Báo cáo năm 2010 về nạn buôn người

Báo cáo năm 2010 về nạn buôn người  (2010) 
của Văn phòng Giám sát và Chống buôn người, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, do Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam dịch

Báo cáo được công bố ngày 14/6/2010.

Văn phòng Giám sát và Chống buôn người

http://www.state.gov/g/tip/rls/tiprpt/2010/142746.htm

Giới thiệu: Mười năm đấu tranh chống lại hình thức nô lệ thời hiện đại

Bản báo cáo về Nạn buôn người năm 2010 đánh dấu mốc 10 năm trong cuộc chiến chống lại chế độ nô lệ thời hiện đại. Năm 2000, Hoa Kỳ đã ban hành Đạo luật Bảo vệ nạn nhân của nạn buôn người, Liên Hợp Quốc đã thông qua Nghị định thư về Ngăn chặn, đẩy lùi và trừng phạt nạn buôn người, đặc biệt là buôn bán phụ nữ và trẻ em, hay còn gọi là Nghị định thư Palermo. Kể từ đó đến nay, thế giới đã đạt được nhiều bước tiến đáng khích lệ trong việc đấu tranh với hình thức bóc lột tột bậc này – cả về những hiểu biết của chúng ta và cách thức chúng ta ứng phó với nó.

Nghị định thư Palermo thu hút sự chú ý của cộng đồng thế giới tới việc chống lại nạn buôn người. Lần đầu tiên có một văn kiện quốc tế kêu gọi hình sự hóa tất cả các hành vi buôn bán người – bao gồm cả lao động cưỡng bức, nô lệ và các hành vi tương tự như nô lệ, đồng thời kêu gọi các động thái của chính phủ cần gắn kết chặt chẽ với mô hình “3P”: Ngăn chặn (Prevention), Truy tố hình sự (Prosecution) và Bảo vệ nạn nhân (Protection). Trong 10 năm qua, các chính phủ trên toàn thế giới đã đạt được những tiến bộ đáng khích lệ trong việc nhận thức những thực tế về buôn bán người: con người đang phải đối mặt với các hình thức nô lệ hiện đại ở hầu hết các quốc gia; buôn bán người là một hiện tượng diễn biến phức tạp tùy theo nhu cầu của thị trường, sự yếu kém của luật pháp và các hình phạt dành cho tội danh này, sự bất bình đẳng về kinh tế và phát triển. Số người bị buôn bán vì mục đích lao động cưỡng bức nhiều hơn số người bị buôn bán vì thương mại tình dục. Hành vi phạm tội dưới hình thức lừa gạt và bắt cóc các nạn nhân trong nước cũng ít hơn hình thức đe dọa và bóc lột những người ban đầu tự nguyện tham gia vào một hoạt động cụ thể nào đó hoặc tự nguyện di cư. Hành vi buôn bán người có thể được thực hiện mà không cần thiết phải di chuyển từ quốc gia này đến quốc gia khác hay từ nơi này đến nơi khác bên trong lãnh thổ quốc gia, nhưng hiện nay vẫn còn rất nhiều nước và nhà bình luận cho rằng yếu tố di chuyển là yếu tố cần phải có. Trong số những nạn nhân của nạn buôn người thì nam giới chiếm một tỷ lệ khá lớn. Những kẻ buôn người thường sử dụng biện pháp bạo lực tình dục như một vũ khí để đàn áp phụ nữ nhằm ép buộc họ phải phục vụ, có thể là ở một khu mỏ khai thác, một nhà máy, nhà chứa, nhà riêng hay tại khu vực đang có chiến tranh.

Mô hình “3P” là một mô hình toàn diện. Sẽ là không đủ nếu chỉ truy tố những kẻ buôn người mà không hỗ trợ cho những người sống sót và không có những hành động đảm bảo rằng sẽ không có ai khác nữa trở thành nạn nhân. Chưa có quốc gia nào thực sự ứng phó một cách toàn toàn diện với loại tội danh phổ biến, thậm chí đang tăng lên và biến đổi không ngừng này. Mười năm tập trung nỗ lực vừa qua mới chỉ là bước khởi đầu của quá trình chống lại hình thức nô lệ thời hiện đại này, rất nhiều quốc gia vẫn đang tìm hiểu về nạn buôn bán người và những biện pháp đối phó tốt nhất với chúng.

Cần triển khai các hoạt động khả thi, các nhóm công tác chuyên trách và các kế hoạch hành động quốc gia của các tổ chức phối hợp hành động từ cấp cơ sở, chính quyền cấp trung ương cần ủng hộ và nhân rộng những sáng kiến của cấp địa phương. Một phần lớn trong số hàng triệu nạn nhân của hình thức nô lệ hiện đại này vẫn chưa được hưởng lợi từ bất kỳ một tiến bộ nào đạt được; mọi quốc gia cần hành động nhiều hơn nữa để thực hiện cam kết của Nghị định thư Palermo.

Theo Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), năm ngoái thế giới đã nhập khẩu hoặc xuất khẩu hàng tỷ đô-la hàng hóa được làm ra bởi lao động cưỡng bức trong quá trình sản xuất và thu mua nguyên liệu thô. Chính phủ các nước đã chủ tâm hoặc không chủ tâm trục xuất các nạn nhân của nạn buôn người mà không cung cấp được cho họ chỗ ở và các dịch vụ tái hòa nhập, điều này đã khiến những cuộc điều tra trở nên kém hiệu quả và quá trình hồi phục của các nạn nhân bị chậm trễ. Họ vẫn phải tiếp tục đấu tranh với những đạo luật về nhập cư được soạn thảo sơ sài, một nguyên nhân khiến những người di cư dễ bị tổn thương hơn đối với nạn buôn bán người.

Khi xem xét bản đánh giá về nạn buôn người ở mỗi quốc gia, cần đặc biệt lưu ý rằng những đánh giá này được dựa trên những tiêu chuẩn tối thiểu được quy định trong Đạo luật Bảo vệ nạn nhân của nạn buôn người (TVPA), như đã được sửa đổi - phản ánh những tiêu chuẩn tối thiểu, chứ không tối đa, mà Chính phủ Hoa Kỳ xem xét để can dự.

Chiến đấu chống lại nạn buôn người không phải là một hoạt động không cần thay đổi, một bộ luật mới về buôn bán người được thông qua vào năm trước cần phải được thực thi và cải thiện vào năm nay. Những bài học rút ra từ những vụ truy tố của năm trước cần được phổ biến và cải thiện việc thực thi luật pháp của năm nay. Sự khác biệt lớn giữa số lượng nạn nhân bị buôn bán được nhận diện và số kẻ buôn bán người bị truy tố cũng cần được xem xét nhằm hướng đến mục tiêu nâng cao năng lực của những người thực thi pháp luật để trả lại công bằng cho các nạn nhân. Mặc dù số lượng các vụ truy tố và kết án những kẻ buôn người là những chỉ số quan trọng để đo lường sự tiến bộ, nhưng chất lượng và tác động của những nỗ lực thực thi luật chống buôn bán người còn có ý nghĩa quan trọng hơn.

Những cơ hội đã bị bỏ lỡ để cảm thông và nhận diện hiệu quả nạn nhân bị buôn bán cần đóng vai trò như một lời kêu gọi thúc giục để đảm bảo rằng năm nay sẽ có một phương pháp tiếp cận chủ động hơn trong việc nhận diện và trợ giúp các nạn nhân nhằm thực thi Nghị định thư Palermo và những đảm bảo của Đạo luật Bảo vệ nạn nhân của nạn buôn người về trả lại sự công bằng cho mọi nạn nhân của nạn buôn người.

Bản báo cáo năm 2010 về nạn buôn người là một công cụ đánh giá phản ánh những nỗ lực hiện đang được thực thi. Bản báo cáo không phải là bản kết tội hay ân xá; cũng không phải là cơ sở khẳng định cho việc xếp hạng ở năm tiếp theo. Thực tế, bản báo cáo năm nay đã nâng bậc xếp hạng 23 quốc gia trên cơ sở ghi nhận những kết quả đạt được sau một thời gian dài và hạ bậc xếp hạng 19 quốc gia nơi mà sự bảo vệ nạn nhân diễn ra lẻ tẻ, việc thực thi thiếu hệ thống hay cơ cấu pháp lý còn chưa đủ mạnh.

Phần lớn những quốc gia phủ nhận sự tồn tại của những nạn nhân của hình thức nô lệ thời hiện đại bên trong lãnh thổ của họ đều đang không tìm kiếm, cố gắng hay tuân thủ theo đúng các yêu cầu của Nghị định thư Palermo và yêu cầu của nhân loại nói chung. Không có gì là xấu hổ khi đứng ra giải quyết vấn đề nghiêm trọng này, chỉ đáng hổ thẹn khi cố tình phớt lờ nó đi.

Những tiêu chuẩn mà Hoa Kỳ áp dụng để đánh giá chính mình cũng là những chuẩn mực được sử dụng để đánh giá các quốc gia khác. Bản báo cáo về nạn buôn người năm nay lần đầu tiên xếp hạng cả Hoa Kỳ cũng như đưa ra những đánh giá đầy đủ và trung thực về những nỗ lực của Hoa Kỳ nhằm chống lại nạn buôn người. Việc xếp hạng phản ánh những đóng góp của các cơ quan chính phủ, các nguồn thông tin đại chúng và các nghiên cứu độc lập của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ. Như các quốc gia khác, Hoa Kỳ nhận thức được rằng, mình cũng gặp phải vấn đề nghiêm trọng về nạn buôn bán người vì mục đích bóc lột lao động và thương mại tình dục. Chính phủ Hoa Kỳ tự hào về những thực tiễn tốt nhất của mình trong cuộc chiến chống tội phạm buôn bán người, nhận diện những thách thức và luôn tìm kiếm những phương thức mới và tăng cường nỗ lực trong nước và tăng cường quan hệ đối tác với các quốc gia khác.

Buôn bán người là gì?

Văn phòng Giám sát và Chống buôn người

http://www.state.gov/g/tip/rls/tiprpt/2010/142746.htm

Trong suốt 15 năm vừa qua, thuật ngữ “buôn bán người” hay “buôn người” đã được sử dụng như những thuật ngữ bao trùm cho các hoạt động có liên quan khi một người khống chế hoặc giữ một người khác để buộc họ phải làm việc. Đạo luật Bảo vệ Nạn nhân buôn người (TVPA) mô tả các loại hình công việc bị ép buộc này bằng các thuật ngữ khác nhau sau đây: nô lệ miễn cưỡng, nô lệ, làm công trừ nợ và lao động cưỡng bức.

Theo Đạo luật Bảo vệ Nạn nhân buôn người, một người có thể là nạn nhân của hoạt động buôn người bất kể trước đó họ đã từng đồng ý, hay có hành vi phạm pháp gây ra do hệ lụy trực tiếp của việc bị buôn bán, bị rơi vào tình trạng bị bóc lột hay thậm chí ngay từ khi sinh ra đã rơi vào hoàn cảnh nô lệ miễn cưỡng. Tâm điểm của hiện tượng này là những hình thức đa dạng của hoạt động nô dịch – chứ không phải là các hoạt động liên quan đến việc vận chuyển trên toàn thế giới.

Các hình thức chủ yếu của nạn buôn người gồm có:

Lao động cưỡng bức

Các nghiên cứu gần đây cho thấy phần lớn các hoạt động buôn bán người trên thế giới núp dưới hình thức lao động cưỡng bức. Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) ước tính tỷ lệ nạn nhân bị buôn bán vì mục đích cưỡng ép tình dục với nạn nhân bị cưỡng bức lao động là 1:9. Lao động cưỡng bức, hay còn được gọi là nô lệ cưỡng bức có thể đã xảy ra khi những kẻ sử dụng lao động bất lương bóc lột những người lao động dễ bị tổn thương hơn do tỷ lệ thất nghiệp cao, nghèo đói, tội ác, phân biệt, tham nhũng, xung đột chính trị hay do nền văn hóa chấp nhận hoạt động này. Người nhập cư là đối tượng đặc biệt dễ bị tổn thương, nhưng người ta cũng có thể bị cưỡng ép lao động ngay tại chính đất nước mình. Những nạn nhân nữ của lao động cưỡng bức hay lao động trừ nợ, nhất là những phụ nữ và em gái làm nô lệ tại gia cũng thường xuyên bị bóc lột tình dục.

Buôn người vì mục đích tình dục

Buôn người vì mục đích tình dục chiếm một tỷ lệ nhỏ hơn nhưng vẫn là một phần đáng kể trong toàn bộ các hình thức buôn bán người. Khi một người trưởng thành bị đe dọa, cưỡng ép hay lừa gạt làm mại dâm – hay tiếp tục bị buộc làm mại dâm do bị đe dọa – thì người đó là nạn nhân của hoạt động buôn người vì mục đích tình dục. Tất cả những ai tham gia vào quá trình tuyển dụng, chứa chấp, vận chuyển, tiếp nhận hay giành lấy đối tượng vì mục đích này đều là người phạm tội buôn bán người. Buôn người vì mục đích tình dục cũng có thể xảy ra bên trong phạm vi hình thức lao động trừ nợ khi phụ nữ và trẻ em gái bị ép buộc phải tiếp tục hoạt động mại dâm vì những khoản “nợ” bất hợp pháp xuất phát từ việc vận chuyển, tuyển dụng, thậm chí là “bán” họ, và những kẻ bóc lột yêu cầu họ phải trả trước khi được tự do. Cũng cần hiểu rõ rằng việc một người ban đầu tự nguyện tham gia hoạt động mại dâm không phải là yếu tố pháp lý có vai trò quyết định: nếu sau đó họ bị ép buộc hành nghề vì bị lừa gạt về mặt tâm lý hay cưỡng ép về thể chất thì họ vẫn là nạn nhân của hoạt động buôn người và cần được nhận những lợi ích được nêu trong Nghị định thư Palermo và các luật sở tại hiện hành.

Lao động trừ nợ

Sử dụng các khoản nợ làm một hình thức để cưỡng ép hay đe dọa. Thông thường, hành vi này được gọi là “lao động trừ nợ” hay “làm công trừ nợ” và từ lâu đã bị luật pháp Hoa Kỳ nghiêm cấm - được quy định trong luật pháp Hoa Kỳ dưới tên peonage theo tiếng Tây Ban Nha - và Nghị định thư Palermo cũng đã yêu cầu hình sự hóa hoạt động này như là một hình thức buôn bán người. Người lao động trên khắp thế giới trở thành nạn nhân của lao động trừ nợ khi những kẻ buôn người hay chủ lao động gắn điều kiện bất hợp pháp rằng người lao động phải mặc nhiên chịu một khoản nợ ban đầu trước khi chính thức được nhận vào làm việc. Người lao động cũng có thể phải gánh một khoản nợ do các hệ thống lao động trừ nợ truyền thống hơn. Chẳng hạn như ở Nam Á, theo ước tính có hàng triệu nạn nhân bị buôn bán phải làm việc để trả các khoản nợ của ông cha họ.

Lao động di cư làm công để trừ nợ

Sự lạm dụng các hợp đồng và điều kiện lao động nguy hiểm đối với những lao động di cư không nhất thiết cấu thành hành vi buôn bán người. Tuy nhiên, các chi phí bất hợp pháp và các khoản nợ của họ ở nước nguồn, thông thường có sự hỗ trợ của các tổ chức lao động và người sử dụng lao động ở nước đến có thể là nguyên nhân dẫn đến tình trạng làm công trừ nợ. Trường hợp này xảy ra ngay cả khi người lao động làm việc cho chủ lao động với tư cách lao động ngắn hạn trong các chương trình làm việc tạm thời.

Nô lệ tại gia

Một hình thức lao động cưỡng bức đặc biệt là những người lao động tại gia bị bắt làm nô lệ miễn cưỡng, họ làm việc trong môi trường không chính thống, cũng là nơi sinh sống và thường không làm việc cùng với những người lao động khác. Môi trường này thường tách biệt những người lao động tại gia khỏi xã hội, tạo thuận lợi cho việc bóc lột cưỡng ép vì chính quyền không thể dễ dàng kiểm tra các địa điểm thuộc sở hữu tư nhân như với những nơi làm việc chính thống. Các thanh tra và người lao động cho biết có rất nhiều trường hợp bị ốm đau mà không được chữa trị, và bi kịch hơn, đó là tình trạng lạm dụng tình dục lan tràn, trong một số trường hợp thì đây có thể là dấu hiệu của tình trạng nộ lệ miễn cưỡng.

Lao động trẻ em cưỡng bức

Phần lớn cả các tổ chức quốc tế và luật pháp của các nước đều thừa nhận trẻ em có thể tham gia vào một số loại hình công việc một cách hợp pháp. Tuy nhiên ngày càng có nhiều sự đồng thuận về việc cần xóa bỏ những hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất. Việc mua bán trẻ em và lừa gạt trẻ em khiến các em rơi vào tình trạng bị cưỡng bức lao động hay lao động trừ nợ là một trong những hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất và cũng là những hình thức của nạn buôn người. Một trẻ nhỏ có thể là nạn nhân của hoạt động buôn người bất kể địa điểm bị bóc lột là ở đâu. Những dấu hiệu của việc trẻ em có thể bị cưỡng bức lao động bao gồm cả những trường hợp mà trẻ em có vẻ như bị một người không trong gia đình giữ, mà những công việc các em làm lại mang lại lợi ích vật chất cho một người khác không thuộc gia đình của các em đó và không cho các em được lựa chọn được rời đi. Các hành động đối phó với nạn buôn người cần được bổ sung nhưng không thay thế các biện pháp truyền thống chống lại lao động trẻ em, chẳng hạn như giáo dục. Tuy nhiên, khi trẻ em bị bắt làm nô lệ thì không thể để những kẻ lạm dụng các em thoát khỏi các hình phạt hình sự bằng cách thay thế bằng các biện pháp xử lý hành chính đối với những vi phạm về lao động trẻ em.

Lính trẻ em

Lính trẻ em có thể là một dấu hiệu của hành vi buôn bán người khi các lực lượng vũ trang tuyển dụng hay sử dụng bất hợp pháp trẻ em – bằng biện pháp cưỡng ép, gian lận hay đe dọa – nhằm mục đích biến các em thành lính tham gia chiến đấu hoặc để bóc lột lao động hoặc tình dục. Thủ phạm gây ra những vụ buôn bán này có thể là các lực lượng thuộc chính phủ, các tổ chức bán quân sự hoặc các nhóm phiến quân. Nhiều trẻ em bị bắt cóc bằng vũ lực và bị bắt đi lính. Những trẻ em khác bị bắt làm khuân vác, đầu bếp, bảo vệ, đầy tớ, người đưa tin hay gián điệp một cách bất hợp pháp. Những em gái có thể bị cưỡng ép kết hôn hay quan hệ tình dục với những người lính là nam giới. Cả lính trẻ em trai và gái đều thường xuyên bị lạm dụng tình dục và có nguy cơ cao bị lây nhiễm các bệnh truyền qua đường tình dục.

Buôn bán trẻ em vì mục đích tình dục

Theo Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc, UNICEF, có đến hai triệu trẻ em phải hoạt động mại dâm trong ngành thương mại tình dục trên toàn cầu. Các hiệp ước và nghị định thư quốc tế đều bắt buộc phải hình sự hóa việc bóc lột tình dục trẻ em vì mục đích thương mại. Hành vi sử dụng trẻ em trong ngành thương mại tình dục bị luật pháp Hoa Kỳ, Nghị định thư Palermo và ở các quốc gia trên toàn thế giới nghiêm cấm. Không có bất kỳ một ngoại lệ hay lý giải về văn hóa hay kinh tế xã hội nào có thể ngăn cản việc giải cứu trẻ em khỏi tình trạng bị cưỡng bức tình dục. Nạn buôn người vì mục đích tình dục gây ra những hậu quả vô cùng nghiêm trọng với trẻ em, trong đó có những tổn thương lâu dài cả về sinh lý và tâm lý, bệnh tật (gồm cả HIV/AIDS), nghiện ma túy, mang thai ngoài ý muốn, suy dinh dưỡng, bị xã hội tẩy chay và có thể còn dẫn đến tử vong.

Việt Nam (trong danh sách Loại 2 – Cần được theo dõi)

Văn phòng Giám sát và Chống buôn người

http://www.state.gov/g/tip/rls/tiprpt/2010/142746.htm

Việt Nam vừa là nước nguồn vừa là nước đến của nam giới, phụ nữ và trẻ em bị buôn bán đặc biệt là vì mục đích cưỡng ép lao động hoặc cưỡng ép tình dục. Việt Nam là nước nguồn của nam giới và phụ nữ di cư sang nước ngoài để làm việc, chủ yếu thông qua các công ty xuất khẩu lao động nhà nước và các công ty xuất khẩu lao động tư nhân, họ thường được tuyển vào làm việc trong ngành xây dựng, khai thác thủy sản và sản xuất, chủ yếu ở các nước như Malaysia, Đài Loan, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, cũng như ở Thái Lan, Indonesia, Vương quốc Anh, Cộng hòa Séc, Nga và Trung Đông, và một số người đã rơi vào tình trạng bị cưỡng ép lao động. Phụ nữ và trẻ em Việt Nam bị bán sang các nước ở châu Á vì mục đích cưỡng ép tình dục thường bị lừa gạt bởi các cơ hội việc làm giả mạo và bị bán cho các nhà chứa ở biên giới với Campuchia, Trung Quốc và Lào, một số người sau đó bị đưa sang nước thứ ba như Thái Lan và Malaysia. Các công ty xuất khẩu lao động Việt Nam, hầu hết là các công ty nhà nước có thể áp dụng mức phí cao hơn mức phí mà luật pháp quy định, đôi khi người lao động phải trả cho các công ty tuyển dụng mức phí lên đến 10.000 đô-la Mỹ để sang nước ngoài làm việc, họ phải gánh những khoản nợ thuộc loại lớn nhất trong số những công nhân châu Á làm việc tại nước ngoài, khiến họ dễ rơi vào tình trạng bị lao động trừ nợ và lao động cưỡng bức, và khi sang đến nước đến, một vài công nhân mới nhận ra rằng họ bị bắt buộc phải làm việc trong những điều kiện dưới chuẩn, được trả lương rất ít hoặc không được trả lương và không được tiếp cận với kênh trợ giúp pháp lý đáng tin cậy nào.

Các báo cáo cũng chỉ ra rằng một số công ty tuyển dụng không cho phép công nhân xem trước hợp đồng cho đến tận ngày cuối cùng trước ngày dự định khởi hành và sau khi họ đã phải nộp một khoản phí tuyển dụng khá lớn; một số công nhân cho biết họ phải ký kết hợp đồng được viết bằng một thứ tiếng mà họ không hiểu. Đã có một số trường hợp được ghi nhận về việc các công ty tuyển dụng không đáp ứng yêu cầu trợ giúp của công nhân khi họ bị bóc lột. Có những báo cáo cho thấy cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã dẫn đến việc một số hợp đồng lao động phải kết thúc trước thời hạn và một số người nhập cư phải về Việt Nam sớm hơn dự kiến, kèm theo đó là những khoản nợ lớn, đặt họ trước nguy cơ bị cưỡng ép lao động. Cũng có những báo cáo cho thấy một số trẻ em Việt Nam bị buôn bán vì mục đích cưỡng ép lao động trong nước và ở nước ngoài. Phụ nữ và trẻ em Việt Nam bị đưa đến nhiều địa điểm khác nhau trên khắp châu Á buộc làm mại dâm, họ thường bị lừa gạt bởi những cơ hội việc làm giả mạo và bị bán cho các nhà chứa ở vùng biên giới giáp với Campuchia, Trung Quốc và Lào, một số người sau đó bị đưa sang nước thứ ba như Thái Lan và Malaysia. Ở cả hai trường hợp bị buôn bán vì mục đích tình dục và lao động, thì các biện pháp như bắt làm trừ nợ, tịch thu giấy tờ tùy thân và giấy thông hành, và đe dọa trục xuất đều được sử dụng để dọa dẫm nạn nhân. Một số phụ nữ Việt Nam nhập cư vào Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Công, Macau và với số lượng ngày càng tăng tới Hàn Quốc –– thông qua các cuộc hôn nhân với người nước ngoài qua mai mối sau đó đã rơi vào hoàn cảnh bị cưỡng ép lao động hoặc cưỡng ép tình dục hoặc cả hai. Trẻ em Campuchia và trẻ em Việt Nam ở các vùng nông thôn bị bóc lột tình dục vì mục đích thương mại, bị buộc phải bán hàng rong trên phố và đi xin ăn ở các thành phố lớn, các em thường là nạn nhân của những đường dây tội phạm có tổ chức, một số trẻ em Việt Nam là nạn nhân của các vụ cưỡng ép lao động và lao động trừ nợ ở các nhà xưởng quy mô gia đình. Việt Nam là đích đến của những khách du lịch tình dục trẻ em, theo báo cáo thì những người này đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, Vương quốc Anh, Úc, châu Âu và Hoa Kỳ, tuy nhiên hoạt động này không được cho là sẽ lan rộng.

Chính phủ Việt Nam chưa tuân thủ đầy đủ những tiêu chuẩn tối thiểu nhưng cũng đã có những nỗ lực đáng kể nhằm xóa bỏ nạn buôn người. Mặc dù Chính phủ vẫn tiếp tục nỗ lực nhằm chống lại nạn buôn người vì mục đích tình dục xuyên biên giới và bảo vệ một số nạn nhân của nạn buôn người, nhưng không có bằng chứng cho thấy có tiến bộ trong việc truy tố hình sự và trừng phạt những kẻ buôn bán người vì mục đích lao động và bảo vệ các nạn nhân của tất cả các hình thức buôn bán người khác, đặc biệt là nạn nhân của nạn buôn người vì mục đích lao động và buôn người trong nước. Do đó, Việt Nam bị xếp vào danh sách Loại 2 cần theo dõi. Chưa có một báo cáo nào về việc truy tố hoạt động buôn người vì mục đích lao động nào từ phía Chính phủ. Chính phủ khuyến khích việc tăng cường xuất khẩu lao động, coi đây như một cách thức nhằm giải quyết tình trạng thất nghiệp và giảm nghèo và là nguồn cung cấp kiều hối, nhưng lại chưa có đủ các biện pháp để bảo vệ quyền lợi của các lao động Việt Nam nhập cư hay ngăn chặn các vụ buôn bán lao động mới, chẳng hạn như áp dụng các quy định phù hợp để quản lý các công ty tuyển dụng lao động. Ngoài ra, Chính phủ cũng chưa nỗ lực giải quyết vấn đề buôn bán người diễn ra trong lãnh thổ Việt Nam.

Những khuyến nghị đối với Việt Nam: Nghiêm cấm và đưa ra hình phạt ở cấp hình sự đối với các tội danh buôn người vì mục đích lao động; truy tố hình sự những người liên quan đến lao động cưỡng bức, tuyển dụng vì mục đích bóc lột lao động, hay gian lận trong tuyển dụng; xây dựng quy trình chính thức cho việc nhận diện các nạn nhân bị buôn bán vì mục đích lao động, dựa trên các dấu hiệu về lao động cưỡng bức được công nhận chẳng hạn như việc những nhà tuyển dụng và bên môi giới tịch thu giấy thông hành của người lao động; nhận diện những lao động Việt Nam di cư bị cưỡng bức lao động và cung cấp cho họ những dịch vụ dành cho nạn nhân; tăng cường nỗ lực bảo vệ người lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc thông qua các công ty xuất khẩu lao động; đảm bảo các công ty tuyển dụng được Nhà nước cấp phép không can dự vào các vụ gian lận hay nhận các khoản hoa hồng bất hợp pháp cho việc đưa người đi lao động tại nước ngoài; có các biện pháp để đảm bảo rằng các nạn nhân bị bán làm lao động không bị đe dọa hay trừng phạt vì đã biểu tình phản đối điều kiện lao động hoặc rời khỏi nơi bị bóc lột sức lao động ở cả trong nước và nước ngoài; đảm bảo các nạn nhân là nam giới và các nạn nhân của nạn buôn người vì mục đích lao động được cung cấp các dịch vụ hỗ trợ và bảo vệ; đảm bảo người lao động được bồi thường pháp lý thỏa đáng do hậu quả của việc bị buôn bán; nỗ lực hơn nữa nhằm phối hợp chặt chẽ với chính phủ các nước là điểm đến để điều tra và khởi tố các vụ buôn người, bao gồm cả các vụ buôn người vì mục đích lao động; tăng cường hợp tác liên ngành trong các nỗ lực chống buôn người; thực hiện và hỗ trợ một chiến dịch cụ thể nhằm nâng cao nhận thức về phòng chống buôn bán người hướng đến những khách hàng của ngành thương mại tình dục.

Truy tố

Chính phủ Việt Nam đã thể hiện những nỗ lực trong việc tăng cường công tác thực thi pháp luật nhằm ngăn chặn việc buôn người bóc lột tình dục xuyên quốc gia, tuy nhiên những số liệu này của Chính phủ bao gồm cả một số tội danh không nằm trong tội danh buôn người chẳng hạn như bắt cóc và bán trẻ em làm con nuôi. Chính phủ cũng không có bất kỳ báo cáo nào về các vụ điều tra hay truy tố các trường hợp buôn bán người trong nước hay buôn bán lao động mà nạn nhân là công dân Việt Nam. Mặc dù các điều khoản quy định tại Điều 119 Bộ luật Hình sự có thể được sử dụng để khởi tố một số hình thức buôn người và trong năm nay đã được mở rộng phạm vi để bao gồm cả các nạn nhân là nam giới, nhưng các bộ luật hiện hành vẫn chưa điều chỉnh được toàn bộ các hình thức buôn người, trong đó có buôn người vì mục đích lao động và việc tuyển dụng để buôn người, che dấu các nạn nhân của nạn buôn người. Phần lớn những kẻ buôn người bị khởi tố theo Điều 119 và 120 của Bộ luật Hình sự, và những điều khoản này cũng có thể được sử dụng để truy tố nhiều tội danh khác có liên quan. Luật của Việt Nam không có các điều khoản điều chỉnh tội âm mưu thực hiện hành vi buôn bán người, đồng phạm và tổ chức hoặc chỉ đạo người khác thực hiện hành vi phạm tội. Trong năm qua, Chính phủ đã thừa nhận nạn buôn bán người vì mục đích lao động và buôn bán nam giới có xảy ra, Quốc hội cũng đã bỏ phiếu thông qua việc mở rộng các luật liên quan đến buôn bán người nhằm bao hàm cả những nạn nhân là nam giới. Tuy nhiên, Chính phủ vẫn chưa có động thái nào để nhận diện các trường hợp buôn bán người vì mục đích lao động. Các luật về lao động hiện hành của Việt Nam không quy định các mức phạt hình sự đối với hành vi buôn người vì mục đích lao động.

Những tranh chấp về hợp đồng giữa người lao động và công ty tuyển dụng lao động xuất khẩu đặt tại Việt Nam hay các công ty tuyển dụng nước ngoài hầu như được giao hoàn toàn cho công ty tuyển dụng lao động xuất khẩu giải quyết. Mặc dù người lao động có quyền hợp pháp để đưa các vụ việc ra tòa, nhưng trong thực tế chỉ có rất ít các trường hợp có đủ nguồn lực để làm việc này, cũng không có số liệu nào cho thấy số nạn nhân Việt Nam bị buôn bán vì mục đích lao động được bồi thường trước tòa; do vậy, người lao động trên thực tế đã không thực hiện được quyền đòi bồi thường theo pháp luật một cách thỏa đáng. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết trong năm 2009, đã có 98 công ty tuyển dụng lao động bị phạt với tổng số tiền phạt là 10.900 đô-la Mỹ, hai công ty bị thu hồi giấy phép hoạt động. Tuy nhiên, Chính phủ không hề báo cáo về các vụ điều tra, truy tố hay kết án nào đối với những kẻ buôn người vì mục đích lao động trong suốt thời gian đánh giá của báo cáo này. Tòa án Nhân dân Tối cao Việt Nam cho biết trong năm 2009 cảnh sát đã điều tra 183 vụ buôn bán người vì mục đích tình dục, bao gồm 440 kẻ tình nghi và kết án 360 kẻ phạm tội buôn bán người vì mục đích tình dục; tuy nhiên những số liệu này dựa trên Điều 119 và 120 Bộ luật Hình sự Việt Nam, trong đó điều chỉnh cả các tội danh không phải tội buôn bán người, bao gồm tội buôn người và bắt cóc trẻ em làm con nuôi. Hầu hết những người phạm tội bị kết án từ ba đến bảy năm tù giam. Chính phủ không báo cáo bất kỳ vụ truy tố hay kết án nào đối với các trường hợp buôn bán người bên trong lãnh thổ Việt Nam. Các vụ tham nhũng liên quan đến buôn người có xảy ra tại cấp địa phương, nơi các quan chức ở khu vực biên giới và cửa khẩu nhận hối lộ để làm ngơ trước những hoạt động này, tuy nhiên, chính phủ chưa bao giờ báo cáo về bất kỳ vụ điều tra hay truy tố cán bộ vì tội đồng lõa với bọn buôn người nào.

Bảo vệ nạn nhân

Chính phủ Việt Nam vẫn tiếp tục có nỗ lực bảo vệ các nạn nhân của nạn buôn người xuyên biên giới vì mục đích tình dục, nhưng chính quyền cần tiếp tục tăng cường nỗ lực nhận diện hay bảo vệ nạn nhân của nạn buôn người vì mục đích lao động hay buôn người trong nước. Chính phủ đã không áp dụng các quy trình hệ thống trên phạm vi toàn quốc để chủ động nhận diện hiệu quả các nạn nhân của nạn buôn người trong những nhóm dễ bị tổn thương, ví dụ như phụ nữ bị bắt làm nghề mại dâm và những người lao động nhập cư hồi hương, và những nỗ lực nhận diện nạn nhân vẫn còn yếu ở tất cả các luồng nhập cư và buôn người được xác định. Lực lượng công an và biên phòng ở cấp tỉnh và huyện được đào tạo rất ít về cách thức nhận diện nạn nhân của nạn buôn người cũng như cách thức xử lý các trường hợp này, mặc dù ít nhiều cũng đã nâng cao được năng lực giám sát và điều tra của cán bộ, nhưng do thiếu đào tạo nên khiến các cuộc điều tra không hiệu quả và kỹ năng nghèo nàn khiến một số nạn nhân rơi vào tình huống bất lợi. Theo báo cáo của Ủy ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống nạn buôn người của Việt Nam, cảnh sát Việt Nam và nước ngoài đã nhận diện được 250 nạn nhân người Việt, các chính phủ nước ngoài đã nhận diện được 500 nạn nhân và đưa họ hồi hương, trong số này có 100 người bị đưa sang Hàn Quốc, Malaysia và Singapore; tuy nhiên, các số liệu của Việt Nam bao gồm một số vụ án liên quan đến việc trẻ em bị bắt cóc và bị bán làm con nuôi, một loại tội phạm không được xếp vào loại buôn bán người theo luật pháp Hoa Kỳ.

Chính phủ Việt Nam đã không cung cấp sự hỗ trợ và bảo vệ pháp lý đầy đủ cho gần 500.000 người lao động Việt Nam ở nước ngoài trong tình trạng bị lao động cưỡng bức. Trong năm vừa qua, đã có một số lượng lớn các báo cáo về việc các công ty xuất khẩu lao động thu tiền vượt mức. Trong một số ít trường hợp, chính quyền đã yêu cầu các công ty này phải trả người lao động khoản phí đã bị thu quá mức. Trong năm vừa qua, Chính phủ đã ký kết ba thỏa thuận mới với Libi, Các tiểu vương quốc Arập Thống nhất và Canađa về cung cấp lao động Việt Nam, tuy nhiên không rõ các hợp đồng ký với chính phủ của các nước có nhu cầu về lao động này có bao gồm các điều khoản về ngăn ngừa nạn buôn người và bảo vệ các nạn nhân của nạn buôn người hay không. Việt Nam không có Đại sứ quán ở nhiều quốc gia nơi xảy ra hoạt động buôn bán người và những biện pháp bảo vệ người lao động di cư cũng thường không hiệu quả; theo phản ánh thì những quan chức ngoại giao thường không phản hồi nhanh chóng với các khiếu nại về việc bị bóc lột, lạm dụng và bị buôn bán của những người lao động di cư. Các quy định của Chính phủ không cấm các công ty xuất khẩu lao động giữ hộ chiếu của người lao động khi họ đến nơi và được biết là các công ty này có thu các giấy tờ thông hành của người lao động, một nhân tố được coi là góp phần vào hoạt động buôn bán người. Người lao động Việt Nam không được trợ giúp pháp lý đầy đủ để có thể khởi kiện các công ty tuyển dụng lao động ra tòa trong những trường hợp mà họ có thể trở thành nạn nhân của nạn buôn người. Được biết, tháng 12 năm 2009, một tòa án Hà Nội đã bãi nại một vụ kiện dân sự do một số nạn nhân của vụ buôn bán lao động sang Jordan năm 2008 khởi kiện bốn công ty xuất khẩu lao động. Không có báo cáo nào về việc nạn nhân của các vụ buôn người vì mục đích lao động nhận được trợ giúp qua các tòa án dân sự ở Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã hợp tác với các tổ chức phi chính phủ thành lập 8 khu nhà tạm lánh ở ba tỉnh thành để tư vấn, đào tạo nghề cho các nạn nhân nữ của các vụ buôn bán người vì mục đích tình dục. Tuy nhiên, Chính phủ vẫn thiếu nguồn lực và chuyên môn để hỗ trợ cho các hệ thống nhà tạm lánh này một cách đầy đủ. Hệ quả là ở nhiều nơi, các hệ thống nhà tạm lánh rất thiếu thốn, thiếu nguồn kinh phí hoạt động và nguồn nhân lực được đào tạo bài bản. Không nhà tạm lánh hay dịch vụ cụ thể nào được trang bị để hỗ trợ các nạn nhân nam của các vụ buôn người hay nạn nhân của các vụ buôn người vì mục đích lao động. Các dịch vụ tại nhà tạm lánh hiện tại chỉ tập trung hỗ trợ những nạn nhân nữ của nạn buôn người vì mục đích tình dục; Chính phủ đã kêu gọi các bộ, ngành cung cấp dịch vụ cho các nạn nhân của nạn buôn người và mở rộng những dịch vụ này cho cả nam giới. Một tổ chức phi chính phủ cho biết bộ đội biên phòng Việt Nam đã đưa năm người đàn ông là nạn nhân bị buôn bán vì mục đích lao động đến một trung tâm đón tiếp nạn nhân, nơi có hỗ trợ y tế và đào tạo nghề. Các chính quyền báo cáo rằng những nạn nhân Việt Nam hồi hương nếu đã được chính quyền chính thức xác nhận là nạn nhân thì đều không bị phạt vì những hành động trái pháp luật họ đã làm do hệ lụy của việc bị buôn bán. Chính phủ có một hệ thống để nhận diện các nạn nhân của các vụ buôn người vì mục đích tình dục xuyên quốc gia, nhưng lại không có một hệ thống toàn diện để nhận diện các nạn nhân của các vụ buôn người trong nước hay buôn người vì mục đích lao động trong các nhóm dễ bị tổn thương. Một số nạn nhân bị bán làm lao động phản ánh là chính quyền đã không hỗ trợ họ để đòi lại khoản phí dịch vụ trong một số trường hợp hợp đồng bị chấm dứt trước thời hạn mà không phải do lỗi của người lao động thông qua hệ thống tòa án dân sự. Chính phủ khuyến khích các nạn nhân hỗ trợ quá trình truy tố những kẻ đã buôn bán họ, tuy nhiên không có số liệu về số nạn nhân tham gia và quá trình truy tố trong khoảng thời gian thực hiện báo cáo. Các nạn nhân thường miễn cưỡng tham gia vào các vụ điều tra hay xét xử do lo ngại bị xã hội kỳ thị, sợ bị cộng đồng nơi họ sinh sống lên án và thiếu động lực để tham gia và bảo vệ nhân chứng. Chưa có các biện pháp pháp lý nào khác để đưa những nạn nhân ở nước ngoài trở về nước nơi mà họ phải đối mặt với sự trừng phạt hay gặp nhiều khó khăn. Năm 2009, Bộ Công an, với sự trợ giúp của một tổ chức phi chính phủ, đã xây dựng những hướng dẫn nhằm bảo vệ các nạn nhân của nạn buôn người trong quá trình điều tra và truy tố. Cũng trong năm qua, lực lượng Biên phòng đã phối hợp với một tổ chức quốc tế để tiến hành đào tạo cho một số đồn biên phòng về nhận diện và hỗ trợ các nạn nhân của nạn buôn người.

Phòng ngừa

Chính phủ Việt Nam tiếp tục có những nỗ lực ngăn chặn nạn buôn người với sự hỗ trợ và hợp tác của các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ và các nhà tài trợ nước ngoài. Mặc dù Chính phủ vẫn tiếp tục đẩy mạnh mục tiêu tăng xuất khẩu lao động, kể cả ở một số quốc gia nơi mà tình trạng những lao động di cư bị lạm dụng diễn ra rất phổ biến, nhưng lại chưa có những nỗ lực thích hợp để ngăn chặn việc buôn bán lao động bằng cách yêu cầu chính phủ của các nước nơi người lao động đến làm việc cung cấp các biện pháp bảo vệ phù hợp để chống lại việc cưỡng ép lao động những người lao động di cư của Việt Nam. Những quy định của Chính phủ về môi giới lao động và hôn nhân còn rất lỏng lẻo và thậm chí còn không tồn tại ở một số khu vực. Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã tổ chức các chiến dịch giáo dục về nguy cơ của việc bị buôn bán vì mục đích tình dục ở cấp địa phương, bao gồm cả các khu vực biên giới xa xôi. Chính phủ đã phát hành, đôi khi với sự trợ giúp của các tổ chức phi chính phủ, cẩm nang về nguy cơ bị buôn bán dành cho người lao động Việt Nam ở nước ngoài, và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng đã phát những tờ rơi và lập một trang web về nhập cư vào nước ngoài an toàn. Các chính quyền cấp quốc gia và địa phương đã phối hợp với một tổ chức viện trợ nước ngoài và làm việc với kênh truyền hình MTV để tiến hành một chiến dịch nâng cao nhận thức về nạn buôn người tại năm thành phố lớn nhất Việt Nam. Ủy ban Quốc gia về Phòng chống nạn buôn người đã thu thập các ý kiến và đóng góp của các tổ chức phi chính phủ quốc tế về việc thực hiện Kế hoạch Hành động Quốc gia mới nhất về Phòng chống nạn buôn người. Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tiếp tục hợp tác với đối tác Hàn Quốc trong lĩnh vực tư vấn tiền hôn nhân nhằm ngăn chặn việc buôn bán phụ nữ Việt Nam thông qua kết hôn với người ngoại quốc. Tháng 9 năm 2009, Chính phủ đã ký một bản Hiệp định song phương với Campuchia về thống nhất quy trình hồi hương những nạn nhân bị buôn bán. Chính phủ cũng đã phát những tờ rơi về ngăn chặn du lịch tình dục trẻ em đến những khách du lịch nội địa và nước ngoài. Tuy nhiên, Chính phủ vẫn chưa đạt được những thỏa thuận thỏa đáng với chính phủ những quốc gia là điểm đến về bảo vệ chống lại lao động cưỡng bức. Những quy định của Chính phủ về buôn người vì mục đích lao động vẫn còn lỏng lẻo. Việt Nam chưa tham gia vào Nghị định thư về Chống Buôn người năm 2000 của Liên Hợp Quốc.

 Tác phẩm này là một bản dịch và có thông tin cấp phép khác so với bản quyền của nội dung gốc.
Bản gốc:
Bản dịch: