Bàn phiếm về thời cuộc nước Tàu: Vận mạng kinh đô Trùng Khánh dưới cái huông của lịch sử

Bàn phiếm về thời cuộc nước Tàu: Vận mạng kinh đô Trùng Khánh dưới cái huông của lịch sử  (1939) 
của Phan Khôi

Bài đăng trên Dân báo, Sài Gòn, số 151 (28.11.1939), trang 1, 5.

Đã gần ba tháng nay, câu chuyện Trung – Nhựt chiến tranh dần dần bị cuộc Âu chiến sốt dẻo và lớn lao át mất hẳn. Các báo An-nam ta, về tin tức của trận địa trong nước Tàu cũng làm biếng đăng đủ, chớ đừng nói đến bàn phiếm về thời cuộc nước ấy làm chi. Cái gì dai dẳng quá cũng phải làm cho người ta chán.

Nguội lạnh quá như thế nghĩ cũng không đáng, tôi viết bài bàn phiếm này.

Theo tin hằng ngày thì ba tháng nay quân Nhựt và quân Tàu chỉ đánh xì xằng với nhau chớ không có trận nào nên hình. Điều ấy chẳng những tỏ ra bên Tàu đã đuối sức rồi mà bên Nhựt cũng mỏi mệt lắm.

Nhưng theo báo Tàu thì mới rồi, hôm đầu tháng mười một tây, quân Tàu đã có thắng quân Nhựt một trận ở Trường Sa rất lớn. Nhơn lần đại thắng ấy, ông Tưởng Giới Thạch vừa rồi lại tuyên bố rằng cuộc kháng chiến chắc chắn sẽ thành công, đố chạy đi đằng nào.

Thế nhưng vài hôm nay lại có tin quân Nhựt bắt đầu xâm phạm bờ cõi tỉnh Quảng Tây. Mặc dầu viên đại tướng giữ mặt trận ấy, Bạch Sùng Hy, có tuyên ngôn rằng người Tàu có phòng bị rồi, quân Nhựt không làm gì nổi, là quân Nhựt họ cũng cứ cố sức họ tiến.

Như thế, rốt cuộc quân Tàu có giữ được Quảng Tây không? Nếu Quảng Tây sau nầy cũng sẽ đồng một vận mạng với Quảng Đông thì nguy cho thủ đô Trùng Khánh lắm, vì từ đó tới đây không còn mấy bước nữa.

Câu hỏi ấy tôi không thể trả lời được. Chúng ta ở đây như ở trong buồng kín, không rõ được tình thế cả hai bên, thì biết làm sao mà dám quyết sự đắc thất về ai?

Bài nầy tôi chỉ bàn phiếm về cái vận mạng của kinh đô Trùng Khánh theo như sự dĩ vãng của lịch sử hai ngàn năm nay.

Trùng Khánh là một phủ của tỉnh Tứ Xuyên bây giờ. Xưa kia đây là đất Thục. Thục có tiếng là xứ hiểm trở lắm. Lý Bạch từng có câu thơ rằng: “Đường đi lên Thục còn khó hơn lên trời”!

Tuy vậy, trải hai ngàn năm nay, người Tàu, tay vương bá nào hùng cứ đất Thục về sau đều thất bại cả, trừ ra chỉ có một người thành công là Hán Cao Tổ mà thôi. Bởi vậy tôi đã nói là cái “huông”[1] của lịch sử. 

Trước đây hơn hai ngàn năm, Lưu Bang, tức Hán Cao Tổ, đem binh vào Quan trung phá được nước Tần. Theo lời hứa hẹn ngày trước, hễ ai vào được Quan trung trước thì được phong vương ở đó. Hạng Võ không muốn phong vương cho Lưu Bang y như lời hứa, nhưng trái đi cũng không tiện, bèn nói gạt rằng: “Ba Thục cũng là đất Quan trung”, rồi lấy mà phong cho Lưu Bang làm Hán vương. Sau khi Lưu Bang tựu phong ở Ba Thục xong, nghe lời Hàn Tín, lập tức cử binh lấy luôn cả đất Quan trung, và từ đó đánh rốc xuống miền xuôi, được 5 năm thì trừ diệt Hạng Võ mà thống nhứt nước Trung Huê, lập nên cơ nghiệp nhà Hán.

Xưa nay do Trùng Khánh mà lấy được cả nước Tàu chỉ có một lần đó; còn bao nhiêu lần khác về sau, ai vào ở đất Thục là ở luôn đó cho đến chết rồi hết. Bởi vậy, cái công Hàn Tín bày cho Hán vương “hoàn định Tam Tần” là cái công to nhứt. Giá không có Tín bày mưu, Lưu Bang cứ dần dà ở đó hoài thì cũng chỉ làm Hán vương ở đó mãn một đời, rồi chết là hết.

Thục, đất hiểm thật, nhưng vào đó rồi phải biết ra ngay; chớ vào mà không ra, là chết. Ấy là điều lịch sử dạy ta.

Sau Lưu Bang hai trăm năm, Công Tôn Thuật lại cứ Ba Thục, nhưng chỉ xưng hoàng đế đâu có mấy năm, rồi bị Quang Võ tóm thâu mất.

Sau hai trăm năm nữa, đến Lưu Chương, Lưu Chương làm thái thú ở đó, gặp loạn, anh ta bèn choán luôn đất ấy định hóa nhà làm nước. Nhưng cũng không được. Chương vừa tắt hơi một cái là bị Lưu Bị đoạt lấy ngay.

Lưu Bị dựng đế nghiệp ở Trùng Khánh được non 50 năm. Sau cùng phải mất về nhà Tấn.

Từ đó về sau, cứ hễ gặp lúc loạn là có người thừa thế chiếm cứ đất Thục để nhen nhúm cơ đồ. Cuối đời Tùy, cuối đời Đường, ngang hồi Ngũ quý, đều thế cả, nhưng rốt cuộc không có ai tiến thủ được. Hễ không tiến thủ được là phải mất về tay kẻ địch, chớ cũng không thể giữ đời nọ sang đời kia.

Kể lấy một lần sau chót, trước đây mới bảy tám mươi năm. Lúc Thái Bình Thiên Quốc có cơ nguy, Thạnh Đạt Khai bỏ Hồng Tú Toàn ở lại Nam Kinh mà một mình kéo mười vạn quân lên Tứ Xuyên, toan cứ hiểm ở đó để gây lại thế lực. Nhưng chẳng được bao lâu, quân họ Thạnh phải tan rã rồi đến diệt vong.

Rõ ràng, có phải đất Trùng Khánh là đất đã có huông không?

Cái huông ấy, không phải do mê tín, mà do địa thế của Ba Thục xui nên.

Đất Thục hiểm, những núi những sông của nó làm cho kẻ địch khó vào, thì cũng làm cho người chiếm cứ nó không dễ chi ra. Nó tuy có tiếng là “nước thiên phú”, nhưng hễ lâu ngày bị lúng túng trong đó thì cũng như bị bên địch phong tỏa vậy. Ấy, xưa nay người cứ đất Thục mà bị thất bại là vì đó. Đó là điều quan hệ về kinh tế.

Ngày nay, giữa cuộc chiến tranh, kinh tế lại còn quan hệ hơn bội phần. Lương thực, khí giới mà bị nghẹt đường giao thông, thì dầu có hiểm mấy cũng chẳng đỡ gì cho ai.

Tứ Xuyên và mấy tỉnh xung quanh đó có nhiều rừng, nhiều mỏ, đồng điền cũng rộng, lúa gạo và khoáng sản thừa thãi ra, cho nên gọi là “nước thiên phú”. Dân số cũng không kém các tỉnh miền Đông. Duy có công nghệ kém, đường giao thông khó khăn, hai điều ấy rất làm trở ngại cho sự lập quốc; mà muốn chỉnh đốn đủ cả mọi việc, thì lại không phải một ngày một buổi mà làm nên.

Chánh phủ Trùng Khánh có thể đồng thời dựng các nhà máy, rước nhiều kỹ sư, mở mang mọi công nghệ, nhứt là công nghệ về quốc phòng, và đắp nhiều đường xe hỏa xe hơi để vận tải không? Có thể làm thế nào cho đủ cái mà ăn mà dùng, mà chống với kẻ địch, cho khỏi cần đến sự du nhập bên ngoài không? Nếu ông Tưởng Giới Thạch có tài kinh quốc hơn người, tốn không bao nhiêu thời gian mà lập hẳn được một nước Tàu mới ở miền đó thì mới mong cái câu “kháng chiến tất thắng” khỏi là một câu nói phét!

Còn như không được thế, thì khó cho tương lai của cái quốc sách kháng chiến lắm, đáng lo cho cái vận mạng của kinh đô Trùng Khánh lắm, bởi vì theo lịch sử, đất có huông rồi.

Có lẽ bọn Uông Tinh Vệ cũng đã lấy cái ý trong bài nầy của tôi mà đem ra cao rao với người Tàu rồi chớ chẳng không.

PHAN KHÔI

   




Chú thích

  1. huông: việc xấu lặp lại; điềm xấu (Từ điển phương ngữ Nam Bộ)