Văn nghệ xứ ta năm 1933 và trước năm ấy: Cái kỷ nguyên mới của thơ và tiểu thuyết

Văn nghệ xứ ta năm 1933 và trước năm ấy: Cái kỷ nguyên mới của thơ và tiểu thuyết  (1934) 
của Phan Khôi

Bài đăng trên Công luận, số Tết (14 tháng 2 năm 1934), trang 18.

Dầu mà nói tiên tri không đúng với hậu sự là tôi cũng cứ nói, vì tôi muốn nói, vì sự thấy rõ ràng chắc chắn của tôi bắt tôi phải nói: sau đây bốn mươi năm nếu có ai làm sách Việt Nam văn học sử về thời kỳ cận đại, ắt phải khởi từ năm 1933.

Ngày nay, đứng trong cõi văn học nước nhà trông ra, trước mắt ta, thấy như nhan nhản mênh mông mà rối rít, đến nỗi chẳng nhận ra cái gì vào với cái gì; nhưng sau đây người ta sẽ thấy rõ lắm, trong cõi mênh mông ấy người ta có thể chia ra từng giới hạn. Tôi cũng ở ngày nay, đồng thời với độc giả, song giả đò như tôi sống sụt lại vài bốn mươi năm sau để kể chuyện đã qua, tưởng cũng là một sự ngộ nghĩnh buồn cười chớ chẳng có hại gì.

Rút hẹp cái phạm vi văn học lại, nói riêng về văn nghệ thì năm 1933 chính là cái giới hạn vạch ra hai cái khuynh hướng cũ và mới.

Văn nghệ trước năm 1933 còn thuộc về cái khuynh hướng cũ, và nó đến năm 1932 là kết thúc; qua năm 1933 thuộc về cái khuynh hướng mới, nó phôi thai từ đây.

Lại rút hẹp cái phạm vi văn nghệ lần nữa, chuyên nói về thơ và tiểu thuyết. Và, cái lịch sử tiểu thuyết có hơi phiền phức hơn, xin đem nói trước.

Bắt đầu từ năm 1917, Giấc mộng con của Nguyễn Khắc Hiếu ra đời, lại đồng thời có những đoản thiên của hai nhà văn quá cố rồi, Nguyễn Bá HọcPhạm Duy Tốn; cho nên tiểu thuyết xứ ta có thể kể năm 1917 là năm có tăng mạnh.

Từ 1917 cho đến 1932, mười lăm năm trời, tác giả trong Nam ngoài Bắc dấy lên cũng nhiều, những tiểu thuyết xuất bản cũng không phải chuyên về một chủng loại, nhưng có thể sắp hết thảy cho vào một cái khuynh hướng.

Cái khuynh hướng ấy khó nói lắm, tôi muốn nói là chuộng văn hơn ý và hầu hết là mô phỏng. Bao nhiêu những tiểu thuyết trong thời kỳ ấy, bây giờ muốn định cho nó theo một cái chủ nghĩa gì trong văn học, như chủ nghĩa tả thực, chủ nghĩa lãng mạn, v.v… thật là không thể được. Vì bao nhiêu tác giả bấy giờ hình như chỉ biết trau chuốt câu văn mà thôi, không biết lập cho tác phẩm của mình một cái ý cốt, thành ra bây giờ ta không biết dựa vào đâu mà đoán định.

Thật thế, phàm tiểu thuyết hay, trong nó phải có một cái triết học, nhưng nay ta thử đọc Giấc mộng con đi, rồi tìm cái triết học của nó xem có thể được hay không. Hay là đọc Tố Tâm đi, trong quyển nầy ban đầu mô tả ái tình cho phỉ sức rồi rốt lại tuyên giảng đạo đức cũ kỹ cho chúng ta, mâu thuẫn đến thế thì còn gì là triết học?

Có một ít đoản thiên của Phạm Duy Tốn, có thể cho là về phái tả thực. Song hạng tiểu thuyết ấy có ít quá, không đủ thành ra một cái phong thượng.

Tác giả Nguyễn Bá Học, bấy giờ cũng có tiếng về đoản thiên tiểu thuyết. Kỳ thực, những bài của ông, nhận kỹ ra, không hợp với thể thức đoản thiên, bài nào cũng chỉ như là một bài ký sự. Duy ông hay tả về những thói hư tật xấu của xã hội đương thời, thành ra có nhiều người phải chú ý. Dầu thế nào văn chương của ông cũng chỉ là thứ văn chương quá độ, có ảnh hưởng được một thời, chớ không có tánh chất bền lâu.

Kim Anh lệ sử là một cái tiểu thuyết chắp nối từng chuyện nhỏ chớ không có giàn giá lớn lao, nghĩa là không có kết cấu. Quả dưa đỏ muốn như có kết cấu, muốn như có ý cốt, nhưng văn lại kém Kim Anh lệ sử.

Tiểu thuyết có kết cấu, trong thời đó, hình như duy có các sách của Hồ Biểu Chánh. Nhưng tác giả nầy lại hay thoát thai ở các tiểu thuyết Tây, chớ không xuất tự tâm tánh mình.

Chỉ nói mấy bộ có tiếng trên đó cũng đủ biết tiểu thuyết trong thời kỳ ấy bộ nào cũng có chỗ hỏng, nhưng sở dĩ có tiếng được là nhờ “văn”. Tôi nói “chuộng văn hơn ý” là thế.

Nói về văn thì bấy giờ cũng khác với sau nầy. Hồi đó những tay Hán học đương còn nhiều. Những tiểu thuyết được hoan nghinh ấy đều nhờ dùng một lối văn mà người ta gọi là kêu, thép[1] hoặc mực thước. Kêu như Giấc mộng con, thép như Kim Anh lệ sử, mực thước như Quả dưa đỏ. Đến Quả dưa đỏ thì thật toàn là lột khuôn văn chữ Hán. Người ta đã cố trau chuốt bên văn thì tự nhiên nhãng bỏ bên ý. Cũng tại độc giả lúc ấy còn chưa sành lắm, họ đọc một cuốn tiểu thuyết, mà thấy văn kêu, cũng đã lấy làm phục rồi.

Đến như sự mô phỏng thì không ai khỏi, sự ấy chúng ta thấy còn rõ ràng hơn. Đừng nói như các tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh cuốn nào cũng lấy cốt truyện ở tiểu thuyết Tây ra. Cho đến các bộ của tác giả khác cũng là mô phỏng cả. Tôi nói thế, không phải chỉ ra được rằng quyển nầy ăn cắp của người nào bên Tây, quyển kia ăn cắp của người nào bên Tàu. Cốt ý tôi cũng không phải nói như thế. Tôi chỉ nói bộ nào cũng không có được một cái cá tánh của mình, khiến cho người đọc nó rồi, không nhận ra được cái gì mới lạ cả, mà như là trước kia mình cũng đã có đọc một cuốn nào như thế. Thế đó tôi gọi là mô phỏng. Mà hễ đã thế, thì tất nhiên là có mô phỏng ở đâu đó.

Cái chuyện tình trong quyển Tố Tâm tất nhiên không phải là một mình quyển Tố Tâm có chuyện ấy, mà tiểu thuyết Tây hoặc Tàu đều có rồi. Còn Giấc mộng con thì tập theo chuyện bài ký Mộng du, chỉ cái tình tiết ở trong nước, bịa ra cho khác, cách nào lại chả được.

Nhẫn lên là kể cái chỗ sở đoản của tiểu thuyết ta từ năm 1932 về trước. Không phải tôi chê, nhưng vì bước qua năm 1933 có những cái mới lạ ra đời, thành thử cái sở đoản đó mới phải phơi ra vậy.

Năm 1933, hai cuốn tiểu thuyết nối nhau xuất bản, Người sơn nhânHồn bướm mơ tiên, làm cho văn nghệ xứ ta đổi sắc.

Hai cuốn, mỗi cuốn đều có cái tư tưởng đặc biệt của nó. Lại cuốn nào cũng có tinh thần sáng tạo. Hai điều đó tức là cái khuynh hướng mới của năm 1933, nó nhờ hai cuốn kia làm đại biểu.

Hai bổn tiểu thuyết nầy đã có nhiều người bình phẩm rồi. Tuy cũng có người chê, nhưng sự chê đó không lấy gì làm quan hệ, vì cũng chỉ chê về một phương diện nào, không phải là có tổn hại đến giá trị của cả cuốn sách; mà đến giá trị của cả cuốn sách thì tưởng dầu người chê ấy cũng phải công nhận. Ấy là nhường một bước mà nói; chớ nếu nói thẳng ra thì còn có thể nói được những sự chê ấy chưa chắc đã công bình.

Về lý tưởng, thật là khó nói. Chỉ có tác giả tự nói ra, người ngoài mới tin được. Còn mình là độc giả, nói vị tất đã nhằm. Nhưng ai đọc hai cuốn sách ấy rồi, tưởng cũng phải nhìn là có lý tưởng.

Đến về phương diện sáng tạo thì dễ thấy lắm. Nội một cái cốt truyện cũng đủ thấy không đâu có rồi. Một tên tướng cướp ở núi (Người sơn nhân) mà thốt ra những câu triết lý kỳ đời; một anh chàng Tây học lại rúc vô trong chùa mà phải lòng một chú tiểu (Hồn bướm mơ tiên): tránh đường quen không chịu đi, đi đường lạ; chỗ đó, ta phải phục cái thông minh của hai tác giả. 

Nói về văn thì ai đã đọc hai cuốn nầy cũng đều phải chịu những chỗ tả tình và cảnh, dùng chữ, đặt câu là khéo.  Ta nên nhắc thấy một điều rất quan trọng nầy: Hai tác giả đều là nhà Tây học, không có chịu ảnh hưởng của văn chữ nho, nên không hề dùng lối văn “kêu” mà toàn là những thành ngữ sáo, vô vị.

Trong một bài văn vắn nầy tôi không thể nói kỹ hơn nữa được, xin chỉ biểu dương hai cuốn sách có giá trị ấy ra như thế rồi nói sang qua thơ.

*

* *

Thơ, theo nghĩa hẹp thì xứ ta chỉ có Đường luật tức là thất ngôn bát cú. 

Thơ xứ ta chết rồi, chỉ duy ai cũng giấu đi mà không “phát tang” cho nó. Nhân vậy, tôi phát tang cho nó luôn thể.

Tôi xin phát tờ cáo phó cho khắp người cả nước đều biết: thơ Đường luật đã chết rồi! Tôi thường bảo cho khắp người cả nước đều biết: “Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo” mà là thơ hay ư? “Hồn thu thảo” là nghĩa gì? Vô nghĩa, còn hay sao được?   Ừ, “Dưới cầu nước chảy trong veo; bên cầu tơ liễu bóng chiều thướt tha” − tả cảnh như thế mới là tả cảnh chớ. Đến như “Xanh um cổ thụ tròn xoe tán; trắng xóa trường giang phẳng lặng tờ” − cảnh ấy là cái cảnh gì? Ai hay đi đường Thủ Đức, Lái Thiêu, thấy những cây xoài xanh um, tròn như cây tán, đã từng nảy ra cái thi hứng gì chưa? Thật là vô vị đi thôi.

“Bầu dốc giang sơn say chấp rượu; túi lưng phong nguyệt nặng vì thơ” − cũng vô nghĩa nữa. Giang sơn làm gì có bầu mà dốc? Phong nguyệt làm gì có túi mà lưng? Chẳng qua vì đối chỉnh mà có những câu như thế. “Tròn xoe tán” để đối với “phẳng lặng tờ”; “bầu giang sơn” để đối với “túi phong nguyệt”. Miễn đối chỉnh là được, người ta không cần gì tả cho hay và câu thơ cho có nghĩa!

Thơ như thế mà sống với ai, không chết? Thơ hay đó mà còn như thế, huống vì thơ “bã mía” trên báo chí mà ta thấy hằng ngày!

Bày ra lối thơ mới là phải lắm. Thế nào rồi sau nầy thơ mới cũng đoạt ngôi thơ cũ, tức là Đường luật, thất ngôn bát cú.

Tuy vậy, trong năm 1933 nầy, chưa thấy bài thơ mới nào xuất sắc. Có lẽ vì nó mới sanh năm 1932 đây, đương còn non nớt lắm, chưa đến ngày cứng cát.

Trong năm 1933, ở Bắc Kỳ có sản xuất một tay thi nhân đại tài là Nguyễn Xuân Huy.

Nguyễn Xuân Huy cũng là một tên lính trong đạo quân thơ mới. Nhưng những bài kiệt tác của va lại không phải là thơ mới mà là nửa mới nửa cũ.

Nguyễn Xuân Huy hay làm theo lối ngũ ngôn cổ phong hay là tứ ngôn mà nhiều bài thật xuất sắc.

Thử lục ra đây ít bài.


*

* *

Đó, tôi cử ra lấy ba bài như thế cũng đủ thấy thơ Nguyễn Xuân Huy là có giá trị thế nào và Nguyễn Xuân Huy là thi nhân có giá trị thế nào.

Đó là ngôi sao mới mọc  năm 1933 đó. Hiệp với tiểu thuyết của Lưu Trọng Lư và Khái Hưng, tôi cho là một cái kỷ nguyên mới của văn nghệ xứ ta.[2]

C. D.

   




Chú thích

  1. Thép: cứng cáp (Trần Văn Kiệm: sđd.)
  2. Cuối bài này ký C.D. tức Chương Dân, tên hiệu của Phan Khôi; đáng lưu ý là ở trang 1 số báo này, trong  mục lục những bài chính của số Tết Công luận, tòa soạn ghi tác giả bài Cái kỷ nguyên mới của thơ và tiểu thuyết là Phan Khôi.