Đôi lứa xứng đôi (tập truyện ngắn)/Hai khối óc

HAI KHỐI ÓC


Tuy mới sáu giờ sáng mà mặt trời đã cao, rọi xuống những tia rất chói. Nhưng nhờ có gió biển, cái nắng ấy không gay gắt, khó chịu; nó điểm cho cảnh thêm tươi; nó là ánh đèn pha làm nổi bức phông trong rạp hát.

Bọn dân chài ở ngoài khơi về khiêng từng bó sào lên bãi cát. Họ cắm những hàng cọc bắt chéo nhau thành mạng để gác sào lên, căng lưới ra phơi hay mạng lại. Trông người nào cũng lực-lưỡng, mặt rắn rỏi, già cấc dưới cái khăn nâu chít mỏ rìu, cổ gân guốc, cái áo nâu bạc phếch phanh ra trên cái ngực nở nang, bắp thịt tay nổi lên tùng cục, và da bóng loáng như đồng điếu. Hùng vừa hỏi truyện về cách sinh sống của họ xong, và bây giờ nhìn họ thản-nhiên làm việc; Hùng thấy chua cay trong lòng. Nghĩ đến những lúc họ liều thân với sóng gió ở ngoài khơi, những lúc nhọc-nhằn cực khổ chỉ để kiếm mỗi ngày mấy bữa cơm gạo xấu, nghĩ đến cái dã-tâm của bọn chủ nước-mắm dìm giá để mua rẻ, đến nỗi họ luật quât quanh năm suốt tháng mà không được manh áo lành để che thân. Hùng thấy lòng hậm-hực như chính mình phải chịu những sự bất-công vô lý ấy.

Một chuỗi cười trong trẻo như chế-nhạo sự cau-có hiện ra mặt chàng. Bấy giờ chàng mới sực tỉnh, nhớ đến Tuyết đang ngồi lúi húi trên bãi cát. Chàng quay lại:

— Gì thế Tuyết?

— Tóm được rồi.

— Tóm được cái gì?

— Tóm được anh dã-tràng; gớm, nó bò nhanh quá!

Rồi Tuyết chạy lại trước mặt Hùng, mấy ngón tay trắng muốt nhóm con vật nhỏ xíu, nũng nịu bắt Hùng cầm hộ. Dáng-điệu ngây thơ của nàng làm những ý nghĩ nặng trĩu trong óc chàng trút nhẹ đi. Chàng đưa tay phủi nhẹ mấy hạt cát bám trên gò má trắng hồng của Tuyết; Tuyết sung sướng, ngước đôi mắt trong trẻo nhìn chàng âu-yếm, hai làn môi thắm mỉm cười một cách lả-lơi:

— Cám ơn Hùng nhé.

Hai mặt gần sát nhau. Một cái hôn gần chạm trên trán Tuyết thì Hùng bỗng dừng ngay lại. Chàng trông vội về bọn người chài lưới, rồi lại vội trông đi, mặt bẽn-lẽn như bắt gặp làm một điều đáng trách. Chàng cho là đáng trách, khi phô bầy cái sung-sướng hỗn xược của mình ra trước mắt bọn người lao-khổ ấy. Luống-cuống, chàng nắm tay Tuyết kéo bừa đi, mồm giục:

— Mau lại đằng kia, Tuyết.

Tuyết tưởng chàng cả thẹn, mỉm cười, bước theo. Đi một quãng, hai người dừng lại tò-mò nhìn một bà già, quần áo rách bươm, mặt răn reo buồn như mếu, ngồi lê trên bãi cát, lẳng-lặng bới tìm từng mảnh vỏ sò, hến cho vào một cái rổ kéo lê theo. Hùng bùi ngùi trước cái đời đã gần tàn mà vẫn còn tiết ra đau khổ ấy. Chàng thở dài nghĩ đến một người đàn bà già yếu, ở rất xa, trong một làng nhỏ nghèo-nàn ngoài Bắc, đang chết dần trong đau buồn và túng quẫn. Và chàng ngồi xuống, vừa nói truyện vừa nhặt vỏ hến giúp bà già, trong khi Tuyết lơ-đãng trông ra xa tắp, nơi chân trời xanh ngắt kẻ một đường rất nhỏ, rất thẳng, trên mặt bể cũng xanh, nhưng lợt hơn một chút... Bỗng nàng lấy tay khẽ đập vào đầu Hùng một cái, hỏi:

— Người ta làm gì kia anh nhỉ?

Hùng ngửng đầu lên. Tuyết chỉ cho chàng một mỏm cát nhô ra mãi ngoài xa, có một người đàn ông đứng trên một chiếc thuyền con, đang vừa cắm cúi làm gì không biết, vừa nói truyện với một người đàn bà ngồi sát ngay mặt nước. Không đợi Hùng trả lời, Tuyết vùng chạy lại chỗ ấy, mon men bước ra, rồi ngoảnh lại vừa cười vừa vẫy. Hùng chào bà già, đứng lên, uể-oải theo...

— Gì thế, Tuyết?

— Mau lên anh, đi ra cái cù-lao.

Hùng nhanh-nhẹn nhẩy luôn ba, bốn bước, và chạy lại, ôm choàng lấy Tuyết, cười khanh-khách. Những làn sóng thi nhau chạy vào bờ, và réo ào ào, đột nhiên chuyển vào Hùng một nỗi vui bồng-bột. Người đàn ông, bây giờ chàng mới biết là đang dũ lưới, còn người đàn bà thì giặt rổ. Nhưng Hùng không nhìn họ nữa. Chàng nắm chặt tay Tuyết, hai người đứng sát nhau, để nhìn mặt bể đang sôi sùng-sục, Hùng luôn luôn mỉm cười, và thỉnh-thoảng nắm mạnh cánh tay người yêu một cái. Tuyết sung-sướng, lim-dim mắt, nũng-nịu ngả đầu vào vai chàng; mấy món tóc nàng bị gió thổi, mơn lên má chàng như những cái vuốt ve.

Một con cá, bị sóng ném lên bờ, làm hai người tỉnh mộng. Tuyết mừng rú lên, nhẩy lại vồ; nhưng con cá, nẩy lên vài cái, và lại tìm được nước. Hùng mỉm cười, bảo:

— Thôi, đi vào thôi, Tuyết.

Nhưng chàng bỗng kêu theo:

— Nguy rồi! không có lối vào, Tuyết ạ.

Nước triều lên đã rút vào ngập lối ra lúc nãy. Mỏm cát bây giờ quả nhiên là một cái cù-lao, chung quanh là nước, Hai người tần-ngần chưa biết làm sao. Một người trẻ tuổi, có lẽ là dân chài lưới, vén quần lên quá gối, lõm bõm lội vào. Tuyết gọi giật người ấy lại:

— Này anh.

Anh ta trố mắt nhìn và đợi. Tuyết bảo Hùng:

— Em bảo nó cõng chúng ta vào bờ nhé?

Hùng sầm mặt, ấp úng:

— Không... không... anh không muốn...

Tuyết nhìn chàng như dò xét, rồi mỉm cười tinh quái:

— Sao thế, anh?

Hùng nhún vai, không đáp, Tuyết cười khanh-khách, và nói ngọt một câu bằng tiếng Pháp:

— Em hiểu: anh ghen vời hắn.

Hùng kêu lên một tiếng và đỏ mặt. Thật ra, chàng có ghen đâu? Chàng chỉ khó chịu vì cái tính đài-các của Tuyết, quen dùng tiền mà sai khiến. Cái ý ấy chiếm cả khối óc chàng, khiến chàng không nghĩ đến ghen với anh chàng trai trẻ kia, sẽ được ôm trên lưng cái thân-thể gọn-ghẽ, nõn-nường của Tuyết. Nhưng bây giờ, vì Tuyết gợi ra, quả thực chàng thấy hơi ghen thật, và cúi đầu, đứng lặng. Tuyết lại càng cười to:

— Anh ghen, hở? Vậy thì mời anh tháo giầy ra.

Rồi nàng nhanh-nhẹn tháo giầy. Hùng làm theo. Tuyết vén gọn áo, xốc quần lên, bước chân trần xuống nước. Nàng quay lại, vừa cười vừa bảo Hùng:

— Anh có ghen với sóng không?

Hùng ngượng-nghịu; nàng lại diễu thêm:

— Trời ơi! sóng nó vuốt-ve chân em đây này!

Hùng đưa mắt nhìn chân Tuyết: một cái bắp chân thon thon, tròn trĩnh, trơn nhẵn và trắng mát, loang loáng nước. Vẻ mặt khó chịu của chàng tươi ngay lại. Và cũng cười theo Tuyết, chàng vén quần, chạy xô lại, ôm lấy nàng. Hai người lảo-đảo, nước bắn toé lên, Tuyết cười sằng-sặc. Rồi cứ ôm lấy nhau như thế, họ lõm-bõm đi vào bờ.

Hai người ngồi lên một cái thuyền gỗ nhỏ ghệch trên bãi cát để phơi chân. Hùng mơn-man vuốt bắp chân Tuyết, mịn và trơn nuột. Tuyết không ngăn cản, tựa vào chàng.

Bỗng Hùng giật mình, đẩy Tuyết ra. Tuyết ngạc-nhiên:

— Gì thế, anh?

Hùng khẽ lẩm-bẩm:

— Em ngồi xích ra một chút, người kia nhìn chúng ta.

Tuyết bật cười, lăn vào lòng chàng:

— Trời ơi! Anh bẽn-lẽn hơn con gái. Anh cần gì để ý đến thằng mọi ngây-ngô ấy.

Hùng cau mặt, hàm răng trên cắn môi dưới, rầu rầu. Bỗng chàng khẽ thở dài. Tuyết tưởng chàng giận, vừa vuốt-ve, vừa hỏi:

— Anh làm sao thế?

Hùng trả lời, tiếng nhỏ, rời-rạc và buồn:

— Anh tiếc lắm; chúng ta yêu nhau quá mà không thể ăn đời, ở đời được với nhau.

Tuyết sửng-sốt:

— Tại sao vậy, vì chúng ta yêu nhau kia mà.

— Chúng ta yêu nhau lắm, nhưng chúng ta không cùng giai-cấp với nhau: em giầu sang quá, giầu sang từ trong trứng giầu ra; còn anh, nghèo khổ ngay từ khi còn trong bụng mẹ.

Tuyết dịu-dàng hơn:

— Anh đừng lo gì hết cả. Me em yêu em lắm, chắc không bao giờ me em nỡ chia rẽ chúng ta.

Hùng lẳng lặng một lúc như để cố nén sự cảm-động rồi nói:

— Cái nó chia rẽ chúng ta không phải là me em, mà là sự trái-ngược giữa hai khối óc, đào-tạo trong hai hoàn-cảnh cách nhau xa. Chúng ta yêu nhau lắm, nhưng mà chúng ta không hiểu được nhau, mà cũng không hợp tính nhau. Như thế, không thể nào sống chung với nhau sung-sướng được.

Tuyết giấu mặt vào lòng Hùng, nức-nở.