Đánh đổ cái thuyết dạy tiểu học bằng chữ nho

Đánh đổ cái thuyết dạy tiểu học bằng chữ nho  (1932) 
của Phan Khôi

Bài đăng trên Phụ nữ tân văn, Sài Gòn, số 124 (24. 3. 1932)

Đối với việc giáo dục nước ta, theo ý tôi thì đại khái lấy chữ ta (Quốc ngữ) là chủ, lấy chữ Pháp chữ Tàu làm phụ; ta cũng còn phải học tiếng ngoại quốc khác nữa, như tiếng Anh, tiếng Nhựt, nhưng chữ Tàu chữ Pháp có quan hệ mật thiết với ta hơn, tuy là phụ chớ ta cũng phải đặt nó ở một cái địa vị trên các tiếng ngoại quốc khác.

Muốn như vậy thì trước hết phải sửa sang chữ ta lại cho thật nên hình đã, rồi mới dùng nó làm ra những sách dạy các lớp từ một học cấp nào đó trở xuống, nghĩa là từ cao đẳng tiểu học hoặc tiểu học trở xuống, như thế là lấy chữ ta làm cái lợi khí rèn tập quốc dân giáo dục vậy. Học sanh, ai đã chịu cái giáo dục ấy rồi mà muốn học lên nữa thì mới học chữ Tàu chữ Pháp để lần bước lên trung học và đại học; bằng không thì thôi, nội một cái giáo dục đã chịu đó cũng đủ làm dân ở đời rồi.

Cái ý đó nói là của tôi, chớ chắc cũng là của nhiều người nữa, vì bộn bề người, thấy cũng nói như vậy; nhưng cái ý ấy dầu cho của ai, cũng phải bỏ đi, bởi nghĩ và nói mà không làm ra được thì để mần chi mà không bỏ?

Đã ở dưới quyền thống trị của nước Pháp rồi, ai sao chẳng biết, chớ tôi, tôi cũng đành ở dưới quyền giáo dục nước Pháp cho luôn. Bao nhiêu những chuyện cải cách mà nói quá lố, tôi cho là nói bậy cả, dầu cho phải mấy cũng mặc kệ.

Ở dưới quyền giáo dục nước Pháp mà ta khôn khéo ra, đem công đạo chánh nghĩa cùng sự lợi hại mà nói cho lọt tai người Pháp được, nghĩa là trong sự giáo dục đó, ta cũng có lấy ý kiến của ta mà tán trợ với chánh phủ, thì nó chẳng phải là vô ích đâu. Chớ còn cái thế ta làm chưa được mà đi mộng tưởng ra ngoài phạm vi thiệt hành ngày nay, thì tôi tưởng, con người ấy, không điên chớ cũng như điên rồi.

Tôi nói nãy đến giờ, rút lại đại ý như vầy: Lấy chữ ta mà dạy dân ta từ một học cấp nào đó trở xuống, là sự tôi ưng lắm. Nhưng hễ dạy chữ ta thì bao nhiêu sách dạy bằng chữ ta, phải làm lại cho thật đúng đắn; ngặt vì sự ấy ta không có quyền, ta không làm được cho như ý, cho nên cái sự tôi ưng đó, tôi phải bỏ đi. Mấy lâu có đôi người chủ trương lấy quốc ngữ dạy tiểu học, như ông Phạm Quỳnh, mà tôi không đồng ý là vì vậy đó. Lấy sách giáo khoa bằng quốc ngữ như hiện giờ mà dạy, thì chỉ được cái tiếng suông rằng "lấy tiếng mẹ đẻ dạy trẻ con" đó thôi, chớ thật chẳng có ích bằng dạy theo chương trình chữ Pháp hồi trước, sự đó có nhiều ông thầy giáo nhìn nhận như tôi vậy.

Cho nên, mấy năm nay chánh phủ thiệt hành theo một phần lời thỉnh cầu của ông Phạm Quỳnh, ông ấy tự cho là đắc sách, nhưng tôi lại cho là thất sách; còn ông Hồ Duy Kiên bảo bỏ chữ ta đi mà dạy chữ Pháp cả, nhiều người cho là nói bậy, mà tôi lại cho là có ít nhiều chơn lý ở trong.

Tôi xin rút cái ý tôi lại một lần nữa cho gọn hơn: Dạy bằng chữ ta mà cái trình độ dạy kém bằng chữ Pháp hồi trước, thì tôi thà theo ông Hồ Duy Kiên mà được cái lợi thiệt, chớ không thà theo ông Phạm Quỳnh mà chỉ được cái tiếng suông. Tôi nói vậy, lý ưng phải chỉ ra cái chỗ kém về trình độ ấy là thế nào, song một sự so sánh hơi bề bộn, không thể làm ở đây được, tôi chỉ lấy ở sự quan sát lúc bình nhựt của tôi và cứ như sự kinh nghiệm của các thầy giáo đã học lại cùng tôi mà nói vậy đó thôi.

Coi như thế thì khi đương theo chương trình dạy bằng chữ Pháp mà đổi ra chương trình dạy bằng quốc ngữ như mấy năm nay đó, là đã làm một việc có thể gọi là bước giật lùi rồi. Thế mà nay lại còn có người cổ động bảo dạy tiểu học (hay ấu học, thì tôi không được rõ) bằng chữ nho, thì lại là một việc bước giật lùi nữa vậy!

Cái tiếng kêu đem chữ nho, đem ngũ kinh tứ thơ trở lại vào trong cõi giáo dục nước ta, cái tiếng kêu ấy phát ra từ Trung kỳ Bắc kỳ đâu đã vài năm nay rồi. Nó lan vào đến Nam kỳ là mới bắt đầu từ vài tuần lễ nay. Có người dám đứng ra diễn thuyết nói nên cho con nít học chữ Hán từ hồi nhỏ cho đến mười mấy tuổi, rồi học chữ gì sẽ học. Tôi chẳng biết họ lấy lẽ gì, họ căn cứ vào đâu mà dám nói thế!

Hôm diễn thuyết ấy, tôi không đi nghe. Sau thấy báo nói người đứng diễn có đem một bức thơ [.....] ra mà đọc. Thơ ấy chẳng biết là thơ gì, nói chuyện chi, có điều cứ như cái hơi trong bài báo ấy thì là thơ đề xướng hoặc tán thành việc dạy chữ nho, cho nên mới đem ra đọc để làm hộ phù cho cái thuyết của mình. Theo tôi thì tôi quyết rằng người ta đều đã biết cái tình thế giáo dục nước nầy ngày nay hết, có ai dại ngộ gì lại còn muốn giở chữ nho ra để làm hư cái óc hằng triệu thanh niên?

(Bị bỏ một đoạn)

Lấy lẽ gì mà đòi đem chữ nho ra dạy? Căn cứ vào đâu mà bảo dạy con nít bằng chữ nho? Tôi tưởng kẻ xướng cái thuyết ấy chẳng có dựa vào đâu cho bằng dựa vào luân lý và phong hóa. Chẳng qua họ nói đời nay phong hóa suy đồi, – đi lại cũng cứ giở câu cũ ra! – là vì bỏ chữ nho đi không học. Mà trong chữ nho, tức là trong ngũ kinh tứ thơ, có cái luân lý tốt đẹp, cho nên phải học, cho nên phải đem ra mà dạy, đặng có vãn hồi phong hóa.

Họ nói làm vậy chớ phong hóa suy đồi, theo như tôi đã nói hai bài trong báo nầy từ trước, thì là sự chưa chắc đâu. Mà dầu cho thật là suy đồi đi nữa, thì cái nguyên nhơn nó nhiều lắm, muốn bổ cứu phải nhè nhiều phương diện khác mà bổ cứu, chớ có phải đâu chuyên tại một cớ bỏ chữ nho mà hòng nói hễ lấy lại chữ nho thì phong hóa trở nên thuần mỹ ra? Vả lại, cứ như ý tôi nghiệm xét thì học chữ nho theo lối cũ, đem ngũ kinh tứ thơ ra mà học, chỉ là làm cho người ta ngu đi đó thôi; vậy thì, làm cho phong hóa thuần mỹ mà con người ngu đi, tôi tưởng chẳng bằng để cho nó cứ suy đồi mà mình được khôn ra một chút.

Tôi là kẻ ở trong cửa nho mà ra, tôi đọc sách họ Khổng từ thuở sáu tuổi, tôi làu thông ngũ kinh tứ thơ, tôi lại đọc các sách chữ nho khác rộng lắm nữa, tôi dám nói mấy người đứng lên đề xướng dạy chữ nho đó, học thức về chữ nho của họ không bằng tôi, tôi lại cũng có trí khôn và lòng tốt không kém ai, ai yêu nước thương nòi đến đâu thì tôi cũng yêu nước thương nòi đến đó, nhưng tôi xin nói rằng: Cái chữ nho ấy ngày nay không còn nên đem mà dạy trong nước Việt Nam nữa, nhứt là không còn nên đem mà dạy trong xứ Nam kỳ nữa.

Người ta ở đời mà lại phải có học là để làm gì? Để mà ở đời. Vậy nên người ta ở đời nào phải học cái học của đời nấy thì mới ở đời được.

Cái học đời nay, đại để là tom góp những sự vật bao vây tiếp cận chung quanh loài người, loài người nên biết, mà làm nên sách để dạy nhau. Những điều nên biết ấy, người ta đã sắp sẵn cho theo từng loài, từng thứ, có trật tự và thống hệ, thì chúng ta dễ học, và học thì hẳn là có ích cho sự ở đời của chúng ta lắm. Vậy mà lại bảo bỏ đi, đừng học trong lúc nhỏ, để mà học chữ nho, ngũ kinh tứ thơ, là nghĩa làm sao?

Trong ngũ kinh tứ thơ chẳng phải là không có điều hay, cũng cần cho người đời nầy. Nhưng nó rời rạc ra, mỗi nơi một nhắm, mỗi chỗ một mớ, không xâu suốt nhau, thì học nó cũng như đi bòn vàng, rất là tốn công mà sở đắc chẳng là mấy. Con người sống vào đời nay, thời giờ của họ quý báu lắm, hơi nào mà học như vậy được?

Huống chi trong ngũ kinh tứ thơ, phần tốt nhứt là phần luân lý, mà cái luân lý ấy là luân lý của thời đợi phong kiến, không hiệp với cái tỳ vị của người đời nay, thì bắt họ học làm sao?

Chữ nho hay là ngũ kinh tứ thơ, cùng những sách khác bằng chữ nho, chẳng phải là ta không cần học đâu. Song nó là đồ để riêng cho những người nào muốn chuyên môn về văn học thì dùng mà khảo cứu, chớ đem mà dạy con nít thì nhứt định là có hại cho sự tấn hóa của dân tộc ta lắm vậy.

Sanh ra đời nào thì học cái học của đời ấy, mới ở đời được, mới sống cho có giá trị được, lẽ ấy rất là phân minh dễ hiểu, sao không chịu hiểu cho? Ngũ kinh tứ thơ là đồ sách họ sắm để dạy nhau hơn hai ngàn năm trên, cứ trong đó mà học thì cái không khí là cái gì cũng không biết, ngũ quan tứ thể trong mình người ta là sự rất gần, mà cơ quan và công dụng của nó thế nào cũng không hay, thì làm sao lại đòi đem ra để dạy những kẻ có phước hơn họ đã sanh ra trong thế kỷ hai mươi nầy?

Người ta nói chữ nho ích lợi lắm, ngũ kinh tứ thơ nên học lắm, nhờ nó sẽ duy trì cho luân lý phong hóa của dân tộc ta được. Họ nói vậy, sao cái phản chứng sờ sờ trước con mắt mà họ không thấy? Thì trong hai năm nay, bao nhiêu quan phủ quan huyện ngoài Trung-Bắc kỳ bị dân kiện lam tang[1] mà triều đình và chánh phủ Pháp trị tội họ đó, có phải toàn là khoa mục xuất thân cả không? Có phải là học chữ nho từ nhỏ tới lớn đó không? Có phải là những con mọt ở trong ngũ kinh tứ thơ mà ra đó không? Còn ở Nam kỳ, 70 năm nay không ngó đến ngũ kinh tứ thơ nữa, theo họ thì mấy ông quan đã ăn thịt dân rồi mới phải, cớ sao hai năm nay chỉ có một ông bị kiện mà lại được trắng án?

Trong cái phản chứng ấy, dầu cho có viện lấy lẽ gì mà chạy chối được nữa, song cái điều hủ bại của chữ nho nó đã phơi ra ở Trung-Bắc kỳ như vậy mà còn ca tụng nó, còn hoan nghinh nó, thật chẳng ai tin.

Nói cho công bằng ra thì trong việc giáo dục cái sự dạy bằng chữ gì không quan hệ mấy cho bằng cái bổn thân của giáo dục ra sao. Nếu giáo dục mà phải đường, thì dạy bằng chữ nho hay chữ Pháp cũng tốt vậy chớ, cũng ích lợi cho sự làm người ở đời vậy chớ.

Gần đây, thấy trong nước có một vài người không biết thể theo cái lòng công đạo chánh nghĩa của nước Pháp. Một vài người ấy, nếu họ không có thế lực gì thì thôi, bằng có thế lực thì lời nói của họ cũng có thể thành ra dư luận mà làm cho chánh phủ phải chú ý tới. Trong vài năm nay mà có người xướng ra cái thuyết dạy chữ nho cho dân Việt Nam, là chỉ vì cái lẽ đó mà thôi.

Theo tôi thì tôi cho đó là điều họ tính quẩn lo quanh chớ chẳng nhằm gì hết. Muốn vãn hồi phong hóa, phải chú ý ở nhiều phương diện khác kia chớ chẳng phải một phương diện giáo dục mà được.

Dầu cho có một vài người họ đứng về phương diện họ, tôi cũng chẳng trách làm chi. Chớ còn trong người Việt Nam, tự xưng mình là học thức, mà cũng nói như họ, cũng đòi đem chữ nho để làm hư bao nhiêu mảnh óc còn non, thì tôi phải trách cái thuyết của người ấy, vì nó có hại cho tương lai lớn lắm.

PHAN KHÔI

   




Chú thích

  1. lam tang: tội ăn của dân, lấy của dân (H.T. Paulus Của, sđd.)