Báo cáo Tự do Tôn giáo Quốc tế năm 2013
Việt Nam
Tổng quan
Hiến pháp và các bộ luật, chính sách khác của Việt Nam có quy định về quyền tự do tôn giáo, nhưng trên thực tế, Chính phủ đã thực hiện các biện pháp hạn chế tự do tôn giáo. Nhiều yêu cầu đăng ký hoạt động của các nhóm tôn giáo không được trả lời hoặc bị từ chối, thường là ở cấp tỉnh hoặc cấp làng xã. Nhiều nhóm tôn giáo chưa đăng ký cho biết họ vẫn bị sách nhiễu, với báo cáo cho thấy số lượng bị sách nhiễu nhiều nhất là từ miền Trung và Tây Nguyên. Các sách nhiễu này bao gồm các vụ đánh đập, bắt giữ, tạm giam và kết án hình sự. Tuy vậy, chính quyền cũng có cho thấy những dấu hiệu cải thiện, như cấp đăng ký cho ngày càng nhiều các giáo đoàn mới và nhìn chung tôn trọng tự do tôn giáo của những giáo đoàn có đăng ký này, miễn là họ phải tuân thủ pháp luật. Chính phủ cũng cho phép mở rộng các hoạt động từ thiện và cho phép tổ chức các buổi lễ tôn giáo quy mô lớn với trên 100.000 người tham dự.
Không có báo cáo về những vụ gây khó khăn, phiền hà của xã hội hoặc phân biệt đối xử xuất phát từ nguyên nhân tôn giáo, tín ngưỡng hoặc hành đạo.
Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội và Tổng Lãnh sự quán tại Thành phố Hồ Chí Minh vẫn duy trì các cuộc đối thoại thường xuyên với các quan chức cấp cao cũng như các cán bộ chuyên trách của Chính phủ nhằm thúc đẩy hơn nữa tự do tôn giáo. Các quan chức Hoa Kỳ cũng đã trao đổi thường xuyên với các chức sắc tôn giáo, kể cả những nhà hoạt động tôn giáo nằm trong danh sách theo dõi của Chính phủ. Ngoại trưởng Hoa Kỳ, Đại sứ phụ trách vấn đề Tự do tôn giáo quốc tế và các quan chức cấp cao khác của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã bày tỏ quan ngại về tự do tôn giáo với các quan chức của Chính phủ Việt Nam và kêu gọi Việt Nam cải thiện hơn nữa tự do tôn giáo.
Phần I. Các nhóm tôn giáo và số lượng người theo đạo
Chính phủ Hoa Kỳ ước tính tổng dân số của Việt Nam vào thời điểm tháng 7 năm 2013 là khoảng 92,5 triệu người. Hơn một nửa dân số Việt Nam theo đạo Phật, trong đó đại đa số (hầu hết là người Kinh, hay còn gọi là người Việt) theo phái Đại Thừa. Gần 1,2% dân số (khoảng 1 triệu người) theo dòng Nam Tông (hầu hết là người dân tộc Khmer tại khu vực miền Nam). Có 7% dân số là tín đồ của Giáo hội Công giáo Rô-ma. Công giáo đang ngày càng phát triển tại Việt Nam với trên 6 triệu tín đồ tại 26 giáo phận trên cả nước. Có khoảng 2,5%-4% dân số theo Đạo Cao Đài, một tôn giáo dung hợp các yếu tố của nhiều tôn giáo khác nhau. Các tín đồ đạo Hòa Hảo chiếm 1,5%-3% dân số. Còn số lượng tín đồ của đạo Tin Lành được ước tính vào khoảng 1%-2% dân số. Một số hệ phái của đạo Tin Lành đã được chính thức công nhận ở cấp quốc gia; một số hệ phái khác đã được cấp đăng ký tại địa phương.
Các cộng đồng tôn giáo nhỏ hơn cộng lại chiếm chưa đến 0,1% dân số, trong đó có 50.000 người dân tộc Chăm chủ yếu theo một dòng đạo Hin-đu riêng biệt ở vùng duyên hải Nam Trung Bộ. Khoảng 70.000 đến 80.000 tín đồ Muslim rải rác trên cả nước (trong đó gần 40% theo dòng Sunnis; 60% còn lại theo dòng Bani Islam); cả nước có khoảng 8.000 người theo đạo Baha’i, và xấp xỉ 1.000 người là tín đồ thuộc Giáo hội các Thánh hữu ngày sau của Chúa Giêsu Kitô (hay còn gọi là giáo phái Mormons). Thành phố Hồ Chí Minh có một nhà thờ Do Thái, phục vụ khoảng 150 tín đồ Do Thái, chủ yếu là những người nước ngoài định cư tại thành phố.
Các công dân còn lại đều tự nhận mình là phi tôn giáo hoặc theo các tín ngưỡng truyền thống như thờ cúng ông bà tổ tiên, các vị thánh bảo hộ, các anh hùng dân tộc hay những người được kính trọng trong nước. Những người theo các hình thức thờ cúng truyền thống này có thể nhận hoặc không nhận là mình theo đạo.
Các dân tộc thiểu số chiếm xấp xỉ 14% dân số. Theo ước tính của các tín đồ, có khoảng 2/3 tín đồ đạo Tin Lành là người dân tộc thiểu số, bao gồm các nhóm ở khu vực Tây Bắc (H’mông, Dao, Thái và các dân tộc khác) và Tây Nguyên (Ê-đê, Jarai, Sê-đăng, M’nông và các dân tộc khác). Người dân tộc Khmer Krom thì chủ yếu theo dòng Phật giáo Nam Tông.
Phần II. Tình hình liên quan đến tôn trọng quyền tự do tôn giáo của Chính phủ
Khung pháp lý/chính sách
Hiến pháp và các bộ luật, chính sách khác của Việt Nam đều có quy định về quyền tự do tôn giáo, quy định quyền tự do tín ngưỡng và thờ phụng, và bảo vệ quyền theo hoặc không theo một tín ngưỡng nào đó; nhưng trên thực tế, vẫn có những luật hạn chế việc thực hành tín ngưỡng.
Mặc dù Chính phủ công bố Nghị định 92 có hiệu lực vào ngày 1 tháng 1 năm 2013 nhưng tác động thực tế của nó đối với các hoạt động tôn giáo, đăng ký và công nhận sẽ do các thông tư và văn bản hướng dẫn của chính phủ quyết định, những văn bản này vào cuối năm 2012 vẫn đang trong quá trình soạn thảo.
Bộ luật Hình sự đã quy định các hình phạt cho các tội danh được định nghĩa mơ hồ như “cố tình phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc” bằng cách “gây chia rẽ giữa những người theo đạo và không theo đạo”. Chính phủ tiếp tục hạn chế các hoạt động của các nhóm tôn giáo chưa đăng ký và các cá nhân bị coi là mối đe dọa đối với quyền lực của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Pháp lệnh Tín ngưỡng và Tôn giáo năm 2004 và Nghị định hướng dẫn thi hành (Nghị định 92) bắt đầu có hiệu lực vào ngày 1/1/2013 là những văn bản pháp luật cơ bản điều chỉnh hoạt động tôn giáo. Cả hai văn bản này đều khẳng định quyền tự do tín ngưỡng và tôn giáo của người dân, nhưng cảnh báo rằng hành vi “lợi dụng” tự do tôn giáo hoặc tín ngưỡng nhằm mục đích “phá hoại hòa bình, độc lập và thống nhất đất nước” là phạm pháp, và sẽ đình chỉ các hoạt động tôn giáo nếu “gây ảnh hưởng tiêu cực đến các truyền thống văn hóa của dân tộc”.
Ban Tôn giáo Chính phủ cho biết Nghị định 92 là phương tiện bổ sung thêm những cải thiện mang tính hành chính đối với Pháp lệnh Tín ngưỡng và Tôn giáo năm 2004. Theo đó, thời gian phản hồi của chính quyền đối với các hồ sơ xin đăng ký và công nhận cấp địa phương và cấp quốc gia được rút ngắn xuống còn một nửa, đơn giản hóa các luật và quy định, và đề cập đến tất cả các hình thức thực hành tôn giáo. Tuy nhiên, các nhà phê bình Nghị định mới này nói rằng Nghị định này đưa ra thêm biện pháp hạn chế về thực hành tôn giáo. Họ cho biết, mặc dù thời gian phản hồi các yêu cầu được rút ngắn hơn nhưng không có các hình phạt nào đối với những sự phản hồi muộn hoặc tùy tiện, và rằng các điều khoản mới trong Nghị định 92 này làm tăng yêu cầu về số lượng phê duyệt, nghĩa là có sự tham gia nhiều hơn của chính quyền ở cấp địa phương và cấp trung ương trong các hoạt động tôn giáo. Họ chỉ ra các yêu cầu bổ sung quy định đối với người nước ngoài khi tham gia đào tạo tôn giáo, phong chức, và lãnh đạo, đưa ra các hướng dẫn về quản lý và chương trình đối với các tổ chức đào tạo tôn giáo; và kéo dài thời hạn để được công nhận. Một số thánh thất tại gia của đạo Tin Lành cho biết các nhà chức trách địa phương đã viện đến Nghị định trên để sách nhiễu các tín đồ và gây sức ép cho các nhóm tôn giáo phải ngừng các hoạt động tôn giáo của mình.
Theo Pháp lệnh Tín ngưỡng và Tôn giáo, Chính phủ có quyền kiểm soát và giám sát các tổ chức tôn giáo. Các tổ chức tôn giáo phải được chính thức công nhận hoặc cấp đăng ký hoạt động. Pháp lệnh cũng quy định rằng cơ quan chính quyền “phù hợp” ở cấp thấp hơn phê duyệt các chức sắc tôn giáo, hoạt động và việc thành lập các chủng viện hoặc lớp học tôn giáo. Việc bổ nhiệm linh mục hoặc các chức sắc tôn giáo khác cũng phải được chính quyền phê duyệt khi có liên quan đến các tổ chức tôn giáo nước ngoài cấp cao, chẳng hạn như Tòa thánh Va-ti-căng. Pháp lệnh nghiêm cấm ép buộc cải đạo, bằng việc quy định rằng “các hành động ép buộc công dân phải theo đạo hoặc cải đạo… là không được phép”. Pháp lệnh quy định các tổ chức tôn giáo chỉ cần thông báo cho các cấp chính quyền phù hợp về các hoạt động thường niên hay việc phong chức, thuyên chuyển linh mục mà không cần phải có được sự chấp thuận chính thức của chính quyền địa phương như trước đây; mặc dù một số cán bộ địa phương vẫn đưa ra yêu cầu phải xin phép. Bên cạnh đó, Pháp lệnh cũng khuyến khích các nhóm tôn giáo tổ chức các hoạt động từ thiện trong lĩnh vực y tế và giáo dục, hai lĩnh vực mà trước đây vốn bị hạn chế nhưng giờ đây đã được phê duyệt nhanh chóng từ các cấp chính quyền.
Nghị định số 92 quy định một quy trình nhiều bước để được công nhận ở cấp quốc gia. Để được hoạt động công khai, tổ chức tôn giáo chưa được công nhận trước tiên phải đăng ký nơi thờ tự, các giáo sĩ và các hoạt động của mình tại từng khu vực hành chính địa phương nơi họ hoạt động bằng cách gửi thông tin về cơ cấu, lãnh đạo và các hoạt động của mình. Việc đăng ký ở cấp địa phương cho phép nhóm tôn giáo hoạt động tại đơn vị hành chính địa phương. Bước tiếp theo là đăng ký ở cấp quốc gia, trong đó quy định một tổ chức tôn giáo phải có 23 năm hoạt động tôn giáo ổn định tại Việt Nam (trước đây là 20 năm). Một số chức sắc tôn giáo nhận xét rằng các quan chức chính phủ chỉ bắt đầu tính thời gian từ khi nhà thờ được đăng ký lần đầu tiên tại cấp địa phương, khiến cho việc đăng ký ở cấp quốc gia trong tương lai gần hầu như không thể thực hiện được. Việc đăng ký ở cấp độ quốc gia cũng yêu cầu phải có giấy phép của Ban Tôn giáo Chính phủ. Ba năm sau khi đăng ký ở cấp quốc gia, nhóm tôn giáo đủ điều kiện có thể đệ đơn xin được công nhận đầy đủ về mặt pháp lý sau khi tổ chức hội nghị toàn quốc để bầu ra ban lãnh đạo. Nhóm tôn giáo đó phải được chính phủ phê duyệt về ban lãnh đạo, cơ cấu và các hoạt động. Khi được công nhận đầy đủ, nhóm tôn giáo đó được phép mở, vận hành và trùng tu các địa điểm thờ tự, đào tạo các chức sắc tôn giáo và xuất bản các tài liệu, mặc dù vẫn cần phải có sự chấp thuận của chính quyền địa phương và trung ương đối với một số hoạt động cụ thể.
Đối với mỗi bước trong quy trình xin đăng ký và công nhận, chính phủ quy định thời hạn phản hồi chính thức (tối đa là 45 ngày, tùy theo phạm vi của đề nghị), và trong trường hợp bác đơn, văn bản phúc đáp cần nêu rõ lý do. Luật không quy định cụ thể các lý do mà nhà cầm quyền có thể viện ra để bác đơn, và do đó chính quyền trung ương và địa phương có nhiều quyền tự quyết trong vấn đề này. Các cán bộ của chính phủ hiếm khi tuân thủ các quy định về thời gian phản hồi nói trên và thường không đưa ra lý do bác đơn cụ thể. Pháp lệnh không quy định cơ chế cụ thể về khiếu nại, cũng như lý do từ chối.
Nghị định 92 và Luật Đất đai quy định các tổ chức tôn giáo không được mua đất với tư cách pháp nhân và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phải cấp đất và chấp thuận việc xây dựng các cơ sở tôn giáo mới. Thường thì một thành viên trong giáo đoàn sẽ mua đất rồi chuyển nhượng cho tỉnh, đất sau đó được cấp cho giáo hội. Giáo hội cũng cần thông báo cho chính quyền về việc trùng tu hay nâng cấp các cơ sở tôn giáo, tuy nhiên, tùy theo mức độ trùng tu mà có thể không phải xin phép. Nghị định quy định rằng chính quyền phải phúc đáp đơn xin giấy phép xây dựng trong vòng 20 ngày, mặc dù luật không quy định rõ trách nhiệm của chính quyền trong việc tuân thủ thời hạn nêu trên.
Ban Tôn giáo Chính phủ cấp quốc gia có trách nhiệm phổ biến thông tin về khung pháp lý tôn giáo cho các chính quyền ở tỉnh, huyện, xã, thôn và đảm bảo khung pháp lý được áp dụng đồng bộ.
Chính phủ công nhận 37 tổ chức tôn giáo thuộc 11 tôn giáo đã được công nhận. 11 tôn giáo đó là: Phật giáo, Hồi giáo, đạo Baha’i, Thiên chúa giáo, đạo Tin Lành, đạo Hòa Hảo, đạo Cao Đài, Tịnh độ Cư sĩ Phật hội, Tứ Ân Hiếu Nghĩa, Phật đường Nam tông Minh Sư Đạo và Minh Lý Đạo Tam tông miếu. Từng giáo đoàn thuộc các nhóm tôn giáo đã được công nhận này cũng phải đăng ký. Một số chi phái của đạo Phật, đạo Tin Lành, đạo Cao Đài và đạo Hòa Hảo không tham gia vào các tổ chức tôn giáo đã được Chính phủ công nhận hoặc cấp đăng ký.
Luật pháp quy định tất cả các hoạt động xuất bản các ấn phẩm tôn giáo đều phải thông qua Nhà xuất bản Tôn giáo hoặc các nhà xuất bản khác được Chính phủ cho phép, sau khi đã được chính phủ phê duyệt nội dung. Tuy nhiên, các nhà xuất bản khác có thể in ấn và phân phối các tài liệu liên quan đến tôn giáo và các cửa hàng sách cũng được tự do bày bán các ấn phẩm tôn giáo. Kinh Thánh được xuất bản bằng tiếng Việt và các ngôn ngữ khác như tiếng Trung, tiếng Ê-đê, Jarai, Banar, M’nông và tiếng Anh. Chính phủ vẫn chưa phê duyệt việc xuất bản Kinh thánh bằng tiếng H’mông hiện đại, mà chỉ bằng tiếng H’mông truyền thống được sử dụng ít rộng rãi hơn.
Chính phủ không cho phép giảng dạy tôn giáo tại các trường công, nhưng lại cho phép giới tăng lữ giảng dạy tại các trường đại học các môn học mà họ có đủ trình độ chuyên môn. Các nhóm Công giáo, Tin Lành, Hồi giáo, Baha’i và Phật giáo được phép giảng dạy tôn giáo cho các tín đồ tại cơ sở tôn giáo của mình. Các nhóm tôn giáo không được phép mở và vận hành các trường tư ngoại trừ các trường mẫu giáo, mầm non và nhà trẻ. Thần học không được giảng dạy chính thức ở trường công.
Việc công dân có theo tôn giáo nào hay không sẽ được ghi trên chứng minh thư nhân dân và sổ hộ khẩu gia đình. Trên thực tế, nhiều người nhận mình là theo đạo nhưng lại không ghi tôn giáo trên chứng minh thư, và do vậy, các thống kê tôn giáo của Chính phủ coi họ là những người không theo đạo. Dù quy định cho phép một người có thể thay đổi thông tin trong mục tôn giáo trên chứng minh thư, nhưng hầu hết những người cải đạo thấy rằng các thủ tục thay đổi thường rất phức tạp và thường không thể thực hiện được.
Giáo hội Phật giáo Việt Nam được công nhận chính thức được thành lập trên cơ sở sáp nhập các tổ chức Phật giáo Đại thừa, Nam Tông và Tiểu thừa lại với nhau. Giáo hội Phật giáo Việt Nam nằm trong các tổ chức đoàn thể xã hội, Mặt trận Tổ quốc, và được coi là “cánh tay nối dài” của Đảng Cộng sản Việt Nam. Tất cả các nhóm Phật giáo trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam đều có đại diện theo tỷ lệ trong hàng ngũ lãnh đạo và các cấp bậc khác trong tổ chức. Trên thực tế, các vị sư sãi dòng Nam Tông thường họp riêng để đề cập đến các vấn đề như giáo lý, giáo dục và các nhu cầu khác của giáo phái để đưa lên Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Những tín đồ thuộc các nhóm tôn giáo không chính thức không được công khai phát ngôn về tín ngưỡng của mình, nhưng trên thực tế một số tín đồ vẫn tổ chức đào tạo tôn giáo và hành đạo mà không bị sách nhiễu. Tín đồ thuộc các nhóm tôn giáo chưa được cấp đăng ký hoạt động trên cả nước có thể công khai tín ngưỡng của mình và thuyết phục người khác theo tôn giáo của họ nhưng chỉ ở những địa điểm thờ tự đã đăng ký ở địa phương.
Động thái thực tế của Chính phủ
Có thông tin cho biết các cá nhân và thành viên giáo đoàn bị đánh đập, tạm giữ, bắt giữ, bỏ tù, theo dõi và sách nhiễu.
Nhà chức trách đã không cho phép các cá nhân bị tạm giam và tù nhân theo tôn giáo được cầu nguyện, và về nguyên tắc, tù nhân không có quyền được hành đạo hoặc thực hiện các nghi lễ tôn giáo trong các khu vực chung của nhà tù. Tuy nhiên, có các báo cáo được xác nhận về một số tù nhân được phép đọc Kinh thánh và thực hành tôn giáo trong thời gian bị tù. Điển hình là cha Thaddeus Nguyễn Văn Lý, bị bỏ tù vì các hoạt động chính trị của mình, đã có thể tổ chức lễ Mét và ban thánh thể cho các tù nhân khác.
Quyền tự do tôn giáo và tín ngưỡng quy định trong hiến pháp vẫn được hiểu và bảo vệ một cách không đồng bộ. Các động thái thực tế của Chính phủ và các trở ngại từ bộ máy công quyền đã hạn chế quyền tự do tôn giáo. Các nhóm tôn giáo không đăng ký và chưa được công nhận thường xuyên phải đối mặt với các hành động sách nhiễu, cưỡng chế và trừng phạt của chính quyền. Ở một số nơi, chính quyền địa phương ngầm chấp nhận và không can thiệp vào hoạt động của các nhóm không đăng ký. Ở một số địa phương khác, các hoạt động tương tự lại bị chính quyền địa phương hạn chế. Một số nhóm chưa đăng ký đã tiến đến việc đăng ký và được công nhận trên cả nước, nhưng một số nhóm khác lại lựa chọn không đăng ký, vì họ nói rằng việc đăng ký có thể dẫn đến việc chính phủ gây ảnh hưởng hoặc kiểm soát không phù hợp đối với các hoạt động tôn giáo của họ.
Ngày 25 tháng 6, những thành viên của Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo Thuần Túy chưa được công nhận đã tuyên bố rằng cảnh sát đã cấm các tín đồ của tu sỹ Võ Văn Thanh Liêm không được tiến hành thờ phụng tại chùa của ông ở tỉnh An Giang. Theo những thông tin này, cảnh sát đã đánh đập, ném ghế và phun nước cống bẩn vào những người đi lễ trong khi họ đang cố gắng tham dự lễ kỷ niệm 74 năm thành lập đạo Hòa Hảo.
Vào ngày 31 tháng 7, một nhóm tín đồ Công giáo đã nói rằng cảnh sát đã đánh đập họ và đuổi họ rời khỏi một khu vực trước cửa một nhà thờ ở thành phố Hồ Chí Minh trong khi họ đang cầu nguyện. Nhóm tín đồ này đã đi từ các tỉnh thành phía Nam khác đến thành phố để cầu nguyện sau khi đất đai tài sản của họ bị chính quyền địa phương tịch thu. Được biết một số tín đồ đã phải vào viện cấp cứu vì bị đánh đập trong biến cố kể trên.
Các cơ quan quản lý nhà nước về tôn giáo ở cấp trung ương và địa phương tiếp tục kêu gọi người dân tộc H’mông ở các tỉnh miền núi phía bắc, gồm có Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Cạn, và Thái Nguyên, từ bỏ nhóm tôn giáo Dương Văn Minh (nhóm tuy nhỏ nhưng đang lớn mạnh dần), và dỡ bỏ các “nhà đòn”, một ngôi nhà chung dành để tổ chức các tang lễ và các nghi lễ khác. Các cơ quan chính quyền trung ương đã ra chỉ thị cho chính quyền địa phương phải cưỡng chế và chấm dứt tổ chức Dương Văn Minh. Các cơ quan chính quyền địa phương đã thành lập các ban chỉ đạo để thực hiện chỉ thị trên. Các phương tiện truyền thông của nhà nước nói rằng nhà chức trách đã thuyết phục người dân địa phương dỡ bỏ các “nhà đòn”, trong khi dó một số trang blogs và trang tin tức trên mạng lại cho biết rằng chính quyền địa phương đã cho công an đến cưỡng chế phá dỡ một “nhà đòn”, và còn dọa nạt và đánh đập các tín đồ. Vào tháng 10, nhiều người dân tộc H’mông đã biểu tình trước nơi làm việc của Thủ tướng, và các lực lượng thực thi pháp luật đã tạm thời giải tán họ và tạm giam một số người biểu tình.
Các cá nhân và hội thánh có liên hệ với Mục sư Nguyễn Công Chính, trong đó có Hiệp hội Thông công Tin Lành các Dân tộc Việt Nam và Hội thánh Tin Lành Lutheran của Mỹ và Việt Nam cho biết rằng công an đã vài lần ngăn cản họ tổ chức hành đạo. Chính quyền cho rằng Mục sư Chính đã lợi dụng vị trí của mình để tiến hành các hoạt động chính trị. Ngày 28/4/2011, Mục sư Chính đã bị công an bắt giữ do đã chia sẻ quan điểm với các hãng truyền thông nước ngoài về các vấn đề tôn giáo, chính trị và chỉ trích chính quyền và chủ nghĩa cộng sản. Tháng 7 năm 2012, tòa phúc thẩm đã y án ông Chính 11 năm tù giam, như đã tuyên vào tháng 3 năm 2012. Vợ của ông là bà Trần Thị Hồng và các người thân trong gia đình ông tiếp tục bị công an sách nhiễu sau khi ông đã bị bắt giam và bị kết tội. Sau khi bắt giữ ông Chính, công an tiếp tục theo dõi bà Hồng và các thành viên gia đình ông. Vào ngày 12 tháng 4, bà Hồng nói rằng công an đã chặn đường bà khi bà đang trên đường đi thăm chồng trong trại giam, và sau đó đã đánh bà và khám đồ của bà. Bà cũng cho biết công an đã nhốt bà và các con trong nhà vào ngày 25 tháng 9.
Nhà cầm quyền tỉnh An Giang và Đồng Tháp và thành phố Cần Thơ đã tiếp tục sách nhiễu và quấy rầy các tín đồ của thánh hội Phật giáo Hòa Hảo Truyền thống và Hòa Hảo Thuần túy chưa được đăng ký. Vào tháng 9, tòa án đã xử và kết án tín đồ Bùi Văn Thẩm 2 năm 6 tháng tù giam vì tội công khai chỉ trích chính phủ và tổ chức các cuộc tụ họp tôn giáo không đăng ký. Công an đã bắt giữ Thẩm mà không có lệnh bắt vào tháng 7. Tháng 10 năm 2012, công an đã bắt cha anh là tín đồ Bùi Văn Trung với cùng một tội danh, và tòa đã kết án ông Trung 4 năm tù giam vào tháng 1.
Vào ngày 20 tháng 5, công an đã bắt giữ hai tu sĩ Phật giáo Khmer Krom tên là Thạch Thoul và Liêu Ny của ngôi chùa dòng Nam Tông tại tỉnh Sóc Trăng, cùng với các nhà sư Thach Phum và Thach Tha, khi họ đang định qua biên giới sang Campuchia. Cả bốn vị sư này đã chỉ trích cách đối xử của chính quyền Việt Nam đối với sư Lý Chanh Đa. Vào ngày 27 tháng 9, tòa đã kết án sư Thạch Thuôl 6 năm tù, và sư Liêu Ny 4 năm tù giam vì tội “chạy trốn ra nước ngoài và chống đối chính quyền nhân dân”..
Tháng 5 năm 2010, có các báo cáo về việc đánh đập và đe dọa các cá nhân bị giam giữ sau khi họ phản đối việc đóng cửa nghĩa trang tại giáo xứ Cồn Dầu. Mặc dù không có báo cáo nào về việc giam giữ hay đối xử thô bạo nào đối với giáo dân Cồn Dầu trong ba năm qua kể từ năm 2010, nhưng trong năm qua đã có những báo cáo về việc cưỡng ép và đe dọa các gia đình tại Cồn Dầu do từ chối di dời khỏi giáo xứ theo một dự án tái định cư mới. Các quan chức chính phủ của thành phố Đà Nẵng ước tính có gần 30 gia đình phản đối di dời, trong khi các nguồn khác lại trích dẫn con số là 100 gia đình.
Ngày 28 tháng 5, tòa án tỉnh Gia Lai đã xử 8 bị cáo là tín đồ của nhóm Cơ đốc giáo Hạ Môn mà nhà nước đã qui kết là “tà giáo” vì tội “phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc”. Tòa án tỉnh đã kết án các bị cáo từ 3 đến 11 năm tù giam. Theo lời buộc tội, một trong các bị cáo đã nói rằng năm 2002 Đức Mẹ Đồng trinh Mary đã xuất hiện ở Hạ Môn, một ngôi làng ở Tây Nguyên nơi chính phủ định xây một nhà máy thủy điện. Đức Mẹ đã kêu gọi người dân địa phương nhóm họp lại và cầu nguyện tại Hạ Môn để ngăn chặn ý định của tỉnh Kon Tum trong việc di dời người dân, và để lấy lại khu đất từ dự án thủy điện.
Vào ngày 15 tháng 4, các tín đồ Phật giáo cho biết nhà cầm quyền địa phương tỉnh Bình Phước đã đập phá các pho tượng Phật ở một khu thánh tích. Một vị chức sắc của Ban Tôn giáo Chính phủ cho biết Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Phước đã ra lệnh bỏ biểu trưng của đạo Phật tại nơi này vì chính phủ đã phân loại ngọn núi này là khu di tích văn hóa và du lịch sinh thái cấp quốc gia.
Cảnh sát mặc thường phục đã thường xuyên ngăn cản các hoạt động tôn giáo Pháp Luân Đại Pháp tại các công viên của Thành phố Hồ Chí Minh.
Vào ngày 3 tháng 7, các tín đồ đạo Cao Đài cho biết cảnh sát mặc thường phục đã càn quét một ngôi miếu của đạo Cao Đài ở tỉnh Tiền Giang, tấn công các tín đồ, và tạm giam một số tín đồ của giáo đoàn. Các tín đồ cũng nói rằng cảnh sát đã ra lệnh cho họ phải chuyển giao quyền kiểm soát ngôi miếu cho Ban Trị sự Cao Đài của nhà nước.
Năm 2012, Thượng tọa Thích Không Tánh đã tổ chức tụ họp tại Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất chưa được công nhận tại chùa Liên Trì ở Thành phố Hồ Chí Minh. Các tín đồ của Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất cho biết các lực lượng an ninh đã bao vây chùa và ngăn cản một số chức sắc tôn giáo, các tù nhân lương tâm và thương phế binh của Cộng hòa Việt Nam cũ tham gia các buổi lễ tại đó. Ông Tánh cho biết cảnh sát đã phong tỏa và bắt giữ một số người, ngăn cản họ tham gia tụ họp tại chùa Liên Trì. Năm 2013, chùa này đã có thể tổ chức một sự kiện từ thiện mà không bị ngăn cản, nhưng vẫn bị cảnh sát giám sát.
Ngày 2 tháng 7, công an cửa khẩu hàng không Hà Nội đã chặn Nguyễn Hoàng Đức, một nhà phê bình văn học Công giáo, không cho ông được đi dự buổi lễ tấn phong chân phước tại Rome cho cố Hồng y Francois-Xavier Văn Thuận. Năm 2012, giới truyền thông quốc tế đã đưa tin rằng Việt Nam đã thu hồi visa của một đoàn đại biểu Vatican đã lên kế hoạch trò chuyện với những người đã từng biết về đức Hồng y. Eglises d’Asie (Giáo hội Á Châu), cơ quan thông tin của Hội Thừa sai Paris đã trích dẫn các nguồn tin cho biết kế hoạch tấn phong chân phước đã làm Hà Nội nổi giận. Ông Thuận là cháu trai của Ngô Đình Diệm, tổng thống chống cộng đầu tiên của Miền Nam Việt Nam. Ông Thuận đã buộc phải tha hương sang Roma sau khi được trả tự do từ một trại tập trung của Việt Nam vào năm 1989.
Vào ngày 12 tháng 5, công an cảng hàng không tại Thành phố Hồ Chí Minh đã thu hồi hộ chiếu của mục sư Phạm Đình Nhẫn, mục sư trưởng của Hội Thánh Tin lành Liên hiệp Truyền giáo chưa đăng ký, và ngăn không cho ông rời Việt Nam để tham dự một hội nghị tôn giáo ở nước ngoài. Công an cũng không giải thích lý do cụ thể tại sao lại thu hộ chiếu của mục sư Nhẫn.
Các tín đồ tôn giáo, đặc biệt là những tín đồ thuộc những tổ chức chưa đăng ký hoặc chưa được chính thức công nhận, tiếp tục cho biết họ bị các cán bộ an ninh địa phương đe dọa không cho tham dự các buổi hành lễ tôn giáo. Hiện tượng sách nhiễu đã xảy ra trong một số trường hợp khi một tổ chức tôn giáo cố gắng cải thiện vị thế của mình bằng cách đăng ký hoặc xin được công nhận. Đôi lần, các cán bộ địa phương ép buộc giải tán các buổi tụ tập của hội thánh, khuyên nhủ hoặc yêu cầu các nhóm hạn chế quy mô hoặc nội dung của các buổi lễ quan trọng, đóng cửa các thánh thất tại gia chưa đăng ký, và gây sức ép buộc các cá nhân phải từ bỏ đạo của mình.
Ngày 19 tháng 3, các tín đồ của một hệ phái Tin Lành ở Đà Nẵng cho biết cảnh sát đã giải tán một “điểm tụ họp” (một thánh thất tại gia) của gần 30 tín đồ khiếm thính và đã giải họ đến một đồn cảnh sát để thẩm vấn. Các tín đồ này, có liên hệ với Hội Thánh Truyền giáo Cơ đốc chưa đăng ký, cho biết trước đó họ không gặp vấn đề gì với nhà chức trách, cho đến khi họ bắt đầu có ý định đăng ký địa điểm tụ họp của mình.
Cũng có báo cáo về việc hạn chế tổ chức các dịp lễ tôn giáo hay bày tỏ tôn giáo của mình. Mặc dù hầu hết các nhóm Cơ-đốc giáo, đặc biệt là những hệ phái ở các thành phố lớn, đều cho biết rằng nhà cầm quyền đã cho phép họ tổ chức lễ Giáng sinh, nhưng một số hệ phái chưa đăng ký ở Bình Phước, Khánh Hòa, Bắc Ninh, và Đà Nẵng lại cho biết có sự can thiệp của chính quyền. Hội Thánh Tin Lành Trưởng lão Việt Nam (đã đăng ký) ở huyện Đức Cơ tỉnh Gia Lai cho biết nhà chức trách đã giải tán một nhóm nhỏ những người của họ vào ngày 23 tháng 12. Cũng ở tỉnh Gia Lai, các tín đồ Dòng Chúa Cứu Thế cho biết chính quyền đã ngăn không cho họ phân phát chăn ấm cho người nghèo vào Đêm Giáng sinh.
Các chức sắc của Giáo hội Tin Lành miền Nam Việt Nam cho biết nhà cầm quyền ở tỉnh Bình Phước đã cố gắng đóng cửa hàng trăm thánh thất có liên hệ với tổ chức của họ bởi vì họ chưa được đăng ký. Giáo hội này cũng cho biết các cơ quan công quyền địa phương đã hủy bỏ việc đăng ký của một thánh thất ở tỉnh Bình Phước mà không đưa ra bất kỳ một lý do cụ thể nào, và sau đó đã sách nhiễu các hoạt động của hội thánh và người trưởng thuyết pháp của giáo hội.
Vào tháng 1, Ban Tôn giáo Chính phủ đã đồng ý về nguyên tắc đối với việc thống nhất Giáo hội Tin Lành miền Nam và Giáo hội Tin Lành miền Bắc, nhưng lại bác đơn xin tổ chức một hội nghị chung để hợp nhất 2 giáo hội này vào tháng 5. Hai Giáo hội này đã đệ đơn xin hợp nhất lần đầu tiên vào năm 2010. Vào tháng 10, Giáo hội Tin Lành miền Bắc đã thống nhất ý kiến về quá trình hợp nhất với Giáo hội Tin Lành miền Nam ngay sau Đại hội lần thứ 34 của Giáo hội này ở Hà Nội. Tương tự như vậy, Giáo hội Tin Lành miền Nam cũng đã đi đến thống nhất ý kiến tại hội nghị ngày 11-15 tháng 11 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Các vị chức sắc của 2 giáo hội nói rằng họ dự định tổ chức đại hội chung đầu tiên vào đầu năm 2014.
Vào các ngày lễ Phật giáo lớn như lễ Phật Đản, lễ kỷ niệm ngày sinh của Đức Phật và lễ Vu Lan, các chính quyền đã phong tỏa lối ra vào các ngôi chùa có liên quan đến Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất chưa được công nhận và cấm các chùa tổ chức các hoạt động cho công chúng tại Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và các tỉnh Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Phú Yên và Bình Thuận.
Chính quyền đã cho phép một số nhà thờ tại gia có liên hệ với tổ chức Hội chúng Đức Chúa trời tại Quận 3 và huyện Cần Giờ, Thành phố Hồ Chí Minh được phép hoạt động và đã cấp đăng ký cho nhà thờ tại gia của Hội Chúng Đức Chúa Trời ở huyện Cần Giờ. Tuy nhiên, tổ chức Hội Chúng Đức Chúa Trời tiếp tục gặp khó khăn trong việc khi đăng ký các hội thánh ở các tỉnh phía bắc bao gồm Bắc Giang, Thái Nguyên và Sơn La. Một số tín đồ cho biết nhà cầm quyền đã giải tán các cuộc tụ họp của họ, mặc dù không ai bị tạm giữ. Mặc dù tổ chức Hội chúng Đức Chúa trời đã nhận được chứng nhận đăng ký cấp quốc gia vào năm 2010 và đã tổ chức một đại hội quốc gia theo yêu cầu nhưng đến cuối năm chính phủ vẫn chưa công nhận tổ chức này ở cấp quốc gia bởi vì chính phủ không chấp nhận điều lệ hoạt động và cơ cấu quản trị của tổ chức này.
Việc theo tín ngưỡng tôn giáo nhìn chung không ảnh hưởng nghiêm trọng đến các cá nhân không làm việc trong chính phủ, trong đời sống dân sự, kinh tế và thế tục, tuy nhiên có các chính sách không chính thức thường cản trở việc thăng tiến của các quan chức trong Đảng Cộng sản và quân đội là tín đồ tôn giáo. Những người theo đạo thuộc các nhóm tôn giáo khác nhau vẫn được giữ các vị trí trong chính quyền địa phương và cấp tỉnh và là đại biểu Quốc hội. Một số tổ chức tôn giáo như Giáo hội Phật giáo Việt Nam, cũng như các chức sắc tôn giáo và các tín đồ vẫn được làm thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Các quan chức chính phủ cấp cao thường chúc mừng và đến thăm nhà thờ vào dịp Giáng sinh và Phục sinh, cũng như tham dự các hoạt động mừng lễ Phật Đản.
Hầu hết các nhóm tôn giáo đều cho biết việc tụ họp công khai để hành đạo đã dễ dàng hơn. Tuy nhiên, Chính phủ yêu cầu các nhóm tôn giáo phải đăng ký mọi hoạt động và sử dụng yêu cầu này để hạn chế và cản trở tín đồ tham gia vào một số nhóm tôn giáo chưa được công nhận, trong đó có Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất và một số nhóm Tin Lành và Hòa Hảo.
Các hoạt động tôn giáo thường phải phụ thuộc vào quyền tùy nghi định đoạt của các quan chức địa phương. Trong một số trường hợp, các quan chức địa phương đã nói với các chức sắc tôn giáo rằng luật của nhà nước không áp dụng trong địa bàn của họ. Các nhóm Tin Lành đã được công nhận và chưa được công nhận đôi khi có thể vượt qua sự sách nhiễu của chính quyền địa phương, hoặc đảo ngược được các quyết định tiêu cực ở cấp địa phương sau khi họ khiếu nại lên chính quyền cấp cao hơn.
Chính phủ tuyên bố tiếp tục giám sát hoạt động của một số nhóm tôn giáo nhất định do các nhóm này có hoạt động chính trị. Chính phủ đã viện dẫn các điều khoản về an ninh quốc gia và đoàn kết dân tộc được quy định trong Hiến pháp để bỏ qua các bộ luật và quy định về tự do tôn giáo, trong đó có việc cản trở một số cuộc tụ họp tôn giáo và ngăn chặn nỗ lực của một số nhóm tôn giáo trong việc phổ biến tín ngưỡng cho một số nhóm dân tộc thiểu số ở vùng biên giới được cho là nhạy cảm và ở Tây Nguyên.
Không có tổ chức tôn giáo mới nào được công nhận ở cấp quốc gia trong năm qua.
Vài trăm điểm nhóm thuộc Hội thánh Tin Lành Việt Nam (miền Bắc) vẫn đang chờ chính quyền giải quyết đơn đăng ký về các địa điểm tụ họp ở địa phương của mình. Nhà chức trách nêu một số lý do khiến việc đăng ký bị chậm trễ là do các cản trở về mặt hành chính, như khai mẫu chưa đúng thủ tục hoặc thông tin cung cấp chưa đầy đủ. Chính quyền địa phương cũng đưa ra các quan ngại mơ hồ về vấn đề an ninh và nói rằng quyền lực chính trị của họ có thể bị đe dọa, hoặc rằng có thể xảy ra xung đột giữa những người theo tín ngưỡng truyền thống và những người mới cải đạo sang Thiên chúa giáo.
Ở Tây Nguyên, nhà chức trách đã cấp chứng nhận đăng ký cho vài chục chi hội mới của Hội thánh Tin Lành Việt Nam (miền Nam), và chính phủ cũng đã chấp thuận đăng ký cho 10 chi hội khác ở các tỉnh miền Nam. Hơn 10 nhà thờ mới đã được xây dựng ở các tỉnh, bao gồm Gia Lai, Dak Nông, Quảng Nam, và Đồng Tháp.
Ban Tôn giáo Chính phủ cho biết đã cấp đăng ký cho 115 chi hội tôn giáo mới – chủ yếu là ở Tây Nguyên và vùng núi phía bắc , so với 20 chi hội năm 2012, 5 chi hội năm 2011, và 30 chi hội năm 2010. Nhiều chi hội mới đăng ký là thành viên của Hội Thánh Tin Lành miền Bắc hoặc miền Nam.
Chính phủ vẫn tiếp tục hạn chế việc đi lại của một số chức sắc thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, mặc dù họ vẫn được tiếp đón các nhà ngoại giao nước ngoài đến thăm và được gặp gỡ các thành viên khác trong Giáo hội, cũng như giữ liên lạc với các hội đoàn ở nước ngoài; tuy nhiên, những hoạt động này vẫn bị chính phủ theo dõi chặt chẽ. Các chức sắc của Giáo hội ở cấp tỉnh trên toàn khu vực phía Nam cho biết họ vẫn bị các nhà chức trách địa phương theo dõi đều đặn. Hoà thượng Thích Quảng Độ, Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, cho biết chính quyền đã ngăn cản các tín đồ đến thăm ông hoặc thường thẩm vấn họ sau khi họ tiếp xúc với ông, mặc dù ông vẫn được phép gặp gỡ với các nhà ngoại giao trong chùa của mình. Chính quyền tiếp tục ngăn cấm những người theo đạo Phật gia nhập các chùa của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Nhà cầm quyền cũng cấm thực hiện một số hoạt động từ thiện của chùa Liên Trì của Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất ở Thành phố Hồ Chí Minh.
Hội đồng Trị sự Hòa Hảo là cơ quan được công nhận chính thức của đạo Hòa Hảo; tuy nhiên, nhiều chức sắc trong cộng đồng Hòa Hảo đã công khai chỉ trích Hội đồng này là quỵ lụy Chính phủ quá mức. Các tín đồ đạo Hòa Hảo ở chùa Huê Viên Tự ở tỉnh An Giang đã nói rằng Hội đồng trị sự Hòa Hảo địa phương do nhà nước chỉ đạo đã cố gắng đóng cửa chùa vì các tín đồ ở đây đã phản đối sự kiểm soát của hội động trị sự. Họ còn nói thêm rằng hội đồng trị sự đã yêu cầu bỏ hết các pho tượng Phật trong chùa và ủng hộ việc đóng cửa chùa trong vài tháng. Khi các tín đồ phản đối bằng cách cố gắng vào trong chùa, nhà chức trách địa phương và cảnh sát đã liên tục triệu tập họ lên để thẩm vấn, mặc dù không có báo cáo nào về việc bắt bớ. Theo báo cáo của đạo Hòa Hảo và của chính quyền, ngôi chùa đã được mở, và chính quyền địa phương và hội đồng trị sự cũ đang thảo luận về kế hoạch bầu ban trị sự mới.
Chính phủ tiếp tục nói rằng một số người Thượng, một dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, đang vận hành các tổ chức Tin Lành kêu gọi các dân tộc thiểu số ly khai. Hội Thánh Tin Lành Việt Nam miền Nam và các nhà thờ tại gia ở các tỉnh Đắc Lắc, Gia Lai, Kon Tum, Bình Phước, Phú Yên và Đắc Nông vẫn bị chính quyền giám sát chặt chẽ do bị cho là có cấu kết với các nhóm ly khai ở nước ngoài. Các tín đồ của Hội Thánh Đấng Christ cho biết chính quyền địa phương ở Tây Nguyên đã sách nhiễu và quấy rầy họ, đòi họ phải từ bỏ Hội Thánh, và rằng cảnh sát cho rằng Hội Thánh đã cấu kết với lực lượng FULRO (thổ phỉ) mà bị chính quyền cho là một tổ chức chủ trương ly khai các dân tộc thiểu số.
Nhà xuất bản Tôn giáo vẫn chưa giải quyết đề nghị đã đưa ra từ lâu của Hội Thánh Tin Lành miền Bắc và miền Nam là cho phép in Kinh thánh bằng tiếng H’mông hiện đại.
Vào tháng 3, Bộ Ngoại giao đã ban hành thông tư, tiếp sau đó là một quyết định vào tháng 10, làm rõ các bước thủ tục và các quy định trong Nghị định 92. Trong suốt cả năm, nhiều ban tôn giáo địa phương đã tổ chức các cuộc hội thảo cho các quan chức và các đại diện tôn giáo của mình nhằm hỗ trợ việc thực thi có hiệu quả nghị định nói trên.
Ban Tôn giáo Chính phủ cũng tổ chức một loạt các hội nghị cùng với các chính quyền địa phương và cộng đồng tôn giáo, để rà soát đánh giá việc thực hiện pháp lệnh tôn giáo trong suốt 8 năm qua, và từ đó đề xuất sửa đổi bổ sung pháp lệnh cho phù hợp. Ban Tôn giáo Chính phủ cũng đã thừa nhận một số điểm bất cập trong pháp lệnh hiện hành, ví dụ như việc kiểm soat các cơ sở đào tạo tôn giáo sau khi các cơ sở này được thành lập.
Giống như các năm trước, Ban Tôn giáo Chính phủ đã hợp tác với Viện Liên kết Toàn cầu tổ chức ba khóa tập huấn vào mùa hè và mùa thu cho các cán bộ chính quyền địa phương và cấp tỉnh cùng lãnh đạo các hội thánh địa phương tại các tỉnh Cao Bằng, Lai Châu và Điện Biên. Khóa tập huấn đưa ra các hướng dẫn về tự do tôn giáo và bảo vệ các tín đồ tôn giáo theo luật pháp Việt Nam, với tỉ lệ tham gia khá cao của các quan chức địa phương. Số lượng các cán bộ địa phương tham dự các khóa tập huấn đã nhiều hơn so với các năm trước đây.
Chính quyền tiếp tục xu hướng tích cực trong việc gặp gỡ các chức sắc tôn giáo trong nước và quốc tế từ nhiều hệ phái khác nhau để thảo luận về thủ tục đăng ký và công nhận.
Các sinh viên tiếp tục tham gia vào các đợt đào tạo về giáo lý cơ bản của Phật học được tổ chức tại các chùa trên khắp cả nước trong kỳ nghỉ hè.
Những cải thiện về tôn trọng tự do tôn giáo
Chính phủ tiếp tục nới lỏng các hạn chế đối với hầu hết các nhóm tôn giáo. Thay đổi này chủ yếu là nhờ khung pháp lý tiếp tục được sửa đổi, cũng như thái độ tích cực hơn của chính phủ đối với các nhóm Tin Lành.
Ban Tôn giáo Chính phủ cho biết trong năm qua chính phủ đã cấp phép đăng ký cho 115 hội thánh mới, tăng hơn nhiều so với những năm gần day. Hầu hết các hội thánh mới đăng ký này là ở khu vực Tây Nguyên và miền núi Tây Bắc, trong đó bao gồm cả các chi hội Tin lành và Công giáo. Tuy nhiên, nhiều đơn xin đăng ký vẫn chưa được giải quyết.
Chính quyền tiếp tục chấp thuận cho những hoạt động tôn giáo trước đây từng bị cấm, bao gồm việc mở rộng các cơ sở và các hoạt động tôn giáo. Vào tháng 9, Hội Truyền giáo Cơ đốc đã khởi công xây dựng trụ sở mới rộng 6000 mét vuông và một viện giáo lý tại thành phố Đà Nẵng.
Vào tháng 6, nhà cầm quyền đã cho phép Hội Thánh Tin lành miền Bắc mở một trường dạy Kinh thánh ở Hà Nội. Theo các chức sắc của Hội thánh, đây là trường dạy Kinh Thánh đầu tiên ở miền Bắc Việt Nam kể từ khi hội thánh Tin Lành bị chia rẽ vào năm 1954. Khóa học 5 năm đầu tiên đã được khai giảng vào ngày 5 tháng 9, với 25 học viên.
Nhà cầm quyền càng ngày càng chấp thuận nhiều hơn các đơn xin đăng ký đào tạo tôn giáo và tổ chức các buổi lễ tôn giáo. Một vài sự kiện tôn giáo chính đã được tổ chức với sự tham dự của nhiều tín đồ và người tham gia khác. Vào tháng 3, đã có gần 20.000 phật tử tham gia vào lễ hội Thế Âm Bồ Tát ở Đà Nẵng. Vào tháng 8, khoảng 100.000 tín đồ Công giáo đã tham gia thánh lễ Vọng Giáng sinh tại thánh địa La Vang thuộc tỉnh Quảng Trị.
Phần III. Mức độ tôn trọng của xã hội đối với tự do tôn giáo
Không có báo cáo về các vụ việc gây khó khăn, phiền hà của xã hội hoặc phân biệt đối xử vì lý do tôn giáo, tín ngưỡng hay hành đạo.
Phần IV. Chính sách của Chính phủ Hoa Kỳ
Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội và Tổng Lãnh sự quán tại Thành phố Hồ Chí Minh thường xuyên bày tỏ quan ngại về tự do tôn giáo với nhiều nhà lãnh đạo Đảng và các quan chức Chính phủ, trong đó có Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, các quan chức cấp cao thuộc Bộ Ngoại giao, Ban Tôn giáo Chính phủ, Bộ Công an và các cơ quan khác tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh thành khác. Đại sứ quán và tổng lãnh sự quán vẫn duy trì tiếp xúc thường xuyên và định kỳ viếng thăm các vị chức sắc tôn giáo và những người bất đồng chính kiến trên cả nước.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ trong các cuộc tiếp xúc với các quan chức Chính phủ Việt Nam đã kêu gọi tiếp tục cải thiện tự do tôn giáo. Cacs cuộc tiếp xúc khác của các quan chức cao cấp của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã nêu lên vấn đề tự do tôn giáo trong các cuộc gặp mặt với các quan chức chính phủ và các đại diện xã hội dân sự.
Đại sứ Hoa Kỳ và các viên chức của Sứ quán đã thúc giục Chính phủ cho phép tất cả các nhóm tôn giáo được hoạt động, trong đó có Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, các nhà thờ Tin Lành tại gia và các nhóm Hòa Hảo bất đồng. Họ cũng đề nghị Chính phủ trao quyền tự do nhiều hơn nữa cho các nhóm tôn giáo đã được công nhận và hối thúc chấm dứt những hạn chế đối với những nhóm chưa đăng ký. Ngài Đại sứ và các viên chức sứ quán cũng nêu các vụ việc cụ thể trong đó việc chính quyền đã sách nhiễu các tín đồ Công giáo, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, các chi phái Hòa Hảo chưa được công nhận và các nhà thờ Tin Lành lên Ban Tôn giáo Chính phủ, Bộ Ngoại giao và Bộ Công an. Ngài Đại sứ cũng đề nghị Chính phủ điều tra các cáo buộc về việc ngược đãi các tín đồ tôn giáo và kỷ luật các cán bộ liên đới. Các viên chức của Sứ quán đã kêu gọi chính quyền cấp đăng ký cho các hội thánh trên khắp cả nước. Các quan chức Chính phủ Hoa Kỳ cũng nhiều lần thúc giục chính phủ Việt Nam giải quyết êm xuôi các tranh chấp kéo dài về quyền sử dụng đất với các tổ chức tôn giáo.
Các viên chức của Đại sứ quán và Tổng lãnh sự quán đã có các chuyến công tác đến các địa phương trên cả nước để giám sát môi trường tự do tôn giáo, gặp gỡ các chức sắc tôn giáo, và nhấn mạnh với các quan chức Chính phủ rằng sự cải thiện về tự do tôn giáo và nhân quyền có vai trò cốt yếu để cải thiện quan hệ song phương. Đại diện của Đại sứ quán và Tổng Lãnh sự quán vẫn giữ liên hệ thường xuyên với các vị chức sắc của tất cả các cộng đồng tôn giáo lớn. Ngài đại sứ đã gặp các chức sắc tôn giáo của cả các tổ chức tôn giáo đã được công nhận và chưa được công nhận, bao gồm giáo chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, Hội trưởng Hội thánh Tin lành Việt Nam miền Bắc, và Tổng giám mục Công giáo của Hà Nội. Các viên chức của Đại sứ quán và Tổng lãnh sự quán cũng đã tiếp xúc thường xuyên với ban đại diện cấp tỉnh của hơn 25 nhóm Tin Lành thuộc nhiều hệ phái khác nhau, nhất là ở khu vực Tây Nguyên và miền núi Tây Bắc. Trong năm, Đại sứ quán và Tổng Lãnh sự quán đã tổ chức một số cuộc họp bàn tròn về tự do tôn giáo để cập nhật thông tin về tình hình tự do tôn giáo từ các giáo hội Tin Lành đã được công nhận và chưa được công nhận.
Tác phẩm này thuộc phạm vi công cộng vì nó là một tác phẩm của chính quyền liên bang Hoa Kỳ (xem 17 U.S.C. 105).
Tác phẩm này thuộc phạm vi công cộng vì nó là một tác phẩm của chính quyền liên bang Hoa Kỳ (xem 17 U.S.C. 105).