Đường kách mệnh/Quốc tế giúp đỡ

1. Quốc tế giúp đỡ là gì?

Năm 1921, nước Nga bị đại hạn mất mùa, dân chết đói nhiều. Đế quốc chủ nghĩa lợi dụng cơ hội ấy, bên thì muốn xui dân Nga nổi loạn, bên thì muốn kéo binh vào phá kách mệnh Nga. Phần thì đem các tàu bè vây biển Nga, không cho các tàu bè đi lại chở đồ ăn bán cho dân Nga.

Những người có lòng tốt như ông Nanxăn (người khoa học rất có danh tiếng nước Noócve, ông ấy đi tàu bay qua Bắc cực), và các công hội đều có tổ chức hội cứu tế đi quyên tiền, đồ ăn, và áo quần gửi cho dân Nga. Nhưng vì tổ chức tản mát cho nên sức lực yếu.

Đệ tam quốc tế và Công nhân Quốc tế đỏ (mới tổ chức) xướng lên lập một hội Quốc tế giúp đỡ, để tập trung tất cả các hội cứu tế lại. Đệ nhị quốc tế và Công nhân Quốc tế vàng không chịu vào, lập riêng ra một hội cứu tế riêng.

Tuy vậy, Quốc tế giúp đỡ cũng lập thành. Từ cuối năm 1921, đến năm 1922, Quốc tế này quyên được hơn 5.000.000 đồng bạc, và 40.000.000 kilô đồ ăn cho dân Nga.

2. Khi Nga khỏi đói rồi, quốc tế này làm việc gì?

Nga khỏi đói rồi, Quốc tế này vẫn tiếp tục làm việc mãi. Bất kỳ xứ nào có tai nạn gì, Quốc tế này đều ra sức giúp. Như năm 1923 Ailan (Ireland) mất mùa, mấy vạn dân cơm không có ăn, áo không có mặc, nhờ Quốc tế qua giúp mà khỏi chết đói. Năm 1924, thợ thuyền Đức bãi công hơn 60 vạn người, Quốc tế này lập ra nhà ăn không mất tiền, mỗi ngày hơn 25.000 người thợ tới ăn. Lại lập ra nhà thương để nuôi những người bãi công đau ốm; lập ra nhà nuôi trẻ con của thợ thuyền, lập ra đội lữ hành đem trẻ con Đức qua gửi cho công hội các nước nuôi dạy. Lúc bãi công gần rồi mới đem về.

Năm Nhật Bản có động đất, Tàu mắc lụt, Quốc tế này cũng chở đồ ăn, đồ mặc và đồ làm nhà qua giúp.

Nói tóm lại là ở đâu mắc nạn lớn, là Quốc tế này đều giúp cả.

3. Quốc tế giúp đỡ lấy tiền đâu?

Quốc tế này không phải là một hội làm phúc phát chẩn và bố thí như các hội của tư bản lập ra. Mục đích Quốc tế này là "thợ thuyền và dân cày trong thế giới là anh em, khi anh em xứ này rủi ro, thì anh em xứ khác phải giúp đỡ", vậy nên, khi có việc thì hội viên ra sức quyên, khi vô sự thì phải góp hội phí. Hội phí tuỳ theo hạng người như thợ thuyền làm ra đồng tiền dễ, thì đóng nhiều hơn, dân cày ít tiền thì đóng ít. Nhưng ai cũng phải đóng.

Vì Quốc tế có chi bộ khắp cả 5 châu, và hội viên rất đông, nhất là ở Nga, cho nên chỉ hội phí góp lại cũng đã khá nhiều.

Quốc tế lại đem tiền ấy làm ra hoa lợi, như mở sở cày, làm hát bóng, mở nhà buôn, sở đánh cá, vân v.. Phần nhiều những công cuộc này đều là ở Nga. Chỉ một chỗ đánh cá ở Atrakan mỗi năm đánh được 4-5 triệu kilô cá.

Tiền bán ra đều để dành để giúp đỡ cho thế giới cả.

4. Quốc tế này đối với kách mệnh có ích gì?

Như nước An Nam gặp lúc vỡ đê vừa rồi, hay những khi đại hạn và lụt. Nếu Quốc tế biết, chắc có giúp đỡ. Song:

1. Là vì dân ta chưa ai biết đến mà kêu van;

2. Là Pháp sợ Quốc tế làm cho dân ta biết cách thân ái và liên hợp của vô sản giai cấp trong thế giới;

3. Nó sợ tuyên truyền kách mệnh cho nên nó hết sức giấu dân ta không cho biết rằng trong thế giới có một hội như thế và ngăn trở Quốc tế ấy lọt vào đến An Nam.

Cái gì Pháp ghét, tất là có ích cho An Nam.

Còn như việc cách mệnh, Quốc tế này cũng giúp được nhiều. Xem như khi dân Nga đói, nhờ Quốc tế này mà không đến nỗi oán Chính phủ cách mệnh. Thợ thuyền Nhật nhờ Quốc tế này mà khôi phục được công hội lại mau. Thợ thuyền Đức nhờ Quốc tế này mà cứ việc phấn đấu, vân v., thì biết rằng Quốc tế này sẽ có ích cho kách mệnh An Nam nhiều.