Ông Eroshenko, thi nhân mù nước Nga
Ông Vasely Eroshenko là một nhà văn học có tiếng ở nước Nga đời nay. Ông mù mắt mà giỏi nghề làm thơ, nên người ta gọi là "thi nhân mù". Một điều rất lạ, là ông không thấy gì hết thảy, song trong thơ văn ông tả cảnh nào cảnh ấy cũng hệt với tự nhiên, vì vậy ai nấy đều phải phục cái văn tài của ông.
Ông thuở trẻ vốn ở bổn quốc mình, đến lớn lên hay đi du lịch các nước, có ở Anh, Nhựt và Tàu. Vì cái giá trị văn học của ông, ông đến đâu cũng có nhiều người hoan nghinh.
Khi ở Tàu, ông có viết bài đăng trong Tiểu thuyết nguyệt báo, và có ba bài diễn thuyết cho học trò Đại học Bắc Kinh in trong sách Quốc ngữ văn độc bổn. Khi ông ở Nhựt, có một lần diễn thuyết tại "Hội Hiếu Dân", kẻ nghe đến hơn ba ngàn người, hầu hết đều bị cảm động, đến nỗi có người nói rằng: "Đêm nay được nghe ông Eroshenko diễn thuyết, ngày mai dẫu mất cả mọi sự cũng nên!" Vậy thì ông không những giỏi nghề viết mà cũng giỏi nghề nói nữa.
Ông lại thạo tiếng thế giới (Espéranto). Lúc ở Tàu, làm thầy giáo dạy tiếng thế giới tại trường Đại học Bắc Kinh. Năm 1912 tháng 7, ông có đi qua Finlande, dự cuộc Đại hội Tiếng thế giới của vạn quốc lần thứ mười bốn.
Người ta nói rằng vì cái chủ nghĩa của ông không giống nhau với các chánh phủ, nên từng bị ngược đãi nhiều lần, hoặc bởi chánh phủ bổn quốc, hoặc bởi chánh phủ ngoại quốc. Năm 1921, ở Bắc Kinh trở về Nga, khi đi trong Tàu, bị lắm điều đãi ngộ không tốt; lại khi ở Nhựt, chánh phủ nước ấy xử với ông còn tệ hơn. Ông dầu cả đời bị tỏa chiết mặc lòng, tư tưởng vẫn hoạt bát, văn tài vẫn lanh lợi, có kẻ nói là vì ông đui, cái sức mạnh khích thích của những sự chướng tai gai mắt bên ngoài giảm bớt cho ông được nhiều lắm, nên trong óc chẳng những không nhụt đi, mà lại càng thêm sáng suốt.
Cái thân thế của ông, xem bài kể Kể chuyện mình mà chúng tôi dịch đăng sau đây thì biết được ít nhiều.
Văn của ông phần nhiều dùng lối "chuyện trẻ con", ý thì sâu cay mà lời thì thật thà non nớt, rõ ra giọng trẻ nói. Có nhà bình phẩm đã nói ông là "tay thi nhân có tâm tình trẻ con".
Nhơn muốn giới thiệu một nhà văn hào có vẻ khác thường cho người nước ta, nên chúng tôi in tiểu tượng[2] của ông ra trên đây và phụ thêm mấy lời tiểu truyện nầy, dầu rằng không được tường tế cho lắm, song cũng nhơn đó mà biết ông Eroshenko được một ít.
Rồi đây, chúng tôi sẽ chọn mà dịch đôi ba bài văn của ông đăng lên báo[3]; chúng tôi không có nhiều, nhưng mà có chút đỉnh của ngon vật lạ gọi là đem biếu cho bạn đồng háo mà thôi.
C.D.
Chú thích
- ▲ Eroshenko, Vasily Jakovlevich (31.12.1889-23.12.1952): nhà văn Nga, sáng tác bằng tiếng nhật và bằng quốc tế ngữ Esperanto. Quê ở làng Obukhovka tỉnh Belgorod, bị mù từ nhỏ. Theo học một trường dành cho trẻ khiếm thị ở Moskva. Học quốc tế ngữ Esperanto; được hội Esperanto châu Âu giúp, Eroshenko đến London, vào học trường của Hoàng gia Anh dành cho người mù. 1914 đến Tokyo. Sau khi thạo tiếng Nhật, từ 1916 ông công bố các truyện ngắn, tập chuyện kể của mình bằng tiếng Nhật. 1919 được cử đến Vladivostok với tư cách « phái viên bolshevich ». Từ đây ông đi Bắc Kinh, kết thân với Lỗ Tần, giảng về văn học Nga tại Đại học Bắc Kinh. 1923 trở về Nga, sống ở Moskva. Dịch các tác phẩm kinh điển Marx-Lenin sang tiếng Nhật. Sáng tác của Eroshenko mang đậm tính tự thuật (Một trang trong cuộc đời học trò, Tiếng rên của tâm hồn đơn độc,1923, viết bằng Esperanto). Ở các truyện ngắn Ngày bình yên, Con người, Đất nước Cầu Vồng, Mưa đến (viết bằng Esperanto, những năm 1923-27), ông thể hiện ý tưởng về tình thân ái, giúp đỡ lẫn nhau giữa người với người. Ở các truyện ngắn Cái tháp sẽ đổ (viết bằng Esperanto), Chuồng hổ, Trái tim tuyệt vọng, Bờ ao (viết bằng tiếng Nhật), ông lên án thói tham lam, ích kỷ. Các bài thơ và trường ca của ông (Bài hát bên nôi viết bằng Esperanto, Đám mây ráng hồng bằng tiếng Nhật,v.v.) có âm hưởng chống thực dân. Ông thường thể hiện ý tưởng của mình dưới hình thức phúng dụ (Truyện chiếc đèn giấy; Nỗi khổ của cá; Trái tim đại bàng; Giấc mộng đêm xuân…bằng tiếng Nhật; Truyện chiếc lá rụng bằng Esperanto,v.v.)—(theo Danovsky, trong Bách khoa văn học giản lược (chữ Nga) tập 2, Moskva 1964, cột 894-895)
- ▲ Tiểu tượng: hình ảnh; ở đây muốn nói tới bức hình Eroshenko đăng kèm bài này trên Đông Pháp thời báo
- ▲ Trong năm 1928, Đông Pháp thời báo đăng một số tác phẩm của Eroshenko như Kể chuyện mình; Bờ ao do Phan Khôi (ký C.D.) dịch; Sự sầu thảm của lũ cá do Hoàng Tân Dân (ký T.D.) dịch