Ông bình vôi
Khắp nước Việt Nam có tục ăn trầu, cho nên ở đâu cũng có bình vôi.
Theo như tôi biết, ở vùng quê chúng tôi, có hai thứ bình vôi. Đều bằng đất nung cả, mà một thứ giống như cái hũ nhỏ, duy cổ eo, miệng loa, cho nhà trung thường dùng; một thứ hình tròn mà đít bằng, trên có quai xách, miệng ở về một bên, toàn thân tô màu lục hoặc màu vàng, cho nhà sang dùng. Cả hai đều để đựng vôi trong lòng nó. Nhưng mỗi khi cho vôi vào, người ta lại cũng dùng vôi đắp cái miệng nó cho cao lên.
Nhà tôi, hồi bà nội tôi còn sống, có một cái bình vôi hạng sang ấy. Mỗi khi mua vôi ở chợ về, bà tôi ngồi tỉ mỉ lấy cái chìa quệt vôi nhét vào miệng nó, gọi là “cho ông bình ăn”. Và lâu lâu đắp thêm cái miệng nó một lần, hoá nên cái miệng càng ngày càng chêu vêu ra.
Thứ bình vôi thường, dùng chìa bằng tre: nhưng thứ bình vôi sang, bao giờ cũng dùng chìa bằng sắt, ở thân cái chìa, đôi khi lại có đeo một lưỡi dao để rọc trầu.
Nhà khác thế nào tôi không biết, còn nhà tôi, tối lại, bà tôi cứ nhớ rút cái chìa ra để ra một nơi khác. Làm như thế, bà tôi cắt nghĩa rằng “ông bình” linh lắm, đêm hôm có kẻ trộm đạo, “ông” sẽ mách cho mình, mà nếu để cái chìa lấp cái miệng thì không mách được.
Tôi nói “nhà tôi có một cái bình vôi”, không đúng. Nói đúng là từ hôi tôi còn nhỏ cho đến năm tôi hai mươi lăm tuổi, bà tôi chết, nhà tôi có ba cái bình vôi kế vị nhau. Bởi vì dùng lâu ngày, trong lòng đầy vôi khô cứng, miệng nó vì cứ đắp nên tum húm lại, không dùng được nữa, phải mua cái khác.
Lúc đó nhà tôi có một cái tran thờ Tam vị: ở giữa là Phúc đức chính thần, hai bên là Thổ công và Táo quân. Hễ cái bình vôi nào bị thải ra thì bà tôi bảo đem đặt lên cái tran ấy, thờ nhân thể.
Sự thờ phượng như thế, không phải chỉ riêng một nhà tôi đâu. Cả làng, nhà nào có bình vôi thải ra, cũng đều đem đặt trên các tường thành đình hoặc chùa; như thế, người ta cho rằng thờ “ông bình” đó.
Cái bình vôi, tại sao lại gọi bằng “ông”, đọc từ đầu đến đây, bạn đọc đã biết. Ở vùng quê chúng tôi, mà có lẽ cả nước Việt Nam cũng vậy, vật gì nó có thể làm hại mình được thì gọi bằng “ông”, vật gì nó to hay sống lâu năm thì cũng gọi bằng “ông”.
Con cọp ăn thịt mình được, gọi bằng ông Cọp, con khỉ phá hoại hoa màu của mình được, gọi bằng ông Trưởng; con chuột, cắn quần áo của mình được, gọi bằng ông Tí. Cái đầu rau, dùng năm mười năm mới thay cái khác, gọi bằng ông Núc; cái che, to, đường kính của nó có khi gần đến một mét, gọi bằng ông Che[1]. Người Việt Nam về sau thế nào chưa biết, chứ về trước, hễ vật gì làm hại được hoặc lớn hoặc nhỏ, vật gì sống lâu và to xác thì đều gọi bằng “ông” để tỏ lòng tôn kính, sùng bái.
Tôi có phạm một cái tội hồi mới mười tám tuổi, bây giờ tôi xin tự kiểm thảo và thú nhận.
Năm tôi mười tám tuổi, tôi không tin như bà nội tôi tin nữa. Một đêm mùa hè, gió nam như bão, sáng trăng mờ mờ[2], tôi rủ mấy thằng bạn lứa tuổi với tôi đi dọc đường cái làng, đi qua đình vào chùa, bao nhiêu “ông bình vôi” thờ trên tường thành, chúng tôi đều hất một loạt xuống đất cả. Sao lại làm như thế? Chúng tôi cứ làm như thế, không cần có lý luận. Nhưng, vài hôm sau, trở lại xem, không biết là do tay ai, thấy đều đặt lại tề chỉnh trên tường thành.
Tuy vậy, đó không phải cái tội riêng một mình tôi. Bấy giờ bọn thiếu niên chúng tôi hầu như đứa nào cũng có thể làm thế cả. Nếu ngày nay tôi phải tự kiểm thảo thì lũ thiếu niên ấy, bạc đầu rồi, cũng phải tự kiểm thảo như tôi.
Tóm lại, cái bình vôi, vì nó sống lâu ngày, lòng nó đặc cứng, miệng nó bít lại, ngồi cũ rũ trên tran hoặc trên tường thành, cũng như pho tượng đất hoặc gỗ không nói năng, không nhúc nhích, thì người ta tôn thờ sùng bái mà gọi bằng ông.
Tôi viết cái bài khảo cứu nhỏ nầy cốt để cắt nghĩa mấy câu thơ của Lê Đạt:
Chú thích
- ▲ Che, dùng để dạp mía, ở Bắc gọi là đội hàn.
- ▲ Gió nam là thứ gió nóng ở Trung bộ, đêm có gió nam thì trăng kém sáng.