Đôi lứa xứng đôi (tập truyện ngắn)/Chú khì

CHÚ KHÌ

người đánh tổ-tôm vô hình


Năm ấy, tôi mới đổi về trường phủ T. Đ. Vì có việc bất hòa với gia-đình, nên cuối năm tôi nhất-định ở lại trường, không về nhà ăn tết. Tính vốn ít giao-thiệp, nên tôi cũng chẳng đến chơi nhà nào, ngày ngày cứ ăn xong lại vùi đầu vào chăn ngủ. Mãi đến hôm mồng bốn, nhân thằng Ngô xin phép về nhà nó chơi suốt một ngày, còn mình tôi buồn quá, nên khoác áo, khóa trái cửa trường, bước ra đi. Lúc ấy đã bốn giờ chiều. Nắng úa lắm rồi, và ngày bảng lảng một cái buồn cô-tịch. Tôi thấy một thứ khó chịu gần như về thể-chất, một nỗi bứt rứt không đâu, và có lúc muốn vô cớ òa lên khóc như một đứa trẻ ngủ ngày vừa thức dậy. Tôi vừa đi vừa cau-có rủa thầm cả mọi người: sở Học-chính đã đổi tôi về cái trường khốn-nạn này, ông anh dở hơi đã làm tôi không về nhà ăn tết, cái huyện buồn như một cái tha-ma, bọn dân vùng này ngu như một đàn bò, và — vô lý quá! — cả cái thằng Ngô mất giậy mà chính tôi, sáng hôm nay, đã thuận cho đi chơi đến tối...

Bây giờ thì nắng tắt hẳn rồi. Suơng đè nặng trên sông và thả nỗi u-uất vào kẽ những cành cây ủ-rũ. Một vài người, tay thu bọc dáng điệu xo ro, đi ra từ những cái ngõ tối như hang. Họ vừa ở đám bạc ra về, hay đi tìm đám bạc... Tôi bỗng nẩy ra một ý: đến nhà ông chánh-hội làng L. Đ. đánh tổ tôm. Ông này có đứa con học lớp nhì, và hai ba lần đến chơi với tôi, khẩn-khoản mời tôi bao giờ quá bộ đến chơi nhà ông để ông, và mấy ông bạn tổ-tôm của ông được thừa-tiếp tôi mấy hội. Tôi hứa nhưng chưa bao giờ làm cả. Có chăng là hôm nay.

Quả nhiên, ông chánh-hội lấy làm hân-hạnh lắm! Và tôi đã được biết thế nào là uống rượu với các ngài nhà quê! Ấy là ông Chánh biết tính những nhà tây-học không ưa kề cà đấy; nếu không, có lẽ sau bữa rượu ấy, có lẽ tôi đã sục xuống đất và không bao giờ còn đứng lên. Sự thực thì chưa bao giờ tôi uống nhiều đến thế. Chén này, chén khác, tôi mềm môi uống mãi, muốn quấy tan sầu vào rượu. Mà hai ông được mời đến tiếp tôi, — một ông lý có cái mồm bèm-bẹp, và một ông đỗ nhất-trường cái mồm, trái hẳn lại, múm mím và mỗi khi cười thì vành môi đỏ chót cứ thụt vào lại nhô ra rồi lại thụt vào trông rất buồn cười, — hai ông ấy, với chủ-nhân nữa, cố nhiên không phải là những người mới ba chén mặt đã đỏ gay lên rồi. Câu chuyện lúc đầu hết sức ôn-tồn, lễ-phép, dần dần đổi ra thân-mật, rồi xuồng-xã, sau cùng thì gần như thô-tục; một ông nói to hơn, ông khác làm theo, ông thứ ba đâm ra quát tháo; ai cũng hung-hăng đòi nói cả, thành ra chẳng ai nghe thấy gì. Riêng tôi, vẫn tỉnh-táo để giữ gìn miệng lưỡi, nhưng cũng đã thấy mặt nóng rừn-rựt, mắt dim-díp, mà cái đầu nặng quá chỉ muốn chùi vào trong mâm.

Nhưng rồi bữa rượu cũng phải xong. Sức chứa của mỗi cái bình đều có hạn; những cái bình chứa rượu là các ông kỳ mục cũng không thể thoát ra ngoài cái luật thiên-nhiên này. Rượu đã xong, thì người nhà có thể xếp giọn rồi: những người uống tợn không mấy ai ăn nhiều. Ông chánh-hội quát bọn đầy tớ nhà ông ầm ĩ vì chưa tìm ra một người thứ năm cho đủ chân tổ-tôm. Cụ Cán bên hàng sóm thì đi vắng mãi tự chiều; còn ông phó Cúc thì đã đang đánh xóc-đĩa rồi mà ông đã ngồi vào đám xóc-đĩa, thì — thằng nào nói giối cả nhà nhà nó chết! — cái nhà thờ tổ nhà ông có cháy ông cũng không đứng lên đâu mà hòng! Người ta đã nhắc cho ông chánh biết những điều ấy hai ba lần rồi nhưng hình như ông không nghe thấy gì, nên lại quát:

— Ô hay! chúng mày không đi mời cụ nào đánh tổ-tôm.

— Bẩm ông, không còn ai có nhà.

— Hừ! cụ Cán?

— Bẩm ông cụ Cán đi vắng.

Thấy ông chưa nghe hết câu đã quay vào nghe ông Lý với ông Nhất cãi nhau về một vế câu đối nhớ sai, thằng đầy tớ nói to:

— Bẩm ông ạ...

— Cái gì?

— Cụ Cán đi vắng ạ.

— Tao biết rồi. Thế ông phó Cúc?

— Bẩm ông, ông phó đang chơi sóc đĩa.

— Bảo ông ấy sang đây hầu tổ-tôm ông giáo.

— Bẩm ông, ông phó đang thua.

— Mặc kệ! Cứ nắm cổ ông ấy kéo sang đây.

— Con đã mời hai ba lượt...

— Để tao sang mới được.

Nói xong, ông xỏ giầy, thất-thểu đi ngay. Tôi nắm tay ông, kéo lại:

— Thôi, cụ chánh để cho ông ta gỡ.

— Bẩm vâng ạ, nhưng cháu phải bắt ông ấy sang đây hầu ngài vài hội đã...

— Thôi tôi xin cụ.

— Bẩm được, không sao; ngài cứ để cháu sang.

— Ông để cho khi khác...

— Được mà...

— Thôi cụ chánh...

Thấy hai ba người cùng can, ông đành lại ngồi xuống, nhưng có vẻ không bằng lòng. Nghĩ-ngợi một lát, ông bỗng khẽ hỏi chúng tôi:

— Hay mời ngay chú Khì?

Hai ông khách kia nghiêm nét mặt, nhìn tôi, do dự. Chắc kẻ ông chánh định mời là một người không chức tước, không tiện để ngồi cùng tôi chăng? Tôi thuận ngay:

— Bẩm được ạ. Ai cũng được... ai chả thế.

Ông chánh đưa mắt nhìn quanh nhà một cái, rồi bảo nhỏ tôi:

— Có điều này tôi phải dặn trước ông: chú Khì không phải là người như ông và tôi...

Tôi vội gạt đi:

— Cái đó không hề gì. Đã đánh bạc ai có tiền cứ đánh.

— Điều ấy thì ông không lo; chú có tiền thật như tiền của chúng ta tiêu vậy...

(Tôi nghĩ bụng: cái ông này khéo lẩn thẩn! chắc say bứ ra mất rồi...)

— ... mà chú phân minh lắm, không chằng bửa của ai một đồng. Nhưng ông phải hết sức giữ vẻ tự-nhiên mới được. Đừng tò mò, đừng giò hỏi lôi thôi, tính chú Khì rất ghét người ta cứ vừa đánh tổ-tôm vừa dò la truyện chú. Chú ấy thất ý lên thì đập cả đèn ra ngay.

Ông lý vội cướp lời:

— Như cái lần ở nhà cụ chánh Thư. Không biết ai nói lôi thôi gì mà chú Khì cầm cả nắm bài ném vào cái đèn ba giây vỡ đến « choang » một cái.

Tôi ngạc-nhiên, không hiểu cái người hay cáu kỉnh ấy là một người ra thế nào, mà ai cũng có vẻ kiêng nể thế? Ông chánh-hội lại co lấy cái quyền nói về phần ông:

— Thì hôm ở nhà ông thủ-quỹ Xiêm cũng thế...

Nhưng ông Nhất bỗng gạt đi:

— Ông chánh đừng nói nữa. Nói lôi thôi mãi chú ấy giận không thèm chơi đâu.

Rồi quay sang tôi ông dặn:

— Cả ông giáo nữa nhé. Ông nhớ cứ thản-nhiên như không cho. Hễ chúng tôi bảo đánh thì cứ đánh, đừng hỏi lôi-thôi gì.

Tôi tỏ ý ưng-thuận, nhưng thật ra sự tò-mò bị kích-thích ghê-gớm lắm.

Ông chánh-hội gọi người nhà đem bài ra chia. Cái ông này say quá đến nỗi đặt cái cầy trước con trâu! tôi nghĩ bụng thế vì chưa thấy ông sai đứa nào đi mời chú Khì cả. Nhưng bài chia xong, ông chánh nghiêm-trang, tay nọ nắm tay kia như một cậu học-trò khúm-núm, nhìn vào một góc nhà mà nói:

— Anh em chúng tôi mời chú Khì chơi vài hội tổ-tôm.

Tôi bật cười, chính vì cái trò đùa của ông vô-duyên quá. Nhưng ông Nhất nhìn tôi một cái trách-móc đến nỗi tôi phải ngừng ngay lại, mặt hơi bẽn-lẽn. Mọi người ngồi ngay-ngắn ra từng góc, như sẵn-sàng để đánh. Tôi vô tình làm theo. Ông chánh giao hẹn:

— Chú xong rồi đấy chứ? Nào ta chơi. Ta góp nhỏ hai đồng thôi: ù suông bốn hào, tôm lấy sáu, lèo tám, thập hồng kính cố một đồng, bạch định đồng hai... Mời ông giáo cho cái ạ.

Tôi ngập-ngừng, nhìn vào một chỗ ngồi còn trống. Ông lý bẹp mồm nháy mắt ra hiệu với tôi: « cứ bắt ». Tôi miễn-cưỡng phải nghe theo, nhưng ngượng-nghịu như bắt buộc phải dự vào một trò chơi quá trẻ con không hợp với cái tuổi và cái nghề của mình đạo-mạo. Con bài của tôi rút ở nọc, vật lên một phần bài rồi, mỗi người nhằm phần mình vơ lấy. Ông chánh vơ phần còn lại ném vào góc trống. Tôi nhìn theo, và rợn hẳn người: góc ấy tối hẳn đi, nắm bài biến vào đấy, không còn trông thấy nữa. Cái đèn bị muội che về phía giường ấy chăng? Ấy là cái óc chuộng khoa-học của tôi cố bám bíu lấy một cái gì để cắt nghĩa cái hiện-tượng vô-lý ấy. Nhưng con mắt ngơ-ngác của tôi gặp đôi mắt trừng trừng của ông Nhất; hình như ông muốn bảo: « ông phải bình-tĩnh lại; ông đừng lộ vẻ kinh-ngạc thế ». Tôi cúi mặt, ngồi lặng-lẽ, nhưng gần như ngạt thở. Sợ-hãi, tức-tối, hay chỉ vì cố đè nén sự tò-mò của mình thái quá?... Ông lý lên bài xong rồi, giục:

— Cái cụ nào, xin đánh đi cho.

Ông chánh-hội, chẳng nói chẳng rằng, vật đến đét một con bài về chỗ trống. Mắt tôi hoa chăng? Rõ ràng tôi thấy từ bóng tối rơi xuống hai con bài khác, và một con thứ ba, vật về khe đầu cánh. Ông Nhất ăn, và vất một con về khe ông Lý. Đến lượt ông này đánh cho tôi. Tôi bốc một con, chẳng còn tâm-trí nào xem có ăn được hay không, quăng cho ông chánh. Tôi chỉ nóng-nẩy xem ông này đánh lại một lần thứ hai cho người chơi tổ-tôm vô hình. Lần này quân bài của ông chánh ném qua vẫn nằm trơ một mình, không có hai quân sa xuống tiếp. Tôi nghĩ bụng: « cái phép lạ chỉ đến đây là phải hết! » Nhưng ông Nhất bảo:

— Chú không ăn? tôi bốc hộ.

Và ông rút một quân trong nọc ném vào chỗ « chú ». Tức thì hai con bài lại kế tiếp nhau, từ khoảng không rơi xuống. Và một thoáng sau, một con nữa vật về khe cụ nhất... Tôi không còn sức nào chịu được! đầu tôi quay cuồng, Tôi phải dụi mắt hai ba lượt. Tôi lần tay vào túi áo pardessus. Họ tưởng tôi tìm diêm thuốc, Quân bài đến khe tôi. Tôi không cần nhìn, rút một con ở nọc ném cho ông chánh. Tôi thấy đây rồi. Và đột nhiên trong lúc chẳng ai ngờ, tôi chĩa về góc chú Khì vô hình một cái đèn bấm. Ông Nhất kêu lên. Ông chánh nắm vội lấy cổ tay tôi. Và « soạt » một tiếng, cả một nắm bài ném vào mặt tôi, túi bụi. Tôi đưa tay vuốt mặt. Tiếp theo một tiếng « choang ». Đèn tắt phụt. Những mảnh thủy-tinh rơi.

— Đã biết mà! khổ quá! khổ quá!

— Thôi ông giáo mới đến đây không biết. Tôi xin chú. Chúng tôi xin chú...

— Cầm cái đèn con lên đây, chúng mày!

Mọi người nhộn-nhạo lên. Tôi không biết chui vào đâu được. Thỉnh-thoảng tôi lại xo người lại. Tôi tưởng như một bàn tay bí-mật nào sắp nắm lấy cổ tôi. Bỗng tôi thét to lên. Một cái bàn tay cứng rắn vừa chạm phải vai tôi. Cái bàn tay rụt lại. Trong lúc cuống-quít, tôi ngã lăn xuống đất... nhưng thằng ở đã cầm đèn con lên. Rồi một cái đèn búp măng, ngọn to hơn. Người ta đỡ tôi lên. Bọn đầy-tớ quét và thu giọn những vật đổ vỡ bừa-bộn trên giường lại. Ông chánh-hội cười khanh-khách:

— Ông giáo bị một bữa hết hồn.

Tôi thú thật rằng sợ quá. Nhưng một ý nghi ngờ rụt-rè ở miệng tôi:

— Có lẽ các cụ dùng « phép ngoại » trêu tôi một bữa.

Ông chánh vẫn cười:

— Ngài giậy thế, chứ chúng cháu có phải là thầy phù-thủy đâu? Mà cho rằng có phù-phép nữa, chả lẽ dùng để trêu ngài hay sao?

Rồi ông kể cho tôi nghe truyện của con người bí-mật hay giận-dỗi kia: chú Khì.

Đến bây giờ tôi vẫn phân-vân, không biết có thể tin được hay không, cái truyện thậm vô-lý ấy?

« Chú Khì là một ông thầy thuốc Tầu, đến vùng này cách đây đã lâu năm. Khi mới đến, tiếng Nam chú đã thạo lắm rồi. Một thân một mình ở chỗ đất khách quê người, chú tìm cách làm thân với bọn chức-dịch các làng để có thể làm ăn yên ổn. Vì thế chú quen hầu hết các người tai mặt ở quanh đây. Và cũng vì thế chú học đánh tổ-tôm, và về sau chơi mãi thành ra nghiện. Ở đâu có tổ-tôm là đến liền.

Cách đây ba, bốn năm, chú ốm giằng-giai đến hơn một tháng, uống đủ mặt thuốc mà không qua khỏi được, đành phải chết. Biết mình không có ai thân thích, trước khi chết chú cho tìm ông tổng Trung — hồi ấy đang làm lý-trưởng — và ông cựu Cát đến, giao cho một trăm tám, nhờ lo liệu chôn cất giùm. Hai ông nhận tiền, đứng ra làm ma cho chú. Cố nhiên là hai ngài cũng có chấm mút ít nhiều chứ chẳng không. Dẫu ai thì cũng thế!

Ba, bốn tháng sau, một đêm mưa, chúng tôi chơi ở nhà ông tổng Trung; muốn đánh tổ tôm chơi, nhưng thiếu chân, mà mưa to quá, không tìm ai được. Tôi nói đùa:

— Giá chú Khì mà còn sống thì có bão chú ấy cũng lò dò tới ngay.

Một người nói:

— Tội nghiệp! thế mà đã ra ma rồi.

Ông tổng vừa ngáp vừa kêu lên:

— Chú Khì ơi! ở đâu thì về mà đánh tổ-tôm.

Bỗng ngọn đèn bị gió thổi tắt phụt đi. Ông tổng gọi con lấy bao diêm. Nhưng tự nhiên ngọn đèn lại cháy. Người ta đoán rằng gió mới thổi hắt ngọn lửa xuống, chưa tắt hẳn. Im gió, thì ngọn lửa lại nhô lên. Không cắt nghĩa cách nào có lý hơn, người ta đành nhận như thế là có lý. Nhưng bỗng chẳng có tí gió nào, ngọn đèn cũng lại tắt đi. Có lẽ hết dầu? Không phải, vừa đổ đầy phao từ chập tối; ít nhất phải ba đêm mới hết. Người ta chực đánh diêm. Nhưng diêm chửa cháy thì đèn lại cháy. Mọi người đã đâm ngờ rồi. Tôi trèo lên bàn, xem lại cái đèn; tôi vặn lên vặn xuống, bấc tốt lắm, chẳng làm sao. Tôi vừa bước xuống cái đèn lại tắt. Bây giờ thì không ai cần diêm nữa; ai cũng tin rằng rồi tự nhiên lại cháy lên như thường. Quả nhiên. Cứ thế, luôn năm, sáu lần. Tôi bỗng nẩy ra một ý; tôi hỏi to:

— Có phải chú Khì đấy không?

Đèn tắt.

— Có phải chú muốn đánh tổ-tôm thì đốt cho đèn sáng lên.

Đèn sáng lên. Hai ba người cùng sửng sốt.

— Đánh góp mấy đồng?

Đèn tắt đi, sáng lên thật nhanh, bốn lần.

— Bốn đồng!.. Bốn đồng hở? chúng tôi không đủ tiền. Đánh nhỏ thôi.

Tôi đợi một phút. Cái đèn tắt đi sáng lên hai lần. Mọi người đang sợ-hãi, thấy thế cũng phải bật cười. Tôi bảo ông tổng cho chia bài...

Hôm ấy, vong-linh chú Khì đánh tổ-tôm với chúng tôi lần đầu. Lần thứ nhì chú đánh ở nhà tôi. Rồi đến nhà ông cựu Cát, ông phó Cúc, ông lý Lực... Lâu dần, khắp bọn tổng lý vùng này đều có chơi với chú, như hồi chú còn sống vậy. Có điều này, ai cũng phải nhận là có thật: là chú chơi rất tử-tế, được ăn thua chịu — tiền thật hẳn hoi, không biết lấy ở đâu? — miễn là đừng ai kể-lể gì động đến chú trong khi chơi, là được rồi....

Ông chánh-hội vừa ngừng, ông Nhất đã bảo tôi:

— Hôm nay ông giáo làm thế, Chú Khì giận lắm. Lần sau đố còn mời được chú.

Đó là một điều mà tôi càng nghĩ càng tiếc ngơ tiếc ngẩn.

Một buổi tối cách đấy ít lâu, tôi lại đến chơi nhà ông chánh-hội; tôi thú thật ngay với ông cái ý định của tôi:

— Tôi muốn cụ cố nói khéo mời chú Khì về cho tôi được hầu vài hội...

Không đợi tôi nói hết, ông lắc đầu cười:

— Chẳng may cho ông rồi. Chú Khì không còn bên An-nam; Chú về Tầu được đến mươi hôm rồi.

— Sao cụ biết?

— Đêm hôm ấy, tôi đang mơ-màng giở thức giở ngủ, chợt nghe như có tiếng người gọi:

« — Chào ông chánh-hội nhé...

« — Ai đấy?

« — Tôi đây. Chú Khì đây. Chào ông chánh-hội, tôi đi về Tầu ».

Tôi giật mình ngồi nhỏm dậy, và cứ tưởng là mình nằm mơ. Hôm sau tôi kể lại chuyện chiêm-bao ấy với ông phó Cúc. Không ngờ ông này cũng nghe thấy thế. Cả ông tổng Trung, ông cựu Cát, ông lý Lực... gần khắp mặt dân tổ-tôm vùng này...

Thấy tôi ngơ-ngẩn tiếc, ông an-ủi:

— Vả lại, nếu chú Khì còn ở lại, cũng không chịu chơi với ông đâu; chú ấy sợ ông lại chiếu đèn « pin » vào mặt chú.

Tôi mỉm cười. Và trong khi đỡ chén nước ông mời, tôi nghĩ bụng: « Thật thế hay không? hay đó chỉ là một ngón « bịp » khéo của ông chánh-hội? »