Vịnh người đi cày
của Lê Thánh Tông

I sửa

Năm canh bố cốc[1] tiếng kêu om,
Leo lẻo canh phu[2] sớm đã nom.
Gió ngàn xanh, xoay nón lệch,
Mưa núi lục, cúi lưng khom.
Lều Nam Dương[3] đã khoan chân đứng,
Non Phú Xuân[4] qua cất mặt nhòm.
Tấc đất, tấc vàng yêu bấy tá.
Mồ hôi dồn dọi thuở đầu mom.

II sửa

Một cày, một cuốc, phận đà đành,
Song viết[5] ai bằng song viết canh[6] ?
Diệt, vắt[7], tay cầm quyền tướng súy,
Thừa lưa[8] thóc chứa lộc công khanh.
Công A hành[9] đến trời biếc.
Tiết Tử Lăng[10] còn núi xanh.
Ngoài ấy có nơi hơn thú nữa,
Ruộng lành dõi[11] được giống nhà lành.

   




Chú thích

  1. Bố cốc: Tu hú
  2. Canh phu: Dân cày
  3. Nam Dương: Nơi ở làm ruộng của Gia Cát Lượng lúc chưa ra giúp Lưu Bị
  4. Phú Xuân: Nơi ở ẩn của Nghiêm Quang đời Hán Quang Vũ
  5. Song viết: Nghề nghiệp
  6. Canh: Cày
  7. Diệt, vắt: Tiếng người cày ra lệnh cho trâu rẽ phải hoặc trái
  8. Thừa lưa: Thừa mứa
  9. A hành: Chức quan của Y Doãn nhà Thương. Câu này ý nói: công nghiệp của Y Doãn cao cả, vang đến tận trời
  10. Tử Lăng: Tên tự của Nghiêm Quang nhà Đông Hán. Câu này ý nói: tiết tháo của Tử Lăng vẫn còn lưu truyền ở núi xanh
  11. Dõi: Truyền