Tình điên

Ánh sáng vàng úa của vừng thái dương đỏ chói như còn do dự ở chân dẫy tre già cao vót, rì rào, kẽo kẹt.

Luồng gió mát về chiều vừa đánh thức xóm Hồng-thủy miên man ngây ngất trong bầu không khí nồng nực của một buổi trưa mùa hạ. Nào tiếng cười đùa của các cô gánh nước xúm xít nhau bên bờ giếng, nào tiếng ca hát của bọn mục đồng cưỡi trâu bò về chuồng, nào tiếng cãi cọ của trẻ con đuổi nhau chạy quanh mấy gốc đa già trên tòa miếu cổ.

Bỗng trẻ con rời bỏ gốc đa, kéo ùa ra đường và cất tiếng reo:

— Cô điên! A! Cô điên!

Trên con đường hẹp ngòng ngoèo lượn theo cái lạch nhỏ, bờ trồng cây, lá xanh um, một người con gái chừng mười tám tuổi, tóc bỏ xõa, hai mắt sáng quắc và long sòng sọc, đương vừa đi vừa lẩm bẩm nói một mình. Thấy lũ trẻ chạy, reo cười, cô đưa bàn tay lên xua, ra hiệu bảo im đi, rồi lại lẳng lặng cúi đầu đi thong thả như đương cặm cụi theo sau một vật gì, một cái xe chẳng hạn. Bọn trẻ trỏ tay bảo nhau:

— Cô ấy đưa đám ma đấy.

Một đứa nói:

Sắp đến huyệt rồi.

Quả thực, khi đi đến cái rãnh sẻ để tát nước vào ruộng, người con gái đứng dừng lại, đăm đăm nhìn, như ngắm người ta đương hạ cái áo quan xuống huyệt. Nước mắt cô từ từ nhỏ giọt. Một lát sau, cô quỳ xuống bới đất lấp kín rãnh, rồi nằm phủ phục, khóc nức nở, không ra tiếng. Ðứng xúm xít chung quanh đàn trẻ thi nhau cười như nắc nẻ.

Bỗng cô ngước mặt nhìn lên, mỉm cười, rồi như nói với ai đứng bên cạnh:

— Em cảm ơn anh... anh thương em quá... Ðương lúc em đau đớn mà anh lại đến an ủi em thế này... Vâng, em xin tuân theo lời anh dạy.

Chỗ này cô đổi giọng nói ồm ồm bắt chước tiếng đàn ông:

— Em nghe anh, không nên buồn nữa, không nên khóc nữa.

Rồi cô lại mỉm cười nói giọng tự nhiên, làm như hai người chuyện trò với nhau vậy:

— Không em có buồn nữa đâu.

Ở trên đời còn có anh thì em không bồ côi bồ cút đâu mà sợ.

Có lúc cô đứng lặng, hé cặp môi son chú hết tinh thần như đương nghe ai se sẽ thì thầm bên tai.

Ðã hơn một tháng nay từ hôm cô về làng Hồng-thủy ở với bác để điều trị bịnh thần kinh, chiều nào cô cũng nhắc lại những cử chỉ, những ngôn ngữ như thế, đến nỗi bọn trẻ con trong làng cứ tới giờ ấy là xúm nhau đứng sẵn ở gốc đa bên miếu để chờ cô đi qua. Chúng biết trước rất rành mạch hết mọi sự sắp xảy ra, từ việc làm cho chí lời nói của cô. Mà hôm nào cũng chỉ đi đến chỗ đường sẻ là cô lại quay về. Trước kia những người tát nước còn ngăn cản không cho cô lấp đất. Nhưng sau thấy cô khóc lóc lạy van khẩn khoản, họ đem lòng thương hại, để mặc cô muốn làm gì thì làm, chờ khi cô đi khuất, họ lại khơi rãnh ra.

Lúc trở về nhà, cô đi mau hơn, nét mặt vui tươi, cười cười, nói nói như được cùng người yêu truyện trò thân mật.

Bỗng khi đến gần nhà, cô lại bưng mặt khóc.

Bọn trẻ thấy cô đang cười, mà khóc ngay được thì cùng nhau cười vang xóm. Như không nghe thấy gì, cô chỉ nức nở nói một mình:

— Vậy ra anh lừa dối em... Anh bỏ em... trơ vơ một mình... một bóng... anh đi lấy vợ.

Một hôm đắp xong cái mồ tưởng tượng, cô ngước mắt lên vừa nói dứt câu: « Em cảm ơn anh » thì bỗng cô ngừng bặt.

Trước mặt cô, một trang thiếu niên vận âu phục đứng nhìn cô có vẻ thương hại, đau đớn. Cô ngẫm nghĩ một lát rồi hỏi:

— Có phải anh Linh của em Cúc đây không?

Chàng mỉm cười gật sẽ.

Cô cúi mặt xuống nũng nịu:

— Anh bỏ em, anh đi mãi.

Chàng đuổi bọn trẻ đi theo trêu ghẹo, rồi đưa cô Cúc về nhà.

Ông bác cô ra đón chào khách:

— Cảm ơn ông, cháu nó ốm đã mấy tháng nay. Thuốc uống đã nhiều mà vẫn không chuyển. Tôi lo quá, cậu, mợ, cháu chết đi chỉ được có một mình cháu.

Chủ nhà mời khách ngồi chơi uống nước. Trong khi ấy thì cô Cúc chú mục đứng nhìn hai người nói chuyện. Chủ hỏi:

— Thưa ông, ông học trường thuốc vậy ông có biết căn bệnh này không?

Khách đáp:

— Ðầu đuôi bệnh trạng ra sao, xin cụ kể lại cho tôi nghe xem.

— Thưa ông, nào có gì đâu. Hồi tháng hai năm ngoái...

Thấy cô Cúc đứng lắng tai nghe truyện, khách bảo sẽ chủ:

— Giá Cụ bảo cô ấy vào trong nhà đã rồi hãy nói truyện thì hơn.

Khi Cúc đã ngoan ngoãn theo lời bác lẳng lặng vào buồng, cụ Tú Vụ liền kể cho khách nghe câu truyện sau này:

Cúc bồ côi cha từ năm lên mười. Mẹ cô nhà cũng khá, cho cô đi học, và hiện cô đương theo năm thứ ba trường Sư-phạm. Mẹ cô có mình cô nên rất mực chiều chuộng, mà cô thì cô yêu quí mẹ lắm.

Bỗng tháng hai năm nay mẹ cô ốm. Hơn một tháng cô hết sức trông nom, đến nỗi người cô sút hẳn đi. Nhưng bệnh ho của mẹ cô một ngày một trầm trọng, rồi đến đầu tháng tư thì mẹ cô chết.

Cô thương xót khóc lóc không ai khuyên can nổi. May sau có một cậu, cậu Linh, sinh viên trường Ðại-học, khi còn mẹ cô, vẫn lui tới chơi nhà, vì chàng thấy cô có nhan sắc thì đem lòng thương trộm yêu thầm. Trong khi đau đớn, khổ sở, ngày ngày có chàng đến an ủi, Cúc cũng nguôi dần.

Sang tháng sau, nghĩa là cách đây hai tháng, chàng vừa tốt nghiệp trường Cao-đẳng ra, liền về thẳng nhà, bỏ Cúc trơ trọi ở Hanoi. Cái ngày mà Cúc được tinh Linh cưới vợ là ngày bệnh điên của cô bắt đầu phát.

Khách nghe câu truyện, buồn rầu, ngồi ngẫm nghĩ. Cụ Tú thấy chàng không nói gì lại hỏi:

— Vậy ông cho nó là bệnh gì?

— Thưa cụ, cô Cúc chắc bị một định kiến thôi miên,

— Ông tính có thể chữa được không?

— May ra thì được... Phải chữa mẹo.

Rồi chàng ghé vào tai cụ Tú thì thầm:

— Từ nay trước mặt cô Cúc, xin cụ gọi tôi là Linh, và cụ dặn người nhà cùng những người quen thuộc cũng vậy.

Cụ Tú mỉm cười, không hiểu:

— Nhưng tôi sợ nó biết tên thực ông là Giao rồi.

— Cụ không sợ. Tôi mới gặp cô ấy lần nầy là một.

— Thưa ông, ông có thể giảng nghĩa cho tôi hiểu không?

— Thưa cụ, bây giờ tôi chưa có thể giảng nghĩa được, sợ tiết lộ sự bí mật. Ðể chờ khi cô Cúc khỏi đã hãy hay.

Cụ Tú lại mỉm cười:

— Cách chữa bí mật thế kia à?... Nhưng ông còn ở chơi nhà lâu không?

— Thưa cụ, còn những một tháng nữa kia. Chắc đủ thì giờ.

— Từ đó chiều chiều Cúc đưa cái đám ma tưởng tượng của mẹ tới chỗ đường sẻ lại gặp Giao mà cô vẫn tưởng lầm là Linh.

Mấy hôm đầu, Giao còn để vậy cho Cúc đắp mộ, cùng khóc lóc rồi ngước cặp mắt âu yếm bảo chàng:

«Vậy ra anh Linh của em không lừa dối em đấy chứ?»

Chàng cầm tay cô, mỉm cười, nhìn vào mắt đáp sẽ:

— Khi nào anh Linh của em lại nỡ lừa dối em,

— Thế anh chưa lấy vợ chứ?

— Chưa, em ạ.

— Thế anh chờ em chứ?

— Cái đó thì đã cố nhiên. Khi nào em khỏi hẳn thì anh sẽ cưới em làm vợ.

— Nhưng em có ốm đâu mà anh bảo em khỏi?

Giao cười:

— Em không ốm, nhưng mà em còn mê man tinh thần. Kìa em coi, cô con gái đẹp, ai lại đi nằm xuống đất để đến nỗi lấm láp thế kia? Mà ai lại đi chân không như thế kia bao giờ?

Cúc bẻn lẽn nhìn xuống chân, lấy tay phủi bụi bám vào quần áo.

Dần dần Cúc đã biết chăm đến sự điểm trang, chân đi dép da láng, quần áo chải chuốt, tóc vấn cẩn thận.

Một hôm, cô vừa toan quì xuống đắp mả, thì Giao giữ lại bảo:

— Nếu em muốn anh yêu em thì em đừng vầy đất nữa kia.

Cúc mỉm cười, cặp mắt sáng quắc nhìn Giao:

— Nhưng em có vầy đất đâu? Em đắp mồ cho mẹ em đấy chứ.

— Em quên à? Mẹ mất ở Hanoi kia mà?

Cúc ngơ ngác:

— Thế đây là đâu?

— Ðây là làng ta và chỗ này là cái rãnh sẻ để tát nước.

Cúc ngần ngừ có ý nghi hoặc, nhưng hình như sợ hãi người yêu, nên không dám đắp đất nữa.

Nhờ về những ống tiêm thuốc bổ, và nhất là nhờ về tình âu yếm dịu dàng của Giao, bệnh thần kinh của Cúc một ngày một thuyên giảm. Rồi nửa tháng sau, tuy Cúc vẫn còn mê sảng, nhưng sự đi theo đám ma hình như đã đổi hẳn ra một cuộc đời chơi mát của đi bạn trẻ. Vì tình nhân loại, Giao một ngày một thêm đằm thắm, thân mật. Còn Cúc thì một ngày một thêm chăm chỉ đến sự điểm trang.

Một hôm, chàng đến hơi trễ. Cúc y phục chỉnh tề, quần trắng, áo trắng, mái tóc rẽ lệch, đương đi đi, lại lại băn khoăn khó chịu ở trước cửa. Vừa thoáng trông thấy chàng ở đằng xa, cô chạy vội lại trách:

— Sao hôm nay anh đến muộn thế? Em giận lắm. Ðã đến giờ đưa đám rồi.

Giao, nét mặt nghiêm nghị, đáp sẽ:

— Nếu em không bỏ cái tính giận dữ đi thì anh không yêu nữa đâu. Nhất là em không được quên rằng mẹ em mất đã được bốn, năm tháng rồi. Nay anh chỉ đến rủ em đi chơi mát, chứ không phải đi đưa đám. Em cố nghĩ lại xem.

Không biết Cúc có nhớ ra không, nhưng vì sợ Giao không yêu, nên khi thấy chàng hỏi lại rằng đã nhớ ra chưa thì cô tươi cười đáp liền:

— Em nhớ ra rồi. Mẹ em mất những bốn, năm tháng trước.

Giao gật:

— Em Cúc của anh ngoan lắm. Vậy mai hễ gặp anh thì em phải nhắc lại cho anh nghe câu ấy, anh sẽ yêu thực nhiều, nhé?

Hôm sau, Giao lại đến trễ hơn. Nhưng không những Cúc không tức giận, cô lại còn vui vẻ đến chào chàng rồi như đứa học trò nhỏ, ôn lại câu chàng dặn:

— Mẹ em chết đã được bốn, năm tháng rồi. Nay anh chỉ đến rủ em đi chơi mát, chứ không phải đi đưa đám. Vậy anh có yêu em không?

Giao cười, lấy tay đập se sẽ vào má Cúc:

— Anh yêu em lắm.

Câu trả lời Giao khiến Giao ngẫm nghĩ, mỉm cười.

Rồi câu ấy ngày nào chàng cũng nhắc đi nhắc lại, nhắc đi nhắc lại vì lòng nhân từ hào hiệp đối với một người khốn khổ.

Một hôm ngồi một mình chàng bỗng buột miệng như nói với người trong mộng:

— Anh yêu em lắm!

Chàng ngơ ngác nhìn quanh phòng như sợ hãi một sự gì huyền bí. Vì chàng nhận rằng câu ngẫu nhiên ấy nó ở tự đáy trái tim, tận cùng linh hồn thốt ra và không còn ngụ một ý nghĩa nhân từ hào hiệp nữa.

Hôm ấy chàng đi thong thả trên con đường đất ngòng ngoè lượn theo cái lạch nước nhỏ. Lòng chàng bối rối, sự buồn rầu lộ ra nét mặt.

Chàng có ngờ đâu từ thương tới yêu con đường lại ngắn đến thế. Cái lòng thương nhân loại, thương những sự yếu hèn, đau đớn của loài người, chàng có ngờ đâu lại trở nên tình ái!

Song chẳng lẽ yêu một người điên, tuy người điên ấy là một trang thiếu nữ tuyệt sắc! Phải chăng chàng chỉ yêu cái hào nhoáng bề ngoài?

Không phải. Quyết là không phải.

Chàng vừa đi vừa cố phân chất, cố giải phẫu những tính tình của chàng như chàng đã đem khoa học mà tìm căn nguyên bệnh thần kinh hệ của Cúc. Khi chàng đã đưa tư tưởng đi ngoắt ngoéo hết các con đường khúc khuỷu trong tâm trí thì chàng mĩm cười, vì trong lúc mê muội chàng chỉ nhận ra được có một điều là chàng yêu.

Cái tình yêu ấy, cỗi rễ ở lòng thương người mà ra cũng có, nhưng nhất là ở sự tìm thấy một linh hồn khác thường, linh hồn dịu dàng, chất phát ngớ ngẩn của một cô gái điên. Mà ba cái tính tình dịu dàng, chất phát ngớ ngẩn ấy lại rất dễ cảm động lòng người.

Nhớ lại những câu nói tự nhiên của Cúc, chàng cảm thấy hay hay, nũng nịu vừa như tiếng trẻ thơ, vừa như giọng âu yếm của ái tình.

Chàng thực yêu rồi, yêu một cách vô lý, nhưng yêu một cách nồng nàng và vơ vẩn. Mà chỉ còn một tuần lễ nữa là chàng đã phải từ biệt người chàng yêu. Biết đâu khi chàng đi rồi, bệnh điên kia đã thuyên giảm bội phần, đã hầu như khỏi hẳn, lại không nặng như xưa? Xa sự dịu dàng, xa sự âu yếm của chàng thì Cúc khó lòng khỏi được. Rồi cái thân mềm mại kia đáng lẽ phải chứa một linh hồn lanh lợi sẽ không còn đựng một mẩu trí thức cỏn con.

Chàng nghĩ thế thì chàng càng thấy buồn, càng thấy khổ, càng thấy thương, càng thấy yêu. Cái nhân loại bé nhỏ, hèn yếu mà xưa kia chàng vẫn muốn đem hết tâm trí, đem hết tinh thần ra thương yêu, nay đối với chàng hình như chung đúc cả vào cái thân thể mảnh dẻ của cô gái điên.

Bước thong thả, hai tay chắp sau lưng chàng băn khoăn tư lự. Bỗng vừa rẻ một chỗ đường nghoặt, chàng thấy sừng sửng trước mặt chàng cô Cúc, vận quần áo đại tang. Cô ngã đầu, lễ phép chào chàng, rối buồn rầu cất tiếng run run nói sẽ:

— Thưa, ông, tôi...

Cô chỉ nói được có thế. Nước mắt cô ứa ra khiến cô nghẹn lời. Giao vội hỏi:

— Có sự gì thế, em? Em Cúc của anh... của anh Linh.

Cúc đưa khăn tay lên lau nước mắt, lạnh lùng bảo Giao:

— Ông nói dối! Ông không phải là ông Linh. ông không thể là ông Linh được!

Hai giọt nước mắt ngập ngừng dưới cập mí, Giao lo lắng, khổ sở, đăm đăm nhìn Cúc. Cúc bỗng cười ngất, cái cười khoái lạc mà Giao cho là cái cười vô nghĩa lý, vô ý thức của người điên. Chàng sung sướng cũng cười, vì chàng cho là tri thức Cúc tuy còn đương ở vào giữa chỗ tự tri và vô tri, nhưng đã hơi chịu xét đoán. Hy vọng lắm rồi!

Nhưng nếu ông thầy thuốc hy vọng, thì người yêu liệu có hy vọng được không? Giao mỉm cười, cái mỉm cười của ông thầy thuốc, của nhà khoa học. Phải, nếu Cúc biết suy xét, biết nhận rõ sự thực hư thì liệu Cúc có còn giữ mối cảm tình đối với người mà Cúc nhận lầm là Linh nữa không? Ông thầy thuốc lại mỉm cười, cái mỉm cười tự cao, tự đại. Giao nghĩ thầm: « Ta hãy bỏ lòng ích kỷ mà mong cho Cúc khỏi hẳn bệnh đã ».

Ngắm Giao có vẻ tư lự, Cúc hình như cố nhịn cười mà nhắc lại lời chàng dặn bữa nọ:

— Mẹ em mất đã được bốn, năm tháng rồi. Nay anh chỉ đến để rủ em đi chơi mát, chứ không phải đi đưa đám. Vậy anh có yêu em không?

Cô nói dứt câu, bẽn lẽn cuối xuống nhìn giòng nước chảy. Giao cười ra dáng đắc chí, trả lời:

— Anh yêu lắm chứ!

Hai người yên lặng đi bên cạnh nhau. Bỗng như vì sự sung sướng xúc động tâm hồn, Cúc lim dim cặp mắt mơ mộng, cất tiếng nói:

— Này anh ạ! Em chỉ muốn suốt đời được cùng người yêu ở trong cái cảnh dịu dàng, êm ái này. Anh hãy trông: con đường quanh co dưới bóng lá cây um tùm, bên giòng nước trong như lọc, thực Tạo-hóa đã riêng gây nên để tặng hạng người biết yêu thưởng thức.

Giao mỉm cười:

— Em làm thơ đấy à? Anh xét ra có hai hạng người thích ngâm vịnh và có tài ngâm vịnh, là hạng người thi bá và hạng điên rồ.

Cúc nghiêng cái đầu hơi rung động, mái tóc se sẽ lung lay trước cơn gió chiều. Và nàng hỏi lại:

— Vậy anh cho em là người điên hay là thi sĩ?

— Em vừa là điên vừa là thi sĩ?

Cúc cười ngất:

— Thế thì anh lầm.

Cô ngẫm nghĩ mấy giây, rồi nói tiếp:

— Nhưng không, anh nói đúng đấy: vì xét kỹ thì em điên thực, mà khổ cho em, em lại tự biết em điên.

Giao sửng sốt nhìn Cúc lấy làm lạ rằng lời nói của người điên sao lại có luân lý đến thế. Chàng ngờ vực, lẩm bẩm: « Không có lẽ ». Nhớ lại những câu hỏi thứ nhất của Cúc, khi Cúc mới gặp chàng ban nãy, Giao càng nghi lắm. Nhưng bây giờ thì sự nghi hoặc của chàng làm cho chàng sung sướng. Chàng mỉm cười, nghĩ thầm: « Có lẽ thế chăng? »

Ðêm hôm ấy ở ấp Hồng-giang và ở làng Hồng-thủy có hai người thức suốt sáng.

Hôm sau, mặt trời vừa rạng đông, trên con đường từ ấp tới làng, quanh co bên cái lạch nước nhỏ, đã thấy Giao thung thăng bách bộ. Chàng tới Hồng-thủy làm gì sớm thế? Ðến chàng, chàng cũng chẳng biết tại sao.

Tới cổng nhà cụ tú Vụ, chàng đã toan đi qua không vào, nhưng có cái mãnh lực gì nó giữ chân chàng lại. Chàng mỉm cười, chép miệng rồi gọi cổng.

Gặp chàng, cụ tú vui mừng, nhưng không thể không lấy làm lạ về sự đến chơi sớm quá như thế. Chừng chàng cũng đoán được ý nghĩ của cụ, nên nói chống chế ngay:

— Thưa cụ, hôm nay tôi lại sớm là vì thứ thuốc bổ này cần phải tiêm vào buổi sáng.

Cụ tú chắp tay cung kính trả lời:

— Xin cảm ơn ông. Mời ông ngồi chơi để tôi cho gọi cháu ra.

Cúc nằm ở buồng bên cạnh nghe rõ tiếng Giao, trong lòng mừng rỡ, nhưng cô vờ ngủ mê mệt, hai, ba, tin gọi cũng không dậy. Là vì đêm hôm trước, không chợp mắt, cô sợ sự mệt nhọc làm mất vẻ kiều mị của cô, nên cô muốn tránh mặt người yêu. Còn Giao nghe có tiếng gọi mà Cúc vẫn ngủ mê thì gạt đi mà nói rằng:

— Thôi để lát nửa tôi trở lại cũng được.

Cụ tú lấy làm ngượng, đáp:

— Thế thì làm phiền ông quá. Ông để tôi vào đánh thức cháu dậy.

— Không nên, cụ ạ. Phải để cho cô ấy nghỉ chứ. Người mắc bệnh thần-kinh-hệ cần nhất là phải ngủ nhiều.

— Cảm ơn ông, tôi không biết lấy gì trả ơn ông cho được xứng đáng. Thực ông đã cải tử hoàn sinh cho cháu. Bệnh cháu mười phần đã khỏi đến quá chín rồi.

Giao mỉm cười:

— Thưa cụ, có gì mà cụ phải nói đến ơn với huệ? Bổn phận của loài người là phải cứu giúp lẫn nhau, khi mình có thể cứu giúp được Nếu cô Cúc qua được cái tại nạn này, thì tôi sẽ sung sướng suốt đời. Há chẳng phải cụ là ân nhân của tôi sao?

Chàng biết mình nói hớ, — mà câu nói hớ ấy chàng có ngờ đâu đã khiến ở buồng bên Cúc cười thầm, — nên nói chữa ngay:

— Vì cụ đã giúp tôi được có cái hân-hạnh, cái hạnh phúc làm nổi một công cuộc gọi là có ích cho đời.

Trong năm hôm sau chót, Giao và Cúc luôn luôn cùng nhau dạo chơi bên giòng nước. Hình như hai người đều tưởng đến ngày ly biệt sắp tới nên tình bè bạn càng thêm thân mật. Có hôm buổi sáng sớm, không hẹn hò mà hai người cùng lang thang dưới dặng cây, rồi gặp nhau ở giữa đường. Tuy hai người không hề ngỏ ý với nhau, nhưng cùng hiểu rằng thời giờ gặp gở chỉ còn có trong ít bửa, những buổi chiều ngắn ngủi đủ sao giải tỏ nổi lòng yêu?

Mà câu truyện thì có gì đâu! Quanh quẩn chỉ nước cùng trời, chỉ cây cùng cỏ, vì cái mục đích nói truyện để giúp bệnh nhân biết tự suy xét theo lối khoa học nay không còn ở trong ý nghĩ của Giao nữa. Nay chàng nói truyện là vì một lẽ khác, hay đúng hơn, chẳng vì một gì nữa.

Ðối với chàng thì câu truyện ấy là câu truyện thường, câu truyện tự nhiên, câu truyện để có truyện. Song trái lại, về phần Cúc thì có khi cô lại phải cố ý nói ngớ ngẩn một vài câu để chàng tưởng rằng cô thỉnh thoảng vẫn còn điên. Cô muốn thế để đứng trước mặt Giao cô đỡ bẽn lẽn, cái bẽn lẽn tự nhiên của một cô gái tơ đứng trước mặt một chàng tuổi trẻ.

Chiều hôm nay là một buổi từ biệt của hai người. Ngày mai, Giao phải rời Cúc để vào trường thuốc.

Cúc vừa gặp Giao, cảm động quá, buộc miệng gọi:

— Anh Giao!

Hai cặp mắt nhìn nhau. Hai linh hồn, hai trái tim: một ý tưởng.

Sự yên lặng kể lể biết bao nỗi thương yêu!

Dịu dàng, âu yếm, Cúc đặt đầu vào vai Giao ngước mắt, nhìn lên mỉm cười.

Giờ lâu... Giao ghé tận tai Cúc thì thầm:

— Chúng ta điên.

Cúc cười khẽ gật.

Hết