Ý kiến tôi đối với sự bỏ kiểm duyệt báo quốc ngữ

Ý kiến tôi đối với sự bỏ kiểm duyệt báo quốc ngữ  (1934) 
của Phan Khôi

Bài đăng trên Phụ nữ tân văn, Sài Gòn, số 271 (20. 12. 1934), trang 5-6.

Có tin chắc chắn đăng trên các báo rằng ngày 1er Janvier 1935 sở kiểm duyệt báo chí quốc ngữ sẽ bị bãi.

Được tin ấy đáng lẽ các báo lấy làm mừng rỡ ca tụng lắm mới phải. Nhưng lại không, trước rày chỉ thấy trên một cái “lá cải” có một bài ra dáng vui mừng nhảy nhót mà thôi; còn ngoài ra, báo nào đối với việc ấy cũng tỏ ý bằng một cách dè dặt.

Ấy không phải là người ta cố ý làm ra lạnh lùng với một việc sáng kiến như vậy.

Cái tình hình chánh trị ở đây chỉ cho người ta thấy trong việc đó, về tương lai, có nhiều nỗi khiêu khê[1] đáng lo sợ trước, và sự lo sợ dầu không đoạt hết cả chớ cũng đoạt hết già nửa sự mừng rỡ.

Tôi không có cái tư cách gì đại biểu cho báo giới quốc ngữ, trong khi viết bài này tôi cũng chẳng đứng làm thông ngôn cho ai, tôi chỉ bày tỏ cái ý kiến riêng của tôi, nhưng, cái điều tôi thấy ắt kẻ khác cũng thấy, đó hoặc giả cũng là một cái ý kiến của nhiều người.

Cái chế độ kiểm duyệt thật đáng bỏ. Phải chi ngày trước tôi được tự tiện nói câu ấy thì tôi cũng nên giãi bày luôn cái sở dĩ ; nhưng hôm nay chánh phủ đã quyết định bỏ rồi, không nên làm một việc thừa, vậy tôi chỉ nói cái ý kiến tôi đối với việc ấy thế nào, hoặc hơn nữa, tôi đoán trước thử sau khi bỏ, ngôn luận giới xứ ta sẽ ra sao.

Ai cũng thấy rằng bỏ kiểm duyệt thì các nhà báo được lợi trước hết. Ra một số báo khỏi bị treo trễ vì chờ đợi; có nơi (như ở Huế) lại còn khỏi phải tốn công tốn của cho được dịch ra chữ Pháp từng bài. Cái lợi về vật chất ấy, ai dám bảo là không đáng kể.

Lại việc gì thuộc về quyền lợi riêng của một cá nhân hay một đoàn thể, hồi trước đôi khi cũng bị ngăn đón mà không nói được, hoặc nói mà không hết lời, thì bây giờ chắc sẽ được nói một cách dễ dàng. Đó lại là một điều lợi cho nhà báo mà cũng là lợi cho những người cầm bút như chúng tôi nữa, vì từ đây chúng tôi sẽ có nhiều đầu đề mà viết hơn năm ngoái năm xưa.

Chỉ thực ra là như việc hạn chế thuốc bắc. Năm ngoái, khi tôi ở Hà Nội, viết về vấn đề ấy thường bị xóa, kêu nài lắm thì hai chữ “hạn chế” cũng phải bị bôi. Nhưng lần này, ý chừng nhờ cái nghị định bỏ kiểm duyệt đã ký, nên trong khoảng thời gian có Đại hội nghị kinh tế nầy, các báo được phép hô hào về việc hạn chế thuốc bắc một cách công nhiên hơn năm ngoái.

Tôi lấy làm đáng chủ ý hơn hết là cái lợi cho văn học quốc ngữ. Khi ở dưới quyền kiểm duyệt, những điều trở ngại khác đã đành, có điều trở ngại cho văn thể cũng lắm mà ít ai thấy. Vì sự nói thẳng là sự cấm kỵ, nên người ta lắm lúc phải nói quanh, làm cho bài văn hiện ra cái vẻ yếu đuối hay là chứa nhiều sự giả dối. Nhứt là trong khi muốn chỉ trích một việc bằng con kiến, mà muốn được phát biểu, tác giả phải chưng ra bao nhiêu việc bằng con voi mà xưng dương tán tụng trước để cho dịu bớt đi, thành thử hầu hết văn trên báo đều là thứ văn đeo mặt nạ. Khi bỏ kiểm duyệt rồi, người cầm bút không cần phải cực lòng mà dùng cái phương pháp ấy nữa, có thể mong được rằng sẽ sản xuất nhiều bài nói về thời cuộc hay chánh trị có giá.

Đổi cái văn thể yếu đuối ra mạnh mẽ, giả dối ra chơn thật, tôi nhìn rằng sự bỏ kiểm duyệt sẽ gây cho văn học xứ ta cái hạnh phước ấy.

Còn nói gì nữa về cái lợi cho các bực cầm quyền! Mà nếu không có cái lợi ấy, thôi thì các ngài đã chẳng nghĩ đến sự bỏ kiểm duyệt. Có khi trong xứ xảy ra nhiều việc hệ trọng lắm mà người Pháp lấy làm lạ rằng sao An Nam chẳng có người nào tỏ ý kiến thử ra sao. Nếu họ có nhớ đến cây bút xanh đỏ của sở “xăng-xuya”[2] thì họ chẳng còn lấy làm lạ nữa. Ai có ý kiến gì, nói ra một lần bị xóa rồi sau có gặp việc họ cứ làm thinh. Làm thinh, không phải là chứa trong lòng sự oán hận rồi gây nên sự nguy hiểm như người ta vẫn tưởng. Làm thinh, mà làm thinh miết, chỉ để các ngài nhiều lúc phải lúng túng: gặp một việc khó xử mà không tìm được cái dư luận chơn chánh của người bổn xứ. Một vài người Pháp hay trách chúng tôi không thật thà: bụng muốn một đường mà nói ra một đường. Lời trách cũng khí oan! Chúng tôi muốn thật thà lắm chớ, mà không làm thế nào thật thà được! Cái trong lòng muốn, đã nói ra không được mà vẫn phải nói, thì phải nói chạch qua đường khác chớ sao? Cho nên, khi bỏ kiểm duyệt rồi, có lẽ sẽ dễ thấy được cái dư luận chơn chánh của người An Nam hơn khi trước. Nếu các bậc cầm quyền ở trên cũng cho sự nghe được cái dư luận phát ra từ trái tim kẻ dưới là có lợi cho việc cai trị của mình, thì lúc bấy giờ hẳn là có lợi vậy.

Kể ra bao nhiêu cái lợi sẽ có sau khi bỏ kiểm duyệt như thế, mà còn lo sợ nỗi gì? Ai chưa nghĩ tới nơi tới chốn, sẽ bảo là điều quá lự.[3] Mà không, thật có như lời.

Một đôi kẻ thấy bỏ kiểm duyệt, bảo nhau rằng thế là từ đây người An Nam được ngôn luận tự do. Ấy khoan! Đã được đâu? Bỏ kiểm duyệt thì người An Nam được thong thả hơn hồi có kiểm duyệt một chút, chớ đâu đã được ngôn luận tự do như người dân ở nước độc lập và văn minh?

Bỏ kiểm duyệt chưa phải là được ngôn luận tự do đâu. Nên lắp đi lắp lại câu ấy nhiều bận, kẻo có kẻ còn hiểu lầm.

Người dân ở nước độc lập và văn minh như nước Pháp, có quyền ngôn luận tự do. Cái quyền ấy không phải là chánh phủ ban cho đâu, mà là bởi hiến pháp nhìn nhận cho mỗi người dân đều có cái quyền ấy. Hiến pháp sản sanh ra các pháp luật trong một nước. Hiến pháp đã công nhận cái quyền ấy rồi, nó sẽ chẳng hề bị pháp luật nào xâm phạm; muôn một bị xâm phạm thì đã có hiến pháp binh vực cho. Nhờ đó mới có quyền ngôn luận tự do, nhờ đó quyền ngôn luận tự do mới đứng được vững vàng.

Xứ ta không có hiến pháp thì quyền ngôn luận cũng như các quyền khác, lấy ai nhìn nhận cho mà có được? Nhà ngôn luận, sau khi bỏ kiểm duyệt rồi, rủi mà bị hiếp đáp, lấy gì làm hậu thuẫn? Thả những chiến tam bản không chằng không lái ra giữa biển khơi, bảo chúng nó cầm cự với sóng gió, mà không lo sợ làm sao?

Bỏ kiểm duyệt thì lại có những sự quy định khác thế cho kiểm duyệt, tức là cái chương trình nói về việc báo chí, rồi đây chánh phủ sẽ ban hành, buộc các báo phải tuân theo. Thấy nói trong chương trình ấy có một điều rằng từ đây các tòa án sẽ trực tiếp can thiệp đến các báo quốc ngữ, sẽ có quyền đứng ra khống cáo báo nào nói phạm đến chánh phủ hay phạm đến những người của chánh phủ. Đó, xem kỹ xem, cái chế độ mới này coi như lỏng lẻo mà kỳ thực là nghiệt ngã hơn cái chế độ kiểm duyệt.

Ở dưới chế độ kiểm duyệt, cái gì không cho nói thì không được nói mà thôi; lỡ ra, cái điều đã nói có gây nên tội vạ, thì nhà báo cũng được nhẹ, vì kiểm duyệt như chịu bớt một phần. Khi bỏ kiểm duyệt rồi thì hết thảy tội vạ, nhà báo phải gánh lấy, mà thứ tội vạ ấy coi bộ như khó biết đường mà tránh lắm.

Cái chương trình nói đó, ta chưa thấy nó ra sao. Nhưng, một điều ta đoán trước được là chắc nó phiền phức lắm. Rồi đây thế nào cho khỏi có những điều có thể cho là trái với sự quy định, đáng bị tòa án khống cáo mà nhà báo không phòng trước được, hoặc vì vô ý, hoặc vì hiểu lầm, hoặc vì cắt nghĩa những câu những chữ nào đó trong chương trình ra thế khác? Đến cái đó mới là rắc rối cho!

Người ta hay ví sự nới rộng quyền ngôn luận, quyền tuyển cử cho một dân chưa đến trình độ cũng như là đưa dao cho trẻ con chơi. Nhưng, vào cái “ca” này, tôi không tưởng như thế, tôi chỉ sợ cái dao đó là cái dao hai lưỡi hay nhiều lưỡi thì dầu người cầm nó là kẻ lớn cũng có ngày sẽ bị đứt tay!...

Nói vậy thì nói, chớ không mấy khi gặp cơ hội tốt, chúng ta cũng nên cám ơn chánh phủ và cẩn thận mà đi qua cái cửa ải nầy cho trót lọt.

Một điều đáng để ý là sợ trong một thời kỳ đầu mới bỏ kiểm duyệt sẽ có những sự lộn xộn sanh ra trong làng báo. Lúc có kiểm duyệt kia mà còn có kẻ liều mạng đăng những bài bị xóa lên báo, chỉ cầu được cái danh “chí sĩ” mà không kể sự đóng cửa nhà báo và ở tù; huống chi là gặp lúc “thả cửa” những kẻ ấy thế nào lại chẳng nhảy ra làm tướng? Phải trải qua một thời kỳ lộn xộn đó rồi sau mới yên được.

Rủi mà có vậy đi nữa, xin các ngài cũng cứ trấn tịnh một lúc rồi nó đi qua, xin các ngài đừng thấy vậy mà ăn năn rồi lập lại ty kiểm duyệt.

Bởi vì cái chế độ kiểm duyệt có cả trăm điều hại mà chưa chắc một điều lợi. Nhưng tôi đã nói, nó bị bỏ rồi, tôi chẳng khống cáo nó làm chi.

PHAN KHÔI

   




Chú thích

  1. khiêu khê: chưa thật rõ nghĩa. Trần Văn Kiệm (sđd.) có nêu từ nghiêu khê trong đó nghiêu 蹺 cũng đọc “khiêu” và khê 蹊 cũng đọc “hề”, ‒ một từ dùng trong cổ văn với nghĩa: phải coi chừng, có điều gì lắt léo nữa đây. Phải chăng từ “nhiêu khê” trong khẩu ngữ Việt, cũng có nguồn ở từ cổ này?
  2. xăng-xuya (âm chữ Pháp censure): kiểm duyệt.
  3. quá lự: lo quá độ (Trần Văn Kiệm, sđd.)