Đứa con nít với cái kiếng
Đứa con nít kia gởi nuôi ở trong làng nghèo, trở về nhà cha mẹ, thấy một cái kiếng thì lấy làm lạ. Ban đầu nó giỡn với bóng nó, sau thì cái nghề con nít thường làm vậy, có khi kẻ lớn cũng vậy, nó trề nhún nhăn mặt nhăn mày, thấy trong kiếng cái hình nó nhát lại. Chửng nó nổi xung thiên nó lên; dan tay đòi đánh: thấy không chịu thua, cũng hăm mình như vậy. Nó giận rung, xốc lại đánh cái hình xấc ấy; đánh thôi bầm tay, lại càng thêm giận, nổi thần hung, chịu không được, đứng trước mặt kiếng hét, khóc, thoi đấm cái kiếng. Mẹ nó ở đâu vừa đi đến, lại ẵm dỗ nó, lau nước mắt cho nó rồi lấy lời dịu ngọt mà rằng: “Trước bởi con nhăn mặt nhăn mày với thằng con nít hung đó nó làm cho con nổi giận phải không? — Phải. — Bây giờ đây con ngó lại mà coi: con cười, nó cười; con dăn tay mừng nó, nó mừng con, con hết quạu, nó hết giận; don thấy đó cái gương ở đời: lành dữ tự mình mà ra.”