IV.— ĐẠI HỘI

Mở hội.— Nhập tịch thì đệ niên năm nào cũng phải có, còn Đại-Hội thì năm mười năm, hoặc năm bảy mươi năm mới mở một lần. Nghĩa là khi nào hòa cốc phong đăng, dân gian làm ăn thịnh vượng mới dám hội, hoặc là khi nào được sắc phong của thần, hoặc là khánh thành việc làm đình làm miếu, cùng là việc gì là việc mừng chung của làng thì mới hội.

Đại-hội tức cũng là nhập tịch, chỉ khác nhau nhập-ịtch thì dùng cách sơ sài, mà đại hội thì dùng trang sức thêm nhiều cách vui vẻ và ăn chơi hàng tháng mới thôi.

Nước ta, mỗi làng thờ thần là có sự tích riêng, mở hội thì làng nào theo sự tích làng ấy, nhưng đại khái cũng chẳng khác nhau bao nhiêu.

Sửa sang.— Làng nào mở hội, trước hết phải sửa sang đình miếu, chỗ nào nát thì tu bổ lại, chỗ nào cũ kỹ thì lau rửa sơn vẽ lại, tường thì quét vôi cho sạch sẽ, đồ thờ phụng, thứ thì sắm mới, thứ nhì sơn thếp, cờ tàn rách thì may khác. Cửa đình cửa miếu treo đèn, kéo một lá cờ rất to, đường cái trong làng trồng cột đèn đôi bên, mỗi cột kéo cái đèn lồng.

Về phần tư gia thì sắm may sắm mặc, nhất là những người phải vào chân cai kiệu cai cờ, hoặc người vào chân con cờ, con trai sắm quần sắm áo, con gái sắm hoa sắm hột, sắm vòng sắm nhẫn, trẻ con ngươi lớn, ai ai cũng sắm một bộ đồ đi hội.

Luyện tập.— Trước nửa tháng hội, ai vào việc gì phải luyện tập việc ấy. Cai đồng văn mỗi tối dạy cho đồng văn tập đánh trống. Đánh trống có 3 điệu:

1.— Trống rước, điểm trong khi rước sách,

2.— Trống đổ hồi, điểm những khi rước đến cửa đình cửa miếu, và khi sắp nghỉ tiếng trống,

3.— Trống tế, điểm trong khi tế tự.

Cai kiệu thì mỗi ngày hội tụ các người đô tùy (trai khiêng kiệu) tụ họp tại đình để tập khiêng kiệu. Người cai cầm cái trống lệnh dẫn kiệu đi. Đánh trống có hai nhịp: một nhịp 3 tiếng, một nhịp 6 tiếng. Trong khi đi thì điểm tiếng khoan hòa. Khi lớp đô-tùy khác vào thay, hoặc khi đổi vai, hoặc khi lên cao xuống thấp, hoặc khi xoay ra xoay vào, khi bò khi cúi, đều có trống nhịp để đô-tùy đi cho đều.

Cai cờ cũng phải hội tụ tướng cờ quân cờ tại đình mà luyện lập. Tướng cờ nam cầm quân cờ nam, tướng cờ nữ cầm quân cờ nữ. Cai cờ nam cầm trống, cai cờ nữ cầm thanh la để ra hiệu cho quân cờ. Khi ngồi khi đứng, khi ra khi vào, khi tiến khi thoái, khi sắp hàng khi vào lễ, đều có phép tắc, có thứ tự, chỉ nghe tiếng trống tiếng thanh la làm hiệu.

Trong khi luyện tập, người cai thường phải trầu nước cơm rượu khoản đãi cho đàn em, cho nên phải kén người nào giầu có mới bầu làm được cai cờ cai kiệu.

Luyện tập đâu đấy, thí-nghiệm trước một hôm, dùng đủ đồ nghi trượng như khi rước thực, đi suốt trong làng rồi về đình, quan viên cũng áo mũ tập tế, gọi là hôm vào nghiềm, nghĩa là thử xem nghi vệ đã chỉnh tề đâu đây cả chưa, kẻo về sau lầm lỗi thiên hạ chê cười.

Rước nước.— Trước khi vào đám một ngày, dùng đủ đồ nghi trượng đi rước nước. Rước nước là tìm gần miền có giếng nào trong sạch, thì đến tại đó mà lấy nước về. Hoặc lấy nước ở hồ sông thì bơi thuyền ra giữa dòng mà lấy. Lấy nước xong rước về miếu, để dùng nước ấy tắm rửa thần vị và để dùng làm nước cúng.

Gia quan.— Đêm hôm ấy thì làm lễ mộc dục (đã nói ở mục nhập tịch), đoạn rồi làm lễ gia quan. Gia-quan chỉ các người cai kiệu và các người đô-tùy mới được vào. Các người ấy phải chay sạch từ mấy hôm trước, đến lúc vào phòng áo mũ, mỗi người phải bịt cái khăn tay vào miệng, sợ hơi trần xông tới Thánh cung thì rất là bất kính.

Phong áo mũ đai mãng đâu đấy, an phụng lên long kiệu, tế một tuần rồi chờ đến tang tảng sáng thì rước về đình.

Phụng nghênh hồi đình.— Hôm ấy phàm bao nhiêu ngươi dự vào việc rước sách, đều phải trai khiết, ăn mặc đồ mới, đồ tốt. Người thủ hiệu (ngươi đánh trống cái) phải gióng trống từ đêm, để ai nấy vào việc gì sắp sẵn mà đi rước. Đến sáng, sắp rước từ cửa miếu trở đi. Ngươi thủ hiệu nổi trống thì tài tử đồng văn nổi nhạc, điểm trống, pháo đốt đùng đùng một lúc thì các đô tùy rước long kiệu ở trong miếu ra.

Rước long kiệu ra đến cửa tam quan thì phải đứng lại chờ cho các xã giao hiếu đến đủ, sắp hàng đâu đấy để rước giúp, rồi mới nhúc nhích đi, có nơi phải chờ làng giao hiếu đem đô tùy đến thay vai kiệu, trở vài ba lần rồi mới đi.

Trong khi rước đi, các xã rước giúp, xã nào là đàn anh (xã nào thờ vị thần lớn hơn hay là dân xã to hơn thì là đàn anh) thì đi đầu tiên, kế đến các xã khác theo thứ tự lần lượt mà đi, cuối cùng đến chính xã mở hội.

Nghi trượng đại để xã nào cũng vậy: trước hết có đôi cờ tuyết mao, có năm hoặc bốn lá cờ đuôi nheo, hoặc cờ vuông bằng vóc bằng dạ, mỗi lá một sắc, xanh, đỏ, vàng, trắng, đen gọi là cờ ngũ hành. Bốn lá xanh, đỏ, trắng, đen thì gọi là tứ phương, kế đến bốn lá cờ tứ linh thì mỗi lá thêu một giống là: long, lân, qui, phụng hoặc tám lá cờ bát quái thì mỗi lá thêu một chữ: kiền, khảm, cấn, chấn, tốn, ly, khôn, đoài.

Những người cầm cờ, đội nón dấu (nón lính của ta khi xưa) thắt lưng bó que, hoặc là mặc áo lậu, mỗi người đeo một cái cối gỗ con ở trước ngực để đỡ đốc cờ cầm cho nhẹ.

Cờ đi khỏi một loạt thì đến trống cái, có hai người khiêng, một người che lọng và có một người ăn mặc lịch sự, cầm cái dùi con tiện đánh trống, gọi là người thủ hiệu. Trống rồi đến chiêng cũng vậy, mỗi một tiếng trống thì lại điểm một tiếng chiêng, có nơi chiêng trống làm xe kéo thì không phải người khiêng cũng tiện.

Kế đến voi rút mây, hoặc ngựa gỗ (có làng có, có làng không) thắng bành thắng cương như voi ngựa thật, cho trẻ con kéo. Voi ngựa cũng có tàn hoặc lọng đế che mà chỗ xe ngựa thì có một người vác siêu đao đi kèm.

Kế đến hai ngươi cầm hai cái tán đi đôi bên, hoặc đi khoảng giữa thì mỗi người đi cách xa nhau một ít.

Kế đến các người chấp kích: nào là gươm trường, nào là bát bửu, dùi đồng, phủ việt, tay văn, tay võ, biển tỉnh túc, biển hồi tỵ, ở giữa thì một người vác một biển bồ dục, đề mấy chữ « Thượng đẳng tối linh » hoặc đề chữ « lịch triều phong tặng ». Người cầm biển ấy phải mặc áo thụng, có lọng che.

Kế đến là phường đồng văn, một vài người cai cầm trống khẩu, một người cầm thanh la, hai người đội nón giấu thắt lưng bó que, cầm sinh tiền; bảy, tám đứa mặc áo nẹp đỏ, mỗi đứa đeo một mặt trống bản ngang lưng, có đám lại thêm hai đứa con trai ăn mặc giả dạng con gái, mỗi đứa đeo một cái trống cơm gọi là con đĩ đánh bồng. Hễ trống khẩu, thanh la, sinh tiền khởi lên thì trống bản họa lại. Hai con đĩ đánh bồng thì vừa đập trống vừa múa có nhịp nhàng, có khúc có điệu. Có nơi dùng điệu cà rùng (điệu trống hành quân khi xưa) thì một người điểm trống lớn, năm, bảy mặt trổng nhỏ họa lại.

Kế đến một người mặc áo thụng cầm lá cờ vóc thêu chữ lệnh gọi là cờ vía, có lọng vàng che, cờ ấy tức là cờ tướng lệnh của thần, tôn quí lắm.

Kế đến ba người đội nón dấu, thắt lưng bó que, mỗi người cầm một thanh gươm cẩn, gọi là gươm dàn mặt cũng là lệnh kiếm của thần.

Kế đến bọn tài tử độ bảy tám người, người thì thổi sáo, người thì gảy đàn, người thì kéo nhị, đánh tiêu, gõ cảnh, gẩy đàn tam, thổi kèn, v.v...

Phường đồng văn thì quanh đi quẩn lại có ba nhịp trống, phường bát âm thì quanh đi quẩn lại cũng có hai điệu lưu-thủy ngũ-đối, tự xưa đến giờ chưa hơn ra ít nào, nghe chán tai lắm.

Kế đến là long đình. Trên long đình bày đồ hương hoa, mâm ngũ quả. Có bốn người đô tùy khiêng và bốn người đô tùy đi kèm ngoài để phòng khi thay đổi, có hai người cầm trống khẩu hoặc cầm cảnh đi trước mặt long đình gióng hiệu. Cai và đô tùy mỗi người đeo một tràng hoa bưởi hoặc là mạng hương cho được thơm tho. Chung quanh long đình có tàn, có quạt, có lọng, có vải che kín rất là tôn nghiêm.

Mỗi một đoạn có long đình thì lại có một đoạn nghi trượng như thế. Sau cùng lại có một đoạn nghi trượng khác rồi đến long kiệu. Long kiệu phải có một bộ đô tùy tám người khiêng và tám người đi kèm ngoài, phòng khi thay đổi. Mỗi bộ có một người cai cầm hiệu. Năm bảy xã rước chung thì xã nào là đàn anh mới được cắt đô tùy. Các xã rước giúp xã nào thân tình nhất cũng được cắt đô tùy để rước giúp.

Có xã thờ nhiều vị thần thì rước nhiều kiệu, như làng Nhật-Tân rước bảy kiệu, làng Đình-Bảng rước tám kiệu, v.v...

Kiệu rước thánh ông thì đô tùy đàn ông, kiệu rước thánh bà thì đô tùy đàn bà. Cai và đô tùy, mỗi người cùng đeo vài ba cái mạng hương.

Đô tùy kiệu thắt lưng bó que, cai đội mũ. Có nơi đô tùy đầu đội mũ, mình đóng khố, quàng một mảnh nhiễu điều hoặc vải đỏ ngang vai, che kín cả mình, cạnh khố lại đeo một cái quạt tàu, một cái túi đựng trầu, đựng thuốc, gọi là khố bao khăn vắt. Điển ấy là vì khi xưa thần đi đánh giặc lội qua sông, cho nên chiếu điển mà làm như vậy.

Đằng sau kiệu thì là các bô lão, các viên chức trong làng, mặc áo thụng đi hộ giá. Ai có một chút phẩm hàm, mặc cái áo có bố tử, che cái lọng xanh, có vài đứa đầy tớ cắp điếu tráp đi hầu để ra người danh diện.

Long-đình và kiệu có khi biết bay, nghĩa là những khi người khiêng hoặc người đi xem ngoài đông quá, xô đẩy nhau không kềm giữ cho xuể, rồi mỗi người đi mau một bước, thành chạy chúi ra bên cạnh đường, hoặc chạy rẽ ngược, chạy rẽ xuôi. Tục thì tin là Thánh mừng hoặc giận mà bay, đổ xô nhau vào khấn, cũng khí nực cười.

Kiệu rước đi qua núi, khi lên khi xuống phải bò. Lúc bò thì các đô-tùy xúm quanh đỡ lấy, lên xuống rất êm, dẫu lấy bát nước để trên kiệu cũng không đổ được.

Rước đi đường xa phải có chỗ trí kiệu, để cho người đi rước nghỉ ngơi ăn uống, đoạn rồi lại rước đi.

Đám rước to thì có phường tuồng vẽ hề đeo mặt nạ đi đón đường. Có đám dùng điển tích mà rước, như làng Yên Lãng rước qua đền Lại-Điên thì chỉ cờ bắn pháo thăng thiên vào trong đền để tỏ sự báo thù; tổng Phù-Đổng thì dùng hai mươi tám người con gái đóng tướng để ghi sự đánh giặc, v.v...

Rước xong về đến đình thì tế lễ. Lễ phải có thứ tự, người chức tước lễ trước, rồi đến các bô lão, các viên chức; kế đến các đô-tùy kiệu, đô tùy long đình, các con cờ, rồi đến các người chấp kích, sau hết đến phường bát âm, phường đồng văn. Còn nữa cứ xô nhau mà lễ, có người chen không được đứng ngoài sân mà lễ vào.

Bọn đô tùy, bọn con cờ, bọn bát âm, bọn đồng văn, mỗi bọn lễ một cách riêng. Hoặc sắp hàng hai, hoặc sắp hàng tư, hoặc sắp hàng chữ nhất, cứ theo tiếng trống của hai người cai mà tiến thoái. Bọn con cờ thì thường sắp làm hai hàng một bên trai một bên gái, ra vào có điều độ nhịp nhàng. Có con cờ lễ sắp hàng thành bốn chữ « thiên hạ thái bình » coi cũng ngộ.

Tế lễ hát xướng.— Từ hôm sau trở đi, mỗi ngày một lần đi rước văn tại nhà điển văn và rước cỗ xôi hoặc cỗ bánh hoặc tam sinh tại nhà đang cai để về tế, tế tất thì hội ăn uống với nhau. Ban ngày bày đủ các trò vui, ban đêm thì hát chèo, hát ả đầu, khi tế cỗ chay, khi tế cỗ mặn, tùy tục riêng từng làng.

Bách hí.— Bách hí là các trò vui, mỗi trò đều có treo giải thưởng. Giải treo nhiều ít tùy từng làng, nhưng giải nào cũng có phân làm hai, ba hạng. Giải thưởng hoặc tiền, hoặc nhiễu, hoặc quạt tàu, trà tàu, v.v... Hạng nhất thì được giải to, hạng kém thì được giải nhỏ, còn kém nữa thì gọi là giải hàng.

Các trò thì nơi dùng trò này, nơi dùng trò khác, nhưng đại khái các trò chơi như sau này:

1.— Hát bội. Hát bội có rạp, hoặc bắc giàn dưới gốc cây to, hoặc hát tại nơi đình điếm. Phường hát bội độ chừng mười một, mười hai người, một vài anh đánh trống đánh phách, một vài anh vẽ hề đóng tướng, cũng dùng điển này tích nọ ra trò, mà nhất là hay pha tán nhảm, làm cho thiên hạ nực cười. Ở ngoài có một người viên chức cầm trống chầu, hễ hát câu nào hay hoặc pha câu nào vui thì cắc một tiếng. Phường nào hát giỏi được thưởng nhiều, phường nào hát dở được thưởng ít, có khi hát khoán cứ mỗi buổi tối là mấy đồng bạc gì đó.

2.— Hát tuồng. Hát tuồng, hát bội chỉ khác nhau là hát tuồng thì hát một cách nghiêm chỉnh, người nhiều đồ tốt, ít tán nhảm, thường dùng những điển tích đánh nhau như điển: Tam quốc, Bình Đông, Bình Tây, v.v...

3.— Trò quỷ thuật. Quỷ thuật có nhiều cách làm cho kinh nhân nhĩ mục. Ví như một chậu nước không, bọn ấy phù chú một lúc, rồi thả câu vào giật lên được cá. Lại như một cái chén không, họ trùm mảnh vải lên cái chén ấy, một lúc mở ra có đầy chén rượu. Lại như họ úp một cái bu không, trùm vải kín, phù chú một lúc, mở ra thành đầy một bu chim. Lại như họ leo dây múa rối: dùng một sợi dây to buộc trên lưng chừng hai cái cột tre, căng đầu nọ đến đầu kia, dài độ mười thước, rồi một người tay cầm cái sào đi trên sợi dây ấy, vừa đi vừa múa, miệng thì hát, có khi vừa đi vừa tung ba con dao hoặc ba quả lăn.

Đại để thuật này như thuật Tả Từ đời ở Tam quốc.

4.— Trò dưới nước. Bắc rạp dưới nước, phường hát ngồi trong rạp trống phách hát hổng, một người đứng dưới nước cầm máy, làm cho các người gỗ đi chạy trên mặt nước, hoặc đánh nhau. Hoặc làm hai con rồng chọi nhau, hoặc làm ông Lã-Vọng câu cá, có cá nhảy ra đớp mồi, giật lên được cá.

5.— Hát quan họ. Hát quan họ là một bên trai một bên gái, hát đối đáp với nhau, như kiểu hát trống quân, tục này ở vùng Bắc-Ninh hay có.

6.— Bắt bài. Mười hai hoặc mười tám, hai mươi bốn ả đầu mỗi đứa mặc một màu áo, hoặc xanh hoặc đỏ, đầu đội mũ cài trâm, thắt lưng ra ngoài, mỗi tay cầm một cái đèn bóng, tay múa miệng hát, lượn đi lượn lại, có nhịp, có nhàng.

7.— Múa bông. Phường múa bông có nhiều cấp: Một cấp là đầu họ đội chếch một cái đèn, nhảy lên nhảy xuống, khi nghiêng khi ngả, tay thì múa miệng thì hát mà đèn vẫn không đổ được. Một cấp là họ dùng một cái chai để nằm ngang trên đầu cái que, trên cái chai lại để một cái trứng gà, rồi họ chống cái que ấy lên mũi mà múa, mà chai và trứng gà không đổ. Một cấp nữa là họ để úp một cái đĩa lên đầu cái que, rồi họ quay cho cái đĩa cứ xoay tròn trên đầu que, thỉnh thoảng tung lên tung xuống mà đĩa không đổ. Một cách nữa là miệng họ ngậm một cái chân bàn (bàn viết nhỏ của ta) để hơi chếch ngược một góc, rồi hai tay họ cắp nách, lượn đi lượn lại được.

Trò ấy ở Nam-Kỳ thường có.

8.— Tổ tôm điếm. Làm một cái rạp thực rộng, trong rạp năm góc có năm điếm, ở khoảng giữa là chỗ chia bài, có giá cắm bài nọc. Mỗi điếm cũng có một cái giá cắm bài. Một người hoặc hai ba người chung nhau một điếm, đánh to đánh nhỏ, tùy hẹn ước với nhau. Đánh bài có trống có đồng la làm hiệu có đầy tớ chạy bài, ăn cây bài, hoặc dậy khàn, dậy thiên khai, hoặc ù, đều có hiệu trống riêng, ví như ăn thì đánh một tiếng, phỗng thì đánh luôn hai tiếng, dậy khàn thì đánh ba tiếng, dậy thiên khai thì đánh bốn tiếng, ù thì đánh luôn một hồi, không ăn thì đánh một tiếng đồng la, còn xem chưa chắc rằng ăn hoặc ù hoặc phỗng hay không thì đánh một tiếng tùng một tiếng cắc, v.v... Hễ đánh sai tiếng trống thì dẫu ù cũng không được ăn tiền, mà còn nhiều khi còn phải đền.

Ai ù được luôn ba ván đầu gọi là liên-tam-hiệp, hoặc ai ù được chi chi, bạch định, thập hồng thì làng có giải-thưởng. Người được giải thì đốt pháo ăn mừng.

9.— Bài phu điếm. Bài phu cũng có rạp như tổ tôm điếm, nhưng chỉ có bốn điếm mà thôi. Cách đánh cũng lấy tiếng trống tiếng đồng la làm hiệu, ai đổ lợn cũng có giải thưởng nhưng không vui bằng tổ tôm.

10.— Cờ người. Cờ người mỗi bên có mười sáu quân là mỗi bên có một tướng, hai sĩ, hai tượng, hai xe, hai pháo, hai mã, năm tốt. Bàn cờ vẽ giữa sân đình, hai bên có hai cái rạp để chỗ cai cờ ngồi. Trước mặt cai cờ dàn bày rất nghiêm chỉnh. Mỗi nước cờ có một cái ghế để cho tướng cờ và quân cờ ngồi. Tướng và quân, bên trai bên gái mỗi bên mười sáu người, cắt toàn trạc mười hai, mười ba tuổi cho chí mười tám, hai mươi tuổi là cùng. Bên cờ trai mặc toàn một sắc áo, bên cờ gái cũng mặc toàn một sắc áo, ai vào quân gì phải cầm một cái biển quân cờ ấy, cai cờ sắp thành hàng rồi thì để cho thiên hạ vào đánh.

Ai muốn đánh cờ, trước phải khảo chịch, hễ cao cờ mới được vào đánh. Trước khi đánh, mỗi bên một người cầm lá cờ nhỏ vào lễ thần, rồi trở ra mới đánh. Ai đi nước nào thì phất ngọn cờ mà chỉ bảo con cờ, con cờ phải theo ngọn cờ mà đi. Mỗi bên có một vài đứa nhỏ cầm trống cầm đồng la để giục người đánh cờ, hễ ai chậm đi thì chúng nó khua trống khua đồng la vào mang tai cho rối trí lại.

Phía trong có dân làng cầm chịch, ai đi lầm một nước cũng là thua.

Ai đánh được thì được giải thưởng, ai thua thì có kèn trống rước ra, nghĩa là làm cho sỉ nhục, coi như đưa ma người chết vậy.

Hôm cuối cùng là hôm phá giải cờ, ai giữ được giải đến hôm ấy thì có thưởng to.

Thiên hạ lắm kẻ vì đánh cờ thua xấu hổ sinh thù, cho nên có làng ai được cờ thì phải cho tuần đưa về đến tận nhà.

11.— Cờ bỏi. Xã nào to thì mở cờ người, xã nào nhỏ thì mở cờ bỏi. Cờ bỏi thì viết con cờ vào đèn lồng, hoặc làm như hình cái thẻ mà cắm vào nước cờ, ai đánh thì xách đèn mà đi hoặc rút thẻ mà cắm, cũng có giải thưởng, nhưng không vui bằng cờ người.

12.— Đánh vật. Đánh vật phải là phường đô vật mới đánh được, có miếng có mẹo, phải luyện tập từ trước, khi vào vật, mỗi người đứng mỗi bên, hai bên đều cởi trần đóng khố. Có người cầm trống; hễ nghe trống mới được vào vật. Thoạt mới vào thì đôi bên còn vờn nhau từng miếng, rồi lăn vào bá cổ nhau, anh thì kéo cẳng, anh thì nắm khố, một hồi lâu, ai ngã nằm xuống dưới thì thua. Dân làng hồi trống thì đôi bên đều phải buông nhau ra, cùng vào lễ tạ trước sân đình rồi ai được thì lĩnh thưởng.

13.— Đốt cây bông. Cây bông bằng thuốc pháo, nhưng người làm có khéo chế thuốc thì khi đốt mới đẹp. Lúc đốt, trước còn bắn ra hoa cà, hoa cải, kế đến có những pháo thăng thiên nổ ra cả màu sắc, rồi thuốc chạy đi chung quanh, lúc thì thành ra hình chú tiểu leo cây cau, vịt lặn, lúc thì thành ra hình bốn chữ « thái bình thiên hạ », cũng là một xảo-thuật của An-nam ta vậy.

14.— Bơi chải. Gần hồ hoặc gần sông thì thi bơi chải, năm sáu chiếc thuyền hoặc mươi chiếc, họ hay làm đầu rồng đuôi tôm bằng giấy để trên đầu thuyền và dưới đuôi thuyền, gọi là thuyền rồng. Mỗi thuyền độ chín, mười người cầm một cái bơi chèo, và có một ngươi đứng đuôi thuyền cầm lái. Người thuyền nào mặc áo sắc riêng thuyền ấy. Giữa sông hoặc giữa hồ có cắm một lá cờ và treo một bánh pháo. Thuyền sắp đều một hàng. Có người cầm trống, hễ nghe mấy tiếng trống hoặc phất cờ thì đua nhau mà bơi. Thuyền nào bơi mau ra chỗ cắm cờ, đốt bánh pháo, nhổ được lá cờ đem vào thì được giải.

15.— Chọi trâu. Tục chọi trâu ở vùng Hải-Dương thường có. Chung quanh phải bắc gióng cho trâu khỏi xổng ra ngoài. Khi chọi thì hai người dắt hai con trâu đực đến cho nó húc nhau, con nào được thì người chủ được giải.

16.— Chọi gà. Người chơi chọi gà cũng lắm công phu. Trước khi đem đi chọi, nào vỗ về, nào nắn bóp, nào trườm mào, nào mài ngựa, lại phải luyện tập cho nó có can đảm. Khi đánh chọi, đã vẽ một cái vòng, hễ con nào chạy ra ngoài là thua. Giống gà chọi thường ham đánh nhau, có khi chọi nhau đến chết mới thôi chứ không chịu chạy. Người có gà chọi, ngoài cái giải của làng, thường lại đánh cuộc với nhau to lắm, có khi cuộc đến hai, ba trăm bạc.

17.— Chọi chim. Chọi chim thường chọi bằng chim họa mi, mở cửa lồng cho 2 con mổ nhau, mỗi một cái mổ là một nước, con nào mổ nhiều nước hơn là được giải. Tục này ở thành phố Hà-nội hay có, cuộc cũng to.

18.— Thả chim. Thả bằng chim bồ câu, hội nào có cuộc thả chim thì tứ xứ đem đến thả. Đàn nào bay cao nhất là được giải. Mỗi con chim, họ buộc một ống sáo nhỏ, khi chim bay kêu ve ve cả lên. Chim bồ câu này rất khôn dẫu ở đâu xa đem đến thả, nó bay cao rồi nó cũng bay về nhà nó, cho nên quân gia thường dùng để thông tin.

19.— Thả diều. Diều làm bằng giấy, mỗi cái diều cắm hai ba cái sáo, nhỏ gọi là sáo còi, to gọi là sáo cồng sáo chiêng. Lúc thả, một người cầm dây vừa chạy vừa giật, hễ diều nào bay cao hơn thì được giải.

20.— Cây đu. Chôn ba cụm tre chụm đầu làm một, treo cây đu tự trên dòng xuống, ở dưới có bàn đạp. Ai muốn đánh đu thì chân đứng vào bàn đạp, hai tay nắm hai bên đu mà nhún nhẩy, đưa mình lên trên không. Lại có một thứ đu nữa gọi là đu bát tiên có tám khung, mỗi khung có chỗ ngồi, hễ đủ tám người ngồi thì đu quay tròn đi, hình như cái chong chóng vậy.

21.— Đáo đĩa. Họ thường cắm mấy cây nứa ở dưới nước cạnh bờ sông bờ ao, trên trải một cái nia, quây cót chung quanh mà để hở mặt trước cửa. Trên nia kê chếch một cái đĩa, rồi treo giải độ vài tiền kẽm ở đó. Trẻ con đứng trên bờ ném từ đồng kẽm vào đĩa, tợ hồ đánh đáo, hễ đồng tiền trúng vào nằm trong đĩa thì được giải, không thì mất.

22.— Leo cột. Cột dài độ mười lăm, mười tám thước, trên nhỏ dưới to, bào thật nhẵn, lại bôi mỡ cho trơn. Trên đầu cột treo giải, hoặc vuông nhiễu, hoặc con vịt, hoặc cái quạt tàu, ai trèo lên đến nơi giật giải đem xuống thì lại được thêm giải khác nữa.

23.— Bịt mắt bắt dê. Làm một cái chuồng rộng, chung quanh bắc gióng cho dê khỏi chạy ra ngoài. Trong thả độ dăm bảy con dê, mỗi chỗ đào một cái hố, và bỏ ngổn ngang các đoạn chuối. Ai vào bắt dê phải bịt mắt cho kỹ, cứ nghe tiếng dê đuổi theo mà bắt, thỉnh thoảng vấp phải đoạn chuối ngã, hoặc sa vào hố thì thiên hạ lại cười ầm lên, ai bắt được con dê nào thì cho.

24.— Quàng vai bắt chạch. Chạch thả vào chum hoặc vào vại, rồi hai người, một người đàn ông một người đàn bà, mỗi người một tay quàng vai nhau, còn mỗi người một tay thì thò vào chum hoặc vại mà bắt chạch. Chạch trơn khó bắt mà đàn ông đàn bà quàng vai nhau, thiên hạ lấy làm thích.

25.— Nhảy bị. Người đứng vào trong bị, buộc thắt miệng bị lại rồi nhảy đi. Mỗi cái nhảy thì lại ngã lăn quèo ra, thiên hạ cười ầm cả lên, ai nhảy không ngã thì được giải.

26.— Thổi cơm thi. Có nơi đến ngày hội thì thổi cơm thi. Mỗi người bắc một cái bếp, một cây tre non, và một con dao, vừa vót tre vừa thổi, lấy tre ấy mà đun bếp, hễ ai thổi chín trước thì được giải. Lại có nơi vừa ăn mía vừa thổi cơm, lấy bã mía mà chụm bếp.

Còn nhiều cách chơi nữa như bắt lợn, bắt vịt, thi chạy, kéo co, chui qua thùng nước, v.v... Nói rút lại thì toàn là trò chơi cho thiên hạ vui cười mà thôi.

Tuyên lời khánh chúc. Các làng mở hội, thường có một cuộc tuyên lời khánh chúc. Lời khánh chúc là một bài tràng-thiên từ-phú, đại để tả hết cái cảnh trong làng mình, cùng là kể công đức ông thần, cuối cùng kể lại ý dân xã nhờ thần ủng hộ mà nên thịnh vượng phát đạt, rồi thì chúc tụng công đức thần mà cầu cho dân được an hưởng thái bình. Đọc lời khánh chúc cũng có treo giải thưởng, giải đầu độ năm đồng bạc, bốn bao trà tàu, hoặc một vuông nhiễu điều; giải nhì độ hai bao trà, cái quạt tàu, hoặc một vuông nhiễu điều, còn giải ba trở đi gọi là giải hàng thì chỉ một vài ngòi bút, và một tập giấy huê tiên, v.v...

Khi đọc, dân làng cắt một người thông thái cầm trổng, hễ sai một chữ hoặc sai một tiếng thì cắc một tiếng, mỗi một tiếng cắc bỏ một thoi vàng làm thẻ, hễ nhiều thẻ sai thì không được. Ai đọc từ đầu đến cuối, trơn tru gẫy gọn mà không sai một tiếng nào mới được giải nhất, sai một vài tiếng được giải nhì, sai năm ba tiếng được giải ba, còn sai quá mười tiếng thì thôi.

Đọc lời khánh chúc, bất cứ người trong làng, người hàng-tổng hàng-huyện hoặc người ngoài cũng được. Nhưng dân tình phần nhiều là thiên tư, người ngoài giỏi đến đâu cũng không lấy được giải, chung qui lại con nhà quyền thế trong làng lấy giải mà thôi.

28.— Rã đám. Hội chừng 20 ngày hoặc một tháng, rồi đại tế một tuần thì rã đám. Hôm rã đám lại rước thần vị về miếu, gọi là rước hoàn cung. Rước hôm ấy cũng như hôm mới rước về đình.

*

* *

Xét cái tục hội hè của ta, rước sách rất phiền phức, ăn uống rất lôi thôi, chơi bời rất chán chê, tiêu pha rất tốn kém, thực là hại của mà lại mua lấy cái khó nhọc vào mình.

Đã đành mở hội, trước là trọng việc sự thần, sau là cầu vui cho dân, nhưng trọng mà rước sách tế bái lắm thì hóa ra nhảm, vui mà nhọc nhằn chạy ngược chạy xuôi mãi thì hóa ra khổ. Hội đến hàng tháng thì chịu làm sao cho được?

Vả lại đã gọi là hội thì trừ ra việc đóng góp, việc ăn mặc, cũng đã tốn kém nhiều rồi, còn thì ngần nào chơi bời, ngần nào cờ bạc, con em thì bỏ công bỏ việc để ở nhà đi hội. Vậy thì chẳng những vô ích, mà lại hại thêm cho làng nữa.

Xưa nay chỉ mấy người hào trưởng trong làng là sính mở hội, vì họ có nhiều món lợi riêng, như mở tổ tôm điếm, bài phu điếm, hoặc gá bạc để lấy hồ, v.v... Họ mượn tiếng sự thần mà kỳ thực là cầu tư lợi. Mà khốn nạn cho dân đàn em lại phần nhiều là ngu xuẩn, động nói đến việc sự thần thì không ai dám gàn trở gì nữa, dẫu khổ cực thế nào cũng phải nhắm mắt mà chịu. Nếu ai gàn trở thì sợ thần quật chết tươi. Mà thần chẳng quật thì bọn hào trưởng cũng quật, tội nghiệp!

Trong cuộc hội hè của ta, lại lắm lúc tục rất dã man nực cười: Trước mặt thiên hạ mà cởi trần đóng khố để vào đánh vật, sao mà thô tục làm vậy? Thậm chí kẻ tham tiền mà liếm chảo, chẳng quản gì lọ mặt, người tham giải mà leo cây, chẳng quản gì ngã đau, sao mà đê tiện lám vậy.

Lại có một việc rất nực cười và rất là bêu nhuốc dân phong, như làng nọ thờ dâm thần, cứ đến ngày rã đám thì buổi tối tế một tuần, trong khi đang tế tắt hết đèn nến, đình miếu tối mù, rồi đàn bà đàn ông, bất cứ ai, đùa lẫn nhau một lát, có câu tục-ngữ rằng: Bơi Đăm, rước Đá, hội Thầy, vui thì vui vậy chẳng tầy Dã La, cái vui ấy thực là cái vui mạt!

Thiết tưởng nơi nào có những tục thô bỉ, cuộc nào tỏ những cách đê tiện thì nên lập tức bỏ đi. Mà trong cuộc hội hè, chưa có thể cải lương được hết, thì cũng nên giảm bớt những sự vô ích, tinh bớt những cách phiền phí, chỉ hội trong ba ngày tưởng đã là nhiều.

Dân đàn em cũng nên biết rằng: phàm sự gì đã có lợi hại quan hệ đến mình, thì mình phải suy xét, điều gì nên nghe hãy nghe, điều gì không nên thì đừng, chớ có cúi đầu mà ai bảo xôi ừ xôi, ai bảo thịt ừ thịt là hèn hạ quá. Mà dẫu ai có việc thần quyền để đè nén mình thì cũng nên biết rằng: thần chẳng qua cũng ở bụng dân mà ra, lòng dân có thuận thì thần mới thuận. Sách có chữ rằng: « Tiên chí lực ư dân, nhi hậu thần giáng chi phúc », nghĩa là trước hết phải dùng sức mà lo cho dân, rồi thần mới giáng phúc cho, vậy thì thần cũng phải lấy dân làm trọng, huống là dân không thuận thần lại cưỡng được sao?