Ít nhiều "lãng mạn"  (1942) 
của Phan Khôi

Bài đăng trên Dân báo, Sài Gòn, số Tết nhâm ngọ 1942

Tôi toan viết ra những chuyện dưới đây mà lấy làm lúng túng về cái đầu đề. Nhân nhớ lại khoảng năm 1932 ở Sài Gòn, một hôm vào lúc chín giờ tối, tôi đến một khách sạn tây ở đường phố Catinat thăm một ông bạn cũ ở Bắc mới vào, bắt tay nhau, ông ấy nhìn tôi, vừa cười vừa nói cùng tôi bằng cái giọng đùa bỡn thân mật rằng: “A, huynh ông! Biệt nhau thế mà đã sáu, bảy năm rồi! Xem ra huynh ông không được đẫy bằng hồi ở Hà Nội. Thảo nào người ta nói “ngài” ở đây sanh hoạt một cách lãng mạn lắm thì phải!”

Với câu ấy, bấy giờ tôi cũng cười xề xề như chẳng quan tâm đến rồi bắt sang chuyện khác; nhưng khi về đến nhà, nằm một mình, tôi đâm ra nghĩ ngợi.

Ông ấy nói mình sanh hoạt lãng mạn, lãng mạn là nghĩa thế nào? Romantique chăng? Chỉ về sanh hoạt kia mà, hẳn là không phải. Nhằm rồi, đây người ta muốn bới sự chơi bời phóng đãng của mình mà người ta không nỡ nói trắng ra, nên dùng cái danh từ “lãng mạn” chớ gì?

Nhớ lại mẩu chuyện ấy rồi, tôi không còn phải lúng túng nữa mà lấy ngay hai chữ “lãng mạn” làm đầu đề cho bài nầy. Vả lại cái đời của tôi cũng không phải lãng mạn suốt cả đời; muốn nói cho đúng, đừng bớt mà cũng đừng thêm, tôi phải hạn chế bằng hai chữ “ít nhiều” ở trên nó.

*

* *

Tôi sanh ra trong một gia đình mà ở đó có cho đến hai cái gương cho tôi về sự “sống ở đời”. Hai cái gương, mỗi cái lại là một cực đoan. Tôi là người trực tiếp chịu ảnh hưởng cả hai thì bảo sao cái thái độ sống của tôi chẳng có khi thay đổi, đương là chiều này day qua chiều khác? Hai cái gương và hai cái cực đoan ấy, một là cha tôi, một là ông tôi.

Cha tôi, một kiếp người là một sự cẩn thận. Sau khi đậu phó bảng, làm thuộc viên ở Kinh vài năm, đi ra làm tri phủ một năm rồi cáo xin về, ở nhà cho đến chết. Thấy nói thôi không làm quan nữa là tại sợ mà không dám làm, chứ không có ý gì khác. Người chẳng có cái thị hiếu gì ngoài sự đọc sách. Không cần phải nói không uống rượu, không đánh bạc… Đến vợ, năm 39 tuổi, đứt dây đờn lần thứ hai, người ở vậy cho tới 73 tuổi thì xuống mồ.

Ông tôi sanh vào đời Minh Mạng, đậu hồi Thiệu Trị, làm quan hồi Tự Đức, mất hồi Thành Thái, nghĩa là đã “hạ lớp” rồi, cha tôi mới “ra”, cho nên cái sự khác nhau của hai người cũng có lẽ là vì hoàn cảnh.

Nghe kẻ lớn kể chuyện lại thì ông tôi trong lúc trai thật đã đủ điều. Giỏi cả nghề côn quyền nữa. Vào giữa thuở thuốc bị cấm nghiêm lắm, mà nửa đêm, tại nhà cô Án Đạt, hoa khôi đất Kinh đô buổi ấy, người đã lấy sức một mình đánh để thoát thân với năm mươi lính trấn phủ, chúng đến vây nhà mượn cớ bắt “ngật yên” mà thực ra thì để hạ kẻ tình địch của ông quan trên mình.

Tôi lớn lên thì thấy ông tôi mỗi ngày uống chè tàu hai bận: sớm mai và chiều. Chè ô-long, ve độc ẩm, pha theo một phương pháp; tôi phải có học qua mấy bận, sau mới pha hầu ông tôi được. Cơm thì ăn ba bữa, thỉnh thoảng có uống rượu, uống vào bữa trưa. Độ một tháng hay nửa tháng, gọi người mang “bàn đèn” đến, hút chừng mấy điếu vào buổi tối.

Ông tôi có ghiền mất ba năm hồi ở Thái Nguyên. Nhưng khi định về hưu, xuống Hà Nội uống thuốc cai rồi mới về, bấy giờ người vừa sáu mươi tuổi.

Tôi có lần bưng tráp đi hầu ông tôi tới chơi một nhà quen thân trong làng. Tưởng chơi gì, té ra là đánh me: người cùng dăm ba ông nữa ngồi vây lấy một chú khách hốt cái.

Những chuyện tôi kể đó, tôi thấy vào hồi ông tôi lên 75 tuổi cho tới 80. Đến năm 84 tuổi người qua đời.

Kể cả thê và thiếp, ông tôi già lại, còn bốn bà cả thảy. Cô con gái út sanh vào năm ông tôi 65 tuổi, do bà thứ tư.

Chỉ bấy nhiêu như trên đó đã thấy ông tôi là người khoáng đạt, không câu kiễm, cái thái độ khác hẳn với cha tôi. Tuy vậy mà ông tôi lại là người cương trực, công bình, cần kiệm và nhứt là có trật tự: giữa xã hội An Nam, tôi chưa hề thấy có người thứ hai đủ các đức tánh tốt ấy tuy đến nay tôi đã ngoài năm mươi tuổi.

Có lẽ bởi tôi ở gần cha nhiều hơn, nên thuở thanh niên tôi đã ăn ở theo khuôn rập của người. Năm 16 tuổi, tôi có bị khủng hoảng về tinh thần mất một độ, chỉ một độ thôi, tôi lại được kéo trở vào khuôn.

Sau tôi tu tỉnh lấy mình thì cơn khủng hoảng nầy đã gieo giống ở tôi từ hai năm trước. Bấy giờ chúng tôi đang sùng sục đọc sử Tấn ở trường học, thấy trong đó có những tay danh sĩ khoáng đạt như Trúc Lâm thất hiền thì đem lòng hâm mộ. Hai năm sau, học trường khác, nhưng lại gặp bạn cũ, trong đó có một anh lớn tuổi hơn tôi, là kẻ đứng đầu sự hâm mộ năm trên. Anh ấy giảng cho chúng tôi nghe: cuộc đời là vô vị cả, muốn cho hữu vị, chỉ có rượu và thơ. Rồi rủ nhau thực hành: uống rượu và ngâm thơ. Thơ toàn là bố láo chẳng ra câu kẹo gì, mà rượu thì có một đêm đã làm tôi say bất tỉnh. Hay được, ở nhà gọi về mắng cho một trận, từ đó tôi hối ngộ không hề tái phạm cho đến bốn năm sau.

Năm 20 tuổi đi thi khoa bính ngọ Thành Thái năm thứ 18, hôm xem bảng và phúc hạch, thấy không có tên, tôi mua rượu uống một mình. Uống đến nỗi từ trường thi trở về, đi ngang qua cửa Ngọ Môn mà không nhìn thấy, như có nói trong một bài tự truyện trước.

Đậu tú tài về ở nhà cho đến đầu năm 1908 đi Hà Nội, cả cái thời gian ấy thật tôi đã dẫn mình đi trong con đường rất có quy củ. Không phải nói quá, lúc đó tôi có ý lấy một thân kiêm cả hào kiệt và thánh hiền.

Qua đầu năm sau, tôi cũng còn chưa đổi ý và cứ răn can các bạn cọng nạn vì giải buồn đi theo những thú yên hoa trà tửu. Song chẳng bao lâu, không biết có vì một cớ gì đó hay không vì cớ gì cả, tôi đâm ra chơi bời còn hơn các bạn của tôi. Tôi cùng hai “đồng chí” nhờ đó, bê tha đủ đường. Tôi uống rượu đã nổi tiếng là vô địch. Có một lần say từ chiều hôm nay đến chiều hôm sau mới tỉnh. Lúc tỉnh, tôi nghĩ chỉ còn có một nước tự tử, vì xấu hổ quá, không thể mở mắt trông thấy ai nữa. Nhưng, để cho khỏi chết, tôi trùm mền phủ đầu nằm luôn một đêm một ngày nữa mới dậy. Trong lúc đó, tôi tự lập luật cho mình rằng từ nay về sau, uống mấy thì uống nhưng đừng say.

Nói tóm lại, ở tù ba năm mà non hai năm sau là cái thời gian tôi chơi bốc trời. Đến nỗi cha tôi viết thơ cho tôi thốt ra những lời tuyệt vọng: “Thành gia chi tử vị sanh, phá gia chi tử dĩ chí”, cùng là “Lập thân nhứt bại vạn sự ngõa giải”. Thế mà lạ, năm 25 tuổi tôi được thả về một cái là trở nên ngoan ngoãn: chịu mang cái xác bằng báu triệu đi ngồi lớp nhì ở trường Thầy Dòng Huế.

Có vợ có con rồi tôi cũng còn dốc lòng ăn ở theo gương cha tôi. Năm 1918 ở Hà Nội làm trợ bút tạp chí Nam phong mỗi tháng 30 đồng bạc mà tôi cũng thừa tiền gửi về nhà, dầu chẳng được mấy nỗi.  

Năm sau ở Sài Gòn nửa năm như một cô trinh nữ, tôi chẳng hề biết cái thành phố ấy có những nơi tiêu khiển nào. Rồi trở ra Hà Nội ở cho đến cuối năm 1925, khoảng nầy kiếm khá tiền hơn trước, tôi có gởi về mua được ít ruộng.

Từ 1920 đến 1925 ở Hà Nội, tuy vẫn đứng đắn nhưng tôi cũng có “mở mang” hơn xưa. Lâu lâu rủ anh em đi hút một vài điếu (chữ quelques pipes là chữ tôi bày ra mà ngày nay ở Hà Nội đang lưu hành) và tập đánh trống nhà trò. Còn sự đi chơi vì cần dùng như lần đi với ông Tản Đà có nói trong bài kỷ niệm ông ấy thì tôi coi là sự thường, không kể.

Hết thảy cái mùi lãng mạn (đây tôi bắt đầu dùng chữ lãng mạn theo nghĩa riêng nó như trên) tôi cho chỉ có hát nhà trò là thú nhứt, mà thú là vì cái đánh trống. Cho nên tôi đi hát là để nghe hát và đánh trống chớ không vì cô đào. Tôi đánh trống không là hay, vì nghe đàn chưa thạo lắm, nhưng tự thấy tiếng trống của mình có một vẻ riêng, cũng như chữ viết của tôi không là tốt mà có một vẻ riêng, tôi không muốn bỏ đi mà theo ai cả dầu họ hơn tôi mấy cũng mặc.  

Về nha phiến, đầu năm 1926 tôi 40 tuổi, quyết định không chơi với nó nữa. Vì nghĩ rằng lúc còn trẻ, sức mạnh, đủ mà kình lại nó, tuy hút không sợ ghiền, nhưng đến có tuổi rồi phải tuyệt đi. Vì vậy, có một dạo lâu lắm, ở Sài Gòn, cùng anh em nằm nói chuyện quanh bàn đèn cả đêm mà tôi không hề.

Người ta đến lúc đổ đốn, chơi hoang toàng, thì hay kiếm cái cớ để nấp mình dưới nó mà chống lại vật nghị. Trong sách, khi phê bình các danh sĩ say sưa đời xưa, nhiều người hay nói: “Tiên sanh chi ý bất tại tửu”, hay là: “Hữu sở thác nhi đào”, cùng một ý ấy. Thế thì tôi, trong khi đổi ý, từ cái nhân sanh quan nầy bước qua cái nhân sanh quan khác cũng dùng cái ngón ấy chăng? Việc của tôi, tôi không sao biết được. Tôi chỉ thuật mà không để lời phán đoán.

Vào khoảng 1930 – 1931, tôi thả theo sự tự do của thị dục, không gìn giữ gì nữa, nhứt là với nha phiến. Lúc đó tôi ở Sài Gòn, viết một lúc ba tờ báo, thường không có giờ rảnh, hễ rảnh là đi giết thì giờ, không chịu luận đêm ngày.

Từ tôi ở ngoài lâu, tôi năng nhớ tới ông tôi. Một lần đi ngang Nha Trang, tôi phải ở lại mấy hôm để đi đến tỉnh thành Khánh Hòa vào thăm dinh Án sát là nơi ông tôi từng ở bảy, tám mươi năm về trước. Ông tôi có một bức di dong chụp trước khi mất một năm đến bấy giờ lu lờ cả, tôi đem thuê ông Đặng Văn Ký ở Đa Kao vẽ lại giống y như hệt. Bức vẽ ấy thường treo ở trên chỗ tôi ngồi viết, khi viết cạn từ, vừa nhìn lên vừa nghĩ.

Tôi thấy sống như cái đời ông tôi mới là sống. Từ đó, trên triết học, tôi cẩn thận ở sự định nghĩa ba chữ “nhân sanh quan” và phân biệt nhứt ở chỗ: nhân sanh quan không phải là nhân tử quan. Theo cái chủ nghĩa cấm dục là làm cho con người ta chết đi, chứ không nói được là sống, dầu còn có cử động.

Khổng Tử đến năm 70 tuổi thì “tòng tâm sở dục bất du củ” nghĩa là “theo chỗ muốn của lòng, chẳng vượt ra ngoài khuôn phép”. Lại, về sự uống rượu, ngài không có hạn lượng, không nhứt định uống mấy chung có chừng, cứ giữ cho không say đến bậy bạ là được (Duy tửu vô lượng bất cập loạn). Hiệp hai điều đó lại, tôi thấy ra Khổng Tử giá đời ngài đã có thuốc phiện thì ngài hoặc cũng có hút, miễn chẳng đến ghiền hay ghiền mà chẳng đến làm hư thân danh mình cùng để lụy cho vợ con.

Xin ai đọc tôi chớ hiểu lầm cái đoạn tôi mới vừa nói đó. Tôi không có ý dùng ngụy biện để kéo một bậc đại thánh vào với tôi trong cái chỗ mà người ta kêu bằng “trụy lạc”. Tôi chỉ muốn nói người ta ở đời, đời có cái gì, hưởng thọ cái ấy thì sự sống có đầy đủ hơn là cái gì cũng không dám hưởng thọ.

Năm 45 tuổi tôi “thiệt thọ”. Sau hơn một năm, tôi bỗng bỏ không hút trong tám tháng. Bấy giờ cha tôi thấy vậy, hình như cũng có tin rằng tôi vẫn đủ sức buông bắt thuốc phiện như ông tôi. Thật ra thì trong tám tháng ấy tôi không có việc làm; thất nghiệp chơi với “nàng” thì bất tiện lắm. Chứ khi ra Hà Nội có việc làm rồi, tôi lại chơi.

Ai đã mắc vào thú nầy rồi thì thường là chừa các thú khác. Nhưng tôi hơi tham hơn họ một chút. Lần ở Hà Nội nầy, tôi đi nhà trò nhiều hơn cả mấy lần trước, rốt lại đến lấy một cô làm vợ nhỏ, bây giờ vẫn còn ở với tôi đẻ được đứa con trai. Có lẽ đó là cái kết quả và cũng là cái kết luận của cuộc sanh hoạt lãng mạn của tôi vậy.

Từ năm mươi tuổi đến nay tôi không còn lãng mạn nữa, dầu còn có sức cũng không, vì nghĩ phải để phần mọi sự đời cho kẻ khác. Nói thế hình như hiện nay tôi lại bỏ thuốc phiện rồi. Không, không phải thế, thứ đó bây giờ đã là một sự cần hằng ngày cho tôi; không còn chơi gì nữa nên không thể kể là lãng mạn được.

Thuốc phiện gần nay lên giá, nhiều người làm ra không đủ hút. Trong anh em có người khuyên tôi cũng nên bỏ đi. Mỗi khi đáp lại lời khuyên ấy, tôi nói rằng: “Bảo tôi bỏ à? Thế thì trước kia tôi hút làm gì?” – Lời ấy thật quả là lời của kẻ tự bạo tự khí nếu nó lọt vào tai ông nào như ông Mạnh Tử. Nhưng riêng với tôi, nó là chơn lý, “chơn” đến trăm phần trăm.

Tôi nghĩ cái đời của tôi sống để làm gì? Chẳng phải đến bây giờ mà từ trước đến nay tôi sống để làm gì? Viết báo ư? Ngôn luận ư? Trứ thuật ư? Thì cứ hút đi rồi mà viết, mà ngôn luận, mà trứ thuật; cái nầy nó chẳng hề phương hại đến cái kia thì việc gì mà phải bỏ? Còn về tiền bạc, theo tôi, cái đó chẳng thành vấn đề.

Cho đi rằng tôi bây giờ không còn là người ghiền đi, lại cho đi rằng từ trước đến nay tôi không hề là người ghiền nữa, thì tôi cũng chỉ là một anh viết báo, một nhà ngôn luận, một tay trứ thuật mà là An Nam tất cả, tôi có hơn gì là tôi đâu?

Có, tôi có khỏi mang tiếng ghiền, nhưng tôi có ích gì cho ai đâu? Thế thì bảo tôi bỏ nó làm gì?

*

* *

Nói vậy thì nói, chứ đối với cái thái độ ở đời của hai người, cũng không phải tôi cho ông tôi là phải, cha tôi là trái. Chẳng qua sau bao nhiêu lâu nhìn rõ thế sự, tôi thích cái nầy hơn mà chọn lấy và không thích cái kia mà bỏ đi, thế thôi. Nhưng thế nào mặc dầu, cái sự sống bao hàm của ông tôi, tôi vẫn coi như biển, thì cái sự sống cô cao của cha tôi, tôi cũng coi như núi vậy.

Người ta phải có tu dưỡng hồi bình nhựt thế nào để cho đến khi cái thái độ mình tỏ ra, hoặc là bao hàm, hoặc là cô cao, đều không phải bởi cố ý. Một có sự cố ý thì phải thành ra giả dối, thậm chí mình giả dối lấy mình: con người ấy mới thật là “trụy lạc”. Tôi sợ cho cái trụy lạc ấy lắm. Chứ còn ghiền á phiện hay mê cô đào mà bị người ta gia cho cái tiếng “trụy lạc” thì tôi không sợ. Không sợ mặc tôi, cái tiếng ấy thế nào cũng không khỏi.

Cái đêm trước khi tôi đi Sài Gòn chuyến nầy, vợ tôi nằm một mình nói cằn rằn: “Nói chơi thì chơi, không mắc cái gì hết, mà rồi cái gì cũng mắc hết!”  Tôi nghe mà làm thinh. Tôi biết bà nó (vợ tôi có cháu nội cháu ngoại rồi) nói thế là nói tôi chứ nói ai?

PHAN KHÔI