Vì nghĩa quên tình/Cô Tuệ Châu

CÔ TUỆ-CHÂU

Mưa xuân phơi-phớt, lữ-xá buồn tênh, nhớ bạn tri-âm, phương trời khuất nẻo, muốn cầm bút mà chép chuyện, lại bối-rối mối sầu riêng. Chống tay tỳ lên má nghĩ đến ngày hôm nọ người nữ-hữu lại thăm kể cho nghe câu chuyện cô Tuệ-Châu là một người trâm-anh thế-phiệt, chẳng may gặp bước rủi mà mang thân cao-quí rấn miền yên-hoa. Dẫu sau Hợp-phố có về châu, cũng đã ra cành liễu Chương-đài, dù không thất-đức, cũng mất trinh-danh, ký-giả lại vì ngậm-ngùi nông-nỗi. Nên chi cất bút ghi đây, để cùng các độc-giả tiêu-khiển.

Than ôi! đàn-bà con-gái chẳng may phải bước giang-hồ, người quân-tử thương thay, thường vất bỏ nghìn vàng chẳng tiếc để vì ai gỡ rối. Những kẻ đã đến đê-tiện cái thân đi như thế, mà gặp những người hào-hiệp cứu-vớt cho ra khỏi bể trầm-luân, thời tưởng không bao giờ lại sa vào địa-ngục nữa mới phải. Song le đã quen thói « mèo mả gà đồng », thời thường lấy sự thúc-phọc theo lễ nghĩa làm « chim lồng cá chậu », đã tập-nhiễm thói hạ-lưu thời tâm-trí dễ khuynh-xu vào đường tà-ám. Thế cho nên mười kẻ mới được một kẻ « biết thân đến bước lạc-loài », gặp người cứu vớt thời thôi đến già. Chứ phần nhiều thời mèo lại muốn hoàn mèo, rước về reo vạ cho gia-đình, gây hại đến con cái, người hào-khách thường có lúc hối-hận rằng khờ. Nay ta hãi đọc đầu đuôi chuyện này thời biết.

Cái họ Nguyễn ở phủ Mỹ-đức là thế tộc ở Bắc-kỳ vậy. Ông Nguyễn-Ngọc đỗ Tú-tài khoa Dậu ai là người không biết: Văn-chương tài-mạo tốt đẹp gồm hai, phú-quí phong-lưu, hào-hoa đủ vẻ, cảnh nhà ông không phải làm cái gì, chỉ ngày thường ngâm thơ Đỗ-Phủ, nâng chén Thanh-Liên, theo thói Mạnh-Thường làm vui mà thôi. Phu-nhân người họ Tạ đảm-đang rất mực, phong-nhã đến điều, sắc đã chẳng thẹn Tây-Thi, tài cũng không thua Đạo-Uẩn, cái vui hàng-lệ thật khôn tả ra nhời. Song hai vợ chồng kết-phát đã được lâu năm, sân hòe mới được một ả Tố-nga, thông-minh tuệ-mỹ, ông bà yêu như hòn châu chuốt, nên mới gọi Tuệ-Châu. Từ đó mà đi, phu-nhân ngâm thơ « Thạc-nhân » than mình không giai nỗi dải, muốn cho phu-quân « Tiểu-tinh » nối vận để người có kẻ phụng-thờ. Nghĩ đến tôn-đường, tiền tài há tiếc, thế cho nên cũng mong sớm tính cho chồng. Cái tư-tưởng ấy xã-hội ta cùng nhau thế cả, nào có ai nỡ theo đòi thói tục Âu-phương cho sự nạp-thiếp làm điều không phải? Ông Nguyễn-Ngọc dốc đạo sướng tùy, lo đường kế-tự, trong lòng đã sẵn kế tàng-kiều, nay được vợ tán-thành, cảm-tình kia kể biết muôn vàn, lòng hi-vọng được người tri-kỷ nữa, ngày đêm luống những đợi chờ tin!

Quê ông ở cạnh làng Hội-xá, con đường sông Hát, tiện xuống Hà-nam. Chốn phố Hà-nam có mấy nhà phong-nguyệt, dịp phách cung đàn chờ người hảo-khách, câu ca chén rượu đón mặt tầm-phương; bấy giờ vừa tiết tháng hai, tiện tầu thủy chở khách chơi chùa Hương-tích, nhìn người trẩy hội vô-số vẻ-hoa, ông động lòng xuôi chơi tìm thú. Xuống đến nơi rủ ngay ông bạn họ Trần đương làm Hậu-tuyển đi trục-lãng thưởng-xuân, dắt nhau ngay vào xóm Bình-khang. Ôi! Một chuyến chơi vui, ai ngờ lại một phen gây họa, thương hại cho cô Tuệ-Châu vì cha mà lênh-đênh bẩy nổi ba chìm, đem thân vàng ngọc đi gìm bể oan! Song ông Nguyễn-Ngọc, nào có ngờ đâu đến thế.

Trong nhà ấy, có tên đầu Phụng, lừng tiếng sắc đẹp hát hay, xôn-sao oanh-yến dập-dìu trúc mai, muôn nghìn người thấy cũng mê-tơi; ông Nguyễn-Ngọc tới nơi hồn siêu phách lạc, bị cái sắc phấn son đánh úp mất người, đã đem lòng muôn chung nghìn tứ cũng là với ai. Phụng lại khéo bẻo-lẻo, khiến cho khách yêu hoa càng nặng bệnh Trương-sinh lắm nữa. Lạ gì cái thói ả-đầu xưa nay, tuy chưa hẳn là chốn giở đủ « tám nghề », song cũng là nơi dùng bằng « bẩy chữ », chẳng yêu ai mà ai cũng bắt nhân-tình, không thực giạ vẫn ra tuồng tri-kỷ, họ tên cũng không tỏ thật cùng ai, chẳng là điều khác. Than ôi! Cuốn chiếu nhân-tình sạch, đa-tiền mới đa-tình, má phấn đùi non, của chung thiên-hạ, khăn là quần tía, đãi khách tứ-phương, có tiền ra ai cũng như ai, kẻ chơi lõi lọ ai là không rõ. Thế mà ông Tú Ngọc ta, men tình vừa nhắp đã nên say! Hoặc-giả xưa nay đóng cửa ngồi nhà, chưa giải sự tình phong-nguyệt, nên lăn-lóc đá, mê-mẩn vàng vậy...

Trong tiệc rượu, ông hỏi Phụng rằng:

— Cô có bằng lòng lấy lẽ tôi không?

— Em chỉ sợ nhà em không có phúc, mà quan lại nói nhiếc em đó, chứ mấy khi đũa mốc dám chòi mâm son.

Phụng trả lời là nói câu sáo-ngữ, mà ông Tú Ngọc thời tỏ thực chân-tình, ông Hậu Trần lại đùa một câu rằng:

— Thế bác không sợ bác gái bắt vểnh râu lên mà tát ư?

— Không nhà tôi đã cho phép tôi tăng-phòng rồi, vì số phận tôi hiếm-hoi lắm.

Câu ông Tú Ngọc trả lời lại là câu thực mà ông Hậu Trần hỏi là hỏi đùa vậy.

Tiệc tan, ông Tú ở lại mà ông Hậu về nhà, tiếng gà đã gáy nửa đêm.

Vừng đông vừa sáng, ông Tú ở nhà ả-đầu đã trở về nhà bạn, thời ông Hậu Trần hãy còn trùm chăn chưa tỉnh giấc nồng, người nhà đánh thức ông giậy tiếp bạn. Ông Tú Ngọc liền nói ngay rằng:

— Tôi làm mất giấc ngủ bác, bác tha-thứ cho, song le tôi muốn về chuyến tầu thủy chín giờ này thời đến để chào bác, mà muốn nhờ bác mưu cho tôi lấy cô đầu Phụng, bác có làm ơn được không?

— Bác muốn thực à? Lấy nó là một con danh-ca, chắc bảo-mẫu nó tất sách nhiều tiền kia đấy, vâng, để tiểu-đệ đánh tiếng giùm.

Than ôi! Ông Hậu này cùng ông Tú ấy thật là chiều nhau mà dắt nhau xuống cái vực sâu. Ấy cái đó là cái thường-thái của các ông, há các độc-giả lại không rõ các ông ấy thết-đãi nhau thời chỉ rặt quan bài câu hát, tiệc rượu trận cười, thường cho những cái ấy là cuộc vui tao-nhã ư?

Bảo mẫu đầu Phụng, đương nhờ đầu Phụng mà được khách, ý không muốn cho Phụng ra khỏi cửa nhà mình mà vầy duyên cá nước cùng ai, nên chi đến khi ông Tú Ngọc khuôn xếp ở nhà xong, xuống hỏi thời thách cưới bạc nghìn. Vợ hiền chiều đức lang-quân cũng chịu phí để cho thỏa tình ao-ước. Ôi! cái con yêu tinh kia từ nay đã lâm vào nhà ông Tú Ngọc rồi.

Đầu Phụng thực tuổi 20, nhưng khai giả ra làm mười bẩy, đào non sớm đã xe tơ được người. Ông Tú Ngọc ta rước về thật là của vưu-vật trăm chiều chi-chút trốc tay...... phu-nhân vốn người hiền-thục có lễ-nghĩa, kính nể lang-quân đã không có lấy sự cả sông đông chợ làm phiền, thời cũng không lấy sự chồng yêu vợ lẽ làm giận, cái tình yêu đương nhau lúc nào cũng đằm-thắm chẳng phai, nên không có tiếng « Hà-đông sư-tử-hống ».

Thì giờ như nước chẩy, ngày vui ngắn chẳng được bằng gang tay, đã lại đến hội chùa Hương-tích, tính ra vừa được năm tròn.

Tuệ-Châu đã lên tám tuổi ông bà cho học đã hết quyển « Tam-tự-kinh » đương bắt vào học đến « Nam-sử »

Than ôi! vì đâu sui nên, tai bay vạ gió, chiếc lá lìa rừng, con chim lạc tổ, há chẳng phải vì cha nên con gái nhỡ-nhàng đó ư?

Số là từ khi đầu Phụng về đất ba-chạ đồng chiêm chân núi, cấy lúa giồng dâu, khó nhọc vất-vả, không chịu đựng được sự làm ăn, nghĩ đến cái cảnh ăn nhưng bán phấn buôn son ngày năm ngoái trở về trước, thời liền mong sao tránh khỏi trong vòng lương-gia.....

Xẩy ngày tháng hai năm...... ông Tú bà Tú tiếp bọn khách thân ở Hà-nội về lễ « ngũ-bách-danh » trong chùa Thiên-trù, ông bà vui bạn đều cùng nhau theo bạn tham-thuyền. Thương thay! Cái gia-đình êm-ái kia tính từ hôm ông bà Tú bước chân xuống con thuyền « tam-bản » theo đường suối hẻm vào chùa Chò mà u-sầu thảm-đáp muôn vàn. Than ôi! lòng người ai dễ đo cho được, cái con đầu Phụng kia, ai ngờ được chốn lương-gia lại còn mong-mỏi cái thú giang-hồ thuở nọ? « Chúa vắng nhà gà mọc đuôi tôm » câu ngạn-ngữ xưa kia đã nói, đầu Phụng muốn đi, nghĩ không đem Tuệ-Châu đi giả-giạng đi chơi quanh đấy thời không xong bèn đưa xuống tầu thủy từ bến Đục-khê xuôi về Phủ-lý. Thôi thế là góc bể bên giời, quê người một thân Tuệ-Châu từ hôm ấy.

Khi ông bà Tú ba hôm sau ở chùa Hương-tích về tới nhà; chồng tìm vợ bé, mẹ nhớ con thơ, bổ ngược bổ xuôi, đâm ngang đâm ngửa, thời đầu Phụng đã do đường xe-hỏa mà lên Hà-nội vào một nhà ở phố hàng Giấy, lại chia trầu, lại mời rượu, lại nhận hát, đổi tên là Trang, lại lừng danh ở đất Thăng-long cố-đô. Phụng nhận Tuệ-Châu là em, đặt tên cho là Bích; dạy hát dạy đàn, ghép vào làng trăng-gió. Thương hại cho Tuệ-Châu! Lên 8 tuổi đầu đã phải ra vào theo lũ thanh-y, dãi-dầu tóc rối da chì một thân! Phụng dạy Tuệ-Châu học hát học đàn, nếu không thời đánh, hễ nhớ nhà khóc thời bị vả mồm, khi dọa nạt, lúc dỗ-dành, khiến cho đến nhập-gia phải cứ phép nhà mới nghe.

Tuệ-Châu ở trong nhà, đầu Phụng không cho đi đâu hết, cũng không cho dàn mặt đến chiếu rượu bao giờ, cố ý làm cho quên hẳn mẹ cha, vui-vầy nghề hát, đợi khi lớn tuổi, bắt ra kiếm tiền cho mình. Thoi đưa thấm-thoắt, đã đến hai năm, mà nhà ông bà Tú Ngọc cũng chưa tìm thấy, hết thuê người nọ, lại trình sở Cẩm các tỉnh, song le pháp-ngoại dí-gian, dẫu đời thánh-minh đến đâu cũng không tài nào xét nét hết được việc xã-hội ẩn-tình. Năm thứ ba, cái tiếng đồn ấy đã dậy các nơi, đầu Phụng lại e khi lộ chuyện mới dọn xuống Thái-hà-ấp, Tuệ-Châu bấy giờ đã 11, tuy trong lòng vẫn nhớ mẹ cha, song tuổi còn thơ dại, đã biết đâu được cách làm cho được thấy. Tập-nhiễm lấy làm tự-an, ngón ca lý, điệu xẩm-xoan, bài chầu văn, câu hát hãm, đọc phú, tì-bà, ngâm-vọng, hát nói đều thuộc được làm lòng cả. Ở Thái-hà-ấp được một năm thời là 12 tuổi, bấy giờ Phụng xuống đó lại đổi tên là Hảo, lại hoa-khôi ở xóm ấp. Phụng thấy Tuệ-Châu như quên sầu vui thú rồi, mới bắt ra hầu-hạ đóm điếu quan khách. Than ôi! Những tiếng dâm-ô, những nhời thô-tục, những giọng xỏ-lá, những ngón ba-que, những cách xuồng-xã, những sự lẳng-lơ, từ nay ngày ngày trực-tiếp luôn đến thân, trực-xúc luôn đến mắt, nghe vào tai, trông thấy rõ, Tuệ-Châu còn bé-bỏng đã phải chịu ngay. Thiên-lương còn tốt, thấy những đau lòng, mà không biết tỏ cùng ai để mà được thoát cái vòng dàm buộc nhơ-nhuốc này được.

Ở Thái-hà-ấp được hơn một năm thời đầu Phụng nhân-tình với một ông Tham-biện Lục-lộ, nhà ông cũng đã sẵn giầu, người lại đẹp trai tuổi trẻ, Phụng cũng mê-mệt, mà ông cũng yêu-đương. Nhân ông đổi về Nam-định, nên Phụng lại dọn về hàng Thao, thời Tuệ-Châu đã 13 tuổi chẵn. Phụng lại đổi tên cho là Lan. Ông Tham ngày nào cũng đến chơi nhà Phụng, khéo lắm tuần lễ chỉ độ một hai ngày có việc ông phải đi đâu thời ông mới chịu vắng mặt ở làng phong-nguyệt.

Tuệ-Châu được ra vào trong nhà, ông Tham thấy sinh-sắn cũng có lòng yêu — khi ôm vào lòng, lúc hôn ở má, vuốt mặt bắt tay, tuy bé-bỏng cũng đem lòng âu-yếm lắm. Đôi khi Tuệ-Châu muốn đem chuyện gia-đình ra ngỏ với ông Tham, lại sợ ông Tham nói lại với Phụng, thời lại thôi. Song, Tuệ-Châu chỉ nghĩ viết thư về cho cha mẹ là hay hơn hết, mà khổ cái chữ Nho không đủ biết viết, cũng không biết ngồi chỗ nào mà viết cho trôi được, lại không biết viết được thời nhờ ai gửi được. Mới xin ông Tham dạy cho học chữ quốc-ngữ, bốn tháng Tuệ-Châu đã xem được nhật-trình, chỉ chữ không được tập thời viết không thành chữ mà thôi...

Than ôi! danh-ca như đầu Phụng, thời vét bao của đời, lấy bao tiền thiên-hạ, phá bao sản-nghiệp của khách làng chơi? Thế mà được bao nhiêu lại cúng vào thần cờ bạc tất cả. Ông giời quả-báo, nghĩ cũng đáng thân. Bởi vậy cho nên tuổi xuân ngày quá, khách trẻ ngày xa, ông Tham Lục-lộ kia chơi hoa cho dữa nhị dần lại thôi! Khi ông đổi về Thanh-hóa, Phụng cũng biết rằng không còn tình đậm-đà như trước nữa, cho nên cũng cuốn gánh-gồng về ở Sơn-tây đổi tên là Hậu. Bấy giờ Tuệ-Châu đã 14 tuổi, Phụng chưa cho hầu rượu, song vẫn bắt ngồi ca, các quan Phủ, quan Huyện, quan Huấn, quan Giáo ở Sơn-tây ai ra hát nhà Phụng cũng đã là rầy-vò bế ãm Tuệ-Châu. Nhưng Tuệ Châu xem mặt ra cũng chẳng có thể tỏ với ai nông-nỗi mình được. Nghĩ thân liễu yếu đào tơ, phải bị ngâu vày, chuột vọc: quan trải, lại trải, ba-que trải, sỏ-lá trải, thầu khoán buôn bán trải, mà ai cũng là đem tâm dâm-ngược ép nài mình mà thôi! Không biết bao giờ cho ra khỏi nơi hổ-huyệt. Đôi khi ngồi nhớ đến mẹ cha, không biết sân Lai xa cách bấy giờ làm sao? Lắm lúc trông hoa đèn mà sụt-sùi với bóng, dẫu sao cũng ở tay người! Nhiều hôm trời tĩnh đêm thanh, Tuệ-Châu ra đứng sân trông lên trời khấn-nguyện, song giời cao nào có thấu tình!

Ở Sơn-tây một năm, Phụng lại theo tình-nhân mới là một ông Phán tòa sứ về Hà-nội, lại ở hàng Giấy. Tuệ-Châu bấy giờ đã đến 15, Phụng bèn chia trầu cho đi mời rượu. Từ đó mà đi, mặt dạn mày dày, ngày càng thêm lộ, tủi thân đến bước lạc-loài, biết bao giờ mới ra ngoài bể oan. Thương-sót thay! cho Tuệ-Châu, con nhà thế-phiệt, ngọc đúc hoa thêu, không phải là người hư thân mất nết, không phải là gia-vận suy-vi, mà cũng hóa ra con đĩ. Các cậu công-tử Bột ta thi nhau đến cửa, kẻ nọ bắt nhân-tình, người kia hòng kết tóc, nhưng khi trướng phụng la-đà, đem lời tâm-phúc kể với những người quen biết, nhưng mà « Trường-khanh thời ít, Sở-khanh thời nhiều » cho nên vẫn chịu trông vời cố-quận mịt-mù mắt xanh » mà thôi! Than ôi! lương-tâm chưa đến mất, nghề mới dẫu thạo nghề, song những khi đèn mờ đêm vắng, soi gương luống những lệ sa ròng-ròng. May đâu gặp được một người qua chơi thấy cũng yêu vì, xét ra là người khá-giả, đem tâm-sự giãi tỏ thời người đó vì Tuệ-Châu mà thảo hộ mấy bức thư, bức thời gửi về cho mẹ cha, bức thời gửi cho các công-sở (nào tòa Án, nào sở Cẩm) mới thoát được cái vực tối-tăm, lại được nhìn nhận mẹ cha, trong 7 năm giời xa cách đến nay, cửa nhà đã khác những ngày năm xưa! Người ấy là ai? Là một ông cử thiếu-niên đỗ khoa thi trường Nam năm.... họ là Trịnh hiệu là Bái-Tần, là chồng Tuệ-Châu sau này đó.

Than ôi! Trinh-danh dẫu mất, mà lương-tâm chưa mờ, thời dù bề ngoài có ong-bướm gió-trăng, song đóa trà-my vẫn còn chưa ngỏ, dẫu thân sa vào đám Bình-khang, mà lòng vẫn gửi ở nơi khuê-các, ông Cử thiếu-niên kia cũng không phải là lấy vợ thừa thế-gian. Thôi! người năm ba đấng, của tám vạn loài, chưa hẳn là ở chốn Bình-khang thuần-thị là những con người vô-liêm-sỉ, song-le chơi hoa phải biết mùi hoa, trăm năm tính cuộc vuông tròn, chớ nên có lấy dục-tình làm chủ-định. Thỏa một cơn thích lòng, nhưng bị âu-sầu mãi mãi. Nghĩ truyện nhà ông Tú-Nguyễn-Ngọc cũng nên đem làm gương cảnh-thế.

Năm 1920.