Bán than
của không rõ

Bài thơ Nôm này vẫn tương truyền là của Trần Khánh Dư, nhưng theo cuốn Tang thương ngẫu lục của Nguyễn Án thì là của một bậc di thần của chúa Nguyễn: Lúc chúa Nguyễn mất nước, có một người di thần không chịu ra làm quan, lấy nghề bán than làm kế sinh nhai. Khi đi đường, ông gặp quốc lão họ Hoàng kéo quân trẩy, Hoàng công trông thấy, lấy làm lạ, bèn bảo làm một bài thơ Nôm lấy đề mục là Bán than. Ông bèn ứng khẩu đọc ngay bài này. Hoàng công khen phục, thưởng cho năm quan tiền, nhưng ông không chịu nhận, lại quảy gánh rẽ đường tắt đi. Như vậy bài này làm vào khoảng cuối thế kỷ XVIII (xem Việt Nam văn học sử yếu, tr.293)

Một gánh kiền khôn, quảy xuống ngàn,
Hỏi : chi bán đấy ? Gửi rằng : than.
Ít nhiều miễn được đồng tiền tốt,
Hơn thiệt nài bao gốc củi tàn.
Ở với lửa hương cho vẹn tiết,
Thử xem vàng đá có bền gan.
Chán nghề nhem nhuốc toan nghề khác,
Nhưng sợ trời đông, lắm kẻ hàn.

Tác phẩm này, được phát hành trước ngày 1 tháng 1 năm 1929, đã thuộc phạm vi công cộng trên toàn thế giới vì tác giả đã mất hơn 100 năm trước.