VI.— CHÙA CHIỀN

Mỗi làng có một chùa thờ Phật, có làng to thì lập đến hai ba ngôi chùa.

Gian giữa từng trên nhất thờ ba vị Thế-Tôn, đầu tóc xoăn như ốc bám, thường gọi là Bụt ốc. Kế đến bà Mụ Thiện mười hai tay, rồi đến bà Di-Lặc béo phục phịch, tục truyền bà ấy nhịn mặc mà ăn cho nên béo. Kế đến tượng Quan-Âm có Kim-đồng, Ngọc-nữ kèm hầu đôi bên, một bên cưỡi con bạch tượng, một bên cưỡi con thanh-sư. Rồi đến tượng Ngọc hoàng, một bên là Nam-tào, một bên là Bắc-đẩu. Ngoài cùng thì là tượng Cửu long bằng đồng có Phật Thích Ca đứng giữa.

Hai bên, ở phía trong, một bên thờ ông Tu Sương gầy khô như hạc, tục gọi là nhịn ăn mà mặc cho nên gầy, một bên thờ bà Thị Kính, tay bế một đứa con, cạnh mình có con vẹt đứng, tục truyền là Thiện Sĩ (chồng bà ấy) hóa thân. Ở phía ngoài thì mỗi bên có năm ông Bụt gọi là thập điện La Hán.

Hai gian cạnh gần gian giữa, một bên thờ tượng Long thần, mặt đỏ mắt sắc gọi là Đức Ông hoặc Đức Chúa, tức là Thổ Thần. Một bên thờ thầy Đường Tăng, có Đại-thánh, Bát-giới đứng hầu.

Hai gian ngoài cùng thờ hai tượng Hộ Pháp, một tượng mặt mũi hiền lành cầm quả ấn, một tượng mặt mũi dữ tợn vác thanh gươm, mỗi tượng cưỡi một con nghê.

Còn đôi bên vách tường thì đắp một động, nào là thiên phủ có quần tiên gẩy đàn thổi sáo vui vầy, nào là địa phủ, có Diêm Vương hành tội những người chết, kẻ thì bị quỉ sứ cưa đầu kìm lưỡi, kẻ thì bị quỉ sứ quẳng vào núi gươm đao, kẻ thì được lên thiên đường hưởng sự sung sướng, kẻ thì bị trầm luân nơi khổ hải phải trải nếm đắng cay...

Ngoài cửa chùa có cửa tam quan làm gác chuông, mỗi buổi chiều thì thỉnh ba hồi chuông, rồi mới tụng kinh niệm Phật.

Sau chùa có tĩnh thờ chư vị và có nhà thờ Tổ. Nhà thờ Tổ là nơi những tăng ni tu hành ở đó, về sau mất đi nhà chùa tô tượng để thờ. Lại có nhà hậu để thờ những người mua hậu chùa, cứ đến ngày giỗ thì nhà chùa phải giỗ. Có phòng riêng làm chỗ nhà Sư ở gọi là nơi trụ trì, có chỗ để khách khứa ngồi chơi, gọi là nhà phương trượng. Phía sau thì là nơi mộ tháp của tăng ni.

Chùa lắm nơi danh lam thắng tích cách thức to tát rộng rãi, phong cảnh thanh thú vô cùng. Nhưng cũng nhiều nơi ở giữa quãng đồng không, hoặc ở bên sườn núi xa thắm, vài ba gian tiều tụy lơ thơ, quanh năm ít người thăm viếng thì lại là nơi cô tịch quá.

Chùa phải có nhà sư ở, sư nam gọi là tăng, sư nữ gọi là ni. Chùa nào không có tăng ni thì có một thầy tu, gọi là thầy già lam, để coi việc đèn hương cúng cấp.

Dân làng mỗi năm về những ngày đoan dương chính đán thì dùng lễ oản chuối đem đến lễ Phật. Về ngày giỗ sư tổ, dân làng cũng đem vài buồng cau và một vài đồng bạc đến lễ giỗ. Những khi dân đến, chùa thường phải làm cỗ chay khoản đãi.

Cỗ chay dùng toàn đậu, bột khoai, vừng chế ra nấu các thức, cũng đủ giò, chả, bóng, mực, v.v...

Còn về phần nhà chùa thì mỗi tuần rằm, mồng một phải xin oản cúng Phật: Cúng rồi chia cho các vãi mỗi người một phần oản một quả chuối gọi là lộc Phật. Các vãi mỗi tháng phải đóng tiền cúng về nhà chùa.

Ngày vào hè ra hè, thượng nguyên trung nguyên, cùng là các ngày mồng năm ngày Tết đều có làm cỗ chay cúng Phật, rồi thì thết đãi các con hương đệ tử. Các vãi và các con hương đệ tử ăn cỗ mỗi người cúng độ một vài hào bạc, nếu không cúng mà ăn không của Bụt thì phải tội. Ăn rồi mỗi người lại được một phần oản, một quả chuối làm phần.

Nhà chùa có việc tu tạo gì hoặc là việc tô tượng đúc chuông thì tăng ni nói với dân làng, dân làng đứng lên lập sổ phổ khuyến cho người đem sổ đi quyên giáo thập phương, gọi là việc tập phúc. Có khi một vài người sư tiểu cầm sổ đi khắp các làng các ngõ, vào từng nhà mà quyên; có khi năm bảy bà vãi kéo vào từng nhà, nam mô niệm Phật rầm xóm, có khi hai người khiêng cái võng, trên đòn treo cái chuông hoặc cái cảnh, theo sau một lũ năm ba bà vãi đi đến các chợ búa, gõ chuông quyên giáo, ai cúng đồng tiền nào ném vào trong võng. Ở chỗ cửa chùa thì bày một cái nong bên cạnh đường đi, đốt năm ba nén hương cắm lên bình, vài bà vãi đánh trống kể kệ, ai đi qua lại cũng quẳng năm ba đồng kẽm hoặc một vài xu vào cúng.

Việc to có sổ quyên, ai cúng bao nhiêu phải đề tên biên số tiền vào sổ, đợi khi xong việc, liệt tên lên bảng để tỏ cái lòng tốt của người ta. Việc nhỏ cúng năm ba hào một vài xu thì thôi. Việc đúc chuông dẫu cúng đồng tiền gì cũng lấy, nếu không lấy thì việc đúc chuông không thành.

Đã nói đến việc quyên giáo làm phúc thì ai cũng cúng, nhiều ít tùy lòng. Nhưng cũng lắm kẻ gian biển, giả danh quyên giáo để độ khẩu thì thực là một cách đê tiện.

*

* *

Phật-giáo khởi tự Ấn-Độ. Tự đời vua Minh Đế nhà Hán nằm mơ thấy thần người vàng xuất hiện, mới sai người sang tận Tây-Chúc rước Phật cầu Kinh về thờ. Từ đó Phật-giáo mới truyền vào Trung-Quốc. Nước ta thì đời Lý, Trần sùng thượng đạo Phật, nào là dựng chùa xây tháp, nào là tô tượng đúc chuông, nào là đặt ra tăng khoa. Từ bấy giờ đạo Phật mỗi ngày một thịnh, dân gian dần dần bắt chước nhau, làng nào cũng lập chùa, cũng đúc chuông, xã nào cũng xây tháp, cũng tô tượng, đâu đâu cũng có sư có vãi, đâu đâu cũng có tín-nữ thiện-nam.

Phật-giáo cũng là một tôn giáo riêng, chủ nghĩa trọng sự hư-vô tịch-diệt, nhất thiết cho sự đời là không không, cũng có lý tưởng, chưa dễ đã bài bác được. Mà lời thiện ác báo ứng cũng đủ khuyên răn người. Nhưng hiềm ta không cứu đến nguyên lý, mà chỉ tin những lời trần hủ. Sùng tín cái vỏ xác ngoài, mà cái lý cao xa của người ta thì không mấy người nghĩ đến. Nào là cấm sự sát sinh, nào là ngăn đường thị dục, nào là làm chay cầu phúc, nào là tụng kinh sám hối, những sự ấy chẳng qua là hình thức bề ngoài, chớ có dự gì đến sự lý học.

Thiết tưởng người lãnh hội được lý cao xa của Phật giáo, thì dẫu chẳng kiêng gì sát sinh, chẳng cấm gì thị dục, mà vẫn là người tu hành đạo đức, dẫu chẳng làm chay, chẳng sám hối, cũng không khi nào phải tội.

Vậy rất đỗi bọn đàn bà ngu xuẩn chỉ mê tín về lời họa phúc, động thấy nói về việc chùa việc Phật thì bỏ bao nhiêu tiền ra cúng cũng không tiếc. Thậm chí có người quanh năm chịu thương chịu khó, làm ăn vất vả mà không dám ăn của ngon mặc của tốt chỉ để dành mà cúng vào việc nhà chùa. Còn về phần dân xã, tuy không dự đến việc chùa là mấy, nhưng các bà vãi, các con hương đệ tử, mỗi tuần mỗi tiết, đóng góp cúng cấp một năm tốn phí biết bao nhiêu. Vả động khi nào chùa nát bụt gãy thì lại quyên đến dân làng, hoặc là dân làng đứng lên tu bổ, thì cũng hại đến của dân nhiều lắm.

Vậy thì sự sùng tín đã không có ích gì cho người, mà làm hại của cải, cũng chỉ bởi lòng tin sai vậy.

Vả lại chỗ Phật Đường, phần người chân tu thì ít, mà phần người trốn chúa, lộn chồng, ăn bơ làm biếng, trốn sâu lậu thuế, mượn cửa bồ đề mà nương thân thì nhiều. Ấy lại là một cái hang để chứa những kẻ bậy bạ nữa.

Ít nay có người muốn lấy Phật đường làm trường Âu học cho các dân thôn, có lẽ cũng tiện.