Bàn rông câu phong dao  (1940) 
của Phan Khôi

Bài đăng trên Dân báo, Sài Gòn, số 179 (3 Janvier 1940), trang 3.

Trách người một, trách ta mười
Bởi ta bạc trước, nên người tệ sau

Ấy là một đầu bài luận quốc văn ở nhà trường. Cuối năm 1938, ở lớp tứ niên ban cao đẳng tiểu học của một tư thục tại Huế, tôi đã ra cái đề ấy. Thật nó “nạc” mà khô khan quá, khó làm cho hay được. Tôi bèn làm thử một bài tức là bài đăng sau đây. Tuy nó không xuất sắc lắm nhưng có cái đặc sắc mà trước khi xem, người xem chắc ít ai nghĩ tới. Đem đăng lên đây, trước để cho anh em học sinh thưởng thức, sau để giữ một cái kỷ niệm trong sinh nhai bảng đen phấn trắng của tôi một năm vừa qua.[1]

Trong một năm ấy tôi ra cho học trò toàn những đề thiết với thân phận họ cả. Kỳ đầu hết: “Hãy kể lại những ngày vui thích nhứt của anh trong mấy tháng nghỉ hè vừa qua”. Sau thì mấy đề như là: “Thư trả lời cho cha xin hoãn việc cưới vợ”; cùng là: “Sự làm bạn khác tánh; anh có thể làm bạn với một cô thiếu nữ cho xứng với cái danh nghĩa ấy không?” Chỉ một cái đề trên đây là phải theo học quy nhà nước mà ra cho đủ lối.

Cứ ra như ba cái đề kia thì học trò cũng có thể làm hay; còn như đề nầy thì đến thầy cũng phải chịu! Tại sao vậy? Bởi làm văn là nói ra cái điều trong lòng mình. Cái gì trong lòng mình có thể có được thì nói ra tự nhiên có ý vị; còn cái gì ở ngoài mà tri thức mình chưa kịp thu thái hết thì nói ra phải khó khăn và lắm khi đến lạt lẽo vô tình. Thế mà lạ làm sao! Ở các trường học, người ta lại cứ thích ra những cái đề kinh điển khô khan như thế!

Tôi muốn nói rằng cách làm văn ở cao đẳng tiểu học chỉ nên cho tự sự, tả cảnh, tả tình mà thôi, còn những đề mục có tính chất nghiên cứu, phê bình thì nên để lên bậc trên là phải. Vì, trải qua sự kinh nghiệm trong một năm, tôi thấy sức học của học trò cao tiểu, dù ở tứ niên đi nữa, cũng chưa có thể làm được những bài nghiên cứu hay phê bình. Luyện tập mà luyện tập cái quá sức người ta, tưởng cũng không có ích gì cho họ hết.

Đó là một cái ý kiến nhân đăng bài này mà tôi luôn tiện phát biểu ra đây.

*

* *

Có người nói: Từ xưa trong nước ta, giáo dục chưa hề phổ cập, một số đông thường dân chưa hề được ôm sách tới trường, đến không biết chữ nhất là một, thế mà trong đám họ có lắm người ăn ở phải đạo hoặc giả chẳng kém gì kẻ đã ăn học suốt thiên kinh vạn quyển: ấy chỉ nhờ một mớ tục ngữ phong dao ôn nhuần ở cửa miệng làm bài học luân lý cho họ hằng ngày. Lời xét đoán ấy, theo tôi, tôi cho rằng chẳng những đúng mà thôi, còn là một sự phát kiến lớn lắm nữa.

Thật thế, ở đời mấy ai không học mà hay. Những người thường dân kia họ vẫn học, có điều họ không vãng lai nơi cửa Khổng sân Trình mà mà chỉ hàm vịnh ở cái biển phong dao, tiêu diêu ở cái rừng tục ngữ, − chốn nầy cũng có thể đào tạo nhân tài chẳng kém gì nơi nọ.

Tuy nghĩ phong dao nước ta, kể riêng một hạng dạy về luân lý, thật là dồi dào vô hạn. Mà tôi thấy như câu nào cũng có có đồng một nguồn ra từ Khổng giáo. Nếu có phải vậy chăng nữa thì cũng chẳng lấy gì làm lạ: Khổng giáo nhuần thấm trong xã hội ta ít nữa cũng đã một ngàn rưỡi năm rồi…

Tức như câu phong dao:

Trách người một, trách ta mười
Bởi ta bạc trước, nên người tệ sau

thật nó in hệt như câu: “Cung tự hậu như bạc trách ư nhân” mà chính đức Khổng đã nói ra và còn chép lại trong sách Luận Ngữ.

Nầy là một châm ngôn dạy về cách đối đãi giữa ta với người hay là về điều ta xử kỷ tiếp vật. Nhưng có một chút đáng để ý, là tại làm sao lại trách người ít, trách ta nhiều?

Theo Lão Tử, đối với người, chủ trương cái thuyết “bất tranh”, từng bảo chúng ta phải làm khe làm hang để dung nhẫn hết thảy. Như thế không trách người đã đành, mà mình cũng chẳng cần đến trách nữa làm chi. Còn Gia-tô cũng gần giống như vậy: “Khi người ta đòi vả má bên nầy của mầy, mầy hãy đưa nốt má bên kia ra cho họ”. Thôi còn gì nữa mà cân nhắc giữa người với mình, trách với chẳng trách!

Trách người một, trách ta mười, hay là bạc trách người mà hậu trách ta; − đó, Khổng giáo khác với các đạo kia là ở chỗ đó.

Khổng giáo lấy bản thân làm gốc của mọi sự, cho đến thiên hạ, nước, nhà, đều bởi gốc ở mình; thành thử đối với người, mình bao giờ cũng là chủ, cái chỗ đổ của mọi trách nhiệm. Bởi vậy, gặp khi giữa mình với người có sự xích mích, phải tự phán mà trách mình nhiều hơn.

Bởi mình là chủ, mình cảm mà người ứng; người nếu tệ với mình, là tại mình bạc trước.

Nhưng còn người nữa, người đã là tương đối với mình nên không thể hoàn toàn bỏ qua được. Nếu quả họ có tệ với mình thì cũng phải trách, chỉ trách ít thôi, vì họ ở địa vị thụ động.

Nói tắt hơn và đúng hơn thì là: Khi giữa người và mình có sự xích mích mà xét ra lỗi ở mình thì trách mình cả mười phần; còn lỗi ở người thì trách người chỉ một phần.

Trong đó có cái ý tích cực chớ không tiêu cực như Lão Tử hay Gia-tô. Nhưng tích cực đối với mình chớ không phải đối với kẻ khác. Đó là cái diệu kế để tiêu trừ mọi sự cừu oán, giải hòa mọi sự đấu tranh hầu cho loài người được an hưởng với nhau cái hạnh phúc thái bình.

Đó là cái đặc điểm của Khổng giáo mà đã ngầm ngấm vào trong đạo đức luân lý nước ta và kết tinh thành câu phong dao nầy để dạy người. Người mình nhờ đó để tu thân xử thế, nhưng mà không tự biết. Phải, chúng ta sống trong không khí, thường cũng quên bẵng không khí là vật nuôi chúng ta.

PHAN KHÔI

   




Chú thích

  1. Đoạn lời dẫn này cho biết: cuối 1938 đến gần hết năm 1939, Phan Khôi dạy một tư thục ở Huế. Vậy là có thể cuối 1939 ông mới vào Sài Gòn.