Việt Nam phong tục của Phan Kế Bính
VII. VĂN-TỪ, VĂN-CHỈ

VII.— VĂN TỪ, VĂN CHỈ

Mỗi làng có một văn-từ hoặc văn-chỉ. Đàn lộ thiên gọi là văn-chỉ, có lợp mái gọi là văn-từ. Văn-từ, văn-chỉ để thờ riêng những bậc khoa hoạn trong làng. Có làng hiếm văn học, chưa có người hiển đạt, thì thờ Đức Khổng-Tử, gọi là Tiên Thánh-sư, để làm chủ trương cho việc văn học trong làng.

Các nơi thờ riêng những bực khoa hoạn, đại để chia làm ba hạng:

Hạng nhất là những người đỗ đại-khoa (Tiến-sĩ) và những người làm quan từ tam, tứ phẩm trở lên, thờ ban giữa;

Hạng nhì là những người đỗ trung-khoa (Cử-nhân) và những người làm quan từ lục, thất phẩm trở lên, thờ ban hữu;

Hạng ba là những người đỗ tiểu-khoa (Tú tài) và những người làm đến bát, cửu phẩm, thờ ban tả.

Đến khi tế tự thì đem cả hào mục tổng lý và các thầy đồ truyền giáo trong làng vào phối hưởng.

Nhưng nhiều nơi chỉ trọng riêng về đường khoa mục, hễ có đỗ mới được liệt tự, còn người làm quan dẫu đến nhất nhị phẩm mà không có chân khoa mục, cũng không được dự, chỉ đến lúc tế mới đem vào phối hưởng mà thôi.

Mỗi năm tháng hai, tháng tám tế hai kỳ, gọi là xuân thu nhị định. Có nơi cả làng tế, có nơi chỉ người có chân trong hội tư văn mới được dự tế.

Năm nào có khoa thi thì cả sĩ tử trong làng, hội lại làm lễ kỳ-khoa, hoặc cả làng làm lễ, để cầu cho hương thôn được nhiều người hiển đạt.

Khi thi xong, ai được đỗ thì lúc về phải có lễ ra lễ văn chỉ để tạ ơn tiên-hiền.

*

* *

Thờ tiên-hiền cũng là một cách để duy trì phong hóa, làm kỷ niệm cho sự truyền giáo, thì cũng là một việc hay mà tục chuyên trọng về đường khoa mục thì chỉ là có ý khuyên cho người ta chăm về việc học hành.

Xét nước ta từ đời Lý, Trần trở về, mới có khoa cử, đến đời nhà Lê thì khoa cử lại càng thịnh lắm. Ai làm quan có chân khoa mục mới là thanh-lưu, còn không đỗ gì thì dẫu làm to đến đâu cũng gọi là tạp-lưu. Dân gian vì đó mà lắm nơi cũng chuyên trọng về khoa mục, cho nên nhiều nơi dẫu có người làm đến Thượng-thư, Tổng-đốc, mà về đến văn-chỉ, có khi phải ở dưới hàng Tiến-sĩ, Cử-nhân.

Như vậy thì sự kiến thức của dân ta khí hẹp hòi quá! Thiết tưởng người có tài có đức, văn chương sự nghiệp đủ làm gương cho dân, và lưu được sự ích lợi cho làng, có phải hết thảy do ở khoa cử mà ra cả đâu. Nếu chỉ trọng về khoa cử, chẳng hóa ra bỏ sót nhiều người tài trí lắm ru? Vả lại người trọng khoa cử cũng có người hay, mà cũng chẳng thiếu gì người chẳng ra gì, vậy mà không có phân biệt, cứ thấy có khoa cử thì trọng, cũng là một sự hồ đồ vậy.

Sau nữa cũng vì cái tục chuyên trọng khoa cử, mà khiến cho người ta mê lòng về đường hư danh, bỏ mất hết sự thực dụng, cả đời chỉ nung kinh nấu sử, mà không biết đến việc gì. May ra ai vớ được cái bia đá bảng vàng, hoặc là một tiếng dạ thì còn có thể vinh thân phì gia, chẳng may mà lao đao tràng ốc cả đời, thì đến ngồi xó nhà quê, gõ đầu năm ba đứa trẻ kiếm ăn, dở ra trò gì cũng không được nữa, thì lại là khoa cử làm hại người!

Thiết tưởng đã gọi là thờ tiên hiền thì bao nhiêu những người có tài đức, hoặc người nào làm được sự ích lợi gì cho dân xã cũng nên thờ cả, không cứ gì có khoa cử hay không. Mà trong khoa cử cũng nên phân biệt người hay, người dở, nếu ai là người điếm nhục khoa danh, thì cũng nên bỏ đi, vậy mới đủ mà duy trì phong hóa, và làm gương cho người khác.