Ai hay nghi, được dịp nầy nên nghi kẻo uổng!

Ai hay nghi, được dịp nầy nên nghi kẻo uổng!  (1932) 
của Phan Khôi

Bài đăng trên Trung lập, Sài Gòn, số 6683 (17. 3. 1932)

Ông Lê Trung Nghĩa cổ động dạy chữ nho

Hôm rày trong làng báo mà cho đến trong xã hội Sài Gòn như là mới học được một cái học thuyết hoài nghi. Việc gì họ cũng nghi cả: Cuộc chiến tranh Hoa Nhựt dầu có bắn nhau chết hàng vạn bên Thượng Hải, họ cũng nghi là làm bộ chớ không có thiệt; Tưởng Giới Thạch thì họ nghi là phản quốc; còn Mã Chiếm Sơn, bữa trước họ nói đã bị ám sát chết rồi, té ra bữa nay lại thấy sống nhăn và làm Tổng trưởng Thuỷ lục quân cho chánh phủ Mãn Châu mới thành lập.

Sự hoài nghi như trên đó có phải là chánh đáng hay không, nhớ như tôi có bình phẩm sơ qua trong một số Trung lập trước rồi. Trong bài nầy, để giấy mà nói chuyện khác, tôi không muốn bình phẩm nữa, mà chỉ nói tóm một câu rằng sự hoài nghi ấy dầu cho chánh đáng cũng chẳng ích chi cho mình. Việc là việc hàng xóm, việc nước ngoài, ta nói cũng nói mà chơi, chớ chẳng ăn thua chi. Ví dầu sự nghi của ta mà trúng, cuộc chiến tranh Hoa Nhựt là trò bông lơn, Tưởng Giới Thạch là anh phản quốc, những lời tiên tri của ta đều ứng nghiệm đâu đó cả, thì ta lại được cái gì? Anh kép hát thật hay, đóng vai nào cụp lạc vai nấy, mà không hát trong rạp, thì chẳng được tiếng chầu nào hay đồng tiền thưởng nào.

Vậy thì muốn đem cái học thuyết hoài nghi mà dùng ra cho có ích, – chưa chắc có ích chớ cũng có câu – thì tôi tưởng nên dùng nó ra trong xã hội ta đây, trong xã hội Sài Gòn ta đây là hơn vậy. Hỡi mấy ông học giả theo phái hoài nghi ơi! Trước mặt các ông có việc đáng hoài nghi mà các ông không hoài nghi là uổng!

Tôi muốn chỉ cho các ông một việc đáng nghi, là việc đề xướng – hay cổ động – dạy chữ nho của ông Lê Trung Nghĩa.

Tối hôm ấy, ông Lê Trung Nghĩa diễn thuyết ở nhà hội Khuyến học, đường Lagrandière, là diễn thuyết về việc giáo dục, mà người ta đi nghe đông là phải lắm, bởi vì trong đó có sự lạ đáng đi nghe, chớ chưa hỏi đến cái sự nói của ông Nghĩa là thế nào.

Lạ là vì: ông Nghĩa vốn là một ông thợ vẽ, ông có làm giáo sư trường nọ trường kia, cũng chỉ là giáo sư về nghề vẽ, thế thì ông biết gì về giáo dục mà dám nói dư? Trong xã hội An Nam ta, kể từ Nam tới Bắc, chớ đừng nói nội Sài Gòn, những người thông thạo về giáo dục, có thể đứng ra diễn thuyết cho đồng bang nghe được, tưởng cũng chẳng mấy người, mà trong số ấy, tôi dám chắc là không có ông Lê Trung Nghĩa vậy. Thế thì sao ông lại dám đứng lên mà giảng giải vấn đề giáo dục?

Một việc mình không thạo mà dám đứng ra nói, như vậy, tôi có thể nghi rằng ấy là chịu mạng lịnh và ý chỉ của ai, và cũng có thể nghi rằng ấy là vì có cái mục đích gì khác.

Tôi nghi vậy có lý lắm. Nếu không chịu mạng lịnh và ý chỉ của người khác mà đứng ra đề xướng một việc mình không thạo, thì cũng như cây trụ vông óp xọp không dựa vào đâu mà đứng một mình, dẫu cho con người bạo gan dạn dĩ đến đâu cũng không dám làm như vậy. Đã vậy thì sự làm đó cũng như làm liều rồi. Làm liều thì phải có cái mục đích gì đó trước con mắt, mà nó có ích lợi riêng cho mình, không thì chẳng ai chịu làm đâu.

Phải chi trong cuộc diễn thuyết của ông Nghĩa chỉ nói về giáo dục qua loa đi thì thôi, tôi cũng chỉ cười một cái rồi quên không sanh nghi làm gì, nhưng tôi đã nghi như trên kia, là vì ông ấy diễn thuyết giáo dục mà lại cổ động học chữ nho.

Ông Nghĩa nhỏ lớn học chữ Pháp, ông nói tiếng Pháp xuôi, viết tiếng Pháp chạy, cái thì có, chớ chưa nghe nói ông có học chữ nho nào. Không học chữ nho, không đọc được sách nho, không được biết cái ích lợi trong nó ra làm sao, thì hà cớ lại dám đem mà khuyên những người chung quanh mình: anh! phải đem nó ra mà dạy; em! phải chăm vào nó mà học?

Kỳ quá! Người nghe không thể hiểu. Không hiểu thì phải phát nghi, sự đó không được trách ai hết.

Nước ta ngày nay, về đường giáo dục, chỉ có một mực là do chữ Quốc ngữ và chữ Pháp để tầm cầu tri thức mà thôi, không có thể nào quay đầu lại mà học chữ nho hết. Học chữ nho, ấy là đi giật lùi, vặn máy cho xe hơi chạy ngược, dầu chi đi nữa là cũng không có thể.

Kỳ lắm! Ngũ kinh Tứ thơ là đồ sách sắm ra để tập rèn cái óc hơn hai ngàn năm trước, thì làm sao lại đòi đem mà dạy con trẻ ngày nay? Thế mà ông Lê Trung Nghĩa dám đề xướng lên, dám đem những sách cổ hủ ấy để gây nên cái họa cho bọn hậu sanh sau nầy, cái óc của ông ra sao, cái bụng của ông ra sao, tuy tôi không nói quyết được, chớ cũng phải cho tôi nghi, thì tôi mới khỏi lùng bùng trong lỗ tai tôi, xây xẩm trong đầu óc tôi.

Một điều làm cho tôi nghi thêm nữa là có người họ biết, họ nói với tôi rằng: Từ mấy năm nay ông làm thầy dạy vẽ rồi làm báo, chưa hề nói chuyện giáo dục, chưa hề cổ động dạy chữ nho; can cớ chi (…) lên diễn đàn mà gieo ra cái giống độc? Tôi nghi lắm, tôi ngờ chăm bẳm rằng ông Nghĩa (….) làm việc ấy, là một việc rất quan hệ cho dân tộc ta về sau, rất quan hệ cho sự tấn hóa của chúng ta về ngày mai.

Hỡi anh em chị em! Hãy coi chừng! Chẳng những coi chừng ông Lê Trung Nghĩa mà thôi, sau nầy có người nào xướng hay họa cái thuyết dạy chữ nho ấy nữa cũng phải coi chừng họ kẻo mắc!

PHAN KHÔI