Phần 1
Nhà nước Việt Nam là chế độ độc đảng trong đó công dân không thể thay đổi được chính phủ của họ và chính phủ nghiêm cấm các nhóm chính trị đối lập. Chính phủ đã giam giữ các cá nhân kêu gọi thay đổi chế độ một cách tùy tiện và tước đoạt quyền được xét xử nhanh và công bằng của họ. Mặc dù nhìn chung đã nới lỏng việc kiểm soát nhiều khía cạnh trong cuộc sống của người dân, song Chính phủ Việt Nam vẫn hạn chế quyền tự do ngôn luận, quyền tự do hội họp, quyền tự do đi lại và quyền tự do lập hội của người dân. Chính phủ Việt Nam cũng hạn chế quyền của người lao động, đặc biệt là quyền được tổ chức một cách độc lập. Mặc dù chính phủ hạn chế nhiều hoạt động có tổ chức của các nhóm tôn giáo, song người dân Việt Nam nhìn chung được tự do hành đạo, và Chính phủ tiếp tục hợp pháp hóa nhiều giáo đoàn.
Phần 2
Thuyết phục Việt Nam thực hiện các chuẩn mực đã được quốc tế công nhận nhằm tôn trọng nhân quyền và quyền tự do tôn giáo là ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự của Đại sứ quán Hoa Kỳ. Đại sứ Hoa Kỳ tiếp tục hối thúc Chính phủ Việt Nam loại bỏ các biện pháp hạn chế quyền tự do cơ bản và lên tiếng bênh vực trong những trường hợp chính phủ đã vi phạm quyền con người của các cá nhân. Chính phủ Hoa Kỳ tập trung vào bốn lĩnh vực nhân quyền chủ yếu: thúc đẩy và bảo vệ quyền con người của các cá nhân, bao gồm việc thả tự do các tù nhân chính trị; quyền được tổ chức và hành đạo của các tổ chức tôn giáo; phát triển xã hội dân sự, bao gồm việc thúc đẩy quyền tự do báo chí, các thể chế pháp lý vững mạnh và nâng cao quyền của các tổ chức phi chính phủ; và chống nạn buôn bán người. Chính phủ Hoa Kỳ sử dụng ảnh hưởng ngoại giao; các cuộc đối thoại có trọng điểm với các quan chức Chính phủ Việt Nam về lợi ích của Việt Nam trong bối cảnh quyền tự do được rộng mở và nhân quyền được cải thiện; các nỗ lực ngoại giao công khai nhằm nâng cao nhận thức của những người ra quyết định chủ chốt, các nhà lãnh đạo tương lai và công chúng nói chung; và đối thoại chính thức với chính phủ về các vấn đề nhân quyền và lao động. Chính phủ Hoa Kỳ hợp tác chặt chẽ với các đoàn ngoại giao có quan tâm tới vấn đề này tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh để phối hợp các nỗ lực chung về nhân quyền.
Phần 3
Trong lời kêu gọi các quan chức hàng đầu của Chính phủ Việt Nam và trong các tuyên bố trước các cơ quan truyền thông trong nước và quốc tế, Đại sứ Hoa Kỳ tiếp tục nêu rõ việc thúc đẩy nhân quyền là một trong những ưu tiên hàng đầu trong nhiệm kỳ của ông. Ông kêu gọi Chính phủ cải thiện tình hình nhân quyền, thả tự do những tù nhân có lương tri và thúc đẩy hơn nữa quyền tự do tôn giáo. Ngài Đại sứ đã tái khẳng định thông điệp của Tổng thống Bush gửi Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tháng 6/2007 rằng, để mối quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ tiến triển, Việt Nam cần làm nhiều hơn nữa để tôn trọng nhân quyền.
Cụ thể, Đại sứ đã gặp gỡ các quan chức hàng đầu của Bộ Công an để hối thúc trả tự do cho các tù nhân có lương tri và đề nghị Đại sứ quán được tiếp xúc với một số tù nhân nhằm tìm hiểu tình hình của họ. Ngoài ra, Đại sứ đã gặp gỡ các quan chức khác, bao gồm Bộ trưởng Bộ Tư pháp và Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông, để hối thúc việc xây dựng nhà nước pháp quyền và cho phép mở rộng quyền tự do báo chí và Internet. Trong bối cảnh đó, Hoa Kỳ đã kêu gọi sửa đổi Bộ luật Hình sự của Việt Nam và cho phép mở rộng quyền hoạt động của các văn phòng của các hãng tin nước ngoài tại Việt Nam.
Trong các cuộc gặp gỡ với cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ và nhiều tổ chức có trụ sở tại Hoa Kỳ, Ngài Đại sứ đã lắng nghe những mối quan ngại cụ thể về nhân quyền và nêu rõ cách tiếp cận của ông để thúc đẩy thay đổi tại Việt Nam. Đại sứ Hoa Kỳ cũng đã gặp gỡ các nhà lãnh đạo tôn giáo hàng đầu để đánh giá tình hình tự do tôn giáo và những khó khăn có thể đặt ra với các nhóm tôn giáo theo quy định của pháp luật về tôn giáo tại Việt Nam. Ngài Đại sứ thường xuyên nêu các mối quan ngại như vậy trong các cuộc gặp gỡ với Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ và các quan chức cao cấp khác trong Chính phủ. Các quan chức khác của Đại sứ quán cũng thường xuyên nhấn mạnh những thông điệp như vậy.
Tháng 2/2006, Hoa Kỳ đã nối lại Đối thoại Nhân quyền thường niên với Việt Nam. Sau cuộc đối thoại nhân quyền tháng 4/2007, Chính phủ Việt Nam đã thả tự do thêm một số tù nhân, tăng cường hợp pháp hóa các tổ chức tôn giáo và đã đáp lại những lời kêu gọi của Hoa Kỳ một cách tích cực hơn về cải cách tư pháp và quản trị nhà nước. Ngoài ra, trong cuộc đối thoại về lao động song phương năm 2006, Hoa Kỳ và Việt Nam đã ký bản ghi nhớ nhằm gia hạn việc hợp tác lao động trong các lĩnh vực như thanh tra lao động và thực thi pháp luật, ngăn chặn và loại bỏ tình trạng bóc lột lao động trẻ em và nạn buôn bán người tại Việt Nam. Cả hai bên tiếp tục thảo luận về các vấn đề lao động trong cuộc đối thoại song phương về lao động tháng 10/2007. Những lời kêu gọi liên tục của Chính phủ Hoa Kỳ về lao động và phòng chống buôn bán người đã khiến Chính phủ Việt Nam phê chuẩn Công ước số 29 của Tổ chức Lao động Quốc tế về chống lao động cưỡng bức và thành lập các đơn vị phòng chống du lịch tình dục trẻ em và phòng chống buôn bán người trực thuộc lực lượng cảnh sát. Việc phát triển nguồn nhân lực, quan hệ lao động, mở rộng quyền lao động, an toàn và sức khỏe nghề nghiệp là những lĩnh vực quan trọng khác trong cuộc đối thoại về lao động đang diễn ra hiện nay của Đại sứ quán.
Phần 4
Đại sứ quán thường xuyên tham gia vào cuộc đối thoại giữa các nhà tài trợ nước ngoài và Chính phủ Việt Nam về phòng chống tham nhũng do Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng bảo trợ. Về tự do báo chí, Đại sứ quán ủng hộ việc nâng cao nghiệp vụ cho cơ quan truyền thông bằng cách thường xuyên cử các nhà báo Việt Nam sang Hoa Kỳ đào tạo thông qua Chương trình Khách mời quốc tế. Về xã hội dân sự, Đại sứ quán Hoa Kỳ tích cực tạo điều kiện nâng cao năng lực cho các tổ chức dân sự và tổ chức phi chính phủ. Báo cáo của Chính phủ Hoa Kỳ về tình hình buôn người tại Việt Nam đã trở thành điểm khởi đầu để hợp tác với Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng chống buôn người và thảo luận Chương trình hành động quốc gia chống buôn người và vai trò của xã hội dân sự. Đại sứ quán Hoa Kỳ cũng tiếp tục hợp tác với chính phủ về các vấn đề liên quan tới phụ nữ thông qua các chương trình tài trợ phòng chống bạo lực gia đình và tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào chính trị nhằm hỗ trợ chương trình nghị sự về nhân quyền của Chính phủ Hoa Kỳ.
Tác phẩm này thuộc phạm vi công cộng vì nó là một tác phẩm của chính quyền liên bang Hoa Kỳ (xem 17 U.S.C. 105).
Tác phẩm này thuộc phạm vi công cộng vì nó là một tác phẩm của chính quyền liên bang Hoa Kỳ (xem 17 U.S.C. 105).