Ông Cử/Chương 6
Ông Hội-đồng Cao-Xuân-Quỳnh ở Long-Hải về. Bà Hội-đồng tính lấy lòng chơn-chánh mà đối đãi với chồng nên bà tỏ thiệt rằng có chồng trước của bà ở Battambang xuống đặng ký tờ cho phép con gái lấy chồng, hiện ở nhà hàng ngoài Sài Gòn, đàng trai mời quá nên hứa ở luôn tới đám cưới.
Ông Hội-đồng Quỳnh nghe nói như vậy đã không buồn, mà ông tỏ ý muốn ra nhà hàng kiếm làm quen, đặng bữa cưới gặp nhau khỏi bợ-ngợ. Bà Hội-đồng cản, bà nói gặp nhau không ích gì, nên ông Hội-đồng mới nghe lời mà dẹp việc ấy.
Ông Cử ở tại nhà hàng mà chờ ngày cưới, tuy mỗi bữa đều có rể vô phòng thăm, hoặc đem xe hơi rước đi chơi, nhưng mà ông không có làm việc gì hết, nằm trong phòng hoài bắt buồn trí, nên một buỗi sớm mơi kia ông mặc áo dài, bịt khăn đen tử-tế, rồi xách dù đi dạo châu-thành chơi. Ông đi tới 10 giờ, trời nắng nực, ông khát nước, nên ông vào một cái nhà hàng ở đường Kinh-lấp ngồi mà uống la-ve(#1). Ông ngồi tại một cái bàn để sát lề đường đặng đón ngọn gió hứng mát, vừa uống la-ve, vừa nhớ cái thú phong-lưu ngày xưa.
Thình-lình Ba Sang mang một giỏ hàng-hóa cành-cành, đi ngang qua chỗ ông Cử ngồi, anh ta thấy ông thì chưng-hửng, đứng khựng lại mà la: “Ông Cử”. Ông Cử cũng la: “Ba Sang” rồi đứng dậy nắm tay biểu ngồi uống rượu với ông. Ba Sang thấy ông ăn mặc đàng-hoàng, áo bông bạc, khăn đen mới, chơn mang giày Tây, nên anh ta ké-né không dám ngồi.
Hai người đương kéo níu nhau, kẻ ép người từ, kế có xe hơi ông Tấn-sĩ Càng chạy ngang, ông Tấn-sĩ dòm thấy cha vợ, thì lật-đật biểu sớp-phơ ngừng lại. Vì trớn xe chạy mau, sớp-phơ không dám thắng gắt, nên chừng xe ngừng được thì đã khỏi nhà hàng gần 40 thước.
Ông Tấn-sĩ Càng mở cửa leo xuống xe, dặn sớp-phơ đậu đó chờ ông trở lại nhà hàng chào cha vợ rồi sẽ đi. Ông đi dọc theo lề đường, còn đàng xa mà ngó thấy cha vợ kéo một anh mang giỏ ăn mặc dơ-dáy, mà biểu ngồi ngang, anh ấy để cái giỏ một bên, ngồi vỗ vai ông mà nói nới, cười cười như anh em đồng bực. Ông tấn sĩ lấy làm lạ, ông đứng lại mà suy nghĩ nếu mình thấy mà không chào thì sợ thất lễ, còn nếu người ta đang nói chuyện kín mà mình xen vô thì mình không biết điều. Chỗ ông đứng đó cách cái bàn ông Cử ngồi không bao xa, nhưng vì ông Cử ngồi day lưng về phía đó nên ông không thấy rể.
Ba Sang hỏi ông Cử:
- Việc chú gả con đó đã xong chưa?
- Xong rồi. Hổm nay chú vắng mặt, anh em trên chợ mình họ có hỏi chú hôn?
- Họ hỏi dữ quá. Tôi giấu, tôi nói chú về thăm nhà. Chừng nào chú trở về chợ Xã Tài?
- Ðám cưới rồi về.
- Chừng nào làm đám cưới?
- Bữa chúa nhựt tới đây.
- Bữa nay thứ tư rồi, té ra còn có năm bữa nữa. Hèn chi chú diện đồ coi đúng quá. Hổm nay chú ở đâu?
- Chú ở nhà hàng Tây “ Nam-Kỳ Palace ”. Bữa nào cháu rảnh lại đẳng chơi. Chú ở phòng số 2.
- Sướng quá, ở nhà hàng ăn đồ Tây!
- Ly rượu của cháu, bồi nó bưng nãy giờ đây. Cháu uống đi chớ.
- Uống rượu đây say chết.
- La-ve mà say giống gì.
Ba Sang bưng ly rượu ực một hơi cạn rốc, rồi đứng dậy nói rằng:
- Thôi để cháu đi, chớ ngồi lâu rủi có ai quen với chú họ thấy thì kỳ cho chú lắm.
- Nè, bữa nào rảnh hay là tối cháu xuống phòng chú nói chuyện chơi, nghé.
- Thôi, chú. Chú bây giờ sang-trọng, cháu lân-la như vậy coi hèn cho chú quá. Ðể chú bình an mà gả con lấy chồng.
- Chú vì con nên chú phải mang lốt làm hề như vầy chớ chú mà kể gì, nên cháu sợ. Chú coi thiên-hạ như đồ bỏ! Họ đua nhau mà khoe tiền đấu chức, họ có biết nhơn-nghĩa là gì, cháu.
- Phải, thiên-hạ thì họ vậy đó, chớ phải như bọn mình đâu. Cha chả, tôi đỏ mặt muốn say rồi đa. Thôi để tôi đi. Ðám cưới rồi về nghe hôn chú? Chị Năm Tiền chỉ hỏi thăm chú hoài.
Ông Tấn-sĩ Càng đứng núp mấy chậu kiểng, ông nghe hai người nói chuyện, tiếng đặng tiếng mất, song lúc sau hai người nói lớn nên ông nghe rõ hết. Ông núp đó là có ý chờ Ba Sang đi rồi ông sẽ bước tới chào cha vợ. Chừng ông nghe mấy câu chuyện thì ông lấy làm kỳ, tại sao cha vợ mình ở trên Battambang mà lại quen với người như vậy, tại sao ổng vì con nên mang lốt làm hề, tại sao Ba Sang nói chuyện với ổng mà lại sợ người quen ngó thấy?
Ông Tấn-sĩ đương đứng suy nghĩ thì Ba Sang tư-giã ông Cử rồi mang giỏ bước ra, đi ngang trước mặt. Ông Tấn-sĩ không vô chào cha vợ, lại theo Ba Sang, tính hỏi cho hết việc nhà của cha vợ chơi.
Tới ngã tư, Ba Sang quẹo qua đường khác, ông Tấn-sĩ kêu đứng lại mà hỏi rằng:
- Nè anh, hồi nãy tôi thấy anh ngồi đằng nhà hàng mà uống rượu nó chuyện với ông bận áo thêu bông bạc tốt quá, ông đó là ai vậy anh?
- Thầy hỏi chi vậy? Thầy ở sở Mật-Thám hả?
- Không mà. Tôi có một người bà con, tôi không gặp đã hơn mười năm rồi. Tôi thấy ông nầy giống người bà con của tôi quá, song tôi không biết phải hay không, nên tôi hỏi thăm vậy mà.
Ba Sang có tánh dè-dặt, nhưng bị một ly lớn la-ve cháng-váng, không còn kể gì nữa, bởi vậy nghe hỏi thì anh ta liền đáp rằng:
- Ông đó là ông Cử, chú của tôi đa.
- Chú ruột hay là chú cách nào?
- Không mà. Tụi tôi ở chung một căn phố mấy năm nay. Ổng lớn tuổi hơn tôi nhiều, nên tôi kêu bằng chú. Tuy không bà con song tôi thương ổng hơn chú ruột tôi nữa.
- Phố ổng ở đâu? Xin anh làm ơn chỉ giùm đặng tôi kiếm tôi thăm ổng. Phải rồi, ông Cử đó là người bà con của tôi đa.
- Ở trên chợ Xã Tài.
- Chợ Xã Tài chỗ nào?
- Trời ơi, ở Sài Gòn mà không biết chợ Xã Tài? Phú-Nhuận đó.
- Ở Phú-Nhuận thì tôi biết. Cha chả, mà lên đó nhà nhiều rồi biết căn nào mà kiếm. Tôi muốn cậy anh làm ơn dắt tôi tới chỗ mà chỉ căn nhà cho tôi biết đặng bữa nào tôi lên thăm khỏi thất công hỏi người ta.
- Tôi mắc đi bán.
- Không hại gì. Tôi bồi thường sự thất công của anh, tôi bồi thường xứng đáng. Tôi có xe hơi chạy một chút chớ gì.
- Thầy có xe hơi hay sao?
- Có.
- Vậy thì được.
- Anh đứng đây chờ tôi kêu xe lại rước.
Ông Tấn-sĩ bước lại ngã tư, ngoắt sớp-phơ đem xe lại rồi biểu Ba Sang để giỏ lên xe và leo lên ngồi phía sau với ông. Ông biểu sớp-phơ chạy lên Phú-Nhuận rồi day lại hỏi Ba Sang rằng:
- Anh nói anh ở chung một căn nhà với ông Cử phải hôn?
- Phải. Nè, mà tôi nói lén cho thầy biết thầy đừng nói lại với ai. Tụi tôi kêu ổng bằng ông Cử quen miệng, chớ thiệt ổng là một ông Cai-Tổng cựu dưới Mỹ-tho. Tôi mới hay mấy bữa nay, chớ bảy tám năm nay ổng giấu lắm, có ai biết đâu.
- Ổng ở Phú-Nhuận tới bảy tám năm nay lận sao?
- Chớ sao.
- Ở làm giống gì đó?
- Làm thợ sơn. Tôi mới hay ổng là cựu Cai-Tổng Tâm.
- Làm thợ sơn sao bận đồ tốt dữ vậy?
- Sửa soạn gả con gái lấy chồng. Ổng không chịu, ổng giận bả. Có người con gái lên khóc quá, nên ổng mới chịu đó.
- Thuở nay con gái ổng tới thăm thường hay không?
- Có đâu. Mới lần thứ nhứt bữa hổm rồi dắt ổng đi đó.
- Anh có biết hồi trước ổng làm Cai-Tổng mà sao ổng bỏ đi làm thợ sơn hay không?
- Việc đó tôi không hiểu. Ổng giấu không chịu nói, nên có ai biết đâu. Hôm lên kiếm ổng đây có anh đó kêu là anh Biện, hồi trước làm Biện Tổng cho ổng có lẽ ảnh biết.
- Còn anh tên gì?
- Tôi tên Ba Sang.
- Anh ở chung với ông Cử mấy năm nay mà anh thương ổng hay không?
- Thầy hỏi kỳ quá. Không thương thì ở chung sao được. Mà chẳng những là tôi, thầy hỏi thử hết thảy thiên-hạ ở chợ Xã Tài coi có người nào mà không thương ông Cử. Thương mà kính phục nữa chớ.
- Tại sao vậy?
- Ổng đúng-đán lắm mà. Ổng ở tử-tế với mọi người hết thảy, ai có chuyện gì ổng cũng chỉ bảo, binh-vực, giúp đỡ hết. Tụi tôi trọng ổng như cha vậy.
- Anh mới nói người Biện nào hôm trước kiếm ổng đó, phải Biện Hưỡn hay không?
- Phải a. Hôm trước tôi nghe kêu tên đó. Sao thầy biết?
- Tôi bà con với ông Cai-Tổng đó, sao lại không biết. Tại tôi lâu gặp ổng quá, nên tôi nghi tôi mới hỏi anh chớ.
Xe chạy qua khỏi chợ Xã Tài, Ba Sang kêu sớp-phơ biểu ngừng lại. Ba Sang chỉ một căn nhà lá mà nói: “Tôi với ông Cử ở đây”. Ông Tấn-sĩ xem cùng sau trước rồi hỏi rằng: “Tôi biết rồi. Bây giờ anh Ba muốn ở luôn trên nầy hay là trở xuống Sài Gòn? Ba Sang đáp: “Tôi xuống Sài Gòn đặng bán đồ chớ. Từ sớm mơi tới giờ mới bán được có một cái bàn chải răng, ở nhà rồi tiền đâu mà ăn cơm”.
Ông Tấn-sĩ cười rồi biểu Ba Sang lên xe trở xuống Sài Gòn. Ba Sang nói muốn đi Chợ Ðũi mà bán; ông Tấn-sĩ biểu sớp-phơ chạy lên Chợ Ðũi. Chừng xe ngừng, Ba Sang leo xuống, ông Tấn-sĩ móc bốp-phơi ra lấy một tấm giấy bạc 20 đưa cho Ba Sang mà nói rằng: “Tôi nhờ anh Ba nên tôi mới biết được chỗ ở của bà con. Vậy xin anh Ba vui lòng lấy vài chục đồng bạc nầy mà xài, ấy là tiền tôi bồi-thường thất công cho anh đó. Bây giờ chúng ta quen với nhau rồi, vậy có ngày chúng ta còn gặp nhau nữa, mà chừng gặp nữa, chắc chúng ta vui lắm”.
Ba Sang thấy tấm giấy bạc 20 đồng thì chưng-hửng, đứng ngẩn-ngơ rồi nói rằng: “Tôi có làm gì đâu mà thầy cho tiền nhiều dữ vậy? Không được. Tuy tôi nghèo chớ tôi không ham tiền như vậy đâu. Chác là thầy muốn mưu việc chi đây, nên thầy muốn mua lòng tôi chớ gì?”.
Ông Tấn-sĩ cười và lắc đầu đáp rằng: “Không phải vậy đâu. Xin anh Ba đừng nghi. Tôi có bụng xấu Trời Ðất giết tôi đi. Tôi thấy anh nghèo tôi thương, nên tôi giúp anh chút đỉnh làm vốn mà buôn-bán chớ“.
Ba Sang đứng ngẫm-nghĩ rồi nói: „Thầy thề thì tôi tin. Song lấy tiền như vậy không được. Thầy bà con với ông Cử, chớ phải xa lạ gì hay sao. Cám ơn thầy, thôi để tôi đi bán“. Anh ta mang cái giỏ đồ lên vai mà đi.
Ông Tấn-sĩ đứng ngó theo rồi kêu mà nói:
- Anh Ba, tôi cho tiền anh không chịu lấy, thôi anh bán vật gì đó đem lại đây cho tôi mua.
- Á, như thầy mua đồ thì tôi bán.
- Anh bán giống gì đâu anh tính giá hết thảy đi. Tôi mua hết, mua luôn cái giỏ nữa.
- Mua hết hay sao?
- Ừ, mua hết. Mua luôn cái giỏ, chớ không thì lấy gì mà đựng.
Ba Sang ngó ông Tấn-sĩ mà cười rồi ngồi dựa bên đường sắp ra từ món tính tiền. Anh ta tính một hồi lâu rồi nói: „Hết thảy là bảy đồng rưỡi, tính về cái giỏ nữa“.
Ông Tấn-sĩ móc túi lấy 8 đồng bạc mà đưa cho Ba Sang, biểu sớp-phơ bưng giỏ lên xe, rồi từ giả Ba Sang mà đi. Ba Sang ngó theo xe mà cười, rồi trở về Phú-Nhuận, đi dọc đường suy nghĩ hoài, không biết thầy cho mình tiền đó là ai.
Chiều bữa đó anh ta lại quán chị Năm Tiền mà ăn cơm, gặp anh em đủ mặt hết. Chị Năm Tiền thấy Ba Sang thì hỏi ông Cử đi đâu hổm nay, phải ông về gả con lấy chồng hay không. Anh em ai nấy cũng xúm lại hỏi gả con cho ai, gả về đâu, chừng nào làm đám cưới.
Ba Sang lập nghiêm mà nói rằng: „Hồi sớm mơi nầy tôi mới nghe chắc sự đó. Ông Cử gả con gái cho một người đúng-đắn, song tôi không biết tên gì, ở đâu. Bữa chúa-nhựt tới đây thì làm đám cưới. Từ hồi sớm mơi tới giờ tôi ngẫm-nghĩ hoài; mấy năm nay ông Cử ở với tụi mình, ông tử-tế lắm. Nay ông gả con lấy chồng, tụi mình tính sao, chớ lặng thinh coi sao được. Anh em tính sao bây giờ ?“.
Chị Năm Tiền nói rằng: „Mình hùn tiền rồi mua lễ-vật đi cho ổng. Ngặt bây giờ có biết ổng ở đâu mà đi mừng?“.
Ba Sang nói: „Tôi biết chỗ. Ổng ở dưới Bến-Thành. Chị nói phải, đám cưới thì mình mua lễ-vật đi mừng, mà sợ hùn số tiền không được bao nhiêu, rồi mua đồ không xứng-đáng chớ“. Ai nấy nói miễn có lễ mừng thì thôi, đồ tốt hay xấu không ai trách; nói cho cùng mà nghe, nếu số tiền không đủ mua đồ, thì đi tiền cũng được.
Ba Sang móc túi lấy 5 cắc bạc đưa cho chị Năm Tiền mà hùn. Những người ăn uống trong quán, người 3 cắc, kẻ 5 cắc ai nấy cũng đều vui lòng hùn hết thảy. Mới một lát mà chị Nam Tiền góp được 9 đồng. Chị nói để buổi chợ mai chị nói cho chị em bạn hàng hay, ai hùn bao nhiêu, chị góp thêm rồi chiều mai sẽ hội lại coi số tiền được bao nhiêu và phải mua vật gì.
Tối bữa sau, anh em tụ lại quán chị Năm Tiền đem tiền ra tính, thì số hùn cọng được 22 đồng, trong ấy có có một đồng về phần của chị ta. Ba Sang mừng quá, anh ta nói hồi chiều anh ta đi đường Catinat, thấy nhà hàng có để một cặp bình bông bằng đồng, biên giá 22 đồng, có cắm bông sẵn, coi tốt và khéo lắm, vậy anh ta khuyên hãy mua cặp bình bông đó mà đi lễ mừng. Cãi với nhau một hồi rồi nhứt-định chiều mai phái Ba Sang với hai người nữa đi xuống Sài Gòn coi lại như được thì mua rồi đem luôn cho ông Cử.
Chiều bữa sau, Ba Sang đứng trước nhà hàng mà chờ. Một lát có chị Năm Tiền với Hai Cao xuống tới, ba người coi cặp bình bông, đồng cho là đẹp, nên vô mua liền. Chủ nhà hàng hỏi muốn chạm tên vào hay không. Chị Năm Tiền nói hơn 50 người hùn tiền, và hỏi chạm hết tên được hay không. Chủ nhà hàng nói chạm một tên mà thôi, chớ chạm nhiều quá coi không tốt. Ba người bàn tính với nhau rồi, nhứt định chạm như vầy: „Ba Sang và nội bọn đồng cung-hạ“.
Chạm chữ, trả tiền xong rồi, ba người mới ôm hai cái bình bông dắt nhau đi lại „Nam-Kỳ Palace“. Hỏi thăm lên tới phòng số 2, Ba Sang gặp Biện Hưỡn thì mừng-rỡ hỏi thăm ông Cử, mới hay rể ông đem xe hơi lại rước ông đi chơi và ăn cơm tối trên Thủ-Ðức. Ba Sang liệu chờ không được, nên giao hai bình bông cho Biện Hưỡn, mượn đưa giùm lại cho ông Cử và dặn nói của anh em đi lễ mừng cho ông.
Thiệt buổi chiều đó ông Tấn-sĩ Càng đem xe hơi lại mời cha vợ đi chơi rồi ăn cơm luôn trên Xuân-Trường đến 10 giờ tối mới về. Ông Tấn-sĩ thủ lễ, nên ông đưa cha vợ lên tới phòng. Khi bước vô, ông Cử thấy cặp bình bông để song-song trên bàn chỗ tiếp khách, ông lấy làm lạ, liền hỏi của ai. Biện Hưỡn thấy có ông Tấn-sĩ, bèn nói trớ rằng: „Có một người đem lại nói của anh em trên Nam-Vang gởi xuống đi hạ ngài“.
Ông Cử cầm một bình mà coi, thấy có chạm một hàng chữ thì ông biến sắc.
Ông Tấn-sĩ cũng cầm lên coi, thấy mấy chữ chạm đó, ông ngó Biện Hưỡn chúm-chím cười và nói: „Hai bình bông tốt quá. Ðám cưới mà đi đủ cặp như vầy mới đúng lễ An-Nam. Con muốn xin cha cặp bình bông nầy, con đem về để trong phòng của con, đặng bữa cưới, lúc nhập phòng, vợ chồng con thấy dấu-tích của cha. Ông Cử không biết nói sao cho xuôi, túng quá, ông phải gặc đầu, để cho rể ôm cặp bình bông mà về.
Chừng ông Tấn-sĩ đi rồi, ông Cử mới cười mà nói với Biện Hưỡn: „Em lẹ trí thiệt, giỏi đa! Chớ phải em nói thiệt thì bể chuyện hết còn gì“.
Biện Hưỡn cười rồi đóng cửa phòng sửa soạn ngủ.
Ngày cưới đã đến. Ðúng 3 giờ chiều, ông Tấn-sĩ Càng cho một cái xe hơi xuống tại „Nam-Kỳ Palace“ chực sẵn đặng 4 giờ rước cha vợ lên dinh Ðốc-lý Thành-phố mà làm chứng lễ lập hôn-thú.
Gần tới giờ, ông Cử mặc y-phục đàng-hoàng rồi kêu Biện Hưỡn mà nói rằng: „Vì qua đã có hứa với ông Hội-đồng Quản-hạt và hứa với rể qua, nên lập hôn-thú rồi qua phải đi theo hai họ lên nhà ông Hội-đồng mà dự tiệc. Qua nói trước cho em biết, hễ mãn tiệc rồi thì qua trở về đây liền. Vậy em phải chờ qua đặng em lấy áo quần đồ-đạc của con Minh-Nguyệt sắm cho qua đó mà trả lại cho mẹ con nó. Hễ về tới đây thì qua trả đồ mà về chợ Xã Tài liền, chớ qua không ở nữa đâu“.
Ông dặn rồi mới lên xe đi lên dinh Ðốc-lý Thành-phố.
Hồi 2 giờ chiều, họ đàng trai đã vô Lò Gốm trình lễ cưới dâu, ở uống rượu tới gần 4 giờ mới hiệp với họ đàng gái mà đưa dâu rể ra Xã Tây Sài Gòn. Ông Cử đã đón sẵn trước cửa nên nhập vô mà chứng lễ lập hôn-thú. Ông thấy vợ ông đi với một người đàn-ông mặc một bộ đồ Tây bằng nỉ đen mới tinh, vóc lùn, bụng lớn, có mang cặp mắt kiếng đồi-mồi, tướng đi phục-phịch, tóc hớt trọc-lóc, ông nghi người ấy là Cao-Xuân-Quỳnh, nên ông kiếm thế đứng xa, không muốn lại gần.
Lể lập hôn-thú xong rồi, ai lên xe nấy, kế xe chạy nói đuôi nhau mà lên nhà Thái Duy Cư. Nhà chưng dọn trong ngoài đều rực-rỡ. Khi dâu rể bước vô thì một bên nhạc Tây, một bên thì tài-tử An-Nam, đồng đánh lên chào mừng. Làm lễ từ-đường(#2) xong rồi, ông Hội-đồng mời ông Cử, là suôi gái, ngồi ngang với ông mà uống rượu còn hai họ thì xen nhau mà ngồi các bàn. Trong nhà chủ khách vui cười, ngoài trước nhạc đua nhau mà đánh, nhạc Tây dứt rồi, thì đờn tài-tử tiếp hòa, lại có ba cô ca-nhi có danh thay phiên nhau mà ca, giọng nghe lảnh-lót.
Lúc chạng-vạng gần tới, ông Cử bước ra sân mà đứng hứng mát. Tình-cờ có một cô ca-nhi lại gần cúi đầu chào ông. Ông coi lại thì cô Sáu Hảo, đào nhứt trong gánh cải-lương „Sắc-Thinh“, người tình cũ của ông hồi ông làm Cai-Tổng. Ông còn đương bợ-ngợ, thì cô Sáu Hảo đã nói:
- Mấy năm nay tôi hỏi dọ cùng hết mà không ai biết ông ở đâu. Bây giờ ông ở đâu xin ông cho tôi biết với?
- Tôi ở trên Battambang.
- Cô dâu đó là con gái ông phải hôn?
- Phải.
- Ông xuống làm đám cưới rồi chừng nào ông về trển?
- Ðám cưới rồi tôi về liền.
- Xuống đây ông ở nhà ai?
- Tôi ở nhà hàng. Cô hỏi chi vậy?
- Tôi có một tâm-sự cần phải tỏ với ông. Ông ở nhà hàng nào?
- Nam-Kỳ Palace.
- Phòng số mấy?
- Số 2.
- Tôi xin ông cho phép tôi đến thăm ông đặng nói chuyện riêng một chút.
- Thôi, thăm viếng mà làm gì?
- Việc cần lắm, xin ông vui lòng.
- Có hai ba người khách đi lại gần, ông Cử liệu nói dai không tiện, nên ông ừ bướng rồi trở vô nhà, kế ông Hội-đồng Cư mời nhập tiệc.
Gần 10 giờ tối tiệc mới mãn. Họ đàng gái từ-giã ra về. Nhơn cơ hội ấy, ông Cử cũng từ luôn ông Hội-đồng Cư và con rể đặng ra nhà hàng mà nghỉ rồi khuya đi xe đò về Nam-vang. Ông Tấn-sĩ Càng và cô Minh-Nguyệt xin đưa ông qua nhà hàng, ông Cử không cho, ông nói: „Khách-khứa còn đông. Hai con phải ở nhà mà đãi khách, bỏ người ta mà đi như vậy thì thất lễ. Thôi, hai con ở lại mạnh-giỏi, cha ra nhà hàng mà nghỉ rồi khuya cha về luôn. Cha khuyên hai con hãy vui-vẻ hòa-thuận với nhau, hãy quên hết cái khổ trong cõi trần nầy, hãy tìm một mục-đích cao-thượng mà làm chủ-hướng, nắm tay nhau mà bước tới trong đường đời, đừng buồn-rầu, đùng nhút-nhát, dầu thấy cái khổ cũng đừng ngã lòng thối chí“.
Cô Minh-Nguyệt với ông Tấn-sĩ Càng đều cảm-động, không nói được tiếng chi hết, chỉ lấy khăn lau nước mắt.
Ông Cử lên xe mà đi, xe chạy rồi ông cũng rơi lụy. Về tới nhà hàng thì Biện Hưỡn đi coi đám cưới chưa về. Ông cổi hết y-phục của con sắm đó ra, ông bận bộ đồ vải của ông thuở nay vô, rồi ngồi chờ Biện Hưỡn đặng giao đồ đạc mà về. Cách chẳng bao lâu có tiếng gõ cửa phòng. Ông mang guốc ra mở cửa thì thấy cô Sáu Hảo.
Cô Sáu Hảo năm nay đã 35 tuổi rồi mà sắc cô còn xinh-đẹp, cô trang-điểm sơ-sài mà coi rất hữu duyên. Cô bước vô, kéo ghế ngồi, tay chống trên bàn, mắt nhìn ông Cử, mặt buồn hiu. Ông Cử ngồi ngang cô rồi hỏi rằng: „Cô kiếm tôi đặng nói chuyện gì?“. Cô thở dài, chưa kịp trả lời, thì Biện Hưỡn ở ngoài bước vô. Anh ta thấy cô Sáu Hảo thì vội muốn tháo trở ra. Ông Cử kêu mà nói rằng: „Vô đây em, Biện. Vô ngồi chơi đợi qua một chút“.
Cô Sáu Hải hỏi ông:
- Anh nầy là Biện của ông hồi trước, phải hôn?
- Phải. Cô có việc gì thì cứ nói đi, không sao đâu. Nó là em út của tôi.
- Tôi là một con lưu-lạc, hồi nhỏ cha khuất sớm, mẹ nghèo-nàn, nên phải học nghề ca hát đặng kiếm nuôi thân. Lúc nọ may tôi gặp ông đem lòng chiếu-cố, ông cho phép tôi hầu-hạ mấy tháng. Trong cái đời của tôi, duy có lúc ấy là lúc tôi vui-vẻ hơn hết, vì tôi thấy rõ ông có tình thương tôi mà tôi cũng biết chắc tôi phục cái tánh quân-tử của ông lắm. Chuyện đã xưa rồi, bây giờ tôi tỏ thiệt, tưởng chẳng hại gì. Trong lúc ấy tôi chẳng có giây phút nào mà dám mơ-ước làm bé mọn chi hết, chỉ vái thầm tôi được gần-gũi ông cho phỉ tình vậy thôi. Chẳng dè hạnh-phúc là cái ngòi hoạn-họa, sum-hiệp là cái ngòi phân-ly, ông thương tôi chẳng được bao lâu rồi ông lại bỏ tôi. Tôi nói thiệt, ban đầu tôi tức, tôi phiền ông lắm. Té ra cách ít ngày tôi nghe việc nhà ông bối-rối, vợ con ly-dị, nhà cửa tan-hoang, ông bỏ hết tước quyền rồi ông đi đâu mất. Ðến chừng ấy tôi mới suy-nghĩ lại, có phải tại tôi mà gia-đình ông tan-rả, sự-nghiệp ông tan-tành hay không? Nếu tại tôi thì cái tội của tôi lớn lắm. Tôi buồn hết sức, muốn kiếm ông mà không biết ông ở đâu, hỏi thăm cũng không có một người nào biết. Tôi xét lại, trong mấy tháng ông gần tôi, ông chẳng hề tính việc trăm năm bao giờ, mà cũng không mê-sa bỏ nhà, bỏ cửa, nên vợ ghen mà xin để bỏ. Còn việc tiền bạc thì lúc ấy ông cho tôi trước sau chừng lối một ngàn đồng, ông ăn xài với tôi, sắm đồ, dắt đi chơi, tính chừng một ngàn nữa, ông tốn hao với tôi chừng hai ngàn đồng bạc là nhiều, nghĩ không đến nỗi tán gia bại sản. Tuy tôi nghĩ như vậy mà tôi cũng buồn hoài, thường vái Trời gặp mặt ông đặng tôi hỏi coi có phải tại tôi mà ông mang hoạn-họa hay không?
- Cô nói nãy giờ đó thì thì tôi đủ thấy cô là một khách giang-hồ song cô đối với tôi có thâm-tình, mà cô lại đủ nhơn-nghĩa nữa. Vì cô tỏ thiệt với tôi nên tôi cũng lấy sự thiệt mà đáp lại. Chẳng phải tại cô hay tại ai mà tôi hư nhà hại cửa, xa vợ lìa con. Tôi đã kinh-nghiệm cuộc đời nhiều, tôi thấy rõ cuộc đời nên hư đều do Trời định, chớ không ai có tài gì mà làm được. Xin cô hãy an lòng, cô đừng buồn lo cho phận tôi. Cuộc đời là đám hát, phú-quí như phù-vân. Có cũng vậy, không cũng vậy, còn cũng vậy, mất cũng vậy, theo tôi thì không nghĩa gì hết.
- Ông hết sự-nghiệp rồi, từ hồi đó tới giờ ông làm việc gì ở đâu? Ông lên ở trên Battambang chi vậy?
Ông Cử lặng thinh suy-nghĩ một hồi lâu rồi đáp rằng:
- Tôi dối với thiên-hạ chớ không lẽ dối với cô. Mấy năm nay tôi ở Sài Gòn đây, làm nghề thợ sơn mà nuôi thân, chớ không có ở Battambang lần nào hết.
Cô Sáu Hảo chưng-hửng, ngó mặt mày, quần áo ông rồi hỏi rằng:
- Thiệt vậy hay sao?
- Thiệt như vậy.
- Vậy sao đàng trai, coi bộ sang trọng lắm, mà hồi nãy họ kính-trọng ông dữ vậy?
- Tại đời giả-dối, tôi phải làm giả-dối chớ sao. Mà cũng tại tôi thương con, nên cực chẳng đã tôi mới phải mang lốt mà làm hề cho xuôi việc đó.
- Nếu vậy thì mấy năm nay ông nghèo-khổ lắm hay sao?
- Nghèo thì thiệt nghèo, nhưng mà khổ thì không khổ chi lắm.
- Bây giờ ra thân làm thợ sơn!!... Ông nói nghe đứt ruột.
Cô Sáu Hảo ứa nước mắt, cô lấy khăn mà lau rồi nói rằng:
- Tôi không dè thân ông cực-khổ đến thế. Nếu tôi hay, thì tôi có để như vậy đâu… Thiệt Trời Phật không công bình.
- Không nên trách Trời Phật. Trời Phật công-bình lắm. Có lẽ kiếp trước tôi có vay sao đó, nên kiếp nầy tôi phải trả sao đó a cô. Mà nay tôi coi dường như nợ trần tôi đã trả xong rồi, nên trong trí tôi thơ-thới lắm, tôi không phiền-não, không giận hờn chi nữa hết.
Cô Sáu Hảo suy nghĩ một hồi rất lâu rồi nói nữa rằng:
- Tôi muốn tỏ với ông một việc, không biết ông có bằng lòng hay không?
- Cô muốn tỏ việc chi?
- Tôi xin thưa thiệt với ông, lúc tôi gần-gũi ông đó, ông thương ông cho tiền bạc, tôi có mua một miếng vườn gần 8 công đặng cho bà già tôi ở. Mấy năm nay bà già tôi ở nhờ huê-lợi trong vườn nên được no ấm, tôi không phải lo nữa. Miếng vườn ấy ở về làng Thiền-Ðức, cách chợ Vĩnh-Long chừng vài ngàn thước. Mỗi lần tôi về thì tôi thường nói với bà già tôi cái vườn ấy là vườn của ông. Ngày nay ông nghèo rồi, vậy tôi xin trả miếng vườn ấy lại cho ông. Tôi xin ông hãy về đó mà ở; huê-lợi mỗi năm được ba bốn trăm đồng bạc, có lẽ đủ cho ông xây-xài. Nếu ông bằng lòng thì tôi cũng thôi cái nghề ca-xướng hèn-hạ, tôi về đó ở mà hầu-hạ ông và nuôi bà già tôi luôn thể. Hiện bây giờ bà già tôi ở một cái nhà lá nhỏ lôi-thôi, ông về đó ở coi không được. Tôi nói thiệt, tôi có vốn-liếng chút-đỉnh. Nếu ông chịu về đó thì tôi sẽ cất một cái nhà nhỏ ba căn-xông, cột cây, vách ván, lót gạch, lợp ngói, bây giờ chừng năm sáu trăm đồng bạc thì cất được. Nếu ông bằng lòng thì tôi làm liền.
- Cô thương tôi, cô tính như vậy thì tôi cảm tình cô lung lắm. Nhưng mà tôi chịu vậy sao được.
- Tôi biết ông ái-ngại, ông sợ thiên-hạ chê cười. Ôi, đời nầy lo chi tiếng thị-phi. Thiên-hạ họ làm nhiều điều bất nghĩa, họ làm nhiều việc nhục-nhã bằng trời, mà họ vinh mặt vinh mày, có ai chê cười gì đâu. Thiên-hạ họ biết phải quấy là gì, mà mình kể họ. Miễn ông biết bụng tôi, tôi biết bụng ông, mình yêu nhau, mình trọng nhau là đủ. Mình về đó, lo sửa-soạn miếng vườn, trồng cây, nuôi cá, bồi liếp, đào mương, xa lánh thói phong-trần, vui-vẻ cùng trăng gió, mỗi bữa tôi lo cơm nước cho ông dùng, khi buồn tôi ca ngâm cho ông nghe, dẫu hẩm-hút mà mình vui với nhau, tôi nhắm thiên-đàng cũng không hơn cái cảnh ấy được.
- Cô nói mấy lời tôi nghe thiệt tôi cảm hết sức. Tôi cảm vì tôi thấy rõ cô có tình với tôi nhiều, mà cái tình ấy trong sạch, cao-thượng, khác hơn tình của thiên-hạ. Nếu cách 10 năm trước mà cô nói với tôi như vậy thì có lẽ tôi chịu liền. Ngặt vì bây giờ tôi đã chán-ngán việc đời, cái chí của tôi đã khô, cái tình của tôi đã cạn, tôi chẳng còn biết chi là ngọt bùi, tôi chỉ muốn đi tu mà thôi, chớ không muốn biết tới việc thế-gian nữa, bởi vậy tôi gần cô thì cũng như một cục đá, đã không làm vui cho cô được, mà sợ e làm buồn cho cô, chớ không ích gì.
- Như ông muốn tu thì về đó rồi tôi tu với ông.
- Không được. Tôi sẽ kiếm một chỗ thâm-sơn cùng-cốc đặng ở một mình mà thôi.
Cô Sáu Hảo khóc và nói:
- Tôi thương ông tuy phân-tách nhau 10 năm nay, song chẳng có giây phút nào mà tôi quên ông. Tôi không dè ông không thương tôi chút nào hết!
Ông Cử châu mày ngó cô mà đáp rằng:
- Tôi muốn dứt nợ trần. Cô thương tôi thì cô giúp cho tôi thoát khỏi vòng gió bụi mới phải, chớ sao cô thương mà cô muốn níu tôi lại?
Cô Sáu Hảo lắc đầu, thở ra, rồi đứng dậy nói rằng:
- Trót 10 năm nay, tôi mong gặp ông đặng xin hiệp với ông mà gây một cuộc gia-thất, trước là chuộc cái tội tôi làm rời-rã gia đình của ông, sau nữa tôi thoát cái vòng lưu-lạc; chẳng dè tôi vô duyên quá, nên sự mơ ước của tôi không thành. Tôi xin ông một điều cuối cùng: ông hãy suy nghĩ lại, mùi đời cũng nên chán, mà có chỗ cũng đáng hưởng lắm. Chẳng phải tôi cám-dỗ ông, song tôi tỏ thiệt với ông, dầu đến chừng nào tôi vẫn còn thương, còn trọng ông hoài, và vẫn sẵn lòng lo cho ông hưởng hạnh-phúc về gia-đình như thiên-hạ. Vậy ngày nào ông muốn nếm thử hạnh-phúc thì ông cứ lên làng Thiền-đức, hạt Vỉnh-long mà kiếm tôi, vì tôi được gặp ông rồi, nên tôi nhất định thôi hát nữa, tôi trở về cái vườn của ông cho tôi đó, mà lo nuôi dưỡng mẹ già, và sắp đặt cái cảnh cho xứng đáng để chờ ngày rước ông”.
Cô Sáu lau nước mắt rồi từ biệt mà xuống lầu. Cô đi rồi, ông Cử rưng rưng nước mắt mà nói với Biện Huợn rằng: “Em thấy hay không, em Biện? Bọn ca-nhi mà cũng có tình, có nghĩa … Còn người khác mà sao … Ối thôi, khen người ta mà làm chi, phiền người ta mà làm chi! Tình giả-dối, nợ trần nặng-nề, mình còn vương-vấn làm gì! Qua đã xét kỹ rồi, phải lo cho qua khỏi cái biển khổ là hay hơn”.
Ông Cử bèn giao áo quần đồ đạc cho Biện Hưỡn, số bạc của cô Minh-Nguyệt đưa cho ông hôm nọ ông cũng giao lại hết, dặn Biện Hưỡn lập thế trả lại cho cô Minh-Nguyệt, rồi ông trở về chợ Xã Tài nội đêm đó.
Sáng bữa sau, ông Cử đi làm thợ sơn lại như cũ. Chiều ông về quán chị Nam Tiền mà ăn cơm; ông gặp anh em trong chợ, ông tỏ lời cám ơn cái thạnh-tình của anh em, tuy nghèo mà cũng rán hùn mua bình bông mừng cho ông gả con lấy chồng. Có người hay đám cưới của cô Minh-Nguyệt long trọng, hay chồng của cô Minh-Nguyệt là bực giàu sang, nên chắc nay mai đây ông Cử sẽ về ở với rể con mà hưởng sung-sướng. Ông Cử nghe nói như vậy thì cười mà đáp rằng: “Anh em lầm rồi. Tôi chẳng có tính như vậy bao giờ. Thiệt chắc ít bữa nữa tôi không ở đây nữa. Mà tôi đi là đi lên núi kiếm chỗ ở cho thanh-tịnh mà tu-hành, chớ không phải đi ở với rể con nào hết”.
Ai nấy nghe ông tính đi tu đều buồn. Ba Sang buồn nhiều hơn hết, nên nói rằng: “Chú đành bỏ tôi mà đi hay sao? Thuở nay chú ở đây, anh em lớn nhỏ thảy đều nhờ cậy. Chú cũng như cha mẹ của chúng tôi hết thảy. Anh em chúng tôi có dám làm điều chi mích lòng chú đâu, mà chú phiền nên tính đi tu. Huống chi bây giờ chú gặp lại con lại có rể, coi bộ rể con đều trọng chú quá, nếu chú đi tu, rể con buồn chú. Anh em chúng tôi muốn thà chú bỏ anh em chúng tôi thì về ở với rể con, chú đừng có bày đi tu. Tu làm chi? Mấy ông thầy chùa cạo đầu tụng kinh đến già mà rồi có thành Tiên thành Phật gì đâu. Xin chú đừng có tính việc đó”.
Ông Cử dòm thấy khách cả quán đều tỏ dấu mến ông, nên ông thở ra mà đi về.
Trong mấy bữa sau ông Cử dụ-dự, chưa quyết-định nên cũng vô sở mà làm như thường, ông thầm tính để Hưỡn việc đi tu lại một ít lâu, đặng dọ coi thiệt tình đã thành-tâm lánh trần tìm đạo hay không.
Chú thích
sửa(1-) bia
(2-) tổ tiên