Bác cái thuyết tân cựu điều hòa

Bác cái thuyết tân cựu điều hòa  (1928) 
của Phan Khôi

Bài đăng trên Đông Pháp thời báo, Sài Gòn, số 780 (11.10.1928), tiếp theo bài Tư tưởng của Tây phương và Đông phương

Mấy năm gần đây, ở nước ta có một số ít người bàn luận đến cái vấn đề tư tưởng cũ và tư tưởng mới, thì hầu hết đều chủ trương cái thuyết điều hòa, nghĩa là đem tư tưởng cũ và tư tưởng mới mà trộn lộn cùng nhau. Cái thuyết ấy mới nghe qua dường như có lẽ lắm, dễ nghe lắm, mà nghiền ngẫm cho kỹ, gạn hỏi cho cùng, thì gần gần thành ra vô nghĩa, không có thể đem mà thiệt hành ra được.

Tôi rất lấy làm tiếc rằng mấy người chủ cái thuyết điều hòa đó chỉ nói hàm hỗn[1] rằng điều hòa tư tưởng cũ và tư tưởng mới mà thôi, chứ không nói rõ ra lấy những cái gì bên tư tưởng cũ đem mà điều hòa với những cái gì bên tư tưởng mới. Muốn điều hòa hay không điều hòa, ít nữa cũng phải xét qua cái nội dung của hai tư tưởng như ba điều tôi vừa kể trong bài trước, rồi mới có thể định đoạt được. Nay họ đã không nói rõ, vậy thì tôi xin lấy ba điều đã xét được đó làm căn cứ, rồi đặt ra mấy câu hỏi để mà thảo luận cái thuyết điều hòa.

Câu hỏi thứ nhứt là hai cái tư tưởng như đã giải ra đó có thể điều hòa được không? Phàm vật gì hai vật đồng một chất, như rượu với nước, thì mới có thể điều hòa. Còn hai cái tư tưởng đây rõ là tương phản nhau như nước với lửa, thì làm thế nào mà điều hòa được?

Câu hỏi thứ hai là tại làm sao mà phải điều hòa? Hai cái tư tưởng đó, cái nào chọn lấy một cái; nếu đành giữ cái cũ thì làm như ông Gandhi bên Ấn Độ một mực cự tuyệt văn minh phương Tây cũng được chớ, sao lại phải điều hòa làm chi? Còn như đã cho văn minh phương Tây là cần, ta không thể cự tuyệt được, thì nên nhứt quyết theo tư tưởng họ để cố bước tới văn minh ấy, chớ sao lại còn đem của ta mà điều hòa cho thêm việc?

Câu hỏi thứ ba là điều hòa để làm gì? Phàm định làm việc gì trước phải lấy một mục đích, phải biết chỗ lợi ích của nó rồi mới làm. Như việc điều hòa nầy thì mục đích nó ở đâu? sự lợi ích nó ở đâu? Cuộc văn minh của người Tây như đã đi được trăm dặm rồi, mà mình mới bắt đầu đi một vài dặm lẻ thì đi gấp đường lên cho kịp mới phải, cớ sao lại kiếm cách mà làm cho chậm lại? Thật thế, đem huyền học mà điều hòa, tất phải dụt mất cái ánh sáng khoa học; đem thống thuộc mà điều hòa, tất phải mòn mất cái tinh thần tự chủ; đem an phận mà điều hòa, tất phải cùn mất cái nhuệ khí tấn thủ. Không thấy lợi mà thấy hại, thì điều hòa mà làm gì?

Cái thuyết điều hòa đó chẳng qua là do một cái thói quen của người nước ta. Người mình hễ ró[2] ra đâu là điều hòa đó, cái trên trời, cái dưới đất cũng điều hòa phứt đi được. Rượu thì pha rượu trắng với rượu chát; đầu thì đùm tóc sùm sùm mà đội mũ; hết "Tây Nam đắc bằng" rồi thì "Pháp-Việt đề huề", tu thì tu tam giáo, nực cười nhứt là đạo Cao-đài "nảy" kia thờ cả năm ông giáo chủ là Khổng Tử, Lão Tử, Thích Ca, Gia-tô[3] và Ma-hô-mết! Phải, việc dễ nhứt trong thiên hạ là chỉ có việc điều hòa, điều hòa thôi thì vô sự mà!

Nếu họ bằng lòng thì cái thuyết điều hòa đó chỉ có bên phương Tây ngày nay có thể dùng được. Ta cũng nên trông cho họ lấy tư tưởng Đông phương mà điều hòa với của họ để giảm bớt cái khí phách lung lăng hay ăn hiếp ta đi. Mà quả thật, sau cơn đại chiến, thấy người chết của hết, sanh cơ hầu tuyệt diệt, thì trong đám họ có nhiều kẻ đã tìm tòi bới nóc đến văn hóa Đông phương. Ông Tagore ở Ấn Độ đã nhơn dịp ấy mà bán được một mớ thi tập của ông. Ông cũng nói điều hòa, phương thuốc điều hòa của ông là bằng cái tinh thần hòa bình hữu ái. Nhiều người sang trọng nước Anh hoan nghinh ông lắm, đến nỗi làm lễ ôm gót chơn ông, là lễ A-nan[4] đã làm cho đức Phật thuở xưa. Không những ông Tagore thôi, cũng dịp ấy, một ông lão nho Tàu tên là Cô Hồng Minh có xuất bản một quyển sách Xuân thu đại nghĩa cả bằng chữ Đức và chữ Anh, gọi là The spirit of Chinese, đại ý nói các nước phương Tây bây giờ đã hết phương xoay xở rồi, chỉ còn có rước lấy cái tinh thần người Tàu và nhận lấy đạo Khổng Tử. Đối với sách ấy, người Tây dầu phản đối mà cũng có thừa nhận.

Người Tây nói điều hòa thì còn có lẽ; chớ người mình, nếu đã quyết đi theo con đường văn minh ấy mà còn toan dùng chước điều hòa thì thật là thất sách. Ông lão nho Tàu đó chẳng nói làm chi; chí như ông Tagore là một bậc thi thánh, có ảnh hưởng khắp thế gian, ông lấy nghĩa hòa bình hữu ái mà điều hòa, thì chưa biết có tạo được cái phước quả gì cho người Tây cùng chăng, song đã chắc một điều là ông đã tưới nước vào đống tro tàn Ấn Độ.

Phương Tây họ uống rượu nho đã chán chê rồi, có lẽ họ muốn pha một ít nước cho đỡ say; nhưng mà phương Đông ta thì đương thèm thuồng khát khao rượu nho lắm, cứ để nguyên vậy mà uống còn chưa đã, cớ sao lại toan đem pha nước?

Sau cuộc chiến tranh 1914-1918 chính ở bên Tây có một ít người hoảng hốt mà kêu lên rằng văn minh Âu châu đã đến ngày phá sản. Rồi ở Đông phương nầy cũng có một bọn người ó lên mà bài kích văn minh Âu châu. Nhưng mà nào đã chắc đâu. Nước Pháp đã trải qua mấy lần đại cách mạng hồi cuối thế kỷ thứ 18, lúc bấy giờ chắc cũng có người bảo rằng văn minh nước Pháp đã phá sản; song từ đó mà nước Pháp thêm tấn bộ, trở làm mẹ dân quyền cho các nước trong thế giới, vậy thì là phá sản hay là phát tài? Cuộc chiến tranh nầy biết đâu chẳng là cái cơ tấn bộ cho Âu châu và cho cả toàn cầu, vì cái ánh sáng của thế kỷ hầu tới đã ló ra một tia ở bên kia kìa!

Cái thuyết điều hòa ở ta đây cũng có một phần bởi lời đồn huyễn "văn minh phá sản" đó mà ra. Những người chủ trương thuyết ấy sợ rằng nếu ta theo hệt như văn minh Âu châu thì cũng có ngày sẽ mang lấy đại họa như họ. Sợ như vậy thật là sợ hoảng, đúng như lời tục ngữ ta thường nói: "Chưa giàu đã lo ăn cướp"! Ta muốn ngóc đầu lên một chút đây mà còn e chưa nổi, lại còn có tài nào sức nào đủ gây ra cái đại họa ấy nữa kia?

Theo các lẽ đã giải minh ra trên đây thì cái thuyết điều hòa không thể thiệt hiện ra được. Mà không những thế, về mặt lý luận, nó cũng không thành lập được nữa.

C.D.

   




Chú thích

  1. Hàm hỗn: nghĩa cũng như « hàm hồ » (theo Đào Duy Anh: Hán-Việt từ điển)
  2. Ró: nghĩa như "rớ" (= sờ đến, động đến...) (theo Từ điển phương ngữ Nam Bộ)
  3. Gia-tô: tức Jesus Christ
  4. A-nan nói ở đây tức là Ananda, em họ Thích Ca, một trong những môn đồ chính của Phật Thích Ca