Đời người với thường thức

Đời người với thường thức  (1931) 
của Phan Khôi

Bài đăng trên Phụ nữ tân văn, Sài Gòn, số 92 (23.7.1931)

Một vài điều tỏ ra về thường thức người mình còn kém lắm
Than ôi! Sự sống của ta là có bờ mà sự biết là không bờ!
Trang tử

Thường thức, cũng gọi là phổ thông tri thức, nghĩa là sự tri thức mà ở đời ai nấy đều phải có, để ứng dụng trong đời của mình. Cái danh từ nầy, tiếng Pháp kêu là Connaissances usuelles. Usuelles nghĩa là "thường dùng, dùng hằng ngày". Cái tri thức đã là thường dùng, dùng hằng ngày, thì nó cần cho đời người là dường nào. Cho nên có thể nói rằng người ta ở đời, không có thường thức, không được; mà ai có nhiều thường thức chừng nào, hay chừng nấy, tiện lợi cho đời mình chừng nấy.

Ôi! nói đến sự tri thức mà luống những giật mình! Chỉ có sanh ra làm anh Mọi trong giải núi Trường Sơn (Chaines annamitiques)[1], hằng ngày sống với chim muông rừng hố, thì mới dám kiêu ngạo với võ trụ vạn vật mà ra ý không cần; chớ còn ta đây, đã lỡ ra có biết một vài, lại càng trông thấy võ trụ vạn vật mà càng hổ mình ngu dốt! Nào? ai cả gan dám nói rằng tôi biết, dám nói rằng tôi biết nhiều, dám nói rằng tôi biết hết, thì nói đi?

Không, chẳng ai hề dám nói như vậy đâu. Rất đỗi thánh như Khổng Tử mà ngài còn nhiều lần tỏ mình ra là không biết; lại ngài cũng từng nói Học nhiên hậu tri bất túc, có ý cho là càng học càng thấy dốt, nữa là ai!

Bởi vậy, tôi thấy từ xưa đến nay, loài người làm việc gì, phần nhiều chẳng qua là muốn cho no cái lòng dục tri thức của mình. Cho đến ngày nay máy bay liệng trên mây xanh, ai nói để thông tin cho chóng, để thả trái phá xuống giết người, chớ tôi thấy nó làm cái đường để dần dần bữa sau giao thông với các tinh cầu khác, cho biết trên đó có những gì; người Việt Nam lặn lội sang học tận bên Paris, ai nói để kiếm cái bằng cấp hầu có về làm quan, chớ tôi thấy là nhờ đó người ấy sẽ biết được những điều mà ở đây không thể biết.

Giống người là giống tinh quái, tọc mạch, cố mà kiếm cho ra những cái tạo hóa đã giấu mình cũng như bà mẹ kia giấu bánh giấu kẹo sau lưng các con nhỏ. Như vậy chẳng là loài người dấy loạn nghịch cùng Tạo hóa; Tạo hóa đâu có nhịn thua. Có một cách đối phó lại, Tạo hóa hạn chế cái đời người ta, ai giỏi sống lắm một trăm năm là cùng, có tọc mạch mấy đi nữa cũng phải chịu phép. Loài người khóc tấm tức với nhau vì cái luật hạn chế ấy, có một người đã thở dài mà rằng: Than ôi! Sự sống của ta là có bờ mà sự biết là không bờ![2]

Nhưng mà chớ vội bảo loài người đã bó tay trước mặt Tạo hóa, vì cái luật hạn chế ấy. Họ còn cứ kiếm cách nầy cách khác để đạt đến cái mục đích cầu tri thức của mình mãi mãi không thôi. Nếu võ trụ còn có đến chừng nào mà loài người còn có đến chừng nấy, thì họ cố gắng cầu tri thức đến chừng nấy.

Cho được chống lại với cái luật buộc người ta chỉ sống một trăm năm, trong cõi triết học đời nay, có một phái hiểu nghĩa chữ chơn ngã ra thế khác. Họ cho chơn ngã tức là cái tánh chất và cái tư cách còn có của cả và loài người; cái tánh chất và cái tư cách ấy cứ liên tiếp với nhau hoài không dứt, ấy đó tức là chơn ngã. Nói cho gọn và rõ hơn, chơn ngã là cái tánh cách của cả và loài người còn có từ đời nọ qua đời kia để đối với võ trụ. Như vậy, cái đời người ngắn ngủi kia có hại gì cho sự cầu tri thức của họ đâu; bởi vì cái chơn ngã ấy cứ còn hoài thì còn cứ tọc mạch hoài cho biết được những điều giấu kín của Tạo hóa. Như vậy, hết thảy loài người trở thành ra một người, cứ đeo đuổi và đố thách mãi với Tạo hóa!

Cái lý luận ấy hơi cao, có lẽ không bổ ích ngay cho sự ở đời hằng ngày của mỗi người trong chúng ta. Muốn bổ ích ngay cho sự ở đời hằng ngày của mọi người, phải có cách khác. Cái danh từ thường thức sanh ra bởi đó.

Đời càng văn minh chừng nào, sự sanh hoạt của người ta càng phức tạp chừng nấy, những điều mình nên biết lại càng nhiều chừng nấy. Như sự thông tin, đời xưa chỉ có một cách nhắn miệng hay là gởi giấy đi mà thôi. Việc quan thì giao giấy cho trạm đem đi, việc riêng thì tùy tiện gởi cho người nào đi đến chỗ mình muốn gởi; sự lý rất là đơn giản, không có gì đáng cho người ta tìm tòi ghi nhớ làm chi. Nhưng từ khi có cái chế độ bưu điện, sự thông tin có nhiều cách, trong mỗi cách lại có nhiều thế: gởi thơ, đánh điện tín hay là nói điện thoại cũng vậy, tùy ai muốn dùng cách nào thế nào thì dùng. Mình đã sanh trong đời có cái chế độ ấy, có thế nào từ chối nó mà không dùng? Đã muốn dùng thì mọi cách mọi thế của nó mình phải biết. Vì biết thì lợi mà không biết thì nhiều khi có hại cho công việc của mình. Một sự thông tin đã thấy phiền phức như vậy rồi, huống chi còn trăm ngàn sự khác.

Trang Tử sanh ra non ba ngàn năm trước, vào lúc việc đời còn đơn giản mà còn than thở cho sự biết là không bờ, nữa là chúng ta ngày nay. Thật chúng ta sanh ra ngày nay chỉ lo có một cái biết mà đã hết hơi hết nghỉn[3]!

Không khỏi có kẻ thấy vậy mà sanh ra nản lòng. Nhưng không sao, người ta đã liệu trước rồi, cho nên ngoài sự tìm ra cái chơn ngã để đeo đuổi với võ trụ trên con đường tri thức của mình, còn một cách nữa, là chia đôi sự tri thức.

Trong cõi học ngày nay, chia sự tri thức ra làm hai: là tri thức phổ thông và tri thức chuyên môn. Cái sau là cái biết tới nơi; cái trước là cái biết đại khái. Cái biết đại khái hay là tri thức phổ thông, tức trong bài nầy gọi là thường thức. Cái biết tới nơi thì duy có nhà chuyên môn mới cần nó; còn cái biết đại khái thì ai nấy đều phải cần.

Tức như một sự thông tin dùng làm ví dụ trên kia, cũng có hai thứ biết. Phát và nhận điện tín thế nào, viết trên măng-đa và cắt nó làm sao,… cho đến luật lệ về bưu điện giao thông với vạn quốc những gì: ấy là tri thức chuyên môn. Còn gởi cái thơ đây qua Pháp phải dán tem mấy xu, gởi một gói hàng quá bao nhiêu kilô thì người ta không nhận… ấy là tri thức phổ thông. Ông tính đi làm chủ một sở bưu điện thì ông phải tìm cái tri thức chuyên môn về việc thông tin; còn tôi không tính như ông, tôi chỉ là người giao thiệp với nhà giây thép, thì tôi chỉ có cái tri thức phổ thông cũng đủ. Tuy vậy, cái biết của tôi đó lại là quan trọng cho người đời hơn cái biết của ông, vì người đời ít kẻ làm chủ sở bưu điện như ông, chớ giao thiệp với nhà giây thép như tôi thì đều mặt.

Nói một món mà nghe, suy ra món gì cũng vậy. Toán học, vật lý học, pháp luật, chánh trị, kinh tế… cho đến nghề vẽ, nghề kiến trúc… bất kỳ món nào, hễ đã thành lập là một món tri thức, cần cho người đời phải biết, thì đều có chia ra phổ thông và chuyên môn. ở các nước văn minh, mỗi người phải có tri thức chuyên môn về một món để làm chỗ đứng cho cái đời của mình, lại còn phải có tri thức phổ thông về nhiều món - nhiều chừng nào, hay chừng nấy - để giao thiệp với thiên hạ. Từ khi con đường tri thức đã chia hai, người đã gọi là có học không có phép từ chối cái đại khái của mọi sự vật ở trước mắt mình mà nói rằng tôi không biết nó được đâu.

Bởi vậy, sự giáo dục đời nay, nước nào cũng noi theo con đường tri thức chia đôi ấy mà đi. Đại để từ bậc trung học trở xuống, dạy về tri thức phổ thông; từ dự bị chuyên khoa trở lên các trường đại học, dạy về tri thức chuyên môn. Nhờ cách giáo dục chia đường ấy mà ai nấy đều có được sự tri thức thích hiệp với sự sống.

Nói đến đây đã thấy thường thức là quan trọng cho đời người lắm. Thường thức tức là những cái đại khái của sự vật rút ra từ cái biển tri thức minh mông, mà xã hội buộc mỗi người phải biết; nó giống như bánh và gạo, ai cũng phải có trong nhà hằng ngày, chớ không như tri thức chuyên môn, là gân nai vây cá, duy có bữa ăn của kẻ giàu hoặc đám tiệc chi mới dùng mà thôi.

Ở nước nào giáo dục nên hình thì người ta dễ mà có đủ thường thức. Còn như ở nước ta, giáo dục chưa ra chi, muốn kiếm cho đủ thường thức thật rất khó. Nhứt là kẻ từ nhỏ thất học, như tôi chưa hề được ngồi cái ghế nhà trường kiểu kim thời, thì lại càng khó hơn. Muốn có được những cái thường thức thích hiệp với sự sống thời nay mà bảo tôi tìm trong Luận ngữ, Mạnh Tử thì họa có mốc đầu mà chớ!

Bởi vậy, người mình muốn kiếm được thường thức cho gọi là đủ, cũng phải dụng công gấp năm gấp mười người ta. Ai biết được một thứ chữ nào thì do đó mà tự tìm lấy. Ngoài ra lại còn phải tìm ở cái chưn, tìm ở cái tay, tìm ở lỗ tai, tìm ở con mắt, nghĩa là đi đến đâu cũng học cả, gặp việc gì cũng học cả, có thế thì mới mong đỡ đói được, chớ đâu dám gọi là no!

Vậy mà tôi thấy trong chúng ta hình như có lắm người nghe hai chữ thường thức thì đã khinh đứt đi, cho là đồ tiểu học, không thèm để ý tới. Bởi vậy ai dốt nát quá không kể; hạng người gọi là tri thức mà xem ra có ít nhiều kẻ cái biết của họ cũng quá su sơ. Khẩu thuyết vô bằng, xin cử ra đây vài cái chứng cớ trong nhiều cái.

Tôi đọc một bổn tiểu thuyết, thấy mở đầu ra nói một người đàn bà vì cớ gì đó đi trầm mình. Khi nhảy xuống sông thì gặp chỗ có đám lục bình[4], nó quấn lấy tóc người ấy và như đỡ lên, cho nên không chìm được, rồi lần lần theo giòng nước chảy trôi đi, cho đến chừng gặp có kẻ vớt. Sự tích đó kể trong chừng một trương giấy in, đây tôi tóm tắt đại ý như thế, quyết không sai.

Đừng giở đến vật lý học ra làm chi, câu chuyện đó thật trái hẳn với lẽ thường. Số là, người ta nặng hơn nước[5], cho nên hễ rớt xuống nước thì chìm, có lẽ nào nhờ lục bình quấn tóc mà không chìm được? Sau khi chìm rồi, nước vô đầy bụng, thở không được nữa, ấy là người ta chết. Trong ba ngày, cái xác chết ấy sình lên (fermenter), trong đó chứa một chất hơi, làm cho cái xác trở nhẹ hơn nước, nên mới nổi trên mặt nước. Quả vậy, ai chết trôi, cũng chìm đến ba ngày (kêu là giáp cữ) mới nổi lên, ấy là sự thường. Chớ một người đàn bà không biết đạp bơi, đương sống mà nổi trôi theo giòng nước, rất là vô lý.

Phàm những chuyện nhà tiểu thuyết nói, đều là chuyện đặt điều, mà phải đặt điều cho có lý, như lời tục nói nói láo có sách mới được. Bởi vậy nhà tiểu thuyết lại cần phải có nhiều thường thức hơn người thường, thì bất kỳ gặp sự vật gì tả ra mới đúng và kẻ đọc mới tin. Nhà tiểu thuyết xứ ta ít thường thức quá đến nỗi bày ra câu chuyện vô lý như trên nầy, thật là một điều đáng lo lắm vậy!

Hễ là người làm sách, có giao thiệp với nhà in, thì sự xếp đặt trong một cuốn sách, mình phải biết. Ấy là thường thức về nghề in. Nếu viết một cuốn sách ra, rồi giao cho nhà in xếp đặt thế nào mặc kệ, sai lạc mình cũng không hay, như vậy chưa phải là nhà làm sách.

Tôi thấy một cuốn sách, nơi trương đầu, trước cái tựa, có để một đoạn vắn như vầy:

Voltaire tiên sanh nói:

Sách không khiến đời được, điều ấy có lẽ là thật. Nhưng chỗ khác ông lại nói rằng: Bất cứ dân tộc nào cũng tuân trọng thi thố theo sách vở cả, điều ấy lại là có lý thật hơn. Sách không xuôi động dân sự đâu, mà sách cám dỗ dân sự một cách đầm ấm.

Les livres ne mèment point le monde, a dit Voltaire, cela peut être vrai, mais ailleurs il dit que tous les peuples obéiseent à des livres et cela est plus juste. Les livres ne remuent pas le monde mais ils le conduisent secrètement.

Sénancour

Một đoạn ấy tỏ ra tác giả cuốn sách ấy gần như không có chút thường thức gì về nghề nhà in hết, bởi vì nó trình bày ra nhiều điều vô nghĩa.

Đoạn ấy là dịch nguyên Pháp văn của Sénancour ra. Vậy thì nguyên văn thế nào nên để y như thế là phải. Sao lại rứt mấy chữ Voltaire tiên sanh nói để lên trên và in to như cái đầu đề? Đã lấy mấy chữ Voltaire tiên sanh nói làm đầu đề, thì nó phải bao gồm luôn cả những câu ở dưới, đều là lời của Voltaire nói hết mới phải; vậy thì sao ký tên được là Sénancour? Thiệt cái sự trái lẽ nó ngờ ngờ ra như vậy, sao đã là nhà trứ thuật mà không thấy?

Tôi phải cho độc giả biết cái người soạn cuốn sách nầy đây lại chính là người quản lý nhà in! Người quản lý nhà in đáng lẽ có đủ tri thức chuyên môn về nghề in, vậy mà phạm ngay cái lỗi sầm sầm về thường thức như vầy, còn ai dám bảo rằng sự tri thức ở xứ ta không phải cũng lâm vào thời kỳ khủng hoảng!

Mà thật, người nước ta dạo nầy bị cái nạn khủng hoảng về kinh tế thì cũng bị luôn cái nạn khủng hoảng về tri thức từ lâu nữa. Hiện đương có nhà báo lo mở cuộc điều tra về kinh tế để tìm cách bổ cứu, thì tôi cũng điều tra sơ lấy vài khoản về tri thức như trên kia, để cho biết thường thức ở xứ ta nó kém đến mực nào đó thôi; còn cách bổ cứu thì xin ai lo lấy phần mình.

Thường thức đã cần cho sự sống chúng ta cũng như gạo và bánh: cái nầy để nuôi xác thịt cũng như cái kia để nuôi tinh thần. Vậy thì, thiếu gạo thiếu bánh, ta biết lo, lẽ nào thiếu thường thức, ta lại ngồi khoanh tay mà chịu? Sự sống chuyên một mặt về xác thịt, há phải là sự sống mà chúng ta ao ước hay sao?

Thấy sự tri thức ở giữa xã hội ta còn kém sút quá, tôi viết bài nầy mong giục giã cho nó bước sấn lên. Từ đầu chí cuối, tôi cúi mình trước cái biết nhiều lần; nếu còn có ai thấy mà bảo tôi kiêu căng, thì thật là oan tôi lắm vậy.

Phan Khôi

   




Chú thích

  1. Dải núi chạy từ Bắc tới Nam, ở sau lưng cõi Trung kỳ, người Pháp kêu là Chaines annamitiques, người mình hay dịch là Hoành Sơn. Tôi tưởng là không được, phải nói là Trường Sơn mới phải. Bởi vì hòn Đèo Ngang ở Quảng Bình đã có tên sẵn là Hoành Sơn rồi; vả lại giải núi ấy chạy dài, kêu là Trường Sơn đúng lắm (nguyên chú của Phan Khôi).
  2. 莊子:嗟乎!吾生有涯而知也無涯 (Trang Tử : Ta hồ ! Ngô sinh dã hữu nhai nhi tri dã vô nhai).
    Hoặc có nhà Hán học thấy tôi dịch câu nầy ra như vậy mà lấy làm lạ chăng. Nếu vậy, tôi xin nhắc lại rằng đời xưa, khi người ta dùng chữ 也 vào giữa câu thì nghĩa nó cũng như verbe Être trong tiếng Pháp, vì đó tôi mới dịch bằng chữ là của ta. Tôi lấy chứng cớ ở những câu nầy:: 其爭也君子 (kỳ tranh dã quân tử); 柴也愚 (sái dã ngu); 參也魯(sâm dã lỗ); 其生也榮; 其死也 (kỳ sinh dã vinh, kỳ tử dã ai); bao nhiêu chữ ? Ấy đều có nghĩa là là hết, đều dịch bằng là được hết (nguyên chú của Phan Khôi).
  3. Nghỉn : (một) quãng (theo Từ điển phương ngữ Nam Bộ)
  4. Lục bình là bèo xanh, có nơi kêu bằng sen Nhựt Bổn (nguyên chú của Phan Khôi).
  5. Nói người ta nặng hơn nước, nghĩa là người ta với nước thể tích đồng nhau thì người ta nặng hơn (nguyên chú của Phan Khôi).