Đàn bà nên học thuốc

Đàn bà nên học thuốc  (1933) 
của Phan Khôi

Bài đăng trên Phụ nữ thời đàm, Hà Nội, số 9 (12. 11. 1933), trang 1-2.

Theo chúng tôi tưởng, mà cũng theo nhiều người đã tưởng, thì chức quan thầy thuốc, giá được phần nhiều đàn bà làm, sẽ xứng đáng hơn, tốt hơn phần nhiều đàn ông làm.

Ấy là nói chung cả các nước, họ đã có đàn bà ra làm thầy thuốc, nhưng chưa có mấy người, phần nhiều trong ngạch ấy vẫn thuộc về đàn ông; chứ còn nước ta thì lại chưa có hẳn, chưa có một người đàn bà nào làm thầy thuốc hết, đừng nói phần nhiều hay phần ít.

Chúng tôi bảo "xứng đáng hơn", là vì thấy tánh cách đàn bà hình như hợp với nghề làm thuốc hơn là đàn ông. Nghề làm thuốc cần phải con người cho trầm tĩnh, tế mật, nhẫn nại, nhất là hay chịu khó. Mà xét ra, không phải một mình chúng tôi thôi, ai cũng phải chịu rằng về các đức tánh ấy, đàn ông thường hay kém đàn bà.

Đàn ông có nhiều người hay thô bạo, nóng nảy, chóng chán, không muốn ai làm phiền mình… những cái tánh này thì lại là thù của nghề thầy thuốc.

Đàn bà chỉ phải một cái thông bệnh là hay nhát gan và không được dạn tay. Tuy vậy, họ thua đàn ông một cái mà họ hơn nhiều cái.

Còn nói về thông minh tài lực thì người ta đã nghiệm thấy rồi: sự đó, hai bên nam nữ cân nhau, không thành ra vấn đề.

Đàn bà mà làm thầy thuốc thì lại có một điều rất hợp nữa, là để mà chữa bệnh cho đàn bà và trẻ con. Về sinh lý hay cho đến tâm lý của phái âm, họ hẳn là quen thuộc nhau, thông thạo nhau hơn là đàn ông đối với họ. Đàn bà lại cũng gần với trẻ con hơn đàn ông nữa, thì chữa cho trẻ con cũng chắc là tiện hơn.

Cho đàn bà, nhất là về khoa hộ sanh, thì đàn bà săn sóc cho nhau lại càng tiện lắm. Chúng tôi không như mấy bác hủ nho mà còn ngó đến chữ "nam nữ… bất thân". Chỉ nói một sự tiện cùng chẳng tiện: Ngộ như trong khi đỡ đẻ mà phải dùng đến thủ thuật, lấy cái bàn tay dùi đục của đàn ông mà đưa vào trong cửa mình sản phụ, thì chúng tôi muốn bảo là một trờ chơi nghịch ngợm không gì bằng! Chi cho bằng dùng cái bàn tay búp măng múp míp, đã nhỏ mà lại mềm, nó làm êm ái cho người ta biết bao!

Do các lẽ ấy, chúng tôi nói: Đàn bà nên học thuốc, nên làm quan thầy thuốc; trong ngạch thầy thuốc ở một xứ, nên để cho đàn bà chiếm phần nhiều.

*

* *

Trường Thuốc Hà Nội lập ra non 30 năm nay mà chưa có một người nữ nào do đó tốt nghiệp ra để sung vào ngạch y tế, hầu cứu giúp cho những kẻ cùng giống với mình, là tại làm sao?

Trước kia, chẳng nói làm chi. Nói từ lúc nữ học sinh tốt nghiệp cao đẳng tiểu học rồi cũng được vào học ban tú tài, cũng được kén vào các trường cao đẳng như bên nam học sinh, thì nghe chừng như chỉ có một cô vào trường Thuốc. Còn ngoài ra, vài năm gần đây cũng có vài cô nữa vào đó mà chuyên học khoa bào chế thì không kể.

Cái cô vào trường Thuốc ấy ban đầu định học làm thày thuốc mà sau rồi cũng bỏ, bước qua bào chế. Thế mới đáng tiếc cho!

Hỏi tại cớ gì, thì người ta nói tại không đủ sức khoẻ để mà theo các công khóa trong trường. Thật có thế nữa thì cũng chỉ một cô ấy có cái thân thể không được tráng kiện bằng người, đành phải nửa đường mà bỏ; chứ sao các cô khác cũng lại thấy thế mà tháo lui, không dám bước vào?

Trí khôn là một, sức khoẻ là hai, hai cái ấy, dám chắc đàn bà không kém đàn ông đâu. Chỉ tại cái mình có mà không biết dồi mài, thành ra nó càng ngày càng nhụt đi, rồi mình tưởng là không đủ, chứ không phải thật nó là không đủ.

Mà sức khoẻ không đủ thật, thì ta chăm giữ vệ sinh, tập thể thao, rồi yếu cũng hóa mạnh ra; sao lại lấy cớ mình yếu mà bỏ một con đường mình đáng đi, kẻ khác mong cho mình đi, đi đường ấy thì chẳng những ích cho mình mà cũng ích cho người cùng giống nữa?

Nương vào các lẽ nói trong bài này, chúng tôi dám khuyên các cô nữ học sinh đã tốt nghiệp cao đẳng tiểu học rồi, từ nay giở đi, nên quyết chí lo dự bị để vào học trường Thuốc. Học để sau ra làm thầy thuốc, chứ không những làm nhà bào chế như mấy cô hiện đương học bây giờ.

"Có chí thế nào rồi cũng nên". Ấy là câu danh ngôn chắc như đanh đóng cột. Cái "chí" nó đánh đổ hết thảy mọi sự mượn cớ: tôi không đủ sức; tôi không có thời giờ; tôi bị gia đình bó buộc vân vân…

P. K.