Đài gương truyện của Tản Đà
33. — Vợ Kiềm-Lâu nước Lỗ

妻婁黔魯

33.VỢ KIỀM-LÂU NƯỚC LỖ

Ông Kiềm-Lâu là một người cao-sĩ trong nước Lỗ, có chơi bạn thân với một ông cao-hiền trong học-trò đức thánh Khổng là ông Tăng-Sâm. Kiềm-Lâu chết. Tăng-Sâm cùng các học-trò của mình đi đến thăm, đứng cả ở dưới thềm. Vợ Kiềm-Lâu ra tiếp. Tăng-Sâm có nhời thăm, rồi bước lên, thấy thây của Tiên-sinh đặt nằm dưới cửa sổ, đầu gối vào hòn đá ong, chiếu bằng rạ, áo bông mặc không có lần ngoài; trên đắp cái chăn vải, đầu cùng chân tay không kín hết, trùm đầu thời chân hở, che chân thời đầu hở. Tăng-Sâm nói:

— Để chéo lệch cái chăn thời che kín.

Vợ Kiềm-Lâu nói: — Lệch mà thừa, sao bằng ngay mà thiếu. Tiên-sinh tôi ngày xưa, chỉ lấy vì rằng không chếch lệch, cho nên đến nay mới như thế. Lúc sống không chếch lệch, chết mà làm cho ra chếch lệch, sợ rằng không hợp ý của Tiên-sinh.

Tăng-Sâm không giả nhời lại được, rồi nhân làm lễ khóc. Khóc xong, nói rằng:

— Giời làm Tiên-sinh đã qua thác đi như thế này, nay lấy chữ gì đặt tên thụy[1]?

Người vợ nói: — Xin đặt là chữ Khang (康 nghĩa là vui).

— Khi Tiên-sinh còn sống, ăn không đủ chắc dạ, áo không đủ che mình; chết thời chân tay không trùm kín, bên cạnh không có rượu thịt. Sống không được cái ngon, chết không được cái vinh; còn vui gì chăng nữa? mà đặt lên thụy là Khang ru!

— Ngày xưa Tiên-sinh tôi, vua từng muốn giao việc trong nước cho, cho làm quan tướng-quốc; Tiên-sinh chối mà không làm. Tiên-sinh mà làm ra thời sang lắm; Tiên-sinh chối mà không làm, vậy là sang có thừa. Vua từng cho thóc ba mươi tạ; Tiên–sinh chối mà không nhận. Tiên-sinh mà nhận ra thời cũng giầu lắm; Tiên-sinh chối mà không nhận, vậy là giầu có thừa. Người như Tiên-sinh tôi, cho cái vị nhạt-nhẽo của thiên-hạ làm ngon, lấy cái ngôi hèn thấp của thiên-hạ làm yên; không áy-náy vì nỗi nghèo hèn, không giục lòng vì sự giầu sang; bụng muốn có điều nhân mà đã được là có nhân, bụng muốn có điều nghĩa mà đã được là có nghĩa. Vậy thời lấy chữ “khang” đặt tên thụy, chẳng là phải nghĩa như?

Tăng-Sâm thưa rằng: — Vâng.

Rồi mà khen rằng:

— Chỉ người ấy mới có người vợ ấy!

Kẻ dịch có nhời bàn rằng:

Trong sự ăn của người ta, miếng cá thịt vẫn là hơn miếng rau, nhưng cũng một đôi khi miếng rau hơn miếng cá. Bởi người ta chung có tính ấy, cho nên những người tính giời càng thanh quá thời cá thịt thường xem không bằng rau. Suy cái tính ăn uống mà coi các sự vật ở đời, cho nên những người tính giời càng thanh cao bao nhiêu thời coi sự giầu sang càng rẻ-rúng. Đây từ Mạnh-Quang giở xuống, cho đến vợ Kiềm-Lâu, năm người đàn bà đó, phẩm tính từ đâu mà sinh ra? Thật như ngọc đúc! như tuyết đông! như gương trong! như giá chuốt! như cành mai bên trái núi! như tiếng hạc trên từng mây! Tự tấm lòng bỉ-ổi như kẻ dịch sách này, cầm ngọn bút, thuật truyện người nước ngoài, mà tự mình riêng nghĩ những thẹn bụng; thời các bậc học-vấn trong làng thoa-quần nước ta nay, mở quyển sách, xem truyện thiên-cổ, chắc cũng mới đọc mà lạ tai. Than ôi! gót danh lợi bùn pha sắc xám, mặt phong-trần nắng xạm mùi nâu, đời phồn-hoa, buổi đua chen, ai là Lương-Hồng? ai là Tiếp-Dư? ai là Lão-Lai? ai là Ô-Lăng? ai là Kiềm-Lâu? những khách trượng-phu còn vắng-vẻ, mà nữa chi trong bạn nữ-lưu. Dẫu thế, nhưng nào khi hờn thua tủi kém, oán khổ than nghèo, mà hai vợ chồng cùng nhau khêu ngọn đèn nhỏ, đọc mấy truyện người xưa, hoặc cũng là bài thuốc thanh lương trong cơn nóng nực.


  1. Lễ, người đã chết đi rồi, người sống xét xem cái đức tính trong một đời người ấy mà đặt rút lấy một hai chữ làm tên, gọi tên ấy là tên thụy.