Báo cáo Tự do Tôn giáo Quốc tế năm 2011
Việt Nam
Tổng quan
Hiến pháp và các bộ luật, chính sách khác của Việt Nam bảo vệ quyền tự do tôn giáo, nhưng trên thực tế, Chính phủ đã quản lý, thậm chí trong một số trường hợp còn hạn chế tự do tôn giáo. Chính phủ nhìn chung tôn trọng quyền tự do tôn giáo của hầu hết các nhóm tôn giáo đã đăng ký và một số nhóm tôn giáo chưa đăng ký, tuy nhiên, vẫn có một số nhóm tôn giáo đã đăng ký và chưa đăng ký cho biết họ vẫn bị sách nhiễu. Chính phủ không thể hiện chiều hướng cải thiện hay làm suy giảm sự tôn trọng và bảo vệ quyền tự do tôn giáo. Vẫn tiếp tục có các thông tin về vi phạm tự do tôn giáo, trong đó có các vụ bắt giữ, tạm giam và kết án. Các vấn đề tiêu cực vẫn còn tồn tại, đặc biệt ở cấp tỉnh và cấp xã, như việc chậm trễ hoặc từ chối cấp đăng ký cho một số nhóm tôn giáo. Có thông tin cho thấy những người bị bắt giữ sau cuộc biểu tình tại giáo xứ Cồn Dầu đã bị đối xử một cách thô bạo. Một số nhóm Công giáo cũng cho biết họ bị sách nhiễu khi đang chuẩn bị tổ chức lễ Giáng sinh. Tuy vậy, chính quyền cũng đã có cho thấy những dấu hiệu cải thiện, như tạo điều kiện xây dựng hàng trăm nơi thờ tự mới, cấp chứng nhận trên toàn quốc cho hai tôn giáo mới, cấp đăng ký cho các giáo đoàn mới, cho phép mở rộng các hoạt động từ thiện và cho phép tổ chức các buổi lễ tôn giáo quy mô lớn với trên 100.000 người tham dự. Chính phủ và Tòa thánh Va-ti-căng tiếp tục có các cuộc đối thoại về bình thường hóa quan hệ.
Vẫn có một số thông tin về những vụ gây khó khăn, phiền hà của xã hội hoặc phân biệt đối xử xuất phát từ nguyên nhân tôn giáo, tín ngưỡng hoặc hành đạo.
Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội và Tổng Lãnh sự quán tại Thành phố Hồ Chí Minh vẫn duy trì các cuộc đối thoại thường xuyên với các quan chức cấp cao cũng như các cán bộ chuyên trách của Chính phủ nhằm thúc đẩy hơn nữa tự do tôn giáo. Các quan chức Hoa Kỳ cũng đã gặp gỡ và tiếp xúc thường xuyên với các chức sắc tôn giáo, kể cả những nhà hoạt động tôn giáo nằm trong danh sách theo dõi của Chính phủ. Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton và các quan chức cấp cao khác của Bộ Ngoại giao đã bày tỏ quan ngại về tự do tôn giáo với các quan chức của Chính phủ Việt Nam và kêu gọi Việt Nam cải thiện hơn nữa tự do tôn giáo. Tự do tôn giáo cũng là một chủ đề trọng tâm của cuộc Đối thoại Nhân quyền Hoa Kỳ - Việt Nam năm 2011 được tổ chức tại Washington vào tháng 11.
Phần I. Các nhóm tôn giáo
Hơn một nửa dân số Việt Nam trên danh nghĩa theo đạo Phật, trong đó có 10% dân số theo Phật giáo Đại thừa (hầu hết các Phật tử này là người Kinh, hay còn gọi là người Việt, dân tộc chiếm đa số tại Việt Nam) và 1,2% dân số theo dòng Nam Tông (có xấp xỉ một triệu Phật tử là người dân tộc Khmer tại khu vực miền Nam). Có 7% dân số là tín đồ của Giáo hội Công giáo Rô-ma. Công giáo đang ngày càng phát triển tại Việt Nam với trên 6 triệu tín đồ tại 26 giáo phận trên cả nước. Có khoảng 2,5-4% dân số theo Đạo Cao Đài, một tôn giáo dung hợp các yếu tố của nhiều tôn giáo khác nhau. Các tín đồ đạo Hòa Hảo chiếm 1,5-3% dân số. Còn số lượng tín đồ của đạo Tin Lành được ước tính vào khoảng 1-2% dân số. Một số hệ phái của đạo Tin Lành đã được chính thức công nhận; một số hệ phái đã được cấp đăng ký tại địa phương nhưng chưa được công nhận ở cấp độ quốc gia. Có khoảng 70.000 – 80.000 tín đồ Hồi giáo, chiếm chưa đến 0,1% dân số. Ước tính có khoảng 40% tín đồ Hồi giáo theo dòng Sunni và 60% còn lại theo dòng Bani.
Các cộng đồng tôn giáo nhỏ hơn cộng lại chiếm chưa đến 0,1% dân số, trong đó có 50.000 người dân tộc Chăm chủ yếu theo một dòng đạo Hồi riêng biệt ở vùng duyên hải Nam Trung Bộ. Cả nước có khoảng 8.000 người theo đạo Baha’i, và xấp xỉ 1.000 người là tín đồ thuộc Giáo hội các thánh hữu ngày sau của Chúa Giêsu Kitô (hay còn gọi là giáo phái Mormons). Thành phố Hồ Chí Minh có một nhà thờ Do Thái, phục vụ khoảng 150 tín đồ Do Thái, chủ yếu là những người nước ngoài định cư tại thành phố.
Hầu hết các công dân còn lại đều tự nhận mình là phi tôn giáo hoặc theo các tín ngưỡng truyền thống như thờ cúng ông bà tổ tiên và các anh hùng dân tộc.
Các dân tộc thiểu số chiếm xấp xỉ 14% dân số. Theo ước tính của các tín đồ, có khoảng 2/3 tín đồ đạo Tin Lành là người dân tộc thiểu số, bao gồm các nhóm thiểu số ở khu vực Tây Bắc (H’mông, Dao, Thái và các dân tộc khác) và Tây Nguyên (Ê-đê, Jarai, Sê-đăng, M’nông và các dân tộc khác). Người dân tộc Khmer Krom thì chủ yếu theo dòng Phật giáo Nam Tông.
Phần II. Tình hình liên quan đến sự tôn trọng quyền tự do tôn giáo của Chính phủ
Khung pháp lý/chính sách
Hiến pháp và các bộ luật, chính sách khác của Việt Nam bảo vệ quyền tự do tôn giáo. Hiến pháp, Bộ luật Hình sự và Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng năm 2003 về tôn giáo đều quy định quyền tự do theo hoặc không theo tôn giáo và thờ phụng; nhưng trên thực tế, vẫn có những biện pháp hạn chế được quy định trong chính sách. Pháp lệnh Tín ngưỡng và Tôn giáo năm 2004 và Nghị định hướng dẫn thi hành năm 2005 là những văn bản pháp luật cơ bản điều chỉnh hoạt động tôn giáo. Cả hai văn bản này đều khẳng định quyền tự do tín ngưỡng và tôn giáo của người dân, nhưng cảnh báo rằng hành vi “lợi dụng” tự do tôn giáo hoặc tín ngưỡng nhằm mục đích “phá hoại hòa bình, độc lập và thống nhất đất nước” là phạm pháp, và sẽ đình chỉ các hoạt động tôn giáo nếu “gây ảnh hưởng tiêu cực đến các truyền thống văn hóa của dân tộc”.
Bộ luật Hình sự sửa đổi năm 1997 đã quy định các hình phạt cho các tội danh được định nghĩa mơ hồ như “cố tình phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc” bằng cách “gây chia rẽ giữa những người theo đạo và không theo đạo”. Chính phủ tiếp tục hạn chế các hoạt động có tổ chức của các nhóm tôn giáo độc lập và các cá nhân bị coi là mối đe dọa đối với quyền lực của Đảng.
Pháp lệnh Tín ngưỡng và Tôn giáo quy định Chính phủ có quyền quản lý và giám sát các tổ chức tôn giáo. Các tổ chức tôn giáo phải được chính thức công nhận hoặc cấp đăng ký hoạt động và phải được cơ quan chính quyền “phù hợp” ở cấp thấp hơn phê duyệt các chức sắc, hoạt động và việc thành lập các chủng viện hoặc lớp học tôn giáo. Việc bổ nhiệm linh mục hoặc các chức sắc tôn giáo khác cũng phải được chính quyền phê duyệt khi có liên quan đến các tổ chức tôn giáo nước ngoài cấp cao, chẳng hạn như Tòa thánh Va-ti-căng. Pháp lệnh nghiêm cấm ép buộc cải đạo. Pháp lệnh quy định các tổ chức tôn giáo chỉ cần thông báo cho các cấp chính quyền phù hợp về các hoạt động thường niên hay việc phong chức, thuyên chuyển linh mục mà không cần phải có được sự chấp thuận chính thức của chính quyền địa phương như trước đây; tuy nhiên, một số cán bộ địa phương vẫn đưa ra yêu cầu phải xin phép. Pháp lệnh cũng khuyến khích các nhóm tôn giáo tổ chức các hoạt động từ thiện trong lĩnh vực y tế và giáo dục, hai lĩnh vực mà trước đây vốn bị hạn chế.
Năm 2005, Nghị định số 22 hướng dẫn thi hành Pháp lệnh Tín ngưỡng và Tôn giáo được ban hành. Nghị định quy định chi tiết thủ tục để một tổ chức tôn giáo chưa được công nhận có thể đăng ký nơi thờ tự, các giáo sĩ và các hoạt động để từ đó có thể hoạt động công khai và đăng ký để được công nhận chính thức. Nghị định quy định một tổ chức tôn giáo phải có 20 năm “hoạt động tôn giáo ổn định” tại Việt Nam thì mới được Chính phủ công nhận chính thức và các hoạt động trong quá khứ tại Việt Nam cũng được tính để đạt được mức yêu cầu này.
Nghị định cũng nêu rõ các thủ tục mà các tổ chức tôn giáo và từng giáo đoàn phải thực hiện để được chính thức công nhận. Theo đó, để được công nhận chính thức, một tổ chức tôn giáo xin công nhận phải được cấp đăng ký ở cấp quốc gia - một quy trình theo khung pháp lý sẽ phải thực hiện một số thủ tục pháp lý. Đầu tiên, tổ chức tôn giáo phải đăng ký và được cấp đăng ký ở từng khu vực hành chính nơi họ hoạt động. Tổ chức đó phải gửi thông tin về cơ cấu, lãnh đạo và các hoạt động của mình đến các cấp chính quyền địa phương có thẩm quyền. Một năm sau khi đăng ký ở cấp độ quốc gia, nhóm tôn giáo đủ điều kiện có thể đệ đơn xin được công nhận đầy đủ về mặt pháp lý sau khi tổ chức hội nghị toàn quốc để bầu ra ban lãnh đạo. Nghị định cũng quy định cơ quan có thẩm quyền phải có phản hồi bằng văn bản về đề nghị đăng ký công nhận chính thức của tổ chức tôn giáo trong vòng 30, 45, 60 hoặc 90 ngày, tùy theo phạm vi của đề nghị. Trong trường hợp bác đơn, văn bản phúc đáp cần nêu rõ lý do. Tuy nhiên, quy định này không được áp dụng một cách nhất quán. Pháp lệnh không quy định cơ chế cụ thể về việc xem xét lại, cũng như lý do từ chối.
Nghị định 22 cũng quy định “nghiêm cấm việc ép buộc công dân theo đạo hoặc bỏ đạo”. Chỉ thị về một số công tác đối với đạo Tin Lành của Thủ tướng Chính phủ (ban hành năm 2005) cũng có nội dung hàm ý tương tự. Mặc dù các quan chức Chính phủ từ lâu luôn khẳng định rằng việc ép buộc theo đạo hoặc cải đạo là bất hợp pháp, song đây mới chính thức là hai văn bản pháp luật đầu tiên có quy định rõ ràng về nội dung này.
Nghị định 22 và Luật Đất đai quy định các tổ chức tôn giáo không được mua đất với tư cách pháp nhân và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phải cấp đất và chấp thuận việc xây dựng các cơ sở tôn giáo mới. Thường thì một thành viên trong giáo đoàn sẽ mua đất rồi chuyển nhượng cho tỉnh, đất sau đó được cấp cho giáo hội. Giáo hội cũng cần thông báo cho chính quyền về việc trùng tu hay nâng cấp các cơ sở tôn giáo, tuy nhiên, tùy theo mức độ trùng tu mà có thể không phải xin phép. Nghị định 22 quy định rằng chính quyền phải phúc đáp đơn xin giấy phép xây dựng trong vòng 20 ngày.
Ban Tôn giáo Chính phủ cấp quốc gia có trách nhiệm phổ biến thông tin về khung pháp lý tôn giáo cho các chính quyền ở tỉnh, huyện, thôn, xã và đảm bảo khung pháp lý được áp dụng đồng bộ.
Có 31 tổ chức tôn giáo được công nhận thuộc 11 tôn giáo đã được công nhận (Phật giáo, Hồi giáo, đạo Baha’i, Thiên chúa giáo, đạo Tin Lành, đạo Hòa Hảo, đạo Cao Đài, Tịnh độ Cư sĩ Phật hội, Tứ Ân Hiếu Nghĩa, Phật đường Nam tông Minh sư Đạo và Minh Lý Đạo Tam tôngmiếu). Từng giáo đoàn thuộc các nhóm tôn giáo đã được công nhận này cũng phải đăng ký. Một số chi phái của đạo Phật, đạo Tin Lành và đạo Hòa Hảo không tham gia vào các tổ chức tôn giáo đã được Chính phủ công nhận hoặc cấp đăng ký.
Chính phủ quy định tất cả các hoạt động xuất bản các ấn phẩm tôn giáo đều phải thông qua Nhà xuất bản Tôn giáo, đơn vị phụ trách các vấn đề tôn giáo trực thuộc Nhà xuất bản Quốc gia, hoặc các nhà xuất bản khác được Chính phủ cho phép. Hoạt động xuất bản chỉ được thực hiện sau khi Chính phủ đã duyệt nội dung ấn phẩm. Tuy nhiên, các nhà xuất bản khác có thể in ấn và phân phối các tài liệu liên quan đến tôn giáo và các cửa hàng sách cũng được tự do bày bán các ấn phẩm tôn giáo. Kinh Thánh được xuất bản bằng tiếng Việt và các ngôn ngữ khác như tiếng Trung, tiếng Ê-đê, Jarai, Banar, M’nông và tiếng Anh. Chính phủ vẫn chưa phê duyệt việc xuất bản Kinh thánh bằng tiếng H’mông hiện đại.
Chính phủ không cho phép giảng dạy tôn giáo tại các trường công, nhưng lại cho phép giới tăng lữ giảng dạy tại các trường đại học các môn học mà họ có đủ trình độ chuyên môn. Các nhóm Công giáo, Tin Lành, Hồi giáo, Baha’i và Phật giáo được phép giảng dạy tôn giáo cho các tín đồ tại cơ sở tôn giáo của mình. Các nhóm tôn giáo không được phép mở và vận hành các trường tư ngoại trừ các trường mẫu giáo, mầm non và nhà trẻ. Thần học không được giảng dạy chính thức ở trường công.
Việc công dân có theo tôn giáo nào hay không sẽ được ghi trên chứng minh thư nhân dân và hộ khẩu gia đình. Mặc dù không có thông tin về việc phân biệt đối xử đối với các cá nhân có ghi rõ tín ngưỡng của mình trên giấy tờ, nhưng trên thực tế, nhiều người nhận mình là theo đạo lựa chọn không ghi tôn giáo trên chứng minh thư, và do vậy, các thống kê tôn giáo của Chính phủ coi họ là những người không theo đạo. Dù có thể thay đổi thông tin trong mục tôn giáo trên chứng minh thư, nhưng hầu hết những người cải đạo thấy rằng các thủ tục thay đổi thường rất phức tạp và thường không thể thực hiện được.
Về nguyên tắc, các tù nhân không được thể hiện đức tin tôn giáo hoặc hành đạo tại khu vực công cộng trong nhà tù. Tuy nhiên, có các thông tin đã được xác thực rằng tù nhân được phép đọc Kinh thánh và hành đạo ở trong buồng giam.
Giáo hội Phật giáo Việt Nam được công nhận chính thức được thành lập trên cơ sở sáp nhập các tổ chức Phật giáo Đại thừa, Nam Tông và Tiểu thừa lại với nhau. Tất cả các nhóm Phật giáo trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam đều có đại diện tính theo tỷ lệ trong hàng ngũ lãnh đạo và trong tổ chức. Trên thực tế, các vị sư sãi dòng Nam Tông thường họp riêng để quyết định các vấn đề như giáo lý, giáo dục và các nhu cầu khác của giáo phái để đưa lên Giáo hội Phật giáo Việt Nam Có một số tổ chức tôn giáo khác biệt và riêng rẽ với Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã được công nhận trong thời gian gần đây và có ảnh hưởng tới các Phật tử Trong số đó, nhóm Tịnh Độ Cư sĩ Phật hội là đông đảo nhất, với hơn 1,3 triệu Phật tử.
Những tín đồ thuộc các nhóm tôn giáo không chính thức không được công khai phát ngôn về tôn giáo của mình, nhưng trên thực tế một số tín đồ vẫn tổ chức đào tạo tôn giáo hoặc hành đạo mà không bị sách nhiễu. Tín đồ thuộc các nhóm tôn giáo chưa được cấp đăng ký hoạt động trên cả nước có thể công khai tín ngưỡng của mình và thuyết phục người khác theo tôn giáo của họ nhưng chỉ ở những địa điểm thờ tự đã đăng ký ở địa phương. Chính phủ kiểm soát tất cả các hình thức tụ họp nơi công cộng; tuy nhiên, một số buổi tụ họp tôn giáo lớn vẫn được cho phép tổ chức.
Chính phủ không công nhận bất cứ ngày lễ tôn giáo nào là ngày lễ tôn giáo quốc gia.
Động thái thực tế của Chính phủ
Quyền tự do tôn giáo và tín ngưỡng được quy định trong hiến pháp vẫn được hiểu và bảo vệ một cách không đồng bộ. Các động thái trên thực tế của Chính phủ và trở ngại từ bộ máy công quyền đã hạn chế quyền tự do tôn giáo.
Có thông tin cho biết các vụ vi phạm tự do tôn giáo vẫn xảy ra tại Việt Nam, nạn nhân bao gồm cả các tù nhân và những người bị giam giữ, các cá nhân và thành viên các chi hội tôn giáo vẫn bị theo dõi và sách nhiễu. Báo cáo về các vụ vi phạm tự do tôn giáo vẫn giữ ở mức độ tương tự như năm ngoái.
Tháng 3, chính quyền tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long và Cần Thơ đã ra lệnh theo dõi các nhà sư Hòa Hảo chưa được công nhận nhằm ngăn chặn các tín đồ tổ chức lễ tưởng niệm ngày mất của Giáo chủ khai sáng đạo Hòa Hảo vào ngày 29/3. Cảnh sát đã phong tỏa các tuyến đường và sách nhiễu hoặc đe dọa các tín đồ. Một tín đồ đã bị cảnh sát đánh đập thô bạo.
Các tín đồ Tin Lành người Khmer cho biết họ bị các Phật tử người Khmer Krom tại một số huyện thuộc tỉnh Trà Vinh gây phiền hà, đe dọa, và trong một số trường hợp còn bị phá hoại tài sản và đánh đập. Họ cho biết chính quyền địa phương hầu như không làm gì để ngăn chặn những vụ việc này, và trong một số trường hợp, còn tham gia hoặc kích động gây rối.
Hai nhà thuyết giáo là Ksor Y Du và Kpa Y Ko vẫn tiếp tục bị giam giữ sau khi bị buộc tội và kết án với tội danh âm mưu tổ chức biểu tình, gây mất trật tự an ninh và chính trị và chia rẽ đoàn kết dân tộc.
Tháng 11, mục sư Đỗ Văn Tính cho biết các gia đình phản đối Hội thánh Báp-tít Thiên Ái và hàng xóm của họ đã tấn công mục sư Nguyễn Danh Châu và các giáo dân. Mục sư Tính cho biết lực lượng công an không tham gia vào vụ đánh đập, nhưng lại phản ứng rất chậm chạp và chỉ đến hỗ trợ những tín đồ của Hội thánh sau khi số người tham gia ngày càng đông.
Tháng 10, một người theo phái Pháp Luân Công cho biết, mặc dù một nhóm các học viên Pháp Luân Công vẫn tổ chức luyện tập hàng tuần tại một công viên ở Thành phố Hồ Chí Minh từ năm 2009 đến nay, nhưng đến tháng 10, cảnh sát đã bắt giữ 25 học viên Pháp Luân Công ở Thành phố Hồ Chí Minh và tạm giữ họ trong 8 giờ đồng hồ. Hai trong số bảy người bị bắt giữ không mang theo giấy tờ tùy thân đã bị cảnh sát đưa đến Trung tâm Bảo trợ Xã hội. Họ đã được thả trong vòng 24 giờ sau đó.
Tháng 6, ông Trần Văn Nhơn ở tỉnh Đồng Tháp cho biết chính quyền xã đã thu hồi trái phép khoảng 700 đến 800 m2 đất trong mảnh đất ban đầu rộng 1.000m2 trên đất xã mà không đền bù. Ông Nhơn cho biết ông đã sử dụng khu đất này để tổ chức các buổi hành lễ cho người theo đạo Hòa Hảo. Ông Tống Thiết Linh, cũng từ tỉnh Đồng Tháp cho biết ông đã phải dừng tổ chức các buổi hành lễ cho tín đồ đạo Hòa Hảo tại gia sau khi công an địa phương gửi giấy triệu tập và đe dọa sẽ bắt giữ ông Linh nếu ông không chịu dừng hoạt động khi cơ sở tôn giáo chưa được đăng ký.
Tháng 5, 5.000 người dân tộc H’mông tại huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên đã tụ họp lại trong một hoạt động thuộc phong trào thiên niên kỷ. Lực lượng an ninh đã giải tán đám đông và bắt giữ 150 người. Có thông tin cho thấy có đến 3 trẻ em đã bị ốm và tử vong do điều kiện thời tiết khắc nghiệt tại một lán trại tạm thời do người dân tộc H’mông dựng lên.
Các cá nhân và hội thánh có liên hệ với Mục sư Nguyễn Công Chính, trong đó có Hiệp hội Thông công Tin Lành các Dân tộc Việt Nam và Hội thánh Tin Lành Lutheran Mỹ và Việt Nam đã vài lần bị ngăn cản tổ chức hành đạo do việc Mục sư Chính kịch liệt phản đối chính quyền và chủ nghĩa cộng sản. Chính quyền tiếp tục cho rằng Mục sư Chính đã lợi dụng vị trí của mình để tiến hành các hoạt động chính trị. Ngày 28/4, Mục sư Chính đã bị bắt giữ vì tội “phá hoại chính sách đại đoàn kết dân tộc” do đã chia sẻ quan điểm với các hãng truyền thông nước ngoài về các vấn đề tôn giáo, chính trị và chỉ trích chính quyền và chủ nghĩa cộng sản. Đến cuối năm, Mục sư Chính vẫn bị giam giữ và gia đình ông cũng không được phép vào thăm.
Tháng 11/2010, chính quyền đã bắt giữ hai học viên của phái Pháp Luân Công là Vũ Đức Trung và Lê Văn Thành tại Hà Nội do phát sóng trái phép thông điệp chính trị và tôn giáo sang Trung Quốc. Tháng 2, Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội đã kết tội Trung và Thành “phát sóng trái phép thông tin và vận hành mạng lưới thông tin không có giấy phép” và kết án lần lượt 3 và 2 năm tù giam.
Vẫn có các thông tin về các vụ vi phạm tự do tôn giáo khác trong năm, bên cạnh các báo cáo về lạm dụng thể chất và về các tù nhân, người bị giam giữ vì lý do tôn giáo.
Ngày 20/7, công an địa phương đã phá dỡ một thánh thất của đạo Cao Đài ở thành phố Phan Rang, tỉnh Ninh Thuận. Trước khi thánh thất này bị phá hủy, chính quyền địa phương đã yêu cầu phải giao lại phần đất này cho họ. Khi các tín đồ Cao Đài biểu tình, chính quyền địa phương đã công khai giải tán những người theo đạo, phá dỡ thánh thất và thu hồi đất mà không đền bù. Vụ việc này không có tiến triển gì mới tính đến cuối năm.
Ngày 10/7, Giám tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Phạm Trung Thành đã bị cấm xuất cảnh để ngăn ông tham dự diễn đàn tôn giáo tại Singapore. Ngày 12/7, Cha Đinh Hữu Thoại, Chánh văn phòng Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế tại Việt Nam đã bị chặn lại tại cửa khẩu khi đang trên đường đến Campuchia.
Tháng 7, các cán bộ xã đã đe dọa cắt trợ cấp tài chính cấp cho các hộ gia đình nghèo nếu một số thành viên của Hội thánh làng Phá Khẩu, xã Phình Giàng, tỉnh Điện Biên tiếp tục tham dự các buổi hành lễ. Các giáo dân cho biết các cán bộ xã thường xuyên theo dõi các tín đồ và khuyên họ không nên theo “tôn giáo có tổ chức” mà nên quay về thờ cúng tổ tiên.
Một số tín đồ tôn giáo tiếp tục cho biết họ bị các cán bộ an ninh địa phương đe dọa không cho tham dự các buổi hành lễ tôn giáo, đặc biệt là những tín đồ thuộc những tổ chức chưa đăng ký hoặc chưa được chính thức công nhận. Hiện tượng sách nhiễu đã xảy ra trong một số trường hợp khi một tổ chức tôn giáo cố gắng cải thiện vị thế của mình, ví dụ như chuyển đổi từ vị thế chưa đăng ký sang đã đăng ký, hoặc từ đã đăng ký thành được công nhận. Đôi lần, các cán bộ địa phương ép buộc giải tán các buổi tụ tập của hội thánh, khuyên nhủ hoặc yêu cầu các nhóm hạn chế quy mô hoặc nội dung của các buổi lễ quan trọng, đóng cửa các thánh thất tại gia chưa đăng ký, và gây sức ép buộc các cá nhân phải cải đạo.
Cũng có những báo cáo cho thấy quyền tự do tôn giáo bị hạn chế. Một số hệ phái Tin Lành chưa được công nhận bị cấm tổ chức các buổi lễ Giáng sinh quy mô lớn tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Thanh Hóa. Cuối năm, Hội thánh Tin Lành Việt Nam (miền Nam) và các hệ phái khác tiếp tục đòi chính quyền trả lại các tài sản đã bị tịch thu.
Tháng 12, Hội thánh Tin Lành Báp-tít Liên hiệp Việt Nam cho biết chính quyền tỉnh Đà Nẵng đã cản trở các hội thánh chưa đăng ký và gây áp lực buộc họ phải gia nhập hội thánh đã đăng ký.
Hội thánh Tin Lành Việt Nam (miền Nam) cho biết hồi tháng 11, Ban Tôn giáo Chính phủ đã ra quyết định từ chối đề nghị của Hội thánh về việc quay trở lại cơ cấu tổ chức như từ trước năm 1975 với các cấp quận, huyện nằm dưới sự quản lý của Hội thánh trung ương. Ban Tôn giáo Chính phủ tuyên bố rằng Pháp lệnh Tín ngưỡng và Tôn giáo không cho phép có cơ cấu lãnh đạo ba cấp. Hội thánh Tin Lành Việt Nam (miền Nam) cho biết quyết định này đã gây khó khăn cho Hội thánh trong việc quản lý các công việc nội bộ. Hồi đầu năm, Hội thánh Tin Lành Việt Nam (miền Nam) và Hội thánh Tin Lành Việt Nam (miền Bắc) đã đồng đệ trình một bản quy chế riêng cho Hội thánh Tin Lành thống nhất, theo đó sẽ thành lập một tổ chức quản lý ở cấp tỉnh. Ban Tôn giáo Chính phủ đã không ủng hộ quyết định này và cả hai Hội thánh vẫn tiếp tục hoạt động như hai tổ chức riêng rẽ.
Tháng 9, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất cho biết một ngày trước ngày tổ chức lễ Vu Lan, một buổi lễ tôn giáo quan trọng, chính quyền đã mời các vị tăng ni lên làm việc với các cán bộ công an và ghi lại tên của những tín đồ sẽ tham dự buổi lễ này. Trong ngày tổ chức, chính quyền địa phương đã giải tán các đám đông tụ tập.
Tháng 5, Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng đã đề nghị một giáo hội Phật giáo chưa được công nhận ngừng treo các biểu ngữ hoặc tranh ảnh tôn giáo ở nơi công cộng và đề nghị một vị sư thuộc giáo hội không được đọc thông điệp trong lễ Phật Đản, ngày lễ kỷ niệm ngày đức Phật ra đời.
Tại tỉnh Sóc Trăng và quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh, các hệ phái Chứng nhân Jê-hô-va nộp đơn đăng ký tại địa phương đã bị ngược đãi. Chính quyền địa phương đã tổ chức các cuộc họp tổ dân phố để trưng cầu ý kiến của người dân về việc đăng ký này. Người dân đã bỏ phiếu với “100%” ý kiến phản đối. Đến tháng 5, chính quyền đã từ chối cấp đăng ký cho phái Chứng nhân Jê-hô-va dựa trên kết quả trên và ghi chú giáo phái “có khả năng gây mất trật tự công cộng”.
Hội Thông Công Tin Lành Việt Nam đã nỗ lực tổ chức một buổi gặp mặt vị Mục sư nổi tiếng thế giới Luis Palau tại Hà Nội vào ngày 15-16/4. Tuy nhiên, chính quyền kiên quyết yêu cầu sự kiện này phải do một giáo đoàn được Chính phủ công nhận tổ chức. Do không có đủ thời gian để thu xếp chuẩn bị, sự kiện này đã bị hủy bỏ.
Tháng 1, chính quyền đã yêu cầu các tín đồ thuộc một Giáo hội Phật giáo Việt Nam chưa được công nhận hủy bỏ hoặc hạn chế tổ chức buổi lễ khai giảng khóa tu học giáo lý hàng năm. Một ngày sau buổi lễ, công an đã triệu tập các Phật tử lên làm việc về nội dung của khóa tu.
Tháng 1, cảnh sát đã cắt ngang một buổi tụ họp của 50 tín đồ thuộc Hội thánh Phúc Âm Ngũ Tuần, trong đó có 30 người dân tộc Khmer. Cảnh sát đã ban hành lệnh triệu tập do những người này đã tụ tập và cầu nguyện trái phép, tịch thu các sách cầu nguyện và Kinh Thánh. Hội thánh này đã đăng ký ở cấp địa phương nhưng vẫn gặp nhiều khó khăn khi muốn thay đổi địa điểm sinh hoạt. Hội thánh trước đó đã gửi thông báo cho chính quyền đề xuất thay đổi địa điểm nhưng không nhận được hồi đáp. Sau buổi triệu tập, chính quyền tuyên bố việc đăng ký của Hội thánh là chưa hoàn chỉnh và yêu cầu phải có một danh sách gồm tất cả những người tham dự (việc này là trái phép theo Pháp lệnh Tôn giáo). Một số chính quyền còn cảnh báo những tín đồ người Khmer rằng họ có thể bị cắt các phúc lợi xã hội nếu tiếp tục sinh hoạt tại Hội thánh này.
Một số nhà thờ tại gia nhỏ có liên hệ với Liên đoàn Truyền giáo Phúc Âm tiếp tục cho biết họ gặp khó khăn trong việc tổ chức hành đạo tại một số địa bàn thuộc tỉnh Điện Biên. Những năm trước đây, công an đã chủ động giải tán các buổi họp mặt của các tín đồ, chính quyền địa phương từ chối cấp đăng ký cho các điểm nhóm thuộc Liên đoàn và chính quyền đã gây áp lực buộc các tín đồ từ bỏ tôn giáo của mình.
Các cán bộ địa phương tại các làng xã thuộc các tỉnh miền núi phía Bắc đã nỗ lực thuyết phục hoặc cưỡng ép những tín đồ Tin Lành người H’mông cải đạo. Chính quyền địa phương khuyến khích các già làng, trưởng bản thuyết phục họ hàng, con cháu của mình dừng theo đạo Thiên chúa giáo và quay trở lại với tín ngưỡng truyền thống.
Việc triển khai khung pháp lý về tôn giáo ở các cấp chính quyền thấp hơn vẫn còn chưa nhất quán. Trong năm, các cấp chính quyền trung ương và cấp tỉnh đã tổ chức một số khóa tập huấn cho các cán bộ ở cấp thấp hơn về các bộ luật mới để họ nắm rõ và tuân thủ đúng theo Pháp lệnh Tín ngưỡng và Tôn giáo.
Việc theo tín ngưỡng tôn giáo nhìn chung không ảnh hưởng nghiêm trọng đến các cá nhân trong đời sống dân sự, kinh tế và thế tục, mặc dù các quy định bất thành văn của Đảng cộng sản và quân đội có cản trở việc thăng tiến của các tín đồ. Những người theo đạo thuộc các nhóm tôn giáo khác nhau vẫn có thể đảm nhiệm các vị trí trong chính quyền địa phương và cấp tỉnh và là đại biểu Quốc hội. Một số tổ chức tôn giáo như Giáo hội Phật giáo Việt Nam, cũng như các chức sắc Công giáo và các tín đồ tôn giáo khác là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, một tổ chức chính trị xã hội rộng lớn của Đảng. Các quan chức Chính phủ cao cấp thường chúc mừng và đến thăm các nhà thờ vào dịp Giáng sinh, Phục sinh cũng như tham dự các hoạt động trong dịp lễ Phật Đản.
Hầu hết các nhóm tôn giáo đều cho biết việc tụ họp công khai để hành đạo đã dễ dàng hơn. Tuy nhiên, Chính phủ yêu cầu các nhóm tôn giáo phải đăng ký mọi hoạt động và sử dụng yêu cầu này để hạn chế và cản trở tín đồ tham gia vào một số nhóm tôn giáo chưa được công nhận, trong đó có Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất và một số nhóm Tin Lành, Hòa Hảo.
Do thiếu quy trình đúng đắn và việc kiểm soát thiếu thống nhất, các hoạt động tôn giáo bị phụ thuộc vào quyền tùy nghi định đoạt của các quan chức địa phương. Được biết, trong một số trường hợp, chính quyền địa phương đã nói với các chức sắc tôn giáo rằng luật của nhà nước không áp dụng trong địa bàn của họ. Các nhóm Tin Lành đã được công nhận và chưa được công nhận đôi khi có thể vượt qua sự sách nhiễu của chính quyền địa phương, hoặc đảo ngược được các quyết định tiêu cực ở cấp địa phương sau khi khiếu nại lên chính quyền cấp cao hơn.
Các nhóm tôn giáo không đăng ký có thể phải đối mặt với hành động cưỡng chế và trừng phạt của chính quyền cấp trung ương và địa phương. Ở một số nơi, chính quyền địa phương ngầm chấp nhận và không can thiệp vào hoạt động của các nhóm không đăng ký. Ở một số địa phương khác, các hoạt động tương tự lại bị chính quyền địa phương hạn chế. Một số nhóm chưa đăng ký đang tiến đến việc đăng ký và được công nhận trên cả nước, nhưng một số nhóm khác lại lựa chọn không đăng ký.
Chính phủ tuyên bố tiếp tục giám sát hoạt động của một số nhóm tôn giáo nhất định do các nhóm này có hoạt động chính trị. Chính phủ đã viện dẫn các điều khoản về an ninh quốc gia và đoàn kết dân tộc được quy định trong Hiến pháp để bỏ qua các bộ luật và quy định về tự do tôn giáo, trong đó có việc cản trở một số cuộc tụ họp tôn giáo và ngăn chặn nỗ lực của một số nhóm tôn giáo trong việc phổ biến tín ngưỡng cho một số nhóm dân tộc thiểu số ở vùng biên giới được cho là nhạy cảm và ở Tây Nguyên.
Trong năm, Chính phủ đã công nhận cấp quốc gia đối với hai tổ chức tôn giáo đó là Ban đại diện Cộng đồng Hồi giáo tỉnh Ninh Thuận và Giáo hội Cao Đài Việt Nam (Bình Đức). Hàng trăm điểm nhóm thuộc Hội thánh Tin Lành Việt Nam (miền Bắc) vẫn đang chờ chính quyền giải quyết đơn đăng ký của mình. Lý do khiến việc đăng ký bị chậm trễ là do các cản trở về mặt hành chính, như khai mẫu chưa đúng thủ tục hoặc thông tin cung cấp chưa đầy đủ. Chính quyền địa phương cũng đưa ra các quan ngại mơ hồ về vấn đề an ninh và nói rằng quyền lực chính trị của họ có thể bị đe dọa, hoặc rằng có thể xảy ra xung đột giữa những người theo tín ngưỡng truyền thống và những người mới cải đạo sang Thiên chúa giáo. Trong năm, các cấp chính quyền địa phương đã cấp đăng ký cho 5 đến 10 chi hội Tin Lành mới so với năm 2010 với gần 30 điểm nhóm thuộc Hội thánh Tin Lành Việt Nam (miền Bắc) đã được cấp đăng ký.
Hiệp hội Thông Công Tin Lành Việt Nam, tổ chức có cả các điểm nhóm đã đăng ký và chưa đăng ký, cho biết họ không được đăng ký ở cấp quốc gia.
Chính phủ tiếp tục hạn chế việc đi lại của một số chức sắc thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Tuy vậy, Giáo hội vẫn đang điều hành nhiều chùa chiền mà không phải chịu bất kỳ sự hạn chế nào. Cũng như các năm trước, các chức sắc của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất cho biết họ bị buộc phải hạn chế đi lại, mặc dù họ vẫn có thể đón tiếp các nhà ngoại giao nước ngoài đến thăm, được gặp gỡ các thành viên khác trong Giáo hội và duy trì liên lạc với các hội đoàn ở nước ngoài. Tuy nhiên, các hoạt động này vẫn bị giám sát chặt chẽ. Mặc dù Chính phủ hạn chế hầu hết cả hoạt động từ thiện của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, nhưng vào đầu tháng 1, các nhà sư thuộc Giáo hội vẫn đến các vùng bị ảnh hưởng nặng nề bởi lũ lụt để phân phát lương thực. Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất cho biết họ có 20 ban đại diện tại 15 thành phố và tỉnh thành. Các chức sắc của Giáo hội ở cấp tỉnh trên toàn khu vực phía Nam cho biết họ vẫn bị các nhà chức trách địa phương thường xuyên theo dõi. Hòa thượng Thích Quảng Độ, Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, cho biết ông có thể gặp gỡ những người khác ở trong và bên ngoài chùa.
Hội đồng Trị sự Hòa Hảo là cơ quan được chính thức công nhận của đạo Hòa Hảo; tuy nhiên, một số chức sắc trong cộng đồng Hòa Hảo đã công khai chỉ trích Hội đồng này là quỵ lụy Chính phủ quá mức. Các nhóm Hòa Hảo bất đồng đã thành lập hai giáo hội nhỏ hơn là Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo Truyền thống và Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo Thuần túy. Họ phải chịu một số hạn chế về hoạt động tôn giáo và chính trị. Chính phủ nghiêm cấm tổ chức lễ tưởng niệm ngày mất của Giáo chủ khai sáng Phật giáo Hòa Hảo và cấm đọc các sách do ông viết. Chính phủ chỉ cho phép xuất bản 5 trong số 10 cuốn sách thánh của đạo Hòa Hảo.
Cảnh sát thường xuyên ngăn cản các tín đồ đến các thánh thất và các cơ sở của Giáo hội Phật giáo Hòa hảo Thuần túy chưa được công nhận ở các tỉnh An Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp và Cần Thơ, đặc biệt trong các ngày lễ theo Âm lịch và ngày kỷ niệm ngày mất của Giáo chủ khai sáng Phật giáo Hòa Hảo.
Chính phủ tiếp tục khẳng định rằng một nhóm người Thượng, một dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, đang điều hành một giáo hội “Đề-ga”. Chính phủ cáo buộc các giáo hội Tin Lành Đề-ga đã kêu gọi thành lập một quốc gia độc lập của người Thượng. Hội thánh Tin Lành Việt Nam miền Nam và một số nhà thờ tại gia ở tỉnh Đắc Lắc, Gia Lai, Kon Tum, Bình Phước, Phú Yên và Đắc Nông tiếp tục bị chính quyền giám sát chặt chẽ do lo ngại họ sẽ liên kết với các nhóm ly khai ở nước ngoài.
Nhà xuất bản Tôn giáo vẫn chưa giải quyết đề nghị cho phép in Kinh Thánh bằng tiếng H’mông hiện đại dù đề nghị này đã đưa ra từ lâu. Sự chậm trễ này là do Chính phủ hiện chỉ công nhận tiếng H’mông cổ, thứ tiếng mà ngày nay đã không còn thông dụng và một người H’mông bình thường không thể hiểu được.
Một số tín đồ người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên – đặc biệt là những khu vực bị nghi ngờ là có liên quan đến Giáo hội “Đề-ga” tiếp tục bị ngăn cản không cho tụ họp để hành lễ. Số lượng các vụ việc được báo cáo đã giảm đáng kể so với năm trước và có vẻ như các vụ việc xuất phát từ thành kiến riêng của chính quyền cấp địa phương hơn là từ chính sách của chính quyền trung ương. Trong một số trường trường hợp, cán bộ địa phương có liên quan đã phải xin lỗi, bị khiển trách hoặc bãi nhiệm.
Công an đôi khi giám sát hoặc hạn chế các phong trào của một số các chức sắc và tín đồ thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất, Công giáo, Hòa Hảo và Tin Lành.
Nguồn tin từ Hội thánh Tin Lành Việt Nam (miền Bắc) ở Tây Nguyên khẳng định chính quyền địa phương cho phép một số điểm nhóm chưa đăng ký được hành đạo và gặp gỡ nhau công khai theo Chỉ thị năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ. Các tín đồ Công giáo và Tin Lành được tổ chức Lễ Phục sinh ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.
Những cải thiện và diễn biến tích cực về tôn trọng tự do tôn giáo
Tiếp tục có những cải thiện về tự do tôn giáo trong năm. Chính phủ tiếp tục nới lỏng các hạn chế đối với hầu hết các nhóm tôn giáo. Các biến chuyển này chủ yếu xuất phát từ việc tiếp tục thực thi các sửa đổi trong khung pháp lý về tôn giáo được đưa ra trong năm 2004 và 2005 và do Chính phủ có thái độ tích cực hơn đối với các nhóm Tin Lành. Trong hai năm liên tiếp, Chính phủ đã cho phép tổ chức các cuộc tụ họp tôn giáo quy mô lớn, chẳng hạn như các buổi lễ Công giáo thường niên tại thánh địa Công giáo La Vang. Các buổi đại lễ Phật Đản cũng được tổ chức ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và nhiều thành phố khác.
Tháng 11, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã cấp phép hoạt động cho một trại trẻ mồ côi Công giáo dành cho trẻ em bị nhiễm AIDS, đây là lần đầu tiên chính quyền cho phép một tổ chức tôn giáo điều hành một cơ sở xã hội, y tế hoặc giáo dục.
Tháng 10, chính quyền địa phương tỉnh Quảng Bình đã trao trả khu đất thuộc quyền sở hữu của Giáo hội Công giáo sau hàng thập kỷ các giáo dân gửi đơn kiến nghị. Cha Thiên, linh mục giáo xứ Trung Quan cho biết địa điểm này trước đây được chính quyền dùng làm nhà trẻ và Giáo hội hiện có kế hoạch sẽ xây một trường học mới.
Tương tự như những năm trước, Ban Tôn giáo Chính phủ đã hợp tác với Viện Liên kết Toàn cầu tổ chức ba khóa tập huấn vào mùa hè và mùa thu cho các cán bộ chính quyền địa phương và cấp tỉnh cùng lãnh đạo các hội thánh địa phương tại tỉnh Cao Bằng, Lai Châu và Điện Biên. Trong năm, số lượng các cán bộ địa phương tham dự các khóa tập huấn nhiều hơn so với các năm trước đây.
Kể từ khi được bổ nhiệm vào tháng 1, Tổng giám mục Leopoldo Girelli, đại diện không thường trú của Tòa thánh Va-ti-căng tại Việt Nam, đã có bốn chuyến công tác đến Việt Nam, mỗi chuyến kéo dài hai tuần lễ. Trong chuyến viếng thăm đầu tiên vào tháng 4, Tổng giám mục Girelli đã tham dự Hội nghị thường niên đầu tiên của Hội đồng Giám mục Việt Nam tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh từ ngày 25 – 29/4. Trong chuyến thăm vào tháng 9, Tổng giám mục đã được Chính phủ cho phép đến Huế và là chức sắc cao cấp đầu tiên của Va-ti-căng được cho phép ở tại một cơ sở do giáo hội quản lý tại Huế. Cũng trong chuyến thăm, Tổng giám mục đã được cấp phép đi thăm tỉnh Quảng Trị và gặp gỡ riêng với giới chức Công giáo và giáo dân và dâng thánh lễ tại Vương cung thánh đường Đức Mẹ La Vang. Chính phủ và Tòa thánh Va-ti-căng tiếp tục có các cuộc đối thoại về bình thường hóa quan hệ.
Ngày 23-24/4, Cộng đồng tôn giáo Baha’i Việt Nam tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ tư tại Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận. Hơn 300 tín đồ đạo Baha’i đã đến dự cuộc bỏ phiếu thường niên, bầu ra ban trị sự tôn giáo quốc gia gồm 9 thành viên gọi là Hội đồng Tinh thần Tôn giáo Baha’i Việt Nam. Lần đầu tiên chính quyền cho phép đại diện đạo Baha’i từ các quốc gia khu vực được tham dự và chủ động tham gia vào sự kiện trên. Đại diện từ Ban cố vấn tôn giáo Baha’i châu Á và Ban Trị sự khu vực Đông Nam Á đã tham dự đại hội.
Chính quyền tiếp tục xu hướng tích cực trong việc gặp gỡ các lãnh đạo tôn giáo từ nhiều hệ phái khác nhau để thảo luận về thủ tục đăng ký và công nhận, trong đó bao gồm các đại diện trong nước và quốc tế của Hội thánh Giám lý và các hệ phái Tin Lành khác là Giáo hội các thánh hữu ngày sau của Chúa Giêsu Kitô (giáo phái Mormons) và phái Chứng nhân Jê-hô-va. Như đã nêu ở trên, Chính phủ đã công nhận cấp quốc gia hai nhóm tôn giáo nữa trong năm báo cáo.
Phần III. Tình hình tôn trọng tự do tôn giáo của xã hội
Chỉ có một số ít báo cáo về các vụ việc gây khó khăn, phiền hà của xã hội hoặc phân biệt đối xử vì lý do tôn giáo, tín ngưỡng hay hành đạo.
Tháng 10, các thành viên của một băng nhóm ở địa phương đã tấn công một nhà thờ tại gia của Hội thánh Báp-tít Việt Nam ở thôn Phú Quý, tỉnh Quảng Nam. Các tín đồ bị đe dọa phải ngừng hành đạo tại hội thánh, nếu không sẽ bị hành hung.
Vào tháng 6 và tháng 7, một chi hội Tin Lành thuộc Hội thánh Tin Lành Việt Nam miền Nam và mục sư ở làng Xí Thoại, tỉnh Phú Yên đã bị một nhóm côn đồ địa phương tấn công. Nhóm côn đồ này đã hành hung vợ của vị mục sư và đập phá nhà ông. Chính quyền địa phương phủ nhận liên quan đến việc này và hứa sẽ điều tra vụ việc và đã gặp gỡ các lãnh đạo của chi hội thánh để xin lỗi. Một trong những kẻ tấn công đang học tại một trường đào tạo cảnh sát đã bị đình chỉ học tập, hai kẻ khác đã không được phép gia nhập quân đội sau khi được khẳng định là đã tham gia vào vụ tấn công. Tháng 12, Phó Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên đã gặp Hội thánh Tin Lành Việt Nam (miền Nam), tái khẳng định cam kết của chính quyền địa phương về việc sẽ tiến hành điều tra vụ việc phiền nhiễu trên.
Đã có rất nhiều nỗ lực liên tôn giáo được triển khai trong lĩnh vực từ thiện. Các Phật tử, các tín đồ Hòa Hảo, Công giáo và Tin Lành tiếp tục hợp tác trong cuộc chiến chống HIV/AIDS. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, Huế và Hải Phòng, các nhà thờ Công giáo đã phối hợp với Giáo hội Phật giáo Việt Nam hỗ trợ các trung tâm chữa bệnh và chăm sóc cho những người có HIV/AIDS và cung cấp dịch vụ tư vấn cho thanh thiếu niên. Giáo hội cũng có một cơ sở tạm trú dành cho các bà mẹ có HIV và trẻ em bị lây nhiễm HIV. Hội đồng trị sự Giáo hội Hòa Hảo tiếp tục tích cực tham gia vào các dự án phát triển và từ thiện tại địa phương, trong đó có việc xây dựng khoảng 800 căn nhà mỗi năm cho các gia đình nghèo bất kể họ theo tôn giáo này. Đạo Hòa Hảo cũng đóng góp nguồn lực đáng kể trong việc điều hành các cơ sở khám chữa bệnh địa phương. Các tín đồ Hòa Hảo, Hồi giáo và Tin Lành đã tham gia vào các chương trình cứu trợ, đóng góp tổng cộng hơn 313 tỷ đồng (15 triệu đô-la Mỹ) trong năm cho các hoạt động như hỗ trợ những người bị nhiễm HIV/AIDS, cứu trợ thiên tai và làm việc với trẻ mồ côi, trẻ có nguy cơ cao. Một số lượng lớn các tổ chức phi chính phủ tôn giáo đã triển khai và mở rộng các hoạt động từ thiện, với sự hỗ trợ của các nhà tài trợ tư nhân, các tổ chức quốc tế và các chính phủ nước ngoài. Tổ chức từ thiện Công giáo Caritas đã tổ chức các khóa tập huấn dành cho những người làm công tác xã hội đang hỗ trợ những người bị nhiễm HIV/AIDS và những người lạm dụng chất gây nghiện. Tổ chức này cũng tổ chức các hoạt động cứu trợ thiên tai, giúp đỡ các nạn nhân của bão lũ. Tổng giá trị đóng góp của Caritas trong năm lên đến 21,84 tỷ đồng (1,15 triệu đô-la Mỹ).
Tháng 6, Hội thánh Tin lành Việt Nam miền Bắc và Hội thánh Tin lành Việt Nam miền Nam đã đồng tổ chức lễ kỷ niệm 100 năm đạo Tin Lành có mặt tại Việt Nam. Buổi lễ được tổ chức tại Đà Nẵng đã thu hút gần 20.000 người tham dự, còn buổi lễ tổ chức tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh cũng thu hút từ 6.000 – 8.000 người tham dự.
Từ ngày 17-18/6, Viện Liên kết Toàn cầu, phối hợp với Viện Nghiên cứu Tôn giáo trực thuộc Viện Khoa học xã hội Việt Nam và Đại học Brigham Young đã tài trợ cho hội thảo lần thứ 3 về Pháp quyền và Tôn giáo tổ chức tại Hà Nội. Hội thảo hai ngày với sự tham gia của các cán bộ thuộc Chính phủ và nhiều học giả này đã tập trung thảo luận về khuôn khổ pháp lý về tôn giáo và các cách tiếp cận so sánh nhằm nâng cao vai trò tích cực của tôn giáo trong xã hội.
Không có số liệu thống kê mức độ tham gia các nghi lễ tôn giáo chính thức, nhưng con số này nhìn chung được cho rằng vẫn đang tiếp tục tăng lên kể từ năm 2000.
Phần IV. Chính sách của Chính phủ Hoa Kỳ
Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội và Tổng Lãnh sự quán tại Thành phố Hồ Chí Minh thường xuyên bày tỏ quan ngại về tự do tôn giáo với nhiều nhà lãnh đạo Đảng và các quan chức Chính phủ, trong đó có Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, các quan chức cấp cao thuộc Bộ Ngoại giao, Ban Tôn giáo Chính phủ, Bộ Công an và các cơ quan khác tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh thành khác. Đại sứ quán và tổng lãnh sự quán vẫn duy trì tiếp xúc thường xuyên và định kỳ viếng thăm các vị chức sắc tôn giáo và những người bất đồng chính kiến trên cả nước.
Bộ trưởng Ngoại giao Clinton trong các cuộc tiếp xúc với các quan chức Chính phủ Việt Nam đã kêu gọi tiếp tục cải thiện tự do tôn giáo. Các quan chức cấp cao khác của Bộ Ngoại giao cũng đã nêu vấn đề tự do tôn giáo trong các cuộc gặp với các quan chức Chính phủ trong năm. Tự do tôn giáo cũng là trọng tâm của cuộc Đối thoại Nhân quyền Hoa Kỳ - Việt Nam được tổ chức vào tháng 11.
Đại sứ Hoa Kỳ và các viên chức của Sứ quán đã thúc giục Chính phủ công nhận nhiều nhóm tôn giáo, trong đó có Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, các nhà thờ Tin Lành tại gia và các nhóm Hòa Hảo bất đồng. Họ cũng đề nghị Chính phủ trao quyền tự do nhiều hơn nữa cho các nhóm tôn giáo đã đăng ký và chấm dứt những hạn chế đối với những nhóm chưa đăng ký. Ngài Đại sứ và các công chức sứ quán cũng nêu các vụ việc cụ thể trong đó chính quyền đã sách nhiễu các tín đồ Công giáo, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, các chi phái Hòa Hảo chưa đăng ký và các nhà thờ Tin Lành lên Ban Tôn giáo Chính phủ, Bộ Ngoại giao và Bộ Công an. Ngài Đại sứ cũng đề nghị Chính phủ điều tra các cáo buộc về việc ngược đãi các tín đồ tôn giáo và kỷ luật các cán bộ liên đới. Các viên chức của Sứ quán đã kêu gọi chính quyền cấp đăng ký cho các hội thánh và giải quyết một cách hòa bình các tranh chấp đất đai đã kéo dài từ lâu. Các quan chức Chính phủ Hoa Kỳ cũng nhiều lần thúc giục Việt Nam giải quyết êm xuôi các tranh chấp kéo dài về quyền sử dụng đất với các tổ chức tôn giáo.
Các viên chức của Đại sứ quán và Tổng lãnh sự quán đã có các chuyến công tác đến các địa phương trên cả nước để giám sát môi trường tự do tôn giáo, gặp gỡ các chức sắc tôn giáo, và nhấn mạnh với các quan chức Chính phủ rằng sự cải thiện về tự do tôn giáo và nhân quyền có vai trò cốt yếu để cải thiện quan hệ song phương. Đại diện của Đại sứ quán và Tổng Lãnh sự quán vẫn giữ liên hệ thường xuyên với các vị chức sắc của tất cả các cộng đồng tôn giáo lớn. Các viên chức của Đại sứ quán và Lãnh sự quán cũng tiếp xúc thường xuyên với ban đại diện cấp tỉnh của hơn 25 nhóm Tin Lành thuộc nhiều hệ phái khác nhau, nhất là ở khu vực Tây Nguyên và Tây Bắc. Trong năm, Đại sứ quán và Tổng Lãnh sự quán đã tổ chức một số cuộc họp bàn tròn về tự do tôn giáo để cập nhật thông tin về tình hình tự do tôn giáo từ các giáo hội Tin Lành đã được công nhận cũng như từ các nhà thờ tại gia chưa được công nhận.
Tác phẩm này thuộc phạm vi công cộng vì nó là một tác phẩm của chính quyền liên bang Hoa Kỳ (xem 17 U.S.C. 105).
Tác phẩm này thuộc phạm vi công cộng vì nó là một tác phẩm của chính quyền liên bang Hoa Kỳ (xem 17 U.S.C. 105).