Bà Hỏa  (1939) 
của Phan Khôi

Truyện ngắn đăng trên Dân báo, Sài Gòn, số 174 (27.12.1939), trang 3.

Truyện ngắn

Ba mươi năm trước ở làng tôi có người con trai tên là Hùng, ngoài hai mươi tuổi, vạm vỡ mà cứng cỏi, không chịu tin dị đoan, mỗi khi nghe ai nói đến chuyện ma quỷ thì chàng ghét lắm, cố cãi cho kỳ được, chàng bảo là vô lý, không thể có.

Bấy giờ trong đám dân còn hay mê tín lắm. Hằng năm đến quãng giữa mùa hạ và mùa thu, lúc tháng sáu tháng bảy, trời nắng gắt và gió nam thổi mạnh, tục quen gọi là “tiết nam nắng”, − thường có hỏa hoạn, thì người ta đổ cho tại thần thánh làm. Người ta nói rằng ấy là vì Bà Hỏa. Đương giữa trưa, bà ấy hiện hình ra ở nơi nào bằng một người con gái đầu bỏ tóc xã, mặc áo trắng, thì chỗ ấy khắc có lửa dậy lên, cháy một lần hàng mấy chục cái nhà.

Hùng nghe thì bĩu môi không tin.

Một hôm về tháng bảy, Hùng có việc phải đi qua bên kia con sông và trở về lúc đứng bóng. Bận về, qua sông rồi, đi trên một con đường cái dọc theo sông mà hai bên có những rặng bói xanh tốt cao quá đầu, người ta trồng để nhử đất cho mau hồi. Ánh nắng dọi xuống cát trắng tinh rồi phản chiếu lên, làm hoa cả mắt, Hùng phải cúi mặt xuống mà đi.

Thình lình ngước lên, Hùng thấy trước mặt mình cách chừng mươi bước có người con gái đang đi. Hai bên toàn rừng bói cả, thì người ấy ở đâu lù lù ra như thế? Hùng đã có ý lấy làm lạ. Hùng lại còn để ý đến: đó là một người con gái bỏ tóc xã, mặc áo trắng, giống với lời người ta nói trên kia.

Tuy vậy, Hùng làm dạn, cứ cúi mặt xuống đi. Mặc dầu cái lòng cứng cỏi của chàng hơi bị lay động, Hùng cũng đánh bạo, vì nghĩ không còn bao xa nữa sẽ về đến nhà.

Bỗng dưng ngước lên lần nữa, thì người con gái đã lại biến đi đâu mất, Hùng ngó quanh ngó quất không thấy có lối rẽ nào thì không biết cô ấy tạt vào đâu.

Có ma thật sao? Bấy giờ trong trí Hùng vụt có câu hỏi như thế. Nhưng liền đó chàng tự trả lời: Có lẽ nào?

Thế nhưng Hùng đã thấy chột dạ lắm, nên mới cắm cổ đi thật mau để về đến nhà.

Đi hết con đường có những cụm bói, tới một đám đất mía, ở góc có cái miếu lợp tranh, Hùng chợt thấy cái miếu nổi lên cháy ào ào mà lửa từ đâu không biết, thì sảng sốt đâm đầu chạy về nhà một hơi, cũng không kêu người ta cứu hỏa được nữa.

Đến nhà Hùng nằm vật xuống giường, thở hào hển, nói không nên lời, cái mặt cắt không còn chút máu, lâu lắm mới kêu lên được rằng: “Tôi sợ quá! Tôi sợ quá!”. Một lát, nhờ một sự cứu cấp của người nhà, Hùng tỉnh. Thuật lại sự mình thấy dọc đường rồi chàng phải thú nhận rằng: “Hèn chi người ta nói thì phải; tôi có thấy tận mắt tôi mới tin”.

Mẹ Hùng được thế mắng con: “Thế mà mầy báng bổ hoài! Đã sáng con mắt chưa?”

Cái miếu ấy cháy mà người ta không chữa kịp thành thử cháy lan đến đám mía.

Mía, thường người ta trồng liên cả đỗi và đến tháng bảy nó đã bắt đầu có lá khô, nên hễ cháy thì khó chữa và hay cháy đám nầy bắt sang đám khác. Bởi vậy, phép chữa mía cháy, người ta phải dùng những cây sào chặn những hàng mía chưa cháy nằm rạp xuống, để ngọn lửa đi đến đó là hết, không có chỗ liếm qua.

Trong lúc người làng đến chữa lửa đó, họ cũng dùng sào đè mía xuống theo thói thường. Chẳng ngờ có một đứa con trai chừng 12 – 13 tuổi nó ngồi nấp trong mía từ bao giờ không biết, khi người ta ngáng sào xuống thì lòi nó ra. Tội nghiệp, đứa bé run cầm cập, nhiều người ngó thấy mà thương hại không hiểu sao nó lại vào ngồi đó, suýt nữa bị chết cháy!

Nhưng ông lý trưởng tinh ý lắm, sức dân trói thằng nhỏ dẫn về xích hậu. Vì ông ngờ cho nó chơi nghịch mà đốt cái miếu chăng.

Đứa bé bấy giờ còn sợ tái cả mặt, người nó như dại đi. Nó nói vơ vẩn một lúc, sau rồi nó phải khai thiệt là nó đốt.

Thì ra nó đi đường, nắng quá, thấy cái miếu nó vào ngồi nghỉ. Nó quẹt diêm hút thuốc. Chẳng lành chớ, thấy sẵn có lá mía khô, nó quơ lại một đống đốt chơi. Ngọn lửa cao quá, bắt cháy cái miếu, nó chụp mãi không tắt, hoảng hồn, rúc vào trong mía. Trong ý nó sợ người ta bắt nên nó trốn đó.

Một vài người nhà của Hùng đi coi ở xích hậu, về kể chuyện lại như thế, thì người chị dâu của Hùng cũng vừa về: nàng đi tắm về.

Vào nhà, nghe người nhà kể chuyện Hùng vừa bị một cơn mê sảng mới tỉnh thì nàng đi ngay lên nhà trên, hơt hơ hớt hải nói với mẹ chồng và chú em:

– Chú Hùng làm sao thế mẹ? Thì tôi vừa gặp chú đây, có việc gì đâu!

Hùng không hiểu, hỏi:

– Tôi có hề gặp chị bao giờ?

– Thật ra thì tôi không gặp chú, nhưng mà tôi có thấy chú lúc ở đường gần sông đi về.

– Tôi không thấy chị!

– Lạ chưa? Tôi đi trước mặt chú, sao lại không thấy?

Khi đó chị dâu Hùng đã thay cái áo nâu rồi, cho nên Hùng cứ yên trí rằng lúc đi đường mình chẳng hề thấy có người đàn bà con gái nào mặc áo nâu. Chàng bèn nói:

– Lúc nãy nếu là chị, chẳng áo nâu? Cái này, tôi có thấy mà thấy người mặc áo trắng.

– Ấy chính tôi đấy. Chính tôi mặc áo trắng đấy.

Thế rồi chị Hùng mới kể đầu đuôi.

Số là lúc gần trưa nàng gội đầu xong, tóc nhiều mà dài, nàng phải bỏ xã để cho khô bớt. Nàng muốn tắm luôn thể, nhưng dòm trong ghè hết nước, nàng đi thẳng ra sông – thói thường đàn bà ở xóm nầy vẫn tắm sông. – Đi qua rặng bói, nàng thấy có sự cần phải vào trong ấy. Đến chừng ra, thấy Hùng đi sau mình, nhưng nàng bẽn lẽn vì việc mới đó, nên không muốn chào. Đi một chặng nữa, nàng nghĩ tạt vào trong bói mà ra sông thì gần hơn, bèn tạt vào rồi ra sông tắm. Lúc ở nhà ra đi, nàng mặc áo trắng; tắm xong mới thay áo nâu: khi đi khi về đều có cầm gói quần áo nơi tay.

Sự thực như thế mà mẹ Hùng hình như không bằng lòng, cứ kêu:

– Cái con mẹ nói “mị” chưa!

Nhưng Hùng thì lấy làm mừng rỡ vui sướng lắm, như được ai cho vật quý gì. Lúc nãy chàng tuy đã tỉnh, nhưng còn lừ đừ gầy gật mãi, đến khi nghe chị dâu nói xong mới lại khoan khoái như thường.

Từ đó chàng càng vững lòng không tin ma quỷ hơn xưa và càng công kích sự mê tín kịch liệt. Cho đến bây giờ hơn 50 tuổi đầu, một đôi khi Hùng còn kêu đùa chị dâu mình bằng “Bà Hỏa”!

PHAN KHÔI