Gần nay thường khi nghe người ta nói, "chủ nghĩa quá khích đến rồi"; trên báo cũng thường khi thấy viết, "chủ nghĩa quá khích đến rồi"[1].

Thế rồi những người có một ít tiền rất không vui. Các quan cũng bận rộn, phải đề phòng thợ thuyền, phải để ý người nước Nga; cả đến sở cảnh sát cũng phát công văn cho thuộc hạ mình bảo lục lạo xem "đảng quá khích có đặt cơ quan hay không".

Bận rộn, không lấy gì làm lạ, lục lạo, cũng không lấy gì làm lạ. Có đều trước phải hỏi: thế nào là chủ nghĩa quá khích?

Cái đó họ không hề cắt nghĩa, tôi cũng không làm sao biết được. - Tôi tuy không biết, chứ cũng dám nói một câu rằng: "Chủ nghĩa quá khích" không thể đến, không cần sợ nó; chỉ có cái "đến rồi" là cái sẽ đến, là đáng sợ.

Người Trung Quốc chúng ta, quyết không thể bị chủ nghĩa nào của nước ngoài lôi kéo, chúng ta có đủ sức sổ toẹt nó, giập tắt nó. Chủ nghĩa quân quốc dân ư[2], chúng ta có từng đánh trận với ai đâu; chủ nghĩa vô để kháng ư[3], chúng ta là kẻ chủ chiến và tham chiến[4]; chủ nghĩa tự do ư, chúng ta cả đến sự phát biểu tư tưởng cũng đều phạm tội, nói mấy câu cũng thấy khó; chủ nghĩa nhân đạo ư, chính cái thân người chúng ta vẫn còn đeo làm vật mua bán được kia mà.

Cho nên không cứ cái chủ nghĩa nào, tất cả không làm rối loạn nổi Trung Quốc; những sự rối loạn từ xưa đến nay, cũng không thấy nói bởi chủ nghĩa nào. Thử đưa ra sự lệ trước mắt, tức như lời bố cáo của học giới Thiểm Tây, lời bố cáo của tai dân Hồ Nam; đáng khiếp là dường nào, đem so với cái tình hình hung ác của quân Đức mà Bỉ Lợi Thì tuyên bố, cái tình hình tàn bạo của chính phủ Lênin mà các đảng khác nước Nga tuyên bố, thì họ thật là thiên hạ thái bình[5]. Nước Đức vẫn nói là quân quốc chủ nghĩa, thì Lênin không cần nói vẫn là quá khích chủ nghĩa nhỉ![6]

Ấy đó tức là cái "đến rồi" đến rồi. Cái đến ấy nếu là chủ nghĩa, khi chủ nghĩa đạt được rồi thì thôi; nếu độc là cái "đến rồi", nó bèn đến hoài, đến mãi, nó đến thế nào cũng không thể biết được.

Lúc Dân quốc thành lập, tôi ở trong một thành huyện nhỏ, vốn đã treo cờ trắng. Có một hôm, thình lình thấy bao nhiêu đàn ông đàn bà chạy trốn rối rít: kẻ ở trong thành chạy trốn xuống làng, kẻ ở trong làng chạy trốn vào thành. Hỏi họ việc gì thế, họ trả lời: "Người ta nói sắp đến rồi."

Thế đủ biết mọi người đều chỉ sợ cái "đến rồi" cũng như tôi vậy. Đến lúc đó vẫn chỉ có "chủ nghĩa đa số" mà thôi, không có "chủ nghĩa quá khích" nhỉ[7].

1918
(Dịch ở Nhiệt Phong)

   




Chú thích

  1. Đúng nghĩa chữ bolchevisme là "chủ nghĩa đa số". Nguyên hồi năm 1903, Đảng xã hội dân chủ nước Nga khai hội tại Luân Đôn, nhân vì thảo luận các vấn đề trong đảng, ý kiến không đồng nhau, chia làm hai phái: một phái do Lênin cầm đầu, số người nhiều hơn, gọi là Bolchevik; một phái số người ít hơn, gọi là Menchevik. Phái trước chủ trương vô sản chuyên chính; phái sau chủ trương thỏa hiệp với giai cấp tư sản để chống lại thế lực phong kiến. Đến sau Cách mạng tháng Mười năm 1917, phái Bolchevik trở nên chính đảng thống trị cả nước Liên Xô, mới đổi tên là Đảng cộng sản. Do chữ Bolchevik đó thành ra có chữ bilchevisme, đáng lẽ dịch là "chủ nghĩa đa số", nhưng trước kia, các báo Trung Quốc đều gọi là "chủ nghĩa quá khích", và lúc bấy giờ, báo chí ở nước ta, như Trung Bắc tân văn, Nam Phong, đều gọi như vậy. "Quá khích", chẳng những có nghĩa là "cực đoan", mà còn có ý xấu hơn.
  2. Chủ nghĩa quân quốc dân (mililarisme) cũng gọi là chủ nghĩa quân quốc. Cái chủ nghĩa lấy quân đội làm trên hết, dùng võ lực để đàn áp trong nước và xâm lược nước ngoài.
  3. Chủ nghĩa vô để kháng do Tolstoi người nước Nga xướng ra, tiếng tây là principle de non résistance. Ý Tolstoi muốn thực hiện cái xã hội loài người yêu nhau, nên căn cứ ở cái ý "đừng chống cự kẻ dữ" trong Kinh thánh Tân Ước mà xướng ra chủ nghĩa này, nhưng đó chỉ là không tưởng, không thể thực hiện được.
  4. Đây chỉ là việc chính phủ Đoàn Kỳ Thụy gia nhập đồng minh đánh Đức.
  5. Trong đoạn này, có bốn cái thực sự lịch sử, nhưng ba cái, chưa tra tìm được, không hiểu là thế nào. Chỉ có về chuyện Bỉ Lợi Thì tuyên bố, thấy ở một bài khác của Lỗ Tấn, nói như thế này: "Không cho tù đồ ăn uống, đánh mắng thôn trưởng, bắt bình dân đưa ra mặt trận", theo Lỗ Tấn thì sự người Đức đối với người Bỉ trong lúc chiến tranh như vậy, cũng không lấy gì làm quá lắm, những điều đó ở Trung Quốc là sự thường. Tuy không biết rõ từng thực sự, chứ xem cả đoạn thì đủ hiếu ý tác giả muốn nói ở Trung Quốc còn có nhiều sự hung ác tàn bạo hơn ở ngoại quốc nữa. Cái ý ấy thòng xuống hạ văn, tức là do sự hung ác tàn bạo thái quá ấy sẽ sinh ra rối loạn, cách mạng lần nữa.
  6. Nước Đức dưới quyền thống trị của vua Uy Liêm II (1888 - 1918), vốn thực hành chủ nghĩa quân quốc, toan làm bá chủ Âu châu, nên đã gây ra Đại chiến thứ nhất. - Cả câu này có ý nói: theo sự hung ác tàn bạo của tình hình hiện tại Trung Quốc như đã hiểu ngầm ở trên (mà lại tự cho mình là tốt), đối với nước Đức vẫn gọi là nước quân quốc chủ nghĩa, thì đối với Lênin, cứ gọi là quá khích chủ nghĩa cũng không lạ gì.
  7. Đại ý bài này nói chính ở Trung Quốc đương thời đó, bị bọn quân phiệt đảo loạn (khi Lỗ Tấn viết đây, Trung Quốc đang ở dưới quyền thống trị Đoàn Kỳ Thụy), nhân dân khốn khổ chịu không nổi, thế nào cũng sẽ sinh ra cách mạng lần nữa, chứ không đợi phải có chủ nghĩa nào ở ngoài vào làm phiến động lòng dân. "Cái đến rồi", ba chữ ấy, ám chỉ cuộc cách mạng vị lai. Chữ "đa số" trong cái danh từ "chủ nghĩa đa số" dùng ở đây là chỉ quảng đại quần chúng nhân dân, chứ không theo nguyên nghĩa của chữ bolchevisme như đã giải ở trên.