Ông Nhiêu Giám với chú Tư Ðịnh về tới Tịnh Giang thì mặt trời vừa mới lặn. Hai người bước vô cửa. Thị Trâm ở nhà dưới ngó thấy, lật đật chạy lên vừa khóc vừa nói:

- Cha ôi! Anh Hai con chết rồi. Anh Linh đặt binh mai phục giết chết anh Hai con. Anh Lành cũng bị đâm, may ảnh chạy khỏi, ảnh về ảnh nói ảnh ngó thấy anh Linh chỉ huy rõ ràng, không thể gì chối cãi được.

Ông Nhiêu bình tĩnh vừa đi thẳng lại ván mà ngồi vừa nói:

- Thì thằng Linh chỉ huy chớ sao. Nó có tội gì đâu mà sợ nên phải chối. Xuống nấu cơm cho cha với chú Tư ăn. Ngồi đây chú Tư, ngồi chờ nó nấu cơm rồi ăn với tôi.

Trâm trở xuống nhà dưới vừa đi vừa khóc, trong bụng phiền cha nói hơi binh rể mà bỏ con.

Bây giờ tới phiên bà Nhiêu lên. Thuở nay bà kính nhường chiều chuộng ông lắm, không bao giờ bà trái ý ông. Hôm nay bà đương đau đớn về sự người ta giết chết đứa con trai duy nhứt của bà chẳng khác nào người ta cắt đứt chùm ruột của bà vậy, mà hay tin ấy ông không tỏ một lời thương tiếc, ông lại nói mấy câu vô tình, dường như ông cho người giết là phải, còn con ông chết thì đáng, bởi vậy bà tức giận, bà hết kính ông nữa, bà quyết lên mặt đặng ăn thua với ông. Bà bước lên nhà trên, bà không thèm khóc, mà cũng không thèm mừng ông.

Bà đứng têm trầu, mặt giận đằm đằm. Thình lình bà day qua ngó ngay ông mà nói:

- Thằng Ðạt là con của ông, mà nó cũng là con của tôi đẻ. Ông ghét nó, ông không nhìn nó là con, ông không cho nó về nhà nầy. Ðó là ý riêng của ông. Ông muốn sao cũng được. Còn phận tôi thì tôi không có cớ gì mà ghét con. Tôi mang nặng, đẻ đau, tôi ẵm bồng cho bú, tôi thương yêu nó. Ðó là tình mẹ con, tình riêng của tôi. Sao ông nỡ dứt tình của tôi? Sao ông đành xúi người giết chết con tôi đi? Ông thường khoe là người ăn học giỏi. Giỏi gì đâu tôi không thấy, tôi chỉ thấy ông giết con tôi, làm cho cả nhà phải sầu thảm, mẹ khóc con, vợ khóc chồng, con khóc cha, em khóc anh đó mà thôi. Từ hôm qua đến nay tôi có ý trông ông, đợi ông về đặng tôi giao hết nhà cửa ruộng vườn cho ông, tôi giắt vợ con thằng Ðạt đi đến chỗ khác làm ăn. Ông thù thằng Ðạt nên ông giết nó. Tụi nầy là ruột thịt của thằng Ðạt, ông thương yêu gì mà ở chung với ông nữa. Con của ông mà ông giết được. Còn tụi nầy ông kể gì, ở đây ông sẽ giết hết nữa.

Bà nhiêu nói một hơi rồi bà ngồi ngoáy trầu mà ăn. Thị Ðậu nãy giờ ngồi lấp ló chỗ cửa lên nhà trên vụt ré lên mà khóc. Thị Trâm với Thị Dần lo nấu cơm trong bếp, hai nàng òa khóc theo vừa khóc vừa kể nghe rất thảm thiết.

Ông Nhiêu lấy làm khó chịu, ông thấy dâu với con cũng nghịch với ông, chớ không phải mình bà Nhiêu mà thôi. Ông chau mày, cậy Tư định bước xuống nhà dưới kêu hết dâu con lên cho ông nói chuyện. Ðậu, Dần, Trâm đều lên đứng dựa bên bà Nhiêu. Tâm mặc đồ chế cũng theo lên đứng một bên bà nội.

Trâm thấy trời sập tối mới đốt một cái đen để trước mặt cha.

Ông Nhiêu mới nói:

- Thằng Ðạt là con của tôi. Theo thiên tánh thì tôi thương nó chớ sao lại ghét. Giữa lúc vận nước suy vi, ngoại bang đem binh đến xâm chiếm đất đai của ông cha ta. Ðàn ông con trai ai cũng phải hiến thân để giữa gìn đất nước và cứu vớt giống nòi cho khỏi ách nô lệ. Thằng Ðạt làm trai nó ra nhập với đoàn nghĩa binh cho tròn nghĩa vụ nam nhi, thì phải lắm rồi. Ví dầu chống với giặc mà nó có chết đi nữa nó cũng được danh thơm tiếng tốt. Tại sao đương đi trên đường chánh đạo với người ta, nó lại sanh tâm phản bội, muốn bỏ nghĩa vụ mà theo đầu giặc đặng hại đồng chí, đồng bào? Nó nói chuyện với tôi. Tôi ngăn cản. Tôi cắt nghĩa phải quấy cho nó nghe. Tôi nói kháng chiến dầu chết cũng được danh thơm, chớ đầu giặc làm quan lớn cũng mang tiếng bán nước, đã nhục cho mình, mà nhục cho cả tông môn nữa. Nó kiếm đủ lẽ mà cãi với tôi. Nó nói nó nhận thấy cuộc kháng chiến không thể thành công được vì hai lẽ: „Triều đình có nhiệm vụ gìn giữ cương thổ, giúp đỡ lê dân, mà giặc đánh thì tri ều đình xuôi lơ, bỏ đất cho giặc hoành hoành, bỏ dân cho giặc sát hại. Còn lẽ thứ nhì nữa là giặc có súng đạn, ta có dao mác mà thôi. Chúng ở xa mà bắn, ta làm sao mà xáp lại gần được mà đâm chém. Triều đình có quyền chiêu mộ tướng sĩ, có tiền mua sắm binh khí. Họ không biết làm phận sự. Họ chỉ dùng quyền ấy mà ủi dân ra đỡ súng đạn cho họ an thân. Họ dùng tiền ấy để lo cho vợ con họ ấm no sung sướng“. Nó lại nói không phải nó sợ chết, nếu mọi người đều hy sinh để cứu dân giữ nước thì dầu phải chết cũng không nề gì, ngặt chết vô ích, chết cho họ vinh thân phì gia, nên nó không chịu chết. Thà là nó ra hiệp tác với giặc đặng giúp đỡ cho dân khỏi đau khổ, bồi đắp cho nước được mạnh giàu. Theo ý nó thì sáng suốt mà sống có ích cho dân nước hơn là mù quáng mà chết cho thiên hạ sung sướng.

Bà Nhiêu chụp nói:

- Thằng Ðạt nói như vậy không phải hay sao mà ông thù nên ông giết nó?

Ông Nhiêu nổi giận nên ông cải:

- Phải nỗi gì? Nó dùng lý luận gian hùng để gạt dân đặng bán nước mà bà cho là phải à? Ðương lúc quốc gia nguy biến, mọi người đều phải nhứt tâm nhứt trí để đấu cật kề vai mà chống với giặc xâm lăng. Nó bày cái thuyết đố kỵ, nó dùng cái mưu chia rẽ để làm cho lòng dân phân vân nguội lạnh, vậy mà bà cho là phải hay sao? Tôi giận tôi rầy nó. Tôi hăm he nó nếu nó ra đầu giặc đặng giúp cho giặc chiếm trị đất nước của mình, nó làm cho tôi phải nhục nhã với hàng tri thức, thì tôi không nhìn nhận nó là con nữa, và tôi cấm nó không được léo về nhà nầy. Tôi lại có nói trước cho nó biết nếu kháng chiến mà nó sợ chết, thì bán nước nó sẽ bị người ta phân thây nó mau hơn nữa. Tôi đi Sài gòn nó ở nhà nó ra đầu Tây đặng lãnh Cai Mã tà. Nó cãi lời tôi, tức thì nó không kể tôi là cha nó nữa. Ngày nay nó phải chết, y theo lời tôi đoán trước, sao bà lại trách tôi?

Bà Nhiêu nói:

- Tại ông bày kháng chiến nên nó bị tình nghi, người ta kiếm bắt nó, bỡi vậy nó phải kiếm thế mà cứu lấy thân. Nếu nó bình bồng thì nó bị người ta bắt mà bắn chết, hoặc bỏ tù rục xương, lại càng thêm khổ.

Trâm bưng mâm cơm lên. Ông Nhiêu mời Tư định lại ăn với ông, để ăn rồi ông sẽ nói tiếp.

Bà Nhiêu quyết đợi ông về đặng bà gây với ông một trận cho đã nư giận. Nhưng thấy mặt ông rồi kiêng nể nổi lên mạnh hơn sự giận hờn, nhứt là trước thái độ nghiêm nghị với giọng nói ôn hòa của ông, lòng bà sanh bối rối, bà không kiếm đủ lời mà tranh biện với ông được. Bà nghĩ trời đánh cũng phải tránh bữa ăn, bỡi vậy bà chưa chịu thua, xong bà ngồi ăn trầu, chờ ông ăn cơm rồi bà sẽ tái chiến.

Ðậu, Trâm và Dần cũng rút xuống nhà dưới, ngồi dụm lại mà xầm xì nhau.

Bà Nhiêu thấy ông ăn rồi, bà tiếp câu chuyện mà nói:

- Bị hăm dọa, bị kiếm bắt, thằng Ðạt cùng đường, nên cực cẳng đã nó phải nhảy đầu Tây. Nó đầu đặng có người che chở cho nó khỏi mang họa vậy thôi chớ nó có hại ai, có làm gì đâu, mà ông cứ gia tội ác cho nó, ông cứ nói nó hại dân hại nước. Bây giờ người ta đầu Tây tràn đồng, kẻ làm làng người làm quan, họ bóc lột đầu nầy, họ bắt bớ đầu nọ, sao ông không dám đụng tới họ. Ông cứ oán thằng Ðạt. Nó có làm gì đâu mà ông xúi thằng Linh giết chết nó đi. Người ta nói hùm tuy dữ nhưng không nỡ ăn thịt con. Ông giết con được thiệt ông dữ hơn hùm nữa.

- Bà nói thằng Ðạt không có hại ai, có làm điều chi quấy. Vậy để tôi kể tội nó cho bà nghe. Nó ở trong nhóm kháng chiến của cụ Thủ Khoa. Nó biết tên họ và gia trụ của nhân viên, nó hiểu cơ mưu lực lượng hết thảy. Nó nhảy qua đầu giặc, nó đem chỗ bí yếu mà chỉ cho giặc. Ai kháng cự không chịu phản bội như nó, thì nó đem lính Tây vây bắt đem về hăm bỏ tù, hăm bắn chết, tự nhiên phải sợ mà đầu thú. Nó dùng chước đó mà lôi cuốn nghĩa binh theo nó đến năm bảy chục thậm chí tới Ðốc binh Thành là một cánh tay của cụ Thủ Khoa, cũng phải phản mà theo giặc nữa. Nó chặt tay chưn cụ Thủ Khoa, nó phá hư hàng ngũ kháng chiến hết, nó làm như vậy sao mà bà gọi là phải.

- Họ theo Tây là tại họ thấy kháng chiến vô ích, chớ nào phải họ bị thằng Ðạt rúng ép.

- Nó rúng ép, nó phá tan kháng chiến mà lập công mới lên được chức Ðội đó chớ. Nó làm ác độc như vậy mà bà chưa chịu cho nó có tội. Ðể tôi kể tội nầy nữa cho bà nghe. Con Trâm đâu? Lên đây cho cha hỏi việc nầy lại cho rành.

Thị Trâm nghe cha kêu lật đật đi lên. Ðậu với Dần đi theo. Ba nàng lên đứng sau lưng bà Nhiêu. Ông Nhiêu mới nói:

- Hay cụ Thủ Khoa được thả, tôi với thằng Linh lên Sài gòn kiếm thăm cụ. Cụ tính theo ghe tôi đi vô Tháp Mười đặng lo công chuyện. Về dọc đường chú Tư Ðịnh nóng lạnh, mà ông Thời cũng không được mạnh. Cụ Thủ khoa thấy vậy nên tới Tân An cụ mướn ghe khác mà đi Bắc Chiên, để cho chú Tư Ðịnh chèo ghe về nghỉ. Nhưng trước khi sang qua ghe khác mà đi, cụ tỏ ý muốn giáp mặt tướng sĩ trong đoàn nghĩa binh đặng cụ nói chuyện mà nâng cao chí khí cho họ. Tôi với thằng Linh mới định hội hiệp tại Cổ Chi là chỗ hẻo lánh, nhóm tại đó không ai hay. Tôi với Linh theo cụ đặng dự nhóm rồi cụ đi Bắc Chiên, còn tôi với Linh đạp đường bộ mà về, khuya hôm kia mới đổi ghe. Chú Tư với ông Thới chèo ghe chú mà về Tịnh Giang, Linh đi bộ về Khánh Hậu đặng cậy người đi gom nghĩa binh, chiều bữa đó đi vô Cổ Chi đặng gặp cụ Thủ Khoa. Tôi với cụ ngồi ghe lên rạch Chanh, nhưng có hẹn ghe đậu gần ngoài vàm, chừng nào gom nghĩa binh được đông Linh ra rước thì ghe sẽ vô Cổ Chi đặng hội hiệp với nghĩa binh, rồi đi bộ về sau. Con Trâm nhớ coi phải như vậy hay không?

Trâm đáp liền:

- Thưa, phải. Con đương rửa cá dưới me sông, thấy ghe về con chạy lại hỏi thăm thì chú Tư nói như vậy.

- Trong lúc đó có thằng Ðạt ở trong nhà phải hôn? Nói thiệt đi.

- Thưa…Có.

- Ừ, về nhà con cũng lấy thiệt tình mà nói chuyện đó cho tất cả nhà nghe, Ðạt hay cụ Thủ Khoa cùng tôi với Linh chiều bữa đó sẽ hội nghĩa binh tại Cổ Chi. Nó tuốt về Mỹ Tho thông tin cho Tây hay rồi liền dắt Mã tà với lính Tây vô sắp đặt bao vây Cổ Chi đặng bắt hết cho trọn gói. Ðó bà nghĩ coi thằng Ðạt đầu giặc để làm những chuyện như vậy đó, nó chết không đáng tội hay sao? Nó dọ biết tôi đi khỏi, nó về đây mà nghe tin tức. Hay được rồi nó quyết bắt quan thầy nó, bắt luôn tới cha và em rể nó nữa. Nhưng may trời không phụ người ngay, nên chúng tôi khỏi chết, luật trời công bình. Nó chết oan ức gì đâu.

Bà Nhiêu muốn bào chữa cho con nên nói:

- Thằng Ðạt đi lâu nên nó nhớ tôi. Tình cờ nó lén về thăm tôi. Hay ông đi khỏi nó ở chơi một đêm. Khuya nó tính về. Tôi biểu đợi nấu cơm ăn rồi về. Nên sáng ngày con Trâm với Ðậu dọn cơm ăn rồi về. Nó tính bắt ai đâu.

- Không tính bắt ai, thì sao lại chết trong Cổ Chi?

- Nó làm Ðội, Tây dạy bắt lính đi, nó không đi sao được.

- Nếu nó không về Mỹ mà mạch với Tây, thì làm sao biết nhóm nghĩa binh tại Cổ Chi, nên dạy nó đem binh vô bắt. Việc nhóm ở Cổ Chi là việc bí mật. Chúng tôi bàn với nhau ở dưới ghe. Chú Tư Ðịnh nghe. Chú Tư vô ý nói thiệt với con Trâm cũng vô ý nói om sòm trong nhà cho Ðạt hay, mới bể chuyện. May đến chiều thằng Linh hay giặc bao vây Cổ Chi. Nghĩa binh quyết chiến đấu, chớ không chịu tản mác mà tránh, Linh bơi xuồng ra ghe thông tin cho tôi với cụ Thủ Khoa lui ra vàm mà đi Bắc Chiên, đừng vô Cổ Chi còn tôi thì nó khuyên đi bộ vô giồng mà tránh súng đạn rồi về luôn, để nó ở lại chỉ huy nghĩa binh chiến đấu. Thiệt trước khi phân tay nhau, Linh có hỏi tôi ví như có Ðạt đi theo với giặc, thì lúc hỗn chiến Linh phải làm sao. Tôi lấy câu sách „Ðại nghĩa diệt thân“ mà dạy Linh. Tôi nói làm việc nghĩa lớn, chỉ biết nghĩa nước nhà mà thôi, chớ không biết tình cha con hay em. Nếu mình vì tình thân thích không xuống tay thì mình chết. Cụ Thủ Khoa cho lời tôi nói đó hạp với đạo lý.

- Ðó, rõ ràng ông biểu Linh giết Ðạt đó!

- Tôi không có lỗi nên không cần phải sửa mình. Mà Linh cũng không có lỗi gì nên tôi phải binh nó. Tôi nói thiệt hết cho mọi người trong nhà nghe. Linh hỏi tôi là hỏi phòng hờ vậy thôi, chớ không chắc có Ðạt. Lại trong lúc hỗn chiến Linh nói thiệt với tôi, nó cũng không gặp Ðạt. Chừng mãn cuộc rồi, Linh rọi đèn mà coi, mới thấy thi hài Ðạt mà thôi. Chuyện thiệt như vậy đó. Chớ không phải chánh tay Linh đánh Ðạt chết.

- Không phải nó đánh thì tụi nó đánh cũng vậy. Tôi chỉ biết ông với Linh giết con tôi, ông đành lòng giết con, thiệt ông là người không biết tình nghĩa chi hết.

Ông Nhiêu không từng thấy bà vợ dám vô lễ với ông, nên nghe lời trách nặng nề như vậy thì ông nhíu chơn mày, ngó ngay bà rồi cười gằn mà nói:

- Bà dốt nát bà có biết tình với nghĩa bên nào trọng, bên nào khinh mà bà nói để tôi thuật chuyện xưa cho bà nghe:

"Hồi đời Xuân Thu Thạch Tử là một ông hiền của nước Vệ làm quan tới chức thượng Ðại Phu chừng già yếu ông cáo lão về nhà nằm dưỡng nhàn, ông có người con trai tên Thạch Hậu, võ nghệ xuất chúng. Thạch Hậu kết bạn thân với công tử Châu Hu là em của Vệ Hoàn Công. Thạch Hậu bày mưu cho Châu Hu rồi phục võ sĩ giúp Châu Hu đâm chết anh là Hoàn Công mà đoạt ngôi chư hầu của nước Vệ. Ðình Thần khiếp sợ oai võ của Châu Hu với Thạch Hậu, không ai dám phản kháng, đồng tôn Châu Hu lên làm vua. Châu Hu phong Thạch Hậu làm thượng đại phu. Quan dân trong nước dám bất bình mà không dám chống cự. Nhưng mấy chư hầu chung quanh rục rịch muốn hiệp binh phạt tội soán nghịch của Vệ. Châu Hu lo ngại, không biết làm sao được hòa với lòng dân ở trong, mà cũng thuận với bọn chư hầu ở ngoài, bèn sai Thạch Hậu về nhà hỏi cha là Thạch Tử, coi có kế gì định an cả trong ngoài cho được. Thạch Tử dạy phải tri ều bái Thiên Tử nhà Châu mà cầu phong, thì trong ngoài mới qui phục, Thạch Hậu nói không có cớ gì thì làm sao mà bái yết Châu Hoàng Ðế cho được. Thạch Tử nói nước Vệ với nước Trần đương hòa mục, mà Trần Hoàn Công mới được châu Thiên Tử yêu. Vậy nếu qua Cầu Trần Hoàn Công tiến dẫn giùm thì chắc chầu Thiên Tử được.

Thạch Hậu về tâu lại với Châu Hu rồi tôi chúa sắm lễ vật và bày xa giá qua nước Trần mà cậy. Thạch Tử viết một bức thơ kín rồi sai người tâm phúc đem đi riết qua nước Trần dâng cho Hoàn Công, thơ nói nước Vệ nhỏ mọn mà mới bị một tai họa thiệt lớn, vì vua bị loạn thần nghịch tử thí quân soán đoạt. Việc đó tuy công tử Châu Hu làm, song thiệt có con của ổng là Thạch Hậu âm mưu trợ lực nên mới mang họa. Vì ông tuổi cao sức yếu nên không thể trừng phạt tội đại ác đó được. Nay hai tên phản nghịch ấy lầm kế của ông bày mới hiệp nhau qua khẩn cầu Trần Hầu tiến dẫn với Châu Thiên Tử mà xin phong hầu. Vậy thần dân nước Vệ yêu cầu Trần Chúa bắt hai tên phản nghịch đó mà trị tội dùm cho nước Vệ, để răn bọn thần tử vô đạo. Nếu được vậy chẳng phải may mắn cho nước Vệ mà thôi, mà cũng may mắn luôn cả thiên hạ nữa.

Trần hoàn Công xem thơ rồi bàn tính với quần thần. Chừng Châu Hu với Thạch Hậu qua tới, Trần hoàn Công truyền lịnh bắt hết cả hai, đem Châu Hu giam tại đất Bộc, còn Thạch Hậu giam tại nước Trần, rồi sai người đem thơ qua nước Vệ xin Vệ tri ều đình phái người qua xử tội. Vệ triều rước Thạch Tử đến nghị sự. Châu Hu giết anh mà soán ngôi, phạm tội thí quân, nên bị xử tử hình. Quan Hữu tể Xú phụng mạng chém Châu Hu. Còn Thạch Hậu tri ều đình nghị tội nhẹ hơn. Thach Tử không chịu ông nói con ông đồng tội với Châu Hu, nó tham vị trợ kiệt, nên nó cũng phải chết. Nếu triều đình không xử tử nó thì ông xách gươm qua Trần đặng bổn thân ông chém nó mà răn chúng. Nựu Dương Kiên là gia thần của ông, xin lãnh mạng thay thế cho ông qua nước Trần mà chém đầu Thạch Hậu.

Ðình thần phái người qua nước Hinh rước công tử Tấn, lánh nạn tại đó mà đem về tôn lên ngôi Vệ Công. Tả Kỳ Minh biên truyện nầy trong sách: "Tả truyện“ người khen ngợi Thạch Tử vì Ðại nghĩa mà giết con, nên gọi Thạch Tử là "Thuần Thần“. Ấy là vì Thạch Tử già yếu không dẹp loạn được, phải cậy tay vua nước Trần giúp mà trừ kẻ loạn thần tặc tử để làm rạng rỡ đại nghĩa trong thiên hạ.“

Hôm nay tôi là một nho học, tôi dư biết trót mấy năm ông cha mình tiếp nối nhau mà khai thác, tốn công cực trí không biết bao nhiêu, mới thành lập sáu tỉnh trong vùng đất Ðồng Nai nầy. Người ở đâu ồ ào tới chiếm đoạt công lao của tổ tiên mình. Phận tôi già yếu, không còn sức mà chống với giặc nổi, thì con tôi nó phải thay thế cho tôi mà hiệp với những người ái quốc khác đem thân ra ngăn giặc để gìn giữ nước nhà, bảo hộ dân chúng. Con tôi nó không chịu làm như vậy. Nó đành ra đầu giặc để mãi quốc cầu vinh. Nếu tôi không trừng trị nó như Thạch Tử hồi đời Xuân Thu, thì người ta cũng sắp tôi theo phường phản bội, sớm đầu tối đánh, ai cho ăn thì chạy theo, tôi không đáng là con người, chớ có tài đức gì mà dạy con cháu học. Tôi vẫn biết tình mẹ con thì nặng thiệt. Thằng Ðạt chết, bà nó buồn rầu, ấy là lẽ tự nhiên. Nhưng bà nó cũng phải nghĩ lại nghĩa quốc gia còn nặng hơn nhiều, phải đè ép tình kia để làm rạng rỡ nghĩa mới phải chớ.

Bà Nhiêu ngồi nghe, bà không tìm hiểu xa xôi làm chi bà chỉ nhớ con bà chết, bà cứ khóc thút thít. Chừng ông Nhiêu nói dứt rồi bà mới nói:

- Ông nói giống gì ông nói, tôi không thể quên sự ông biểu thằng Linh giết chết thằng Ðạt là con tôi.

Thị Trâm đứng sau lưng mẹ, nàng tiếp mà nói:

- Con cũng vậy, con không thể quên sự anh Linh giết chết anh Hai con, bởi vậy con quyết định không cho anh Linh thấy mặt con nữa.

Ông Nhiêu đứng dậy nói với Tư Ðịnh:

- Thôi chú Tư về nghỉ , chú Tư, nói mà không ai chịu hiểu, thì nói nhiều nữa vô ích.

Tư Ðịnh về.

Ông Nhiêu lại võng mà nằm. Bà Nhiêu kêu Tâm vô buồng mà ngủ. Thị Trâm, Thị Ðậu và Thị Dần đi xuống nhà dưới chùm nhum với nhau mà khóc Ðạt.

Rồi khuya cũng vậy, mà tối bữa sau cũng vậy, tiếng khóc than cứ rầm rĩ trong nhà hoài. Ông Nhiêu bực mình, không dạy học được nữa. Cách vài bữa ông qua nhà Tư Ðịnh, biểu kêu ông Thời lại. Ông cậy hai người dọn ghe đưa dùm ông lên Sài Gòn đặng ông lóng nghe tin tức cụ Thủ Khoa. Ông gởi sách vở, áo quần, ông lấy mấy nén bạc của ông dành dụm thuở nay mà bỏ vô gói rồi xuống ghe đi Sài Gòn.

Thị Dần tính về dọn nhà trở qua xóm Chài mà ở lại. Bà Nhiêu biểu Ðậu với Trâm đốn dừa chuối mà đưa Dần về. Khi từ biệt bà Nhiêu. Dần khóc mà nói: "Anh Ðạt có lẽ vì yêu con nên ảnh mới trái ý cha, ra đầu giặc đặng gần gũi với con. Hổm nay con suy nghĩ cái chết của anh Ðạt lỗi tại nơi con nhiều ít. Vậy con hứa với mẹ từ nay con sẽ là đồng tâm hiệp lực với chị Hai con mà nuôi mẹ thế cho anh Ðạt. Vậy con xin mẹ bớt buồn, kể con cũng như một đứa con gái của mẹ vậy. Con không thể quên cái chết của anh Ðạt được. Con quyết báo thù cho ảnh được con mới hết buồn“.

Còn ông Nhiêu Giám lên tới Xóm Dầu. Ông vô nhà ông Nhiêu Lạc thuật các việc xảy ra tại Cổ Chi và vàm Rạch Chanh cho ông Lạc nghe. Ông Nhiêu Lạc chắc lưỡi lắc đầu mà nói: "Cụ Thủ Khoa bị bắt lại, trên nầy tôi hay rồi. Tôi lại hay ông Quan bảo lãnh cho cụ Thủ Khoa được thả hôm tháng trước đó, không phải ông phục tâm trí của cụ đâu. Ông muốn lập công đặng lên chức cho mau, nếu trong xứ Thái Bình thì làm sao mà ông lập công được. Ổng mới lãnh cụ Thủ Khoa ra rồi cứ theo khiêu khích cho cụ đi làm nữa đặng ổng mạch cho Tây đi bắt mà kể công. Cụ Thủ khoa không dè, nên tính đi Tháp Mười đặng hiệp với Thiên Hộ Dương, ông ta báo cho quan Tây hay. Họ cho tàu theo đón xét bắt lại đó. Người ta mới nói với tôi hôm qua. Cụ Thủ Khoa bị vô khám lại, còn ông quan giả dối đó được thăng chức rồi, vinh quang một cửa.

Ông Nhiêu Giám nghe như vậy thì ổng ngẩn ngơ rồi ông than: "Ðời hôi thúi qua! Sống giữa cảnh đời như vậy, ai cũng ham hống hách, ai cũng mê bạc tiền không kể nghĩa nhân, không yêu đất nước, thì vui gì mà sống. Thế thì nên tìm chốn non cao rừng rậm mà ẩn cư, rồi làm bạn với chim, với cò, với vượn, với khỉ , có lẽ vui hơn, vì những giống đó không biết xảo trá gian dối hay phản bội“.

Ông Nhiêu Giám trở xuống ghe cho Tư Ðịnh với ông Thới tiền mà biểu chèo ghe về để ông ở lại chơi ít bữa, rồi ông xách hành lý lên nhà ông Lạc mà ở.

Cách chừng nửa tháng có ghe bầu ở Phan Thiết chở dây dừa[1] với nước mắm vô bán rồi mua gạo trắng mà chở về. Hay ghe sắp kéo neo mà lui. Ông Nhiêu Giám cáo từ ông Nhiêu Lạc đặng quá giang ghe mà đi Phan Thiết. Ông Lạc hỏi Giám ra Phan Thiết ông tính làm việc chi. Ông Giám nói ông chán đời quá. Không thể lẩn thẩn giữa trần gian nữa được, nên ông sẽ lên núi Ma Lam hay Gia Bát để ẩn dật mà dưỡng tánh tu tâm, lánh xa hồng trần cho khỏi tục lụy.

Ông Lạc có cơm tiền, ông mới tặng cho ông Giám 100 quan với 1 cây lụa làm lộ phí, rồi ông Giám xuống ghe mà đi.

Bữa sau ghe ra biển ông Giám ngồi nhìn trời cao biển rộng, ông nghĩ cuộc đời như giấc mộng, không có chi thiệt, mà cũng không có chi bền. Núi non cao vọi mà nhiều khi phải sụp đổ. Sông rạch nước đầy mà có khi cũng cạn khô. Quốc gia đương hưng thạnh rồi cũng phải suy vong. Chồng vợ, cha con đương hiệp hòa rồi phải ly tán.

Trớ trêu thay!

   




Chú thích

  1. dây luộc, dây đánh xoắn ốc làm bằng sớ dừa