II.— VIỆC TẾ TỰ

Lễ sóc vọng.— Mỗi tháng ngày sóc (mồng một), ngày vọng (hôm rằm), dân làng biện lễ oản chuốỉ, trầu rượu, đem tại miếu hoặc tại đình để lễ thần. Năm bảy người hoặc mươi, mười lăm người bô lão trong làng mặc áo thụng vào lễ. Đoạn đem ra chia lấy một nửa làm cỗ kiến viên để các lão hiện có tại đó uống rượu, còn một nửa chia mỗi người một miếng, cho được quân chiêm thần huệ. Phần dẫu một miếng trầu, một miếng oản, một quả chuối, cũng phải phân minh. Nếu người đương cai lỡ ra làm thiếu của ai thì sinh ra hiềm khích, có khi đi kiện nhau cũng nên.

Ngoài sự lễ Phúc thần, làng nào có thần miếu khác ở trong xã phận, cũng thường phải biện lễ oản quả đến lễ.

Các tuần tiết.— Mỗi năm về các tuần tiết như ba ngày chính đán, ngày đoan dương, ngày thượng nguyên, ngày trùng thập, v.v... và ngày hạ điền là ngày mới bắt đầu bước chân xuống ruộng, ngày thượng điền là ngày mới có gạo mới, ngày thuần húy, ngày thần đản là ngày sinh-nhật hóa-nhật của thần. Các ngày ấy đều có lễ, tùy tục làng và tùy năm phong khiểm, hoặc dùng bò lợn hoặc dùng gà xôi, nơi thì tế, nơi thì lễ. Lễ thượng điền, hạ điền về làng nào có ruộng mới tế lễ, mà nhiều làng chỉ tế lễ vào ngày hạ điền mà thôi. Lễ ấy có làng tế Phúc-thần có làng chỉ thần Tiên-Nông. Tục thường kén một ông bô lão hiền lành phúc hậu mà hai vợ chồng còn song toàn để làm lễ hạ điền. Nghĩa là ông ấy phải xuống cấy vài nắm mạ trước, rồi từ đó trở đi cả xã mới cấy.

Tế kỳ phúc.— Mỗi năm trong tứ thời hoặc hai kỳ Xuân, Thu có một tuần đại tế gọi là tế kỳ phúc, nghĩa là cầu cho dân được bình an.

Trước một ngày, làm lễ cáo yết, dắt trâu bò ra xem xét, rồi đổ một chén rượu vào đầu trâu bò, gọi là tỉnh sinh. Tỉnh sinh rồi mới được giết thịt.

Trước khi tế phải rước văn. Dân làng đem long-đình cờ quạt, tài tử đồng văn và cắt một người viên chức đội mũ, mặc áo thụng đến tại nhà người điển văn (người coi việc tả văn tế) mà rước bản văn về đình.

Người tả văn cũng phải đội mũ, mặc áo thụng, đi theo sau long-đình.

Vào đến cửa đình, người làm tế chủ phải ra tại cửa ngoài mà nghênh tiếp bản văn đem vào an trí trong nội hương án, đâu đấy mới tế.

Tế phải có một người làm tế chủ, kén người nào có chức tước ngôi thứ cao nhất trong làng mới được làm. Có làng thì lại kén người ngôi thứ cao mà vợ chồng song toàn, con trai con gái đề huề mới được làm tế chủ.

Hai người hoặc bốn người bô lão làm bồi tế. Bồi tế đứng dưới người tế chủ và cứ trông mà lễ theo.

Có hai người Đông xướng, Tây xướng đứng đôi bên cạnh cái hương án bày đài rượu để xướng lễ. Lại có hai người nội tán đứng đôi bên người tế chủ, để dẫn người tế chủ khi ra khi vào, và trợ xướng những khi tế chủ đã vào chiếu trong.

Còn phải mươi mười hai người nữa đứng hai bên vào chấp sự, hoặc dưng hương, hoặc dưng rượu, hoặc chuyển chúc, đọc chúc, vân vân.

Trước chỗ hương án trải bốn chiếu tế: thứ nhất là chiếu thần vị, thứ nhì là chiếu tế chủ thụ lộ, thứ ba là chiếu ngôi tế chủ, thứ tư là chiếu bồi tế.

Lúc gần tế, tự người tế chủ cho chí các người viên chức vào chấp sự, ai nấy đội mũ, mặc áo thụng, đi hia chỉnh tề, đứng sắp hàng hai bên. Đồng văn (người đánh trống) rung xong ba hồi trống tế thì người Đông xướng, xướng: khởi chinh cổ, thì có hai người chấp sự đi hai bên vào chỗ giá chiêng giá trống, một người đánh ba hồi chiêng, một người đánh ba hồi trống, rồi mỗi bên đánh thêm ba tiếng nữa, mới vái một vái mà lui ra.

Kế đến xướng: nhạc sinh tựu vị, thì phường bát âm tài tử kéo nhị, thổi sáo, gẩy đờn, gõ kiểng và bọn đồng văn đánh trống rầm rĩ lên một lúc mới thôi.

Kế đến xướng: củ soát tế vật, thì hai người mỗi người cầm một cây nến, một người phủng cái đế cắm một bó hương, dẫn người tế chủ vào mãi nội điện xem xét đồ lễ, có được thành kính hay thiếu thứ gì chăng. Đoạn rồi trở ra, khi vào thì vào phía hữu, khi ra thì ra phía tả, lúc nào ra vào cũng vậy...

Kế đến xướng: ế mao huyết, thì có một người cầm một cái đĩa đựng một ít tiết và mấy cái lông trâu bò đổ đi.

Kế đến xướng: chấp sự giả các tư kỳ sự, thì người nào việc gì phải chăm chú để giữ việc ấy.

Kế đến xướng: tế chủ giữ chấp sự giả các nghệ quán tẩy sở, thì người tế chủ và các người chấp sự đến cả chỗ cạnh hương án có để một chậu nước trên cái kỷ vào treo một cái khăn tay.

Kế đến xướng: quán tẩy, thì người tế chủ rửa tay vào chậu nước. Lại xướng: thuế cân thì người tế chủ lấy cái khăn ấy lau tay.

Kế đến xướng: bồi tế viên tựu vị, thì mấy người bồi tế bước vào đứng sắp hàng chiếu cuối cùng.

Kế đến xướng: tế chủ viên tựu vị thì người tế chủ bước vào chiếu vị mình.

Kế đến xướng: thượng hương thì hai người chấp sự, một người phủng cái lư hương, một người phủng hộp trầm đem đến trước mặt tế chủ, tế chủ lấy gói trầm bỏ vào cái lư, rồi cầm lấy cái lư vái một vái, lại đưa cho người chấp sự bưng vào đặt trên hương án gian giữa.

Kế đến xướng: nghênh thân cúc cung bái, thì tế chủ và mấy người bồi tế đều lạy thụp cả xuống, người tây xướng, xướng một tiếng hưng thì đứng dậy. Lễ xong bốn lễ, xướng bình thân thì đứng ngay mình cho nghiêm.

Kế đến xướng: hành sơ hiến lễ thì lúc dâng rượu lần đầu.

Kế đến người nội tán xướng: nghệ tửu tương sở, tư tôn giả cử mịch, thì tế chủ đi ra chỗ án để đài rượu và người chấp sự mở cái miếng vải phủ trên mâm đài ra, Xướng: chước tửu thì rót rượu.

Kế xướng: nghệ đại vương thần vị tiền, thì hai người nội tán dẫn người tế chủ lên chiếu nhất. Xướng quỵ thì tế chủ và bồi tế đều quỳ cả xuống.

Kế xướng: tiến tước, thì một người chấp sự dâng đài rượu đưa cho tế chủ vái một vái lại giao trả người chấp sự. Xướng hiến tửu thì các người chấp sự dâng rượu đi hai bên đều phải phủng cao đài rượu mà dâng vào nội điện.

Xong rồi trở ra. Xướng hưng, bình thân, phục vị thì tế chủ, bồi tế cùng phục xuống rồi đứng dậy, tế chủ lui ra chiếu ngoài.

Kế xướng: độc chúc thì có hai người chấp sự vào bàn trong phủng văn tế ra. Người nội tán xướng: nghệ độc chúc vị rồi lại dẫn tế chủ lên chiếu trên. Xướng đai quị thì tế chủ, bồi tế và hai ngươi phủng chúc, đọc chúc đều quì cả xuổng. Xướng chuyển chúc thì người phủng bản văn đưa cho tế chủ cầm lấy vái một vái rồi đưa cho người đọc chúc.

Xướng: đọc chúc lần nữa, thì người đọc chúc tuyên đọc bài văn tế lên.

Trong văn tế trước hết kể niên hiệu, ngày tháng, kế nói đến tỉnh, phủ, huyện, xã, rồi liệt hết tên các tiên thứ chỉ, chức sắc, kỳ mục và các người lão hạng trong xã, kính dâng lễ vật cáo với thần vị nào, kê hết duệ hiệu và những mỹ tự của nhà vua phong cho thần.

Đọc xong, tế chủ lạy hai lạy lui ra chiếu ngoài. Kế dâng hai tuần rượu nữa: tuần thứ hai gọi là á hiến lễ, tuần thứ ba gọi là chung hiến lễ. Cách xướng lễ cũng như tuần trước.

Xong cả ba tuần rượu rồi thì xướng ẩm phúc, có hai người vào nội điện bưng một chén rượu và một khay trầu. Xướng nghệ ẩm phúc vị, thì người tế chủ quay ra bước lên chiếu thứ nhì. Xướng quị thì tế chủ quì xuống, rồi hai người đưa chén rượu khay trầu cho người tế chủ. Xướng ẩm phúc thì người tế chủ bưng lấy chén rượu vái một vái rồi uống cho hết ngay một hơi. Xướng thụ tộ thì tế chủ cầm khay trầu cũng vái rồi mới ăn một miếng. Nghĩa là thần ban phúc lộc cho thì phải uống ngay ăn ngay mới là kính trọng thần.

Đoạn lại lễ hai lễ rồi đứng dậy lui ra chiếu ngoài.

Kế xướng: tạ lễ cúc cung bái thì tế chủ, bồi tế cùng lạy tạ bốn lạy, xướng phần chúc thì người đọc chúc đem bản văn phóng hỏa đi.

Đến xướng: lễ tất là việc tế xong hết.

Trong khi tế, những lúc dâng rượu, lúc phần chúc, nhạc sinh đều phải cử nhạc. Đến lúc tế xong, dân làng theo thứ tự vào lễ, cũng có đánh trống, gọi là trống lễ.

Lễ xong đâu đấy thì đem làm cỗ ăn uống vui vẻ với nhau.

*

* *

Trong việc tế tự, có điển đốt hương là do tự Tây-vực. Đốt hương nghĩa là cầu cho quỉ thần giáng cách. Khi xưa tục Tàu tế Tôn miếu chỉ dùng cỏ tiêu (cỏ thơm) trộn với mỡ mà đốt cho thơm, chưa có đốt hương. Đến đời vua Vũ-Đế nhà Hán, sai tướng đánh nước Hồn-Gia xứ Tây-Vực (thuộc về vùng Ấn-Độ), vua nước này phải đầu hàng, dâng một thần tượng bằng vàng, đem về đặt trong cung Cam-Toàn. Người nước Hồn-Gia cúng tế thần ấy, không phải dùng đến dê bò, chỉ đốt hương lễ bái mà thôi. Từ đó Tàu mới có tục đốt hương.

Nước ta tục đốt hương chưa biết tự đâu, nhưng ở Ngô-truyện có nói rằng: Trương-Tân làm Thứ-Sử Giao-Châu, thường đốt hương ở nhà Các-Lập tịnh sá để đọc đạo thư. Tục ta có lẽ khởi từ đó.

Còn như hiến đồ tế vật, ngoài Bắc-Kỳ ta chỉ hiến rượu, chớ không hiến các món đồ ăn, vì ta hay để toàn sinh mới là thành kính. Ở về Nam-Kỳ thì món đồ ăn gì cũng có hiến. Trong khi hiến rượu, ngoài ta đi một cách rất khoan thai nghiêm trang. Ở Nam-Kỳ khi hiến rượu, hiến đồ ăn, thường có hai người đóng tuồng, mặc đồ nhung trang cầm nến đi trước; kế đến mỗi bên ba bốn con hát, áo mũ rực rỡ, mỗi ả cầm vài nén hương, vừa đi vừa đọc câu chúc hỗ, rồi mới đến các người hiến rượu, hiến đồ ăn đi sau. Mà cách đi thì rất ngộ: người nào mắt cũng nhưng nhưng, nháo nháo, nghiêng đầu nghiêng cổ, chân bên nọ đá chân bên kia, làm cho ai lạ mắt cũng phải phì cười, mà họ thì cho thế mới là đi vào kiểu.