Việt Nam sử lược/Quyển II/1971/Phần IV/Chương VII

CHƯƠNG VII

NGƯỜI ÂU-CHÂU SANG NƯỚC VIỆT-NAM

I. SỰ ĐI TÌM ĐẤT Người Âu-châu sang Á-đông
Người Âu-châu sang đất Việt-nam
II. SỰ ĐI TRUYỀN GIÁO Đạo Thiên-chúa
Đạo Thiên-chúa sang nước Việt-nam

Nguyên người Âu-la-ba đi du-lịch thiên-hạ là vì có hai cớ: một là đi tìm đất để buôn-bán, hai là để truyền-bá tông-giáo Thiên-chúa ở các nước.

1. SỰ ĐI TÌM ĐẤT. Người Âu-châu sang Á-đông — Từ đời La-mã, đã có sách chép người Âu-châu sang đến nước Tàu, nhưng không rõ cách giao-thiệp ra làm sao; đến thập-tam thế-kỷ mới có ông Marco Polo, người nước I-ta-li sang ở triều nhà Nguyên 元 về đời vua Thế-tổ Hốt tất Liệt hằng 17 năm, rồi sau đi qua Ấn-độ-dương về nước, làm ra quyển sách: « Thế-giới kỳ-quan » (Les merveilles du monde), kể những chuyện ông ấy đã biết.

Về sau vào thập-ngũ thế-kỷ, ông Kha luân Bố (Christophe Colomb) dùng địa-bàn chỉ nam (boussole) định đi qua Đại-tây-dương sang Ấn-độ, rồi tìm thấy châu A-mỹ-lị-gia (Amérique); đến năm 1479, người Bồ-đào-nha (Portugal) tên là Vasco de Gama đi vòng qua Hảo-vọng-giác (Cap de Bonne Espérance) sang Ấn-độ-dương vào đất Ấn-độ. Năm 1521 lại có người Bồ-đào-nha tên là Magellan đi qua Ấn-độ-dương sang Thái-bình-dương vào đất Phi-luật-tân (Philippines).

Từ đó về sau người Bồ-đào-nha (Portugal) mới sang Tây-ban-nha (Espagne) và người Hòa-lan (Hollande) mới sang Á-đông lấy đất thuộc-địa và mở cửa hàng buôn-bán như sau này:

Năm quí-hợi (1563) về đời Gia-tĩnh nhà Minh, người Bồ-đào-nha đến ở đất Áo-môn (Macao) nước Tàu.

Năm mậu-thìn (1568) người Tây-ban-nha sang lấy đất Phi-luật-tân làm thuộc-địa.

Năm bính-thân (1596) người Hòa-lan sang lấy đất Trà-và (Java) làm thuộc-địa. Về sau dần dần người Bồ-đào-nha, người Pháp-lan-tây (France) và người Anh-cát-lợi (Angleterre) đến ở đất Ấn-độ.

Người Âu-châu sang đất Việt-nam. Người Âu-châu sang buôn-bán ở nước ta, thì có người Bồ-đào-nha đến ở xứ Nam trước hết cả, mở cửa hàng ở phố Hội-an (tức là Faifo) thuộc đất Quảng-nam. Ở đấy lại có người Tàu, người Nhật-bản và người Hòa-lan đến buôn-bán nhiều lắm. Sách của ông Maybon và Russier có chép rằng năm giáp-dần (1614) đời chúa Sãi đã có người Bồ-đào-nha tên là Jean de la Croix đến lập lò đúc súng ở đất Thuận-hóa, mà bây giờ ở Huế người ta còn gọi chỗ ấy là Phường-đúc.

Ở ngoài Bắc thì trước đã có tàu của người Bồ-đào-nha ra vào buôn-bán, nhưng mãi đến năm đinh-sửu (1637) đời vua Thần-tông nhà Lê, Thanh-đô-vương Trịnh Tráng mới cho người Hòa-lan đến mở cửa hàng ở Phố-hiến (gần chỗ tỉnh-lỵ Hưng-yên bấy giờ). Về sau ở đấy có người Nhật-bản, người Tàu, người Tiêm-la đến buôn-bán kể có 2.000 nóc nhà, làm thành ra chỗ vui-vẻ lắm, cho nên tục-ngữ bấy giờ có câu rằng: Thứ nhất Kinh-kỳ, thứ nhì Phố-hiến.

Lúc bấy giờ người Bồ-đào-nha sang buôn-bán ở trong Nam nhiều hơn, mà ở ngoài Bắc thì có người Hòa-lan nhiều hơn, nhưng thủa ấy người hai nước ấy hay tranh-cạnh với nhau, bởi thế chúa Trịnh và chúa Nguyễn đều có ý muốn nhân cớ ấy mà nhờ họ giúp mình. Song vì lợi buôn-bán cho nên họ không chịu ra mặt giúp hẳn, thành ra lâu ngày các chúa cũng chán và lại lôi-thôi về việc tông-giáo, cho nên đến năm canh-thìn (1700) đời vua Lê Hi-tông, người Hòa-lan thôi không vào buôn-bán ở ngoài Bắc nữa.

Đời bấy giờ người Anh-cát-lợi và người Pháp-lan-tây cũng vào buôn-bán ở nước ta. Năm nhâm-tí (1672) đời vua Lê Hi-tông, người Anh-cát-lợi đem chiếc tàu Zant vào xin mở cửa hàng buôn-bán, chúa Trịnh cho xuống ở Phố-hiến, nhưng vì sau sự buôn-bán không được thịnh-lợi, người Anh-cát-lợi chỉ ở đến năm đinh-sửu (1697) rồi thôi.

Còn người Pháp-lan-tây thì từ năm canh-thân (1680) đã có tàu vào xin mở cửa hàng ở Phố-hiến; đến năm nhâm-tuất (1682) lại có chiếc tàu Saint Joseph ở Tiêm-la sang đem phẩm-vật dâng chúa Trịnh.

Ở trong Nam thì năm bính-dần (1686) có người Pháp tên là Verret được phép mở cửa hàng ở cù-lao Côn-lôn. Đến năm kỷ-tị (1749) lại có một người Pháp tên là Poivre đi chiếc tàu Machault vào cửa Hội-an, xin vào yết-kiến chúa Nguyễn và dâng tờ quốc-thư cùng phẩm-vật để tỏ tình giao hiếu của hai nước. Chúa Nguyễn cũng đáp thư lại, thuận cho người Pháp vào thông-thương. Nhưng chẳng được bao lâu thì công-ty của Pháp ở Ấn-độ bãi đi, cho nên sự thông thương với người Pháp cũng bãi.

2. SỰ ĐI TRUYỀN-GIÁO. Đạo Thiên-chúa. Nguyên khi xưa toàn xứ Âu-la-ba không có nhất-định một tông-giáo nào cả. Mỗi dân-tộc thờ một vị thần riêng của mình. Thường hay lấy cái lực hoạt-động của tạo-hóa mà tưởng-tượng ra các vị thần, rồi làm đền, làm đài, để thờ cúng. Như dân-tộc Hi-lạp (Grec) và dân-tộc La-mã (Romain) thờ thần Giu-bi-te (Jupiter), thần A-bô-lông (Apollon) và các vị thần khác vậy. Duy có dân-tộc Do-thái (Juifs) ở đất Tiểu Á-tế-á, nay là đất Palestine đã được độc-lập, chỉ thờ một vị thần gọi là Jéhovah ở thành Gia-lỗ-tân-lĩnh (Jérusalem). Dân ấy tin rằng thần Jéhovah sinh-hóa vạn vật và người; cho nên người chỉ phải thờ một vị thần ấy mà thôi. Đến đời dân La-mã đã kiêm-tính được cả đất Tiểu Á-tế-á, đất bắc A-phi-lị-gia và đất tây-nam Âu-la-ba, dân Do-thái cũng thuộc về La-mã, mà đạo Do-thái bấy giờ cũng đã suy lắm rồi. Lúc ấy đức Gia-tô ra đời, nhân-đạo Do-thái mà lập ra đạo mới[1] dạy người lấy sự yêu-mến và tôn-kính Thiên-chúa làm gốc, lấy bụng từ-bi nhân thứ, coi người như anh em ruột thịt làm cốt. Từ đó về sau các môn-đồ đem đạo ấy đi truyền-bá các nơi. Ông Saint Pierre thì sang lập giáo-đường ở tại Kinh-thành La-mã, ông Saint Paul thì đi truyền đạo ở khắp trong nước.

Lúc đầu đạo Thiên-chúa bị nhiều phen vua La-mã nghiêm-cấm, dùng cực hình mà giết hại các giáo-sĩ và những người theo đạo mới, nhưng dẫu nguy-nan thế nào mặc lòng, các môn-đồ cứ một niềm đi truyền đạo khắp bốn phương. Mãi đến đầu đệ-tứ thế-kỷ (313) vua La-mã là Constantin mới cho giảng đạo Thiên-chúa ở mọi nơi trong nước. Từ bấy giờ trở đi đạo Thiên-chúa một ngày một thịnh, lập Giáo-hoàng để thống-nhất việc giáo, đặt Giám-mục để coi việc giáo ở các nơi, lại sai giáo-sĩ đi truyền đạo khắp trong thiên-hạ: hễ ở đâu có người là có giáo-sĩ đến dạy đạo. Bởi vậy cho nên chẳng bao lâu mà toàn Âu đều theo đạo Thiên-chúa cả.

Ở bên Á-đông ta thì từ đời nhà Đường 唐 (618-907) sử chép có Cảnh-giáo 景 教[2] tức là một phái Gia-tô-giáo đã sang Tàu, nhưng vì bấy giờ đạo Phật đang thịnh, cho nên đạo Cảnh-giáo mất dần đi. Mãi đến đời nhà Nguyên, nhà Minh mới thật có giáo-sĩ sang giảng đạo Gia-tô ở nước Tàu.

Đạo Thiên-chúa sang nước Nam. Ở nước Nam ta từ khi đã có người Âu-la-ba sang buôn bán, thì tất là có giáo-sĩ sang dạy đạo. Cứ theo sách Khâm-định Việt-sử, thì từ năm Nguyên-hòa nguyên-niên 元 和 元 年 đời vua Trang-tông nhà Lê (1533) có người Tây tên là I-nê-khu đi đường bể vào giảng đạo Thiên-chúa ở làng Ninh-cường, làng Quần-anh, thuộc huyện Nam-chân (tức là Nam-trực) và ở làng Trà-lũ, thuộc huyện Giao-thủy.

Sách Nam-sử của Trương vĩnh Ký chép rằng năm bính-thân (1596) đời ông Nguyễn Hoàng có người giáo-sĩ Tây-ban-nha tên là Diego Adverte vào giảng đạo ở trong Nam trước hết cả. Nhưng lúc bấy giờ lại có mấy chiếc tàu Tây-ban-nha cùng đến, chúa Nguyễn sợ có ý quấy-nhiễu gì chăng, bèn đuổi đi.

Đến năm ất-mão (1615) đời chúa Sãi, giáo-sĩ là P. Busomi lại đến giảng đạo, rồi đến năm giáp-tí (1624) có giáo-sĩ tên là Jean Rhodes, người Pháp-lan-tây, đến giảng đạo ở Phú-xuân và lập ra các giáo-đường. Năm bính-dần (1626) đời vua Lê Thần-tông, giáo-sĩ là Baldinoti vào giảng đạo ở ngoài Bắc, bị chúa Trịnh không cho, phải bỏ đi. Được ít lâu ông Jean Rhodes ở trong Nam ra Bắc vào yết-kiến chúa Trịnh và đem dâng cái đồng-hồ quả lắc, chúa Trịnh cho ông Jean Rhodes được giảng-đạo tại Kinh-đô.

Từ đó về sau các giáo-sĩ cứ dần dần vào nước dạy đạo, mà người mình càng ngày càng theo đạo cũng nhiều. Nhưng vì nước ta tự xưa đến nay vẫn theo Nho-giáo, lấy sự thờ-cúng ông cha làm trọng, lấy sự tế-tự thần-thánh làm phải, mà lệ nước thì lấy sự cúng-tế làm một việc rất quan-trọng. Đột-nhiên thấy nhiều người mình theo đạo Thiên-chúa, bỏ cả các thói cũ, chỉ chuyên về một mặt theo đạo mới, bởi vậy cho nên trong Nam ngoài Bắc, vua chúa đều cho đạo ấy là một tả đạo, làm hủy-hoại cả cái phong-hóa của nước nhà xưa nay, bèn xuống chỉ cấm không cho người trong nước theo đạo mới nữa, và đặt ra phép nghiêm để bắt tội những kẻ không tuân theo chỉ-dụ ấy.

Cứ theo trong sử thì năm tân-vị (1631) ở trong Nam, chúa Thượng là Nguyễn-phúc Lan cấm không cho người Tây vào giảng đạo ở trong nước.

Năm quí-mão (1663) ở ngoài Bắc, chúa Trịnh là Trịnh Tạc bắt đuổi các giáo-sĩ và cấm không cho người mình theo đạo Gia-tô.

Năm giáp-thìn (1644) chúa Hiền ở miền Nam bắt giết những người đi giảng đạo ở Đà-nẵng.

Năm bính-tí (1696) đời vua Lê Hi-tông, Trịnh Căn bắt đốt phá hết cả những sách đạo và nhà đạo ở các nơi và đuổi những người giảng đạo ra ngoài nước.

Năm nhâm-thìn (1712) đời vua Lê Dụ-tông, Trịnh Cương bắt những người theo đạo Gia-tô phải cạo trán và khắc vào mặt bốn chữ « học Hoa-lan đạo »[3].

Năm giáp-tuất (1754) đời Cảnh-hưng, Trịnh Doanh lại nghiêm-cấm một cách rất ngặt, không cho người ta đi theo đạo, và lại giết cả các đạo-trưởng và đạo-đồ.

Từ đó về sau việc cấm đạo một ngày một nghiêm, mà người đi giảng đạo cũng không lấy luật nước làm sợ, cứ cố sức dụ cho được nhiều người theo đạo. Rồi dần dần người trong nước phân ra bên lương bên giáo, ghen-ghét nhau hơn người cừu địch. Vua quan thì thấy dùng phép thường không cấm được, mới dùng đến cực hình để mà trừng-trị, giết hại bao nhiêu người vô tội.

Tóm lại mà xét, thì giả sử người ngoại quốc vào nước ta mà chỉ có việc buôn bán mà thôi, thì chắc rằng nước ta xưa nay vốn là một nước văn hiến, vua quan ta cũng không có lẽ gì mà ngăn-cấm; nhưng bởi vì khi đã quan-hệ đến việc sùng-tín, thì dù hay dở thế nào mặc lòng, người ta ai cũng cho sự sùng-tín của mình là phải hơn, thành ra không ai khoan-dung cho ai, rồi cứ phải dùng thế-lực để mà đè-nén nhau. Cũng vì thế cho nên về sau nước ta không chịu suy-xét lẽ phải-trái cho kỹ-càng, làm lắm sự tàn-ác để đến nỗi mất cả sự hòa-hiếu với các nước ở Tây-dương và gây nên cái mối biến-loạn cho nước nhà vậy.

  1. Đạo của ông Gia-tô lập ra cho nên ta thường gọi là đạo Gia-tô; lại vì đạo ấy chỉ thờ Thiên-chúa mà thôi, cho nên lại gọi là đạo Thiên-chúa. Có phái gọi là đạo Cơ-đốc bởi chữ Christ là bậc cứu-thế.
  2. Cảnh-giáo là một phái đạo Gia-tô của người chủ-giáo tên là Nestorius lập ra từ đệ-ngũ thế-kỷ ở Đông La-mã, rồi truyền sang nước Ba-tư (Perse) và nước Tàu.
  3. Hoa-lan tức là Hòa-lan (Hollande). Người Hòa-lan sang buôn bán ở ngoài Bắc trước hết cả cho nên mới gọi là đạo Hòa-lan. Vả lúc bấy giờ người Việt-nam ta không phân-biệt được những nước nào, hễ thấy người Tây thì thường cứ gọi là Hòa-lan.