TIẾT THỨ II

THỂ-CÁCH VĂN-CHƯƠNG

Văn-chương có nhiều thể-cách, mỗi thể-cách có một lối đặt câu riêng; nhưng đại-khái thì nên chia làm hai lối là lối có vần và lối không có vần.

Lối có vần như là thơ, phú, minh, tán, ca ngâm khúc điệu, v.v. Lối không có vần như là kinh-nghĩa, văn-sách, luận, lý, tứ lục tiểu đối v.v.

Tựu trung, văn ta cũng có nhiều lối khác với văn Tầu. Vậy thể nào có sẵn văn nôm thì ký-giả cứ lựa lấy trong các danh văn hay là trích ở trong các truyện mà mỗi thể chép theo một vài bài. Nếu thể nào của ta chưa có sẵn văn nôm thì kén lấy ở trong các thể văn Tầu hoặc dịch theo nguyên điệu, hoặc dịch theo lối lục bát, hoặc chỉ dịch nghĩa đen, bài nào nên để nguyên văn chữ nho cũng để, để hậu nhân biết hết các thể-cách văn-chương của ta và của Tầu.

LỐI CÓ VẦN

1.— THƠ — Sách có chữ rằng: « Thi ngôn chí » nghĩa là thơ để nói chí của mình. Lại có câu rằng: « Thi dĩ ngâm vịnh tính-tình » nghĩa là thơ để ngâm vịnh tính-tình của mình.

Trong lối thơ cũng phân ra làm nhiều thể cách riêng: Thơ 5 chữ gọi là ngũ-ngôn, thơ 7 chữ gọi là thất-ngôn. Ngũ-ngôn, thất-ngôn mỗi bài 4 câu gọi là tứ-tuyệt, mỗi bài 8 câu gọi là bát-cú. Thất-ngôn dùng đến 8 câu, ngũ-ngôn hoặc dùng 8 câu hoặc dùng 16 câu là thường còn dài hơn nữa gọi là thơ tràng thiên, hoặc gọi là hành.

Ngũ-ngôn, thất-ngôn không cần điệu bằng trắc, duy chỉ có vần thì gọi là cổ thể; cần phải dùng đến điệu bằng trắc thì gọi là Đường luật. Đường luật nghĩa là luật ấy từ nhà Đường mới đặt ra, rồi sau cứ tuân đó mà làm luật nhất-định cho nhà làm thơ.

Muốn biết điệu bằng trắc thì trước hết phải biết cách đánh vần. Cách đánh vần: ví dụ muốn biết tiếng « Thiên » là vần gì thì phải nói « Thiền thiên thiến thiển thiện »; muốn biết tiếng « Địa » là vần gì thì phải nói « Đìa đia đía đỉa địa »; cứ hai tiếng đầu mở mồm thấy ngay là tiếng bằng và ba tiếng sau cùng hút lại là tiếng trắc. Vậy thì tiếng bằng tức là tiếng trong chữ quốc ngữ có dấu huyền «  » và các tiếng không có dấu; mà tiếng trắc thì là các tiếng có dấu sắc «  » hỏi «  » nặng «  » ngã «  ».

Nay lấy chữ B thay vào tiếng bằng, chữ T thay vào tiếng trắc, chữ V thay vào tiếng vần mà kể mấy thể bằng trắc trong Đường luật ra sau này:


Ngũ-ngôn thể bằng

1∘ B B T T V
2∘ T T T B V
3∘ T T B B T
4∘ B B T T V
5∘ B B B T T
6∘ T T T B V
7∘ T T B B T
8∘ B B T T V


Ngũ-ngôn thể trắc

1∘ T T T B V
2∘ B B T T V
3∘ B B B T T
4∘ T T T B V
5∘ T T B B T
6∘ B B T T V
7∘ B B B T T
8∘ T T T B V


Thất-ngôn thể bằng

1∘ B B T T T B V
2∘ T T B B T T V
3∘ T T B B B T T
4∘ B B T T T B V
5∘ B B T T B B T
6∘ T T B B T T V
7∘ T T B B B T T
8∘ B B T T T B V


Thất-ngôn thể trắc

1∘ T T B B T T V
2∘ B B T T T B V
3∘ B B T T B B T
4∘ T T B B T T V
5∘ T T B B B T T
6∘ B B T T T B V
7∘ B B T T B B T
8∘ T T B B T T V

Đó là luật thơ theo vần bằng, nếu muốn dùng theo vần trắc thì cũng theo điệu ấy mà điên đảo lên mà thôi. Nói qua sau này:


Ngũ-ngôn thể bằng vần trắc

1∘ B B B T V
2∘ T T B B V
3∘ T T T B B
4∘ B B B T V
5∘ B B T T B
6∘ T T B B V
7∘ T T T B B
8∘ B B B T V


Thất-ngôn thể trắc vần trắc

1∘ T T B B B T V
2∘ B B T T B B V
3∘ B B T T T B B
4∘ T T B B B T V
5∘ T T B B T T B
6∘ B B T T B B V
7∘ B B T T T B B
8∘ T T B B B T V

Thế nào thì cũng cứ câu thứ nhất, thứ nhì, thứ tư, thứ sáu, thứ tám phải theo vần nhau, mà muốn dùng 4 câu thì phải 3 vần. Còn thơ ngũ-ngôn muốn làm 16 câu thì phải thêm 8 câu nữa, cũng theo điệu ấy kéo đi mà thôi có khi hai câu đầu đối nhau ngay thì câu đầu không phải vần nữa. Sai vần gọi là lạc vận hay là xuất vận, không được. Câu tiếp theo đáng bằng bằng mà đặt trắc trắc, đáng trắc trắc mà đặt bằng bằng gọi là thất niêm, nghĩa là điệu không dính nhau cũng không được. Trong câu trừ ra chữ thứ nhất và chữ thứ ba không kể bằng trắc gọi là nhất tam bất luận, còn sai bằng trắc chữ nào thì gọi là thất luật, nghĩa là sai luật cũng không được. Song chữ thứ nhất ở thơ ngũ-ngôn và chữ thứ ba ở thơ thất-ngôn, đáng trắc trắc mà dùng bằng trắc thì được, chớ đáng bằng bằng mà dùng trắc trắc thì gọi là khổ độc, nghĩa là khó đọc cũng không được. Thơ ngũ-ngôn chữ thứ hai và chữ thứ năm, thơ thất-ngôn chữ thứ tư và chữ thứ bẩy không được điệp một vần, nếu điệp vần thì là phạm phải bịnh phong yêu hạc tất (lưng ong gối hạc), nghĩa là có bịnh ở trong giữa câu cũng không được.

Đó là luật thơ. Còn phép làm thơ thì câu đầu tiên gọi là câu phá-đề, nghĩa là mới mở cái ý của đầu bài. Thí dụ đầu bài là « đám mây » thì câu phá-đề nói ngay cái ý vì đâu mà sinh ra đám mây, hoặc là mình đương đứng nhìn trên không mà ngẫu nhiên trông thấy. Câu thứ hai là câu thừa-đề nghĩa là nói vào đầu bài, ví như bài này thì thế nào cũng phải nói đến hai tiếng « đám mây » vào trong câu, hoặc là nói cái ý của đám mây cũng được. Câu thứ ba thứ tư là hai câu thích-thực hoặc gọi là cập-trạng nghĩa là phải tả cái thực cảnh của đầu bài ra, và phải đối nhau, như bài này thì phải kén lấy hai cảnh gì đẹp của đám mây mà đối nhau. Câu thứ năm thứ sáu gọi là hai câu luận nghĩa là luận cho rộng cái ý của đầu bài, cũng phải đối nhau, như bài này thì hoặc là dẫn điển-tích đám mây mà luận, hoặc là luận cái công-hiệu của đám mây hoặc là dẫn cảnh ngoài vào làm câu bằng-thấn, nghĩa là so sánh với cảnh khác để tỏ ra cảnh này. Hai câu thứ bẩy thứ tám thì goi là hai câu thúc-kết, không cần phải đối nhau. Câu này thì tổng kết cái ý của đầu bài, hoặc tả rộng ý ra thế nào cũng được.

Còn như thơ tứ-tuyệt thì hoặc hai câu đầu đối nhau, hoặc hai câu dưới đối nhau, hoặc đối nhau cả bốn câu, hoặc cả bốn câu cùng không đối nhau cũng được. Song bốn câu không đối nhau cả thì phải nói cho quán một hơi đi mới được.

Thơ tràng-thiên thì kéo dài đến bao nhiêu câu cũng được, hoặc dùng luật bằng trắc hay là không cứ bằng trắc cũng được. Trong một bài đầu đuôi dùng nguyên một vần hoặc cứ bốn câu, tám câu lại đổi một vần cũng được.

Ngoại giả các lối trên này, lại còn lối thủ vĩ ngâm, lối liên châu, lối thuận nghịch độc, lối yết-hậu, lối cô nhạn nhập quần và lối cô nhạn xuất quần vân vân.

Thủ vĩ ngâm (ngâm đầu đuôi) là lối một câu đầu và một câu cuối giống nhau. Liên-châu (chuỗi hạt châu) là lối trong mấy bài thơ, cứ câu cuối cùng bài trước, lại đem làm câu đầu bài sau tựa như chuỗi hạt châu liền với nhau. Thuận nghịch độc (đọc xuôi đọc ngược) là lối trong một bài thơ đọc ngược đọc xuôi cũng thành câu cả. Yết-hậu (câm) là lối trong một bài thơ 4 câu thì 3 câu trên đủ chữ, còn câu cuối cùng chỉ có một chữ. Cô nhạn nhập quần (một con nhạn vào đàn) là lối trong một bài thơ, câu đầu riêng một vần, còn mấy câu dưới thì dùng chung một vần khác. Cô nhạn xuất quần (một con nhạn ra đàn) là lối trong một bài thơ, mấy câu trên đi chung một vần, còn câu cuối cùng lạc ra một vần khác.

Các lối trên này, thường dùng nhất là Đường-luật, vì có dùng luật thơ thì thơ mới nghiêm, cho nên dùng vào những việc kính cẩn nghiêm trang, như thơ ứng thí, thơ chúc tụng vua, hoặc mừng các người tôn trưởng, đều phải theo Đường-luật. Tứ-tuyệt, tràng-thiên, thủ-vĩ-ngâm, liên-châu, cũng hay thường dùng, song phần nhiều là ngâm vịnh chơi bời. Còn như lối thuận-nghịch-độc, lối yết-hậu và hai lối cô-nhạn xuất nhập thì ít người dùng đến, chỉ những người có tính hiếu kỳ đôi khi dùng đến mà thôi.

Nay kén lấy những bài của các bậc danh-thi nước ta hoặc tìm lấy ở trong các truyện mỗi thể một vài bài chép theo sau này:


Ngũ-ngôn tứ tuyệt
(Đường-luật)
Cảnh Hồ-tây về chiều

Tư bề cảnh vắng teo,
Một vũng nước trong veo.
Phất phới buồm ai đó?
Xa xa một mái chèo.

(Vô danh)



Ngũ-ngôn bát cú
(Cổ-thể)
Vịnh sử khen Trần-bình-Trọng[1]

Giỏi thay Trần-bình-Trọng,
Dòng-dõi Lê-đại-Hành.
Đánh giặc dư tài mạnh,
Thờ vua một tiết trinh.
Bắc-vương sống mà nhục,
Nam-quỷ thác cũng vinh.
Cứng cỏi nhời trung liệt,
Nghìn thu tỏ đại danh.

(Trích lục trong truyện Hưng-đạo)



Ngũ-ngôn bát cú
(Cổ-thể vần trắc)
Đêm mùa hè

Tháng tư đầu mùa hạ,
Tiết trời thực oi ả.
Tiếng dế kêu thiết tha,
Đàn muỗi bay tơi tả.
Nỗi ấy biết cùng ai,
Cảnh này buồn cả dạ.
Biếng nhắp năm canh chày,
Gà đã sớm giục giã.

(Yên-đổ thi tập)


Ngũ-ngôn tứ tuyệt
(Cổ-thể)
Tự chào bốn bài

I

Hán tự chẳng biết Hán,
Tây tự chẳng biết Tây.
Quốc ngữ cũng tịt mít,
Thôi đi về đi cày.

II

Trồng ngô và trồng đậu,
Cấy chiêm lại cấy mùa.
Ăn không hết thì bán,
Bán đã ông Tây mua.

III

Được tiền thì mua rượu,
Rượu say rồi cưỡi trâu.
Cưỡi trâu thế mà vững,
Có ngã cũng không đau.

IV

Ăn lương hàm chính-thất,
Thôi thôi thế cũng xong.
Ví bằng nhà nước dụng,
Phải bổ trường Canh-nông.

(Tú-xương thi tập)



Thất-ngôn tứ tuyệt
(Đường-luật)
Trời nói

Cao cao muôn trượng ấy là tao,
Dẫu pháo thăng thiên chẳng tới nào.
Nhắn nhủ dưới trần cho chúng biết,
Tháng ba, tháng tám tớ mưa dào.

(Yên-đổ thi tập)

Ông đứng làm chi đấy hỡi ông?
Trơ trơ như đá vững như đồng.
Đêm ngày gìn giữ cho ai đó?
Non nước đầy vơi có biết không?

(Yên-đổ thi tập)



Thất-ngôn bát cú
(Đường-luật)
Năm-mười-lăm tuổi tự vịnh

Năm-mười-lăm tuổi hãy mừng ta,
Còn bốn-nhăm năm đấy đó mà.
Đội đức hải sơn ngày tháng rộng,
Gẫm mình râu tóc tuyết sương pha.
Cung đàn ả nguyệt dầu yêu trẻ,
Chén rượu làng quê vẫn kính già.
Xiêm áo cũng chung nhờ lộc nước.
Được riêng khỏe mạnh phúc nhà ta.

(Vân-đình thi tập)


Tạo-hóa gây chi cuộc hí trường,
Đến nay thấm thoắt mấy tinh sương?
Lối xưa xa mã hồn thu-thảo,
Nền cũ lâu đài bóng tịch-dương.
Đá vẫn trơ gan cùng tuế-nguyệt,
Nước còn cau mặt với tang-thương.
Nghìn năm gương cũ soi kim cổ,
Cảnh đấy người đây luống đoạn trường.

(Thanh-quan thi tập)

Giời nam riêng một cõi doanh bồng,
Sơn thủy thiên nhiên cảnh lạ lùng.
Bắc-đẩu Nam-tào[2] chia tả hữu,
Huyền-đăng[3] trăm ngọn đá chông vông.
Mây chòm cổ-thụ bóng sầm uất,
Một dãy cao-phong thế trập trùng.
Bãi nổi sè sè hình lưỡi kiếm,
Nước trong leo lẻo một dòng sông.
Véo von vượn hót trên đầu núi,
Lát đát hươu ăn dưới rặng tùng.
Dáng tỏa chiều hôm chim ríu rít,
Mây tuôn ban sớm khói mịt mùng,
Phong quang bốn mặt đẹp như vẽ,
Một tòa lâu đài cao sát không.
Rèm ngọc sáng choang mây núi bắc,
Gác hoa bóng lộn sóng chiều đông.
Đại-vương khi nhàn rê thượng trúc,
Theo sau vài một gã tiểu-đồng.
Khi đeo bầu rượu qua sườn núi,
Lúc dạo cung đàn bơi giữa dòng.
Thủng thỉnh cuộc cờ khi gió mát,
Ung dung ngâm vịnh lúc giăng trong.
Nghĩ mình thú hứng vui ngày sót,
Ngắm cảnh non sông thỏa tấc lòng.
Tuổi già, cảnh thú, công danh trọn,
Than ôi! Đại-vương thực anh-hùng.

(Trích lục trong truyện Hưng-đạo)

Trăm năm ông phủ Vĩnh-tường ôi!
Cái nợ ba sinh đã trả rồi.
Chôn chặt văn-chuơng ba thước đất,
Quăng xa hồ-thỉ bốn phương giời.
Cán cân tạo-hóa rơi đâu mất,
Miệng túi kiền-khôn thắt lại thôi.
Hăm-bẩy tháng trời là mấy chốc,
Trăm năm quan phủ Vĩnh-tường ôi!

(Xuân-hương thi tập)


I

Ngán nỗi nhà nho bọn hủ ta,
Hủ sao hủ gớm hủ ghê mà!
Thơ xuông nước ốc còn ngâm váng,
Rượu bự non chai vẫn chén khà.
Múa mép rõ ra văn chú chiệc,
Dài lưng quen những thói con nhà.
Phen này cái hủ xua đi hết.
Cứ để cười nhau hủ mãi a?

II

Cứ để cười nhau hủ mãi a?
Cười ta, ta cũng biết rằng ta.
Trót quen nho nhã đầu khăn lượt,
Hóa kém văn minh cổ áo là.
Khó vậy làm em, giầu đã chị,
No thì nên bụt, đói ra ma.
Nay đương buổi học ganh đua mới,
Còn giữ lề xưa mãi thế mà!

III

Còn giữ lề xưa mãi thế mà!
Trông gương ta lại tức cho ta.
Ngâm câu dã giả đùi rung nẩy,
Ngó chữ a b mắt quáng lòa.
Tai mặt cùng vui đình đám hội,
Mày râu riêng thẹn nước non nhà.
Ai ơi giấc ngủ sao mê quá,
Mưa gió năm châu rộn tiếng gà.

IV

Mưa gió năm châu rộn tiếng gà.
Cái hồn văn tự tỉnh dần ra.
Trống khua giáo-dục kêu vang nước,
Đuốc rọi văn-minh sáng rực nhà.
Khai-hóa đã đành thay lối cũ;
Cải-lương còn phải tính đường xa.
Anh em nghĩ lại sao không cố,
Ngán nỗi nhà nho bọn hủ ta.



Yết-hậu

Sư gạn vãi

Chơi xuân kẻo nữa già,
Lâu nay vẫn muốn mà,
Mời vãi vào nhà hậu,
Ta!

Vãi cự lại

Đã mang tiếng xuất-gia,
Còn đeo thói nguyệt hoa,
Sư mô đâu mà thế,
Ma!

Sư giận đuổi vãi

Quy y bảo chẳng nghe,
Chủng chẳng có phen què,
Ở chùa ăn hại oản,
Về!

Vãi nhiếc lại sư

Đầu trọc tếch, nhẫn cừ,
Trông mặt khéo là như,
Tu hành đâu có thế,
Hư!

Tiểu trông thấy

Thấy sự nực cười thay!
Sư ghẹo vãi ban ngày.
Vãi chẳng nghe sư giận,
Hay!

Sư dỗ tiểu

Chú tiểu thực là ngoan,
Đã bảo, chớ nói càn,
Mai cho nhiều oản chuối.
Van!

Tiểu đáp

Sư biết một mình tôi,
Làng biết nữa đi đời,
Đã van không nói nữa,
Thôi!

(Trích lục trong khôi hài tập)


Thuận nghịch độc
Xuân tiêu cảm tác

Bài này nguyên văn chữ nho đọc ngược đọc xuôi đều thành câu cả. Trích bốn câu giữa như sau này.

Đọc xuôi

Hàn mai thụy vũ ngâm dung sấu,
Nộn liễu hàm phong vũ nhứ khinh.
Tàn chúc dạ phi hoa lạc lạc,
Bích đài yên tỏa nguyệt minh minh.

Đọc ngược

Minh minh nguyệt tỏa yên đài bích,
Lạc lạc hoa phi dạ chúc tàn.
Khinh nhứ vũ phong hàm liễu nộn,
Sấu dung ngâm vũ thụy mai hàn.


Bài này đọc xuôi là chữ nho mà đọc ngược thành chữ nôm đều thành câu cả.

Đọc xuôi

Thi đàn tế-liễu lộng hoa hài,
Khách bộ tùy sương ấn bích đài.
Kỳ cục đả thanh phong giáp trận,
Tửu hồ khuynh bạch tuyết hòa bôi
Sơ liêm thấu nguyệt hương lung trúc,
Tuyết án lăng hoa vị áp mai.
Phi phất thảo am đầu tĩnh điếm,
Ư tình cố nãi thuộc quên ai.

Đọc ngược

Ai quen thuộc nấy có tình ư?
Đêm tĩnh đầu am cỏ phất phơ?
Mai ép mùi hoa lừng án tuyết,
Trúc lòng hương nguyệt thấu rèm thưa.
Bôi hòa tuyết bạch nghiêng hồ rượu,
Trận giáp phong thanh đánh cuộc cờ,
Rêu biếc in sương theo bước khách,
Hài hoa lỏng lẻo tới đàn thơ.

(Vô danh)


Cách làm thơ lại có cách xướng-họa và cách liên-ngâm nữa. Xướng-họa là một người khởi xướng lên làm một bài trước, rồi người khác họa lại. Người họa phải theo vần của người xướng mà làm hoặc đáp lại ý người xướng, hoặc bàn rộng ra, hoặc khen, hoặc chê tùy ý. Thơ liên-ngâm là trong 3, 4 người ngồi chơi, cứ lần lượt mỗi người ngâm một hai câu, như người thứ nhất đọc một câu phá, người thứ hai đọc tiếp ngay câu thừa và một câu thực; người thứ ba đọc đối một câu thực và đọc tiếp một câu luận; người thứ tư đọc đối một câu luận và đọc tiếp một câu kết, rồi bắt đầu lại người thứ nhất đọc một câu kết nữa thì thành bài. Có khi ngâm thơ tràng thiên cứ lần lượt đọc mãi đi, hễ ai đọc không tiếp được là thua.

Tôi nghe kẻ cướp nó lên ông,
Nó lại lôi ông đến giữa đồng.
Lấy của bắt người quân tệ nhỉ,
Xương già da cóc có đau không?
Bây giờ chót đã sầy da trán,
Ngày trước đi đâu mất mảy lông.
Thôi cũng đừng nên ky cóp nữa,
Kẻo mang tiếng dại với phường ngông.

Trả lời

Ông thăm tôi cũng giã ơn ông,
Nó có lôi tôi đến giữa đồng.
Cũng tưởng vun thu phòng lúc thiếu,
Nào ngờ ky cóp lại như không.
Chém cha thằng quỷ đen tay mắt,
Chẳng nể ông già bạc tóc lông.
Ông hỏi thăm tôi, tôi có biết,
Thương ông tuổi tác cháu thì ngông.

(Yên-đổ thi tập)


Liên-ngâm
(Tràng thiên)
Hồ-tây tức cảnh

Bài dưới này là bà Liễu-Hạnh cùng với ông Phùng-khắc-Khoan và một ông họ Lý, một ông họ Ngô chơi ở Hồ-tây, xướng họa liên-ngâm với nhau, nguyên văn chữ nho dịch ra sau này.

Bà Liễu ngâm trước một câu:

Hồ-tây riêng chiếm một bầu giời,

Bát ngát tư mùa rộng mắt coi,
Cõi ngọc xanh xanh làng phía cạnh,

Phùng

Trâu vàng biêng biếc nước vành khơi.
Che mưa nhà lợp và gian cỏ,

Ngô

Chèo gió ai bơi một chiếc chài.
Rậu thủng chó đua đàn xủa tiếng,

L

Trời hôm bếp thổi khói tuôn hơi.
Mơn mơn tay lái con chèo quế,

P

Xàn xạt mình đeo chiếc áo tơi.
Thuyền Phạm phất phơ chơi bể rộng,

N

Bè Trương thấp thoáng thả sông trời.
Đò-đưa bãi lác tai dồn dã,

L

Giọng hát bờ lau tiếng thảnh thơi.
Cò xuống đua qua vùng cát đậu,

P

Diều bay sẽ liệng đám mây chơi.
Khúc ca trong đục ầm bên nước,

N

Quầng mắt xanh đen sạch bụi đời.
Đầu gối lọng lai láng chuyện,

L

Tay soi tiền giáp lả lơi cười.
Chốc sen ngả nón chứa rau búp,

P

Đáy nước gìm phao bắt cá tươi.
Có lúc kề hoa bầy tiệc rượu,

N

Họa khi tựa bóng đứng đầu mui.
Say rồi cởi áo quăng dòng mát,

L

Tắm đoạn xoay quần hóng gió phơi.
Trẻ mục Yên-hoa bày tiệc rượu,

P

Lũ tiều Thượng-uyển hẹn nhời dai.
Bắt cò cứ vững ngồi rình bụi,

N

Mò ngọc khen ai khéo lặn ngòi.
Tay lưới thế thần khôn mắc vướng,

L

Lưỡi câu danh lợi nhẹ tham mồi.
Hạ rồi bến mát còn yêu nắng,

P

Đông hết thành xuân chửa thấy mai.
Thú cảnh yên hà sang dễ đọ,

N

Sóng lòng trần tục dạ hồ vơi.
Xe săn Vị-thủy tha hồ hỏi,

L

Thuyền tới Đào-nguyên mặc sức bơi.
Chuông sớm giục thanh lòng Phật đó,

Bà Liễu kết nốt một câu:

Giăng tròn soi một bóng tiên thôi.

(Trích lục trong truyện Liễu-chúa)

*

* *

   




Chú thích

  1. Trần-bình-Trọng là một bực trung thần nhà Trần, khi quân nhà Nguyên bắt được, dỗ cho đầu hàng thì sẽ phong cho làm tước vương nước Tầu. Bình-Trọng không chịu hàng nói rằng: Thà rằng làm quỉ nước Nam, chớ không thèm làm vương đất Bắc.
  2. Bắc-đẩu Nam-tào đều là tên núi ở đấy.
  3. Huyền-đăng cũng là tên núi ở đấy, hình như cái đèn treo, cho nên gọi là Huyền-đăng.