Ý và tình/Chương 4
Mấy năm nay nhà nông trong xứ làm ruộng trúng mùa luôn luôn. Mà bán lúa cũng đặng cao giá nữa. Cuộc thương mại nhờ đó mà trở nên thịnh vượng, bởi vì mọi người đều làm dễ ra tiền rồi ai cũng mua đồ dùng trong nhà, ai cũng sắm áo quần lòe loẹt. Bề ăn ở của bình dân thì rộng rãi, còn của phú gia thì xa xỉ, nhứt là ở mấy châu thành, sự ăn xài quá độ phát hiện rõ hơn hết.
Tại Sài Gòn, trong dãy phố trệt ở đường Lagrandière bây giờ là đường Gia Long, giáp với đường Verdun bây giờ là đường Lê Văn Duyệt, căn nào cũng chưng dọn hực hỡ. Nhưng mà có một căn dọn vén khéo, đồ đạc tốt đẹp hơn hết. Trên hai lan can phía trước có để hai cái chậu, mỗi chậu trồng một bụi cau, lá sum sê, cọng vàng tươi. Tại cửa giữa có treo một tấm màn màu trứng gà, rẽ vén hai bên đặng ra vào cho tiện. Hai cửa sổ có giăng hai tấm màn ren cũng màu trứng gà để ngăn cát bụi, chớ không ngăn ánh sáng mặt trời.
Trong nhà, phía trước để một cái bàn nhỏ với 4 cái ghế, trên bàn có để một bình bông, còn mặt ghế thì có lót nệm gòn đặng khách ngồi cho êm; phía trong, đụng vách buồng, có để một cái đi văng, trên cũng trải nệm mỏng còn chung quanh thì đóng hộc mà để đồ. Hai bên vách cũng không bỏ trống, một bên thì để một cái tủ nhỏ, trên tủ có để một cái máy hát.
Phía trong buồng có giường sắt, giăng mùng, trải “drap” trắng muốt; có bàn viết, có tủ áo, có tủ sắt, lại dựa cửa sổ có lót một cái bàn để ăn cơm cho mát.
Căn nhà đẹp đẽ nầy là nhà của cậu Xuân mướn ở mấy tháng nay đặng mỗi ngày vô trường Chasseloup Laubat mà học cho gần.
Một bữa chủ nhật, lối 4 giờ chiều. Xuân mặc một bộ đồ mát bằng lụa trắng, cậu ra đứng dựa cửa sổ rồi kêu thằng Chí, là đứa nhỏ làm bồi, mà biểu nó nhắc cái ghế xích đu đem ra để trong hàng ba.
Cậu trở vô lấy một cuốn sách rồi nằm trên ghế mà đọc.
Mặt trời ngả bóng lần lần, trước cửa bây giờ mát rượi, còn ngoài đường thì người và xe đi lại nườm nượp.
Thằng Chí xách nửa thùng nước đem tưới hai bụi cau vàng. Nó mới trở vô thì chị chín Thiện là người ở đi chợ nấu ăn, chị ở trong lại bước ra khỏi thềm rồi đứng nói om xòm: “Bữa nay chị nghỉ may phải không chị Hai? Có cô Hai ở nhà hay không?”
Tưới cau rồi nói chuyện, những sự ấy làm cho Xuân lo ra không thể đọc sách được. Cậu mới xếp sách đứng dậy rồi bước ra đứng trước thềm. Lúc ấy dì Hai Oanh, là thợ may, tuổi trên bốn mươi, ở cách Xuân một căn phố, đương thủng thẳng đi lại. Mấy tháng nay Xuân ở gần ra vô thường gặp mặt dì Hai Oanh, nên vừa thấy dì là Xuân cúi đầu chào liền.
Dì Hai Oanh đáp lễ, vui vẻ hỏi Xuân:
– Chúa nhựt nghỉ học, cậu không đi chơi sao?
– Dạ, cháu mới đi hồi sớm mai rồi, buổi chiều ở nhà học bài. Mời dì vô nhà uống nước.
– Để cậu học chớ, có lẽ nào tôi dám làm rộn cậu.
– Thưa, không. Có bận rộn chi đâu. Cháu học bài rồi, nãy giờ ở không xem sách chơi.
Chị Thiện bải buôi tiếp lời:
– Vô nhà chơi chị Hai… vô uống nước. Tôi mới chế một bình trà còn nóng hổi.
Xuân coi bộ dì Hai Oanh chịu vô, thì cậu thối lui đứng nép một bên. Dì Hai Oanh đi trước, chị Thiện đi theo sau mà vô nhà. Xuân tiếp theo sau nữa, và kéo một cái ghế mời dì Hai Oanh ngồi. Chị thiện lo rót nước trà mà đãi khách.
Xuân lại ngồi trên đi văng rồi hỏi dì Hai Oanh:
– Dì may coi thế đắt mối dữ. Cháu thấy có người ta đến thường thường hoài.
– Không mấy khá cậu à. Tôi lãnh may của mấy cô quen thuở nay, chớ người lạ họ có biết tôi đâu mà đưa đồ cho tôi may.
– Dì có mướn người phụ với dì chớ?
– Tôi có mướn một người luông cho tôi may. Đồ có nhiều đâu mà phải mướn thợ phụ.
– Dì lập tiệm, lãnh bài sanh ý , treo bảng và rao trong báo, thì người ta mới biết mà đặt may đồ chớ.
Dì Hai Oanh ngó Xuân và chúm chím cười mà đáp:
– Lập tiệm phải có vốn bảy trăm hoặc một ngàn. Vì không có vốn, nên tôi không dám tính tới việc đó, tôi may ở nhà vậy thôi.
– Dì may ở nhà thì làm sao có lợi đủ trả tiền phố và tiền ăn xài?
– Tiện tặn thì cũng đủ. Tôi có con cháu đi thêu, nó phụ giúp với tôi.
Chị Thiện đứng vịn cái máy hát, chị tiếp mà cắt nghĩa:
- Chị Hai đây có một người cháu gái là cô Hai Quế thêu khéo lắm cậu. Cô đi thêu cho nhà hàng ngoài đường Catinat lãnh lương mỗi tháng tới 5,6 chục.
Xuân hỏi:
- Cô thêu thứ chi? Thêu lối Việt Nam hay lối Tây?
Chị Thiện làm lanh mà rồi bít lối, không trả lời được.
Dì Hai Oanh mới thế mà đáp với Xuân:
– Hồi con em tôi còn sanh tiền, có cho cháu tôi học trường Nữ học đường được hai năm, bởi vậy nó biết thêu theo lối Tây. Chừng em tôi khuất rồi, tôi đem cháu tôi về ở với tôi, thì tôi cho nó học thêm lối Việt mình nữa. Nhờ vậy nên nó biết thêu cả hai điệu. Nó thêu mặt giày, khăn tay, thêu màn, làm ren, thêu bông vào áo cho mấy ông, mấy bà, thêu thứ gì cũng được hết.
– Giỏi dữ há. Có nghề như vậy thì sự sống mới vững vàng, khỏi lo thiếu thốn.
– Phải, nó khỏi lo đói rách. Mấy tiệm may lớn họ giành nhau mà mướn nó.
– Nếu dì có tiệm may lớn, dì để cho cô lãnh phần thêu thì chắc tiệm phát đạt lắm.
– Nói gì cái đó.
Dì Hai Oanh dòm cùng trong nhà rồi nói tiếp:
– Cậu ở có một mình mà dọn nhà đẹp quá.
– Tại tánh tôi ưa sạch sẽ vén khéo.
– Cậu gốc ở tỉnh nào?
– Tôi là người Cần Thơ.
– Nghe nói Cần thơ là tỉnh giàu đệ nhứt… Ông cụ, bà cụ còn song toàn chớ.
– Thưa, ba má tôi đều khuất hết.
– Tội nghiệp dữ hôn! Mồ côi sớm quá.
– Tại cái mạng của tôi như vậy, biết làm sao bây giờ.
Dì Hai Oanh rờ bình bông trên bàn mà nói:
– Trên bàn nầy thì lẽ cậu phải để một tấm thêu tròn, hoặc hột soài, rồi để bình bông chính giữa coi mới đẹp.
Xuân đáp:
– Hôm trước có một người bạn học của tôi cũng nói như vậy. Để bữa nào rảnh rồi tôi sẽ kiếm để tôi mua.
Chị Thiện chen vô nói nữa:
- Cậu cậy cô Hai thêu cho.
Dì Hai Oanh tiếp lời:
- Con cháu tôi nó thêu thứ nầy hoài, thêu lẹ lắm, chừng ít bữa thì rồi.
Xuân dụ dự đáp:
- Cô Hai mắc đi thêu cho người ta, có thời giờ đâu mà thêu cho tôi.
- Không. Ai đặt đồ riêng thì nó thêu ban đêm ở nhà. Cậu muốn thêu cách nào, thêu bông gì thì vẽ kiểu cho cậu coi, như cậu chịu rồi nó thêu cho.
- Thiệt tôi dốt về khoa đó. Tôi không biết phải thêu bằng cách nào mà nói.
- Thứ trải bàn đây, tôi thấy có sẵn nhiều kiểu. Để nó đưa kiểu cho cậu lựa, cậu chịu kiểu nào nó thêu kiểu nấy cho cậu.
Chị Thiện nói:
- Chị Hai, để tôi lại tôi kêu cô Hai Quế đem kiểu cho cậu tôi coi.
Chị nói dứt lời thì đi liền. Xuân nói với dì Hai Oanh:
- Tôi làm nhọc lòng dì, mà lại mất công cho cô Hai nữa, tôi ái ngại quá.
- Không có nhọc lòng đâu. Dì cháu tôi là thợ may thợ thêu. Cậu đặt đồ cho chúng tôi thêu, ấy là cậu giúp cho chúng tôi chớ.
- Dì nói như vậy thì tôi mới dám.
Cô Hai Quế đi theo chị Thiện lại tới cửa. Cô bước lên thềm rồi dụ dự, chưa dám vô. Cô vừa được 20 tuổi, chơn mang guốc, mình mặc y phục tầm thường, áo lụa đen, quần lãnh đen, không dồi phấn thoa son, tay trái cô đeo cà rá nhận một hột ngọc màu đỏ bầm, chớ không có nữ trang nào khác, nhưng nhờ da trắng má bầu, nhờ gương mặt sáng rỡ, nhờ cặp mắt có đức, nhờ hình vóc dong dảy, nhờ tướng đi dịu dàng, nhứt là nhờ vẻ đẹp thiên nhiên, bởi vậy ai thấy cô cũng đều cho cô có quốc sắc.
Chị Thiện mời cô vào, mà dì Hai Oanh ở trong cũng kêu cô, bởi vậy cô chậm rãi bước vô nhà.
Xuân đứng dậy chào cô. Cô cúi đầu đáp lễ, mỗi cử động đều duyên dáng.
Dì Hai Oanh nói:
– Cậu đây muốn đặt cho con thêu một tấm trải trên bàn đặng để bình bông coi cho đẹp. Con có kiểu nào hay thì đem lại cho cậu coi.
Xuân mời cô Quế ngồi, mà cô cứ đứng ngó cái bàn, mặt tỉnh táo mà suy nghĩ một chút rồi mới nói: ”Cái bàn nầy vuông. Theo ý con thì tấm thêu cũng cắt hình vuông theo chiều bàn coi mới được; song chính giữa phải có mặt trăng tròn đặng để cái bình bông. ”
Dì Hai Oanh hỏi Xuân:
– Còn màu thì cậu muốn màu nào?
Xuân bỡ ngỡ nói:
– Tôi không biết màu nào đẹp.
Lúc ấy đứa tớ gái của dì Hai Oanh chạy lại cho dì hai hay rằng có bà lục sự ghé đặng may áo và biểu mời dì về nói chuyện. Dì Hai Oanh liền từ giã Xuân và chị Thiện và dặn cô Hai Quế ở đó bàn việc thêu với Xuân rồi dì lật đật ra về.
Cô Quế đứng ngó cùng trong nhà, Xuân kéo một cái ghế ra và mời cô ngồi nột lần nữa. Bây giờ cô ngồi. Xuân ngồi phía bên kia bàn, ngang mặt cô, chị Thiện đi vô trong, vì đã chiều rồi nên phải lo nấu cơm.
Cô Quế khiêm nhượng hỏi Xuân:
– Cậu muốn thêu hàng hay là thêu vải và muốn màu nào?
– Cha chả, tôi không thạo việc nầy rồi! Xin cô liệu dùm coi thứ nào tốt thì cô làm cho tôi.
– Theo ý em, tấm thêu màu cũng phải một màu với mấy tấm màn coi mới có vẻ thanh nhã.
– Cô nói phải lắm.
– Trải bàn chẳng cần phải dùng tơ lụa, làm bằng vải cũng được. Chẳng nên thêu rằn rực, thêu bốn phía bốn nhành mai, lan, cúc, trúc thì đủ đẹp.
– Tôi chịu, xin cô thêu đi.
– Để em về vẽ kiểu cho cậu xem trước.
– Khỏi, khỏi mà. Cô liệu dùm mà làm coi cho được thì thôi. Cô thêu chừng nào mới xong?
– Chừng năm ba bữa.
– Không gấp gì. Cô thêu một tuần rồi cũng được. Song cô thêu dùm cho khéo để làm kỷ niệm chơi.
Cô Quế chúm chím cười, mặt mày càng ửng đỏ như hoa hường mới ướm nở. Cô ngó Xuân mà hỏi:
– Cậu nói thêu cho khéo để làm kỷ niệm. Vậy chớ kỷ niệm việc chi? Nên cho em biết đặng em liệu coi như cần phải sửa cho hợp với việc làm kỷ niệm.
Nghe Xuân dùng hai chữ “Kỷ niệm” không biết cô Quế có nghi cậu không thông nghĩa nên dùng đùa, như là cậu thanh niên đời nay, hay là cô nghi cậu chú ý muốn ghẹo tình cô, như nhiều cậu trai đa tình lãng mạn, mà cô gạn hỏi như vậy làm cho Xuân bối rối, sắc mặt thẹn thùng một lát rồi mới nói:
– Tôi mới phác một ý riêng, tôi muốn kỷ niệm cái ý ấy. Tôi tưởng dầu tôi có tỏ cái ý riêng ấy cho cô hiểu, có lẽ chẳng hại gì mà cần phải dấu cô. Số là mấy năm nay, ở trong trường, tôi có kết bạn thâm giao với hai người bạn học một lớp.
Ba anh em tôi tính kiếm thêm một người nữa cho đủ bốn đặng làm bạn “mai, lan, cúc, trúc” để tiêu biểu một tánh chất tứ thời. Chúng tôi chưa gặp một người nào đồng tâm đồng chí đáng nhận làm người thứ tư.
Hôm nọ một anh bạn tôi có tỏ ý nếu kiếm bạn nam nhi không ra thì chúng tôi có lẽ sẽ chọn một cô gái làm người thứ tư cũng được. Người bạn tôi tỏ ý như vậy, tôi tưởng là muốn giễu cợt, chẵng dè hôm nay cô tính thêu “mai, lan, cúc, trúc”, mà cô lại là gái nữa, ấy vậy họ biết chừng cô là người thứ tư trong đám bằng hữu, mà người bạn tôi đã đoán trước hôm nọ. Tôi muốn cô thêu để kỷ niệm cái ý ấy.
– Em lựa kiểu thêu, thiệt em không dè kiểu ấy lại thích hợp với việc riêng của cậu. Vậy em cũng thêu kiểu đó, khỏi cần phải sửa đổi, mà em lại ráng thêu cho đẹp, để biểu hiện cho xứng đáng cái tình cảm của cậu.
– Tôi rất cám ơn cô. Cô cần phải lấy tiền trước đặng mua hàng, mua chỉ thêu hay không?
– Thưa, không.
– Mấy năm nay ba anh em tôi kêu nhau như vầy: Tôi trơ trọi một mình, không có anh em, lại nhứt định không cưới vợ, bởi vậy mấy bạn tôi cho tôi là Mai. Anh Triều, người gốc Bạc Liêu, anh tha thướt, yếu đuối lắm, nên anh là lan. Anh Quan gốc Trà Vinh, anh lỏng khỏng ốm yếu mà tánh tình lại ghét cái dở, cái thấp, cái bậy, nên cho anh là quân tử Trúc.
Còn Cúc, thì chưa có ai. Cúc biểu hiện cho người ẩn dật mà thơm tho xinh đẹp. Cô là người ẩn núp trong hạng bình dân, mà cô lại có sắc đẹp, có danh thơm, nếu cô vui lòng làm biểu hiện cho Cúc thì chúng tôi hân hạnh lắm.
Cô Quế nghiêm nét mặt mà suy nghĩ một chút, rồi cô ngó ngay Xuân mà đáp:
– Em rất cảm ơn cậu. Em không dám.
– Sao mà cô không dám? Cô ngại sợ nam nữ làm bạn với nhau rồi mang tiếng phải không?
– Thưa, không. Nam nữ làm bạn với nhau rồi mang tiếng xấu, ấy là tại tánh tình thấp thỏi, rồi gây ra những chuyện không hay, nên mới mang tiếng xấu, chớ người đã quyết lập tánh tình cao thượng như: Mai, Lan,Trúc thì quí lắm. Em được làm bạn, em có ngại chi đâu. Em nói em không dám là vì em sợ em không xứng đáng ngang hàng với mấy cậu là bực giàu có sang trọng đó mà thôi.
– Lời cô nói đó là lời khiêm nhượng, chớ tôi chắc cô dư biết theo ý chí của người quân tử, thì nhân nghĩa, đạo đức mới quí chớ không phải là giàu sang mà quí đâu. Mà bọn anh em tôi không phải giàu sang gì cả, có người cũng nghèo khổ lắm chớ.
– Mấy cậu học giỏi còn phận em dốt nát quá, em phải đi thêu mướn mới có cơm mà ăn.
– Ối. Theo ý tôi, dầu cầm cây viết hay là cây kim cũng vậy, hễ nghiệp nghề mình được chí thiện, tận mỹ thì quí như nhau, chớ không phải người cầm viết mà sang hơn người cầm kim. Chúng tôi học chữ, ví như chúng tôi có tài viết văn hay; còn như cô đi thêu mướn mà cô có tài thêu khéo. Cái hay đối với cái khéo thì bằng nhau chớ có cao thấp chi đâu.
Cô Quế cười mà thôi, chớ cô không trả lời nữa. Cô đứng dậy dợm từ mà về, Xuân biết ý liền nói:
- Mời cô ngồi nói chuyện chơi một chút nữa.
- Em sợ làm mất thời giờ của cậu.
- Không, không … Cô nói chuyện nghe có ích lắm. Chúa nhựt không đi học, tôi ở nhà tôi buồn hết sức. Nãy giờ có cô nói chuyện, tôi vui không biết chừng nào.
- Em mới đến nhà cậu lần đầu, mà em nói chuyện nhiều quá em sợ khiếm nhã. Vậy em xin từ cậu mà về, để khi khác có lẽ em sẽ ngồi lâu hơn.
- Cô sợ ngồi chơi lâu rồi dì Hai không vui hay sao?
- Thưa, không. Dì Hai em biết tánh tình của em, nên chẳng bao giờ hiềm nghi chỗ đó.
- Còn tấm thêu cô chắc bữa nào thêu rồi?
- Cậu cho em một tuần thì mãn tuần rồi em sẽ đem lại.
- Bữa nay chúa nhựt, té ra chúa nhựt tuần sau tôi sẽ có tấm thêu mà trải bàn.
- Thưa, phải.
Xuân đứng dậy mà suy nghĩ, rồi nói tiếp:
- Xin cô cho biết cô có chịu làm Cúc, theo như lời tôi nói hồi nãy đó hay không?
- Xin cậu để cho em suy nghĩ ít bữa rồi em sẽ trả lời.
- Được. Tôi muốn sáng chúa nhựt cô đem tấm thêu lại được hôn.
- Thưa, được.
- Tôi sẽ cho hai người bạn tôi hay, đặng hiệp với tôi mà tiếp rước tấm thêu đó. Cô Hai, tôi muốn mời cô sớm mai chúa nhựt cô ở lại chơi rồi ăn cơm trưa với ba anh em tôi, được không? Tôi sẽ lại nhà cô mà xin phép với dì Hai cho.
- Nếu vậy thì có lẽ được.
- Để mai mốt rồi tôi sẽ xin phép với dì Hai mà mời cô ăn cơm.
Cô Quế cười rồi từ mà đi về. Xuân đưa khách ra tới thềm rồi mà còn đứng ngó theo, và miệng chúm chím cười.