Báo cáo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ về tình hình nhân quyền năm 2015/Giới thiệu

Giới thiệu

Năm nay đánh dấu kỷ niệm 40 năm phát hành Báo cáo về tình hình nhân quyền ở các nước.

Một trong những bảo đảm cơ bản trong Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền đó là quyền tự do lập hội – quyền tự do của người dân ở khắp mọi nơi được thành lập hoặc tham gia các nhóm để bảo vệ lợi ích, củng cố niềm tin, và cải thiện cộng đồng của họ.

Xã hội dân sự bao gồm hầu hết các hình thức hoạt động xã hội có tổ chức độc lập với sự kiểm soát của chính phủ: các nhóm từ thiện chống đói nghèo; các tổ chức văn hóa thúc đẩy nghệ thuật; các tổ chức nghề nghiệp thiết lập các tiêu chuẩn cho các thành viên; phòng thương mại ủng hộ kinh doanh tư nhân; liên đoàn lao động bảo vệ người lao động; các nhóm môi trường đấu tranh về nước và không khí sạch; các tổ dân phòng khu phố ngăn chặn tội phạm; và vân vân. Một số tổ chức xã hội dân sự cung cấp các dịch vụ cho người dân theo cách bổ sung cho công việc của chính phủ, hoặc lấp khoảng trống ở những nơi chính phủ không có mặt hoặc ngó lơ. Một số tổ chức tư vấn cho chính phủ, đề xuất các chương trình và chính sách để đất nước thịnh vượng, công bằng, và an toàn hơn. Các tổ chức khác góp phần buộc các chính phủ phải có trách nhiệm với công dân của mình thông qua việc phơi bày các vấn đề như tham nhũng và vi phạm nhân quyền, và hối thúc các hành động khắc phục.

Trong vài thập kỷ qua, xã hội dân sự đã phát triển mạnh mẽ hơn ở mọi nơi trên thế giới, mang lại cho thường dân nhiều quyền và trách nhiệm hơn. Nhưng xã hội dân sự cũng là mối đe dọa đối với các chính phủ muốn độc chiếm quyền lực và trốn tránh trách nhiệm. Các chính phủ đó đã đẩy lùi các hoạt động xã hội của công dân bằng sức mạnh và sự tàn ác ngày càng tăng. Năm 2015, sự đàn áp của các quốc gia độc tài đối với xã hội dân sự trở nên sâu sắc, bịt miệng những tiếng nói độc lập, vô hiệu hóa các tranh luận chính trị, và đóng cửa con đường thay đổi hòa bình.

Các chính phủ độc tài bóp nghẹt các tổ chức xã hội dân sự vì họ sợ bị giám sát công khai, và cảm thấy bị đe dọa bởi những người đến với nhau theo những cách mà họ không thể kiểm soát. Vì thật xấu hổ nếu thừa nhận điều này, họ đôi khi đưa ra các lý do khác có vẻ hợp lý hơn để kìm hãm hoặc trấn áp hoạt động tài trợ cho các tổ chức phi chính phủ. Dưới đây là một số lý do phổ biến nhất được đưa ra trong năm qua, với từng câu trả lời kèm theo:

“Không ai bầu ra xã hội dân sự - nó không mang tính đại diện hoặc không có trách nhiệm giải trình”. Chúng ta kỳ vọng các chính phủ được bầu ra và trả lời toàn bộ nhân dân vì chính phủ có quyền lực để buộc người dân phải tuân theo các quyết định của mình. Các tổ chức xã hội dân sự không có quyền đó – những gì họ có thể làm đó là đề xuất các chính sách và ý tưởng, một cái gì đó mà người dân phải có quyền cùng nhau thực hiện, cho dù họ đại diện cho số đông hay số ít của xã hội. Nếu chính phủ - hoặc đa số người dân ở một quốc gia - không thích những gì mà nhóm xã hội dân sự đang nói, họ có thể bỏ qua. Không cần phải ngăn chặn hoạt động của các nhóm như vậy.

“Các tổ chức phi chính phủ do nước ngoài tài trợ đe dọa chủ quyền quốc gia”. Sự thực là một số tổ chức xã hội dân sự, đặc biệt là ở những quốc gia chưa có truyền thống làm từ thiện tư nhân, đi tìm nguồn tài trợ từ bên ngoài đất nước. Nhưng những tổ chức này không có ảnh hưởng trừ khi họ cũng có cơ sở vững chắc trong cộng đồng. Nếu họ được phép tồn tại và gây quỹ để thực hiện công việc, chẳng hạn như các tổ chức phi chính phủ cấp cơ sở mang lại cho đơn vị bầu cử địa phương tiếng nói lớn hơn nhiều so với những gì họ có. Điều trớ trêu là, nhiều chính phủ phàn nàn về sự đóng góp của nước ngoài cho các tổ chức xã hội dân sự nhưng chính họ lại chấp nhận các khoản viện trợ lớn của nước ngoài mà không thừa nhận bất kỳ sự mất độc lập nào.

“Hoa Kỳ cũng điều chỉnh việc tài trợ nước ngoài cho xã hội dân sự”. Lập luận này thường được đưa ra khi tham chiếu Đạo luật đăng ký đại diện cho nước ngoài (FARA). Nhưng Đạo luật FARA chỉ áp dụng đối với các cá nhân hay tổ chức hoạt động dưới sự chỉ đạo hoặc kiểm soát của chính phủ hoặc đảng phái chính trị nước ngoài nhằm đại diện cho quyền lợi của chính phủ hoặc đảng phái đó tại Hoa Kỳ. Đạo luật này không áp dụng đối với tài trợ nước ngoài của các tổ chức phi chính phủ cung cấp dịch vụ cho công chúng hoặc chỉ đơn thuần bởi vì các tổ chức phi chính phủ này tham gia vận động tại Hoa Kỳ. Ví dụ, Liên minh châu Âu tài trợ cho các nhóm xã hội dân sự - các nhóm này chủ động vận động hành lang cho các mục đích khác nhau tại Hoa Kỳ, chẳng hạn như bỏ hình phạt tử hình và vai trò thành viên của Hoa Kỳ tại Tòa án Hình sự Quốc tế. Không có đạo luật nào của Hoa Kỳ hạn chế những hoạt động tài trợ đó hay áp đặt bất kỳ gánh nặng đặc biệt nào đối với các đối tượng nhận tài trợ.

“Cần thiết phải điều chỉnh xã hội dân sự để ngăn chặn tài trợ khủng bố”. Sự thực là các tổ chức từ thiện giả mạo đôi khi được sử dụng để chuyển tiền cho các nhóm cực đoan bạo lực. Nhưng hầu hết các nước đã có luật chống tài trợ khủng bố. Để thực thi các luật này cần phải có công tác tình báo tốt và hoạt động cảnh sát hiệu quả nhằm vào các đối tượng khủng bố, chứ không phải là áp đặt các yêu cầu o ép đối với các nhóm ôn hòa tham gia cung cấp các dịch vụ xã hội và các hoạt động hợp pháp.

Thực tế, một xã hội dân sự tự do và hiệu lực thường là bức tường thành mạnh nhất của chúng ta chống lại sự lây lan chủ nghĩa cực đoan bạo lực. Trong trường hợp có bất công hay đau khổ, xã hội dân sự cung cấp cho người dân các biện pháp ôn hòa để tổ chức chống lại những bất công, khổ đau đó, làm giảm bớt sự hấp dẫn về lập luận của những kẻ khủng bố rằng bạo lực là cách duy nhất để tồn tại. Trường hợp các nhóm cực đoan bạo lực tìm cách gây ảnh hưởng, các tổ chức xã hội dân sự cấp cơ sở đôi khi có thể đứng lên chống lại chúng hiệu quả hơn bất kỳ cơ quan an ninh chính phủ nào. Không có gì ngạc nhiên khi một trong những điều đầu tiên mà tổ chức khủng bố Da'esh đã làm khi đánh chiếm thành phố Raqqa của Syria đó là tàn sát hoặc xua đuổi các nhà hoạt động xã hội dân sự bảo vệ nhân quyền và cung cấp các dịch vụ cộng đồng tại đó. Thực tế là, quản trị bất lực cùng với việc đàn áp các hoạt động dân sự địa phương của chính quyền đã giúp Da'esh chiếm được vùng lãnh thổ tại Syria và Iraq và tiếp tục tạo môi trường thuận lợi cho Da'esh và các đơn vị thành viên của tổ chức này, đặc biệt là tại Sinai, Libya và Yemen.

Mặt khác, khi chính phủ ghi nhận những lời chỉ trích của xã hội dân sự một cách nghiêm túc, họ có thể đạt được tiến bộ trong việc chống lại các nhóm cực đoan bạo lực. Tại Nigeria, Cameroon, Chad và Niger, các cuộc tấn công chết chóc và bắt cóc của nhóm Boko Haram tiếp tục làm khiếp đảm hàng ngàn thường dân. Các chiến thuật mang tính đàn áp và hành vi vi phạm đối với thường dân của lực lượng an ninh Nigeria, bao gồm giết người mà không đưa ra tòa án xét xử, đã góp phần biến Boko Haram thành một cuộc nổi dậy. Nhận thức rằng sẽ không đánh bại được Boko Haram chừng nào dân thường còn thấy bị đe dọa bởi các lực lượng an ninh, chính phủ Nigeria đã tăng cường các nỗ lực để thực hiện các cải cách trong quân đội nhằm bảo vệ nhân quyền tốt hơn và tạo dựng lòng tin với dân chúng.

Nhiều chiến lược và chiến thuật khác nhau được sử dụng nhằm hạn chế xã hội dân sự trong năm qua.

Nhiều chính phủ vẫn tiếp tục sử dụng các biện pháp trực tiếp và công khai để đàn áp xã hội dân sự trong nước.

Các chế độ độc tài như Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên (Triều Tiên), Cuba, Trung Quốc, Iran, Sudan, và Uzbekistan tiếp tục kiểm soát hoạt động chính trị và cấm hoặc hạn chế đối lập chính trị.

Tại Cuba, hiến pháp công nhận Đảng Cộng sản là đảng hợp pháp duy nhất và là “lực lượng lãnh đạo ưu việt của xã hội và nhà nước”. “Các hành vi khước từ” do nhà nước dàn xếp đã ngăn chặn các nhóm xã hội dân sự độc lập và các cá nhân tham gia các cuộc họp hoặc các sự kiện. Cơ quan an ninh nhà nước tiếp tục thực hiện các hành vi giam giữ tùy tiện và trong thời gian ngắn nhằm cản trở việc thực hiện quyền tự do ngôn luận và hội họp ôn hòa. Một số tù nhân chính trị được thả vào tháng 1 năm 2015 và tiếp tục thực hiện các hoạt động xã hội trong năm qua đã bị chính quyền bắt lại.

Các thành viên của cộng đồng nhân quyền và xã hội dân sự tại Sudan đã nêu bật các mối quan ngại bao gồm hành vi sách nhiễu, hăm dọa, giam giữ, các hạn chế của chính phủ đối hoạt động của các tổ chức này, và các hành vi vi phạm nghiêm trọng về tự do tôn giáo.

Tại Trung Quốc, sự đàn áp và cưỡng chế đối với các tổ chức và cá nhân tham gia vận động các quyền dân sự và chính trị tăng lên rõ rệt trong năm qua. Sự đàn áp cộng đồng pháp lý là đặc biệt nghiêm trọng. Tổng Công hội Trung Quốc cũng đã làm suy giảm quyền tự do lập hội thông qua việc duy trì một loạt các cơ chế gây ảnh hưởng đến việc lựa chọn đại diện công đoàn và tiến hành các hoạt động làm gián đoạn hoạt động vận động cho quyền của người lao động.

Tại Lào, chính quyền tiếp tục hạn chế quyền tự do lập hội của các cá nhân. Các nhóm chính trị không phải là các tổ chức quần chúng do Đảng Nhân dân Cách mạng Lào phê duyệt vẫn bị cấm. Chính quyền đôi khi cố gắng gây ảnh hưởng đến tư cách thành viên hội đồng của các tổ chức xã hội dân sự và ép buộc một số tổ chức phải đổi tên để loại bỏ các từ mà họ cho là nhạy cảm, ví dụ như từ “quyền”.

Nga đã áp dụng một loạt các biện pháp để đàn áp những người bất đồng chính kiến. Chính quyền đã thông qua các đạo luật trấn áp mới và áp dụng các đạo luật hiện hành một cách chọn lọc và có hệ thống để sách nhiễu, làm tổn hại uy tín, truy tố, bỏ tù, giam giữ, phạt tiền, và đàn áp các cá nhân và tổ chức tham gia các hoạt động chỉ trích chính quyền, bao gồm các tổ chức phi chính phủ, các cơ quan truyền thông độc lập, các blogger, các tổ chức đối lập chính trị , và các nhà hoạt động. Cá nhân và tổ chức tuyên bố ủng hộ chính phủ Ukraina hoặc phản đối hành động gây hấn của chính quyền Nga ở Ukraina là các đối tượng được chú ý đặc biệt.

Tại vùng Crimea của Ukraina, chính quyền chiếm đóng của Nga đã không cho thành viên của một số nhóm, cụ thể là người Ukraina và người Tatar tại Crimea, được lên tiếng ủng hộ quốc tịch, dân tộc và chống đối sự chiếm đóng, và họ sách nhiễu có hệ thống và phân biệt đối xử các nhóm này. Chính quyền chiếm đóng đã phân biệt đối xử những người từ chối nhận quốc tịch Nga trong việc tiếp cận giáo dục, y tế và việc làm. Hầu hết tất cả các tổ chức phi chính phủ độc lập và các tổ chức truyền thông đều buộc phải rời khỏi bán đảo hoặc hoạt động ngầm.

Không gian chính trị ở Rwanda và môi trường nhân quyền chung tiếp tục bị co hẹp. Có các báo cáo về các vụ sát hại có mục tiêu, và ngày càng có nhiều báo cáo về các vụ mất tích và sách nhiễu các nhóm xã hội dân sự và các đảng đối lập.

Việc chỉ trích công khai các quan chức chính quyền Cộng hòa Dân chủ Congo cũng như hành động hoặc quyết định của chính quyền liên quan đến các vấn đề như quản lý công vụ, dân chủ, và tham nhũng đôi khi gây ra những phản ứng gay gắt, thường là từ Cơ quan tình báo quốc gia, và ít thường xuyên hơn là từ chính quyền cấp địa phương và các cá nhân có ảnh hưởng.

Tại Venezuela, luật pháp quy định xúc phạm tổng thống sẽ bị phạt từ sáu đến 30 tháng tù giam, theo đó những người bị buộc tội sẽ bị giam giữ mà không được tại ngoại chờ xét xử; luật quy định hình phạt nhẹ hơn đối với việc xúc phạm các quan chức cấp thấp hơn. Luật pháp Venezuela quy định rằng báo cáo không chính xác gây rối loạn hòa bình công cộng sẽ bị phạt 2 năm đến 5 năm tù giam. Việc yêu cầu các cơ quan truyền thông chỉ được tuyên truyền những thông tin “đúng” là chưa rõ ràng và để mở nhằm đưa ra giải thích vì động cơ chính trị. Hàng chục người bất đồng chính kiến đã bị giam giữ và vẫn còn các tù nhân chính trị, nhiều người đang chờ tiến trình pháp lý công bằng.

Sau nhiều tuần biểu tình trên toàn vùng Oromia ở Ethiopia xảy ra vào cuối tháng 11, đã có những báo cáo về các vụ đụng độ bạo lực giữa người biểu tình và lực lượng an ninh làm nhiều người tử vong, bị thương, tài sản cá nhân bị hủy hoại, và bắt giữ tùy tiện. Có các báo cáo về việc lực lượng an ninh bắt giữ tùy tiện các sinh viên đại học liên quan đến các cuộc biểu tình này.

Không gian hoạt động cho các nhà hoạt động và các tổ chức phi chính phủ ở Azerbaijan vẫn bị hạn chế nghiêm trọng. Nhiều nguồn tin cho biết một cuộc đàn áp liên tục đối với các tổ chức xã hội dân sự, bao gồm hăm dọa, bắt giữ, và kết án về các tội thường được coi là mang động cơ chính trị; các cuộc điều tra hình sự đối với các hoạt động của các tổ chức phi chính phủ; các đạo luật hạn chế; và phong tỏa các tài khoản ngân hàng, đã khiến nhiều nhóm không thể hoạt động.

Một chiến lược phổ biến nữa đó là áp dụng các đạo luật chống khủng bố hoặc luật an ninh quốc gia quá rộng - hoặc giải thích các đạo luật đó - để bóp nghẹt các hoạt động của xã hội dân sự.

Tại Malaysia, chính phủ lựa chọn áp dụng pháp luật, đặc biệt là Luật chống phản loạn mà Thủ tướng nước này hứa sẽ bãi bỏ, nhằm hăm dọa các nhà phê bình. Những nỗ lực này đã dẫn tới hàng chục cuộc điều tra, giam giữ, bắt giữ, và buộc tội các chính trị gia đối lập, các tổ chức xã hội dân sự, nhà báo, và những người khác.

Chính quyền Tajikistan đã thực hiện các biện pháp nhằm loại bỏ đối lập chính trị trong năm 2015. Đảng Phục sinh Hồi giáo của Tajikistan (IRPT) đã mất hai ghế trong quốc hội trong các cuộc bầu cử mà giới quan sát cho rằng không được diễn ra một cách công bằng. Sau tình trạng bất ổn ở thủ đô vào tháng 9, Tòa án tối cao đã chính thức cấm đảng IRPT, buộc đóng cửa tờ báo chính thức của đảng IRPT, và nghiêm cấm lưu hành bất kỳ phim ảnh, âm thanh, hoặc tài liệu bản in liên quan đến hoạt động của đảng này.

Tại Thổ Nhĩ Kỳ, chính quyền đã áp dụng đạo luật chống khủng bố và đạo luật chống xúc phạm tổng thống để kìm kẹp các tranh luận chính trị hợp pháp và hoạt động báo chí điều tra – tiến hành truy tố nhà báo và thường dân và không cho các cơ quan truyền thông đối lập hoạt động hoặc đặt dưới sự kiểm soát của nhà nước. Các công tố viên và thẩm phán được phép có nhiều thời gian tự do để điều tra và ra phán quyết đối với các vụ việc có động cơ chính trị, điều này không phù hợp với quy định của pháp luật hoặc các quy tắc trong các vụ việc tương tự.

Một số chính phủ áp dụng các thủ tục hành chính và quan liêu phiền toái như một cách để hạn chế quyền tự do lập hội và bóp nghẹt xã hội dân sự. Năm nay ở Trung Á, các quốc gia Tajikistan, Uzbekistan và Kazakhstan đã thông qua hoặc ban hành đạo luật mới về tổ chức phi chính phủ hoặc các sửa đổi liên quan để hạn chế không gian hoạt động của các tổ chức xã hội dân sự. Trong khi đó, Turkmenistan đã ban hành và thực thi đạo luật hạn chế đối với tổ chức phi chính phủ. Tại Hungary, các tổ chức quốc tế và các tổ chức phi chính phủ về nhân quyền tiếp tục lên tiếng chỉ trích về sự xói mòn có hệ thống nền pháp trị, hệ thống kiểm soát và đối trọng, các thể chế dân chủ, sự minh bạch, và hăm dọa sự lên tiếng của các tổ chức xã hội dân sự độc lập. Cũng có mối quan ngại về việc giải quyết của chính quyền đối với một lượng lớn người di cư và người tị nạn, đôi khi là sự bài xích người nước ngoài và thiếu viện trợ nhân đạo.

Tại Iran, chính quyền hạn chế các hoạt động và không hợp tác với các tổ chức phi chính phủ về nhân quyền trong nước hoặc quốc tế trong việc điều tra các cáo buộc vi phạm nhân quyền. Theo luật, các tổ chức phi chính phủ phải đăng ký với Bộ Nội vụ và xin phép tiếp nhận viện trợ nước ngoài. Sau sự chậm trễ kéo dài và thường là tùy tiện để nhận được đăng ký chính thức, các nhóm nhân quyền độc lập và các tổ chức phi chính phủ khác liên tục bị sách nhiễu do các hoạt động xã hội của họ cũng như bị các quan chức chính quyền đe dọa đóng cửa.

Chính quyền tại Ai Cập đã áp dụng đạo luật đăng ký hạn chế để điều tra các tổ chức nhân quyền có ảnh hưởng. Bộ Đoàn kết Xã hội đã giải thể khoảng 500 tổ chức phi chính phủ trong năm 2015, phần lớn có liên hệ với tổ chức Anh em Hồi giáo. Các tổ chức phi chính phủ còn lại hoạt động dưới sự giám sát chặt chẽ, trong đó nhiều tổ chức cho biết họ bị chính quyền Ai Cập sách nhiễu. Chính quyền cũng đã tiến hành điều tra việc nhận tài trợ nước ngoài của một số tổ chức nhân quyền. Các tổ chức nhân quyền khẳng định những hành động này sẽ buộc họ phải thu hẹp hoạt động. Năm 2015, chính quyền Ai Cập đôi khi áp đặt lệnh cấm đi lại đối với những người bảo vệ nhân quyền và các nhà hoạt động chính trị.

Một hội đồng chính quyền tại Kenya đã hủy bỏ giấy phép và phong tỏa tài khoản ngân hàng của hai tổ chức phi chính phủ do cáo buộc có liên hệ với khủng bố. Các nhà phê bình cáo buộc chính quyền nhắm mục tiêu vào các tổ chức phi chính phủ do họ đã thẳng thắn chỉ trích hồ sơ nhân quyền của chính phủ. Tòa án sau đó đã ra quyết định yêu cầu chính phủ giải tỏa tài khoản ngân hàng của các tổ chức phi chính phủ này.

Tại Campuchia, một chỉ thị của Bộ Nội vụ cấm các nhà xuất bản và biên tập viên tuyên truyền các bài viết xúc phạm hoặc nói xấu không chỉ nhà vua, mà còn là các lãnh đạo chính phủ và các thể chế. Chính quyền thường xuyên viện dẫn mối quan ngại về an ninh quốc gia để biện minh cho việc hạn chế các cá nhân chỉ trích các chính sách và quan chức chính phủ. Đặc biệt, chính quyền thường xuyên đe dọa sẽ truy tố và bắt giữ bất kỳ ai dám chất vấn sự phân định cắm mốc biên giới phía đông của đất nước hoặc cho rằng chính quyền đã nhượng phần lãnh thổ quốc gia cho một nước khác.

Ngày 26 tháng 11, Quốc hội Uganda đã thông qua một đạo luật về tổ chức phi chính phủ nhằm “cung cấp một môi trường thuận lợi và phù hợp” cho các tổ chức phi chính phủ và “đăng ký, điều chỉnh, phối hợp và giám sát” hoạt động của các tổ chức phi chính phủ. Quốc hội đã làm việc chặt chẽ với các lãnh đạo tổ chức xã hội dân sự về luật này và đã đưa hầu hết các kiến nghị của các tổ chức xã hội dân sự vào bản báo cáo gửi ủy ban Quốc hội. Mặc dù hầu hết nội dung của báo cáo này được đưa vào luật chính thức, song Quốc hội để nguyên một điều khoản về “các nghĩa vụ đặc biệt” trong đó yêu cầu các tổ chức phi chính phủ phải nhận được sự chấp thuận của Ủy ban giám sát các tổ chức phi chính phủ địa phương và chính quyền địa phương trước khi khởi xướng các hoạt động và nghiêm cấm các tổ chức phi chính phủ tham gia các hành vi “làm phương hại đến lợi ích của Uganda và phẩm giá của người dân Uganda”.

Tại Nicaragua, các tổ chức phi chính phủ trong nước đang bị chính phủ điều tra cho biết họ gặp vấn đề trong việc tiếp cận hệ thống công lý và sự chậm trễ khi nộp đơn thư, cũng như các áp lực từ chính quyền nhà nước. Nhiều tổ chức phi chính phủ tin rằng các cơ quan kiểm soát và thuế đã kiểm toán các tài khoản của họ như một cách để hăm dọa. Theo các tổ chức phi chính phủ, mặc dù được phép về mặt pháp lý, song kiểm toán đột xuất vẫn là một dạng sách nhiễu phổ biến và thường được sử dụng có chọn lọc.

Tại Bolivia, tổng thống, phó tổng thống, và các bộ trưởng liên tục chỉ trích hoạt động của các tổ chức phi chính phủ và các tổ chức xã hội không liên minh với chính phủ. Một số tổ chức phi chính phủ cáo buộc rằng các cơ chế đăng ký của chính quyền mang tính khắt khe có chủ đích nhằm hạn chế các tổ chức độc lập tại quốc gia này.

Khung pháp lý và quy định của Việt Nam đã thiết lập các cơ chế nhằm hạn chế các tổ chức phi chính phủ tổ chức và hành động. Chính quyền sử dụng hệ thống đăng ký phức tạp và được chính trị hóa đối với các tổ chức phi chính phủ và các tổ chức tôn giáo nhằm ngăn chặn sự tham gia chính trị và tôn giáo không được hoan nghênh. Các nhà hoạt động công đoàn độc lập tìm cách thành lập công đoàn tách biệt với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam hoặc thông báo cho người lao động về các quyền của họ cũng tiếp tục bị chính quyền sách nhiễu.

Các chính sách mới của Pakistan về việc đăng ký và hoạt động của các tổ chức phi chính phủ quốc tế bao gồm các lệnh cấm các tổ chức này tham gia “các hoạt động chính trị” và “các hoạt động chống nhà nước”, nhưng không định nghĩa các thuật ngữ này và cũng không chỉ rõ cơ quan nào sẽ chịu trách nhiệm phân xử các cáo buộc đối với các tổ chức phi chính phủ quốc tế. Nhiều tổ chức phi chính phủ quốc tế bày tỏ quan ngại rằng chính quyền sẽ sử dụng những quy định cấm này để hạn chế hoạt động của các dự án liên quan đến quản trị hay vận động nhân quyền.

Tại Ecuador, chính quyền tiếp tục hạn chế các tổ chức truyền thông độc lập và tổ chức xã hội dân sự thông qua việc áp dụng luật bản quyền để buộc gỡ bỏ các nội dung trên trang web.

Báo cáo về tình hình nhân quyền ở các nước năm 2015 ghi nhận các trường hợp này và hàng trăm trường hợp khác nữa.

- Xem thêm tại đây.