Ông Nguyễn Văn Vĩnh trong con mắt tôi

Ông Nguyễn Văn Vĩnh trong con mắt tôi  (1936) 
của Phan Khôi

Bài đăng trên Sông Hương, Huế, số 1 (1 Aout 1936), trang 6, 9, mục "Phê bình về nhân vật".

Nói từ trong con tim nói ra, tôi có phục ông Nguyễn Văn Vĩnh thật. Tôi phục ông ở chỗ có chí tự lập, ở chỗ không mộ hư vinh. Tôi ưa ông nhất là tại cái điểm thứ hai nầy. Kể trong ba bốn mươi năm nay, cả Bắc Kỳ, ông nào có máu mặt cũng chạy cho được cái Bắc Đẩu bội tinh, cái Hồng lô tự khanh, cái Hàn lâm gì đó, cùng không nữa cũng đồng kim tiền, chiếc kim khánh. Chỉ một mình ông Vĩnh, muốn có thì giống gì mà chẳng có, nhưng ông đã chẳng có gì cả, ông chỉ là bạch đinh. Tấm lòng nguội lạnh đối với hư vinh ấy đã đưa ông lên làm tiêu biểu cho bạn trẻ chúng ta sau nầy.

Bởi chịu ông những chỗ ấy nên sau khi được tin ông qua đời, tôi đã toan viết một bài về ông trên báo. Kế thấy có nhiều báo đã viết, tôi lại thôi.

Thôi, rồi bây giờ tôi lại viết. Là vì thấy có nhiều báo đã nói về ông thất thực, tôi muốn viết để vớt vát dư luận lại lấy một vài.

Người ta tôn ông Vĩnh là đại văn hào rồi người ta còn đòi dựng đồng tượng cho ông nữa.

Lạ sao, tôi thấy người Việt Nam ta cái gì cũng giữ mực trung dung, duy có sự yêu người hay ghét người lại chạy đến cực đoan.

Yêu ông Vĩnh, ngày nay người ta đòi dựng đồng tượng cho ông; nhưng mười năm về trước, ghét ông Vĩnh, người ta đã lên án ông là phản quốc, là bán nước!

Đều không đúng cả. Trước sau luận về ông, người ta đều bị cảm tình xô đẩy.

Kỳ thực, ông Vĩnh không có cái tội gì đến gọi là phản quốc hay bán nước, và ông cũng không có cái công gì đến quốc dân phải dựng đồng tượng cho ông.

Giữa chúng ta, ông Vĩnh đáng gọi là một kẻ sĩ hào kiệt. Sự lập thân xử thế của ông đã đảm bảo cho ông đáng được cái tên ấy một cách vững chãi.

Nhưng, theo sự thẩm bình chặt chịa của một hạng người trong nước, hạng người ấy đại khái là nhà nho, thì ông Vĩnh dù có là hào kiệt chăng nữa cũng không là quân tử. Theo chỗ phân biệt của nhà nho: quân tử là cái huy hiệu về tâm đức, đáng trọng hơn hào kiệt là cái huy hiệu về tài trí, như Nguyễn Du có nói: "Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài". Hạng người ấy họ tuy có phục ông Vĩnh về đằng tài nhưng họ không chịu lượng thứ cho ông về đằng tâm.

Cả đời ông Vĩnh, có hai việc hơi mơ hồ, sự thực nó thế nào thì chỉ một mình ông biết, đã rước về cho ông lời bình phẩm khắt khe ấy. Tức là giữa cái đảng họa Đông Kinh nghĩa thục năm 1908 mà ông đã được thoát và sau cuộc tự trị bày trò năm 1918 mà ông "có câu".

Hai việc ấy giá ở vào xã hội khác thì dễ thường ông Vĩnh cũng không đến mang tiếng. Về việc trước, người ta cho như gặp lúc cháy nhà, con chuột nào có thể thoát thân được thì để mặc nó thoát thân; về việc sau, người ta cũng phân bì được với những ông tướng đánh giặc lập công: thí đi bao nhiêu mạng sĩ tốt để một mình được cắt đất phong hầu, hưởng sự an vinh tôn quý. Huống chi trong hai lần đó, chúng ta thấy ông Vĩnh chỉ làm được việc cho mình thì có, chứ chưa hề làm hại đến ai.

Tuy vậy, ở xã hội ta, nhà nho bao giờ cũng có sẵn rìu búa trong tay, gặp lúc thì giở ra để duy trì nhân tâm thế đạo: những việc như thế khó lòng cho họ bỏ qua đi được. Theo tôi, tôi muốn xí xóa cho ông những điều đó, nhưng tôi biết người ta không chịu xí xoá.

Ông A. Varenne vì muốn sang làm Toàn quyền Đông Pháp bị đảng của ông trừ tên ra mà người Pháp chẳng lấy làm điều, chẳng ai hề chỉ trích ông Varenne về việc ấy. Giá ở vào xã hội Việt Nam thì ít nữa trên báo họ cũng chửi cho mươi lăm bài. Bởi vậy nhiều lúc tôi nghĩ mà lấy làm may cho ông Varenne bao nhiêu thì tôi lại thương hại cho ông Nguyễn Văn Vĩnh và những người như ông bấy nhiêu!

Một người còn có chỗ để cho dư luận ngờ vực như thế thì làm sao ta lại nói đến sự dựng đồng tượng cho người ấy được! Còn chưa kể đến người ấy chẳng có công đức gì vĩ đại đủ trùm trên một xã hội hay một dân tộc.

Ông Nguyễn Văn Vĩnh, cho đi rằng có công đức với xã hội Việt Nam về phương diện văn học, nhưng chưa phải là cái công đức vĩ đại đáng cho chúng ta kỷ niệm đời nọ qua đời kia.

Ông đã hô hào cho người nước ta học quốc ngữ, ông đã khai sơn cho nghề làm báo và cải thiện nghề nhà in xứ ta, ông đã dịch nhiều sách tây ra tiếng mẹ đẻ, ông đã trước hết lập cho tiếng ấy một lối văn giản dị: hết thảy những điều đó khiến chúng ta phải tôn kính ông, tôn kính một cách vừa phải.

Chữ "văn hào" tương đương với chữ "grand écrivain" trong tiếng Pháp thường dùng để xưng nhà văn sáng tác chứ không dùng để xưng nhà văn dịch thuật. Văn ông Vĩnh có tiếng thật ra chỉ về dịch thuật mà thôi, những cái chính tay ông viết ra, không có gì được truyền cả, thế mà gọi là "văn hào" cũng khí quá, huống chi còn đeo thêm chữ "đại" nữa!

Ngoài mấy bản kịch của Molière, ngụ ngôn của La Fontaine, tiểu thuyết của Dumas-fils, của Victor Hugo mà ông Vĩnh dịch ra, ông không có một cuốn sách nào chính tay ông viết ra cả, như thế mà gọi ông là "văn hào", hơn nữa là "đại văn hào", chắc ông không chịu, vì ông sinh tiền là người biết điều lắm, không hay dởm như kẻ khác.

Trong con mắt tôi, ông Nguyễn Văn Vĩnh là một trang hào kiệt, Mạnh Tử có nói: "Đến như kẻ sĩ hào kiệt thì dù không có Văn Vương cũng dấy lên". Trong câu nói ấy thấy người hào kiệt đầy cái khí phách tự lập, đúng như cái khí phách của ông Nguyễn Văn Vĩnh chúng ta.

PHAN KHÔI