Tuyên bố Tầm nhìn chung về quan hệ quốc phòng Hoa Kỳ – Việt Nam

Tuyên bố Tầm nhìn chung về quan hệ quốc phòng giữa Bộ Quốc phòng nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Bộ Quốc phòng Hợp chúng quốc Hoa Kỳ  (2015) 
Bộ Quốc phòng Hoa KỳBộ Quốc phòng Việt Nam

Tuyên bố Tầm nhìn chung về quan hệ quốc phòng Hoa Kỳ – Việt Nam được ký trên cơ sở Bản ghi nhớ về thúc đẩy hợp tác quốc phòng hai nước ký năm 2011. Tuyên bố ký vào ngày 1 tháng 6 năm 2015 tại Hà Nội trong chuyến công du của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ Ashton Carter đến Việt Nam và gặp mặt người đồng cấp Phùng Quang Thanh.

TUYÊN BỐ TẦM NHÌN CHUNG VỀ QUAN HỆ QUỐC PHÒNG
Giữa Bộ Quốc phòng nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam
và Bộ Quốc phòng Hợp chúng quốc Hoa Kỳ


TÁI KHẲNG ĐỊNH Bản ghi nhớ về Thúc đẩy Hợp tác quốc phòng song phương Việt Nam–Hoa Kỳ (2011) (dưới đây gọi là Bản ghi nhớ 2011) và tuyên bố về Quan hệ Đối tác Toàn diện Việt Nam–Hoa Kỳ (2013);

TÔN TRỌNG thể chế chính trị, độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và luật pháp của mỗi nước;

NHẤN MẠNH sự tin tưởng, tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau mà hai bên đã xây dựng trong hai thập kỷ qua;

CÔNG NHẬN những đóng góp tích cực của Bộ Quốc phòng mỗi nước trong việc tăng cường hoà bình, ổn định và phát triển của Đông Nam Á và Châu Á-Thái Bình Dương, và quan tâm của Bộ Quốc phòng hai nước trong việc thúc đẩy hợp tác chặt chẽ hơn để giải quyết các vấn đề và thách thức an ninh chung;

TÁI KHẲNG ĐỊNH cam kết tôn trọng luật pháp quốc tế, giải quyết các bất đồng và xung đột bằng các biện pháp hoà bình, quyền tự do hàng hải và thương mại;

TÁI KHẲNG ĐỊNH HƠN NỮA Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và các tổ chức trực thuộc là các bộ phận cấu thành chủ chốt của một cấu trúc an ninh khu vực vững chắc, hiệu quả, cởi mở và dung nạp nhằm thúc đẩy tình hữu nghị, lòng tin và sự tin tưởng lẫn nhau trong khu vực;

NHẮC LẠI lịch sử chung về cuộc chiến tranh tại Việt Nam và hậu quả của nó gây ra cho nhân dân cả hai nước;

TÔN TRỌNG các bước mà hai nước đã tiến hành để xây dựng một mối quan hệ song phương mới trong khi tiếp tục hợp tác để giải quyết những hậu quả do quá khứ để lại;

ĐÁNH GIÁ CAO giá trị của Đối thoại Chính sách quốc phòng, Tham vấn Quốc phòng song phương và sự tham gia của Bộ Quốc phòng hai nước trong Đối thoại Chính trị-An ninh-Quốc phòng trong những năm qua;

NHẬN THỨC rằng tương lai sẽ mang lại nhiều thách thức an ninh lớn hơn nhưng cũng tạo ra nhiều cơ hội lớn hơn;

TÁI KHẲNG ĐỊNH cam kết của Bộ Quốc phòng hai nước nhằm đóng góp vào việc tăng cường hoà bình và an ninh trong khu vực châu Á–Thái Bình Dương;


Bộ Quốc phòng Việt Nam và Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ tuyên bố đưa ra một tầm nhìn chung cho quan hệ quốc phòng Việt Nam – Hoa Kỳ để định hướng cho việc mở rộng quan hệ song phương dựa trên các nguyên tắc và lợi ích chung.

Đã 20 năm kể từ khi Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Hợp chúng quốc Hoa Kỳ bình thường hoá quan hệ. Trong khoảng thời gian ngắn ngủi này, quan hệ quốc phòng Việt Nam–Hoa Kỳ đã chuyển biến dựa trên cam kết chung đối với một khu vực châu Á–Thái Bình Dương hoà bình, ổn định, hiểu biết và tôn trọng chủ quyền của mỗi nước. Mối quan hệ này tiếp tục phát triển, phản ánh nguyện vọng, sự tin cậy giữa hai nước trong việc nắm bắt các cơ hội chung trong tương lai và hợp tác để giải quyết các vấn đề chung do chiến tranh để lại. Do đó, Bộ Quốc phòng Việt Nam và Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ đưa ra một tầm nhìn chung để định hướng cho việc mở rộng quan hệ song phương, nắm bắt các cơ hội mới, đáp ứng các thách thức của Thế kỷ 21, và ủng hộ Quan hệ Đối tác Toàn diện Việt Nam–Hoa Kỳ rộng lớn hơn.


CÁC CHỦ ĐỀ ĐỊNH HƯỚNG

Quan hệ quốc phòng Việt Nam–Hoa Kỳ nhằm thúc đẩy các mối quan tâm an ninh chung và xuất phát từ cam kết chung đối với hoà bình và quy định luật pháp. Những mối quan tâm này bao gồm:

  • Duy trì an ninh và ổn định ở mỗi nước và mỗi khu vực;
  • Bảo vệ các nguyên tắc và luật pháp quốc tế;
  • Giải quyết các mối đe doạ an ninh phi truyền thống, bao gồm sự phổ biến vũ khí huỷ diệt hàng loạt và các vật liệu, dữ liệu và công nghệ liên quan;
  • Bảo vệ tự do thương mại qua đường bộ, đường không và đường biển;
  • Khắc phục các vấn đề do chiến tranh để lại từ quá khứ chung của hai nước.


CÁC LĨNH VỰC VÀ HÌNH THỨC HỢP TÁC

Nhằm theo đuổi tầm nhìn chung về mở rộng và làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác Việt Nam–Hoa Kỳ, trong phạm vi thẩm quyền và trách nhiệm của mình, Bộ Quốc phòng Việt Nam và Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ cam kết:

  • tăng cường các hoạt động hợp tác nhằm thúc đẩy lòng tin và sự hiểu biết lẫn nhau;
  • hợp tác trên các diễn đàn và tổ chức đa phương–như ASEAN–khi điều đó nằm trong mối quan tâm chung;
  • tăng cường năng lực của các cơ quan quốc phòng và quân đội của hai nước để thúc đẩy hợp tác, thúc đẩy an ninh và giải quyết các mối đe doạ an ninh phi truyền thống;
  • mở rộng thương mại quốc phòng giữa hai nước, bao gồm cả khả năng hợp tác sản xuất các trang thiết bị và công nghệ mới khi có thể, trong khuôn khổ luật pháp và những giới hạn chính sách hiện hành;
  • mở rộng phối hợp về an ninh biển và nhận thức về biển, bao gồm, khi có thể, các chuyến thăm cảng và việc sửa chữa tàu trong hành trình tại một số cảng và cơ sở của mỗi nước, do hai bên cùng xác định;
  • mở rộng các cơ hội huấn luyện và đào tạo tại các nhà trường quân đội của mỗi nước;
  • tăng cường năng lực của quân đội mỗi nước để tiến hành các hoạt động tìm kiếm cứu nạn và ứng phó nhanh chóng với các thảm hoạ và triển khai hỗ trợ nhân đạo;
  • hỗ trợ xây dựng năng lực để thực hiện thành công các hoạt động gìn giữ hoà bình Liên Hợp Quốc;
  • tăng cường trao đổi thông tin và kinh nghiệm thực tế tốt nhất về các chủ đề mà hai bên cùng quan tâm, bao gồm trao đổi khoa học và công nghệ quốc phòng;
  • tăng cường hợp tác khắc phục hậu quả do chiến tranh để lại;
  • tiếp tục các cuộc thảo luận cấp chiến lược giữa lãnh đạo cấp cao Bộ Quốc phòng hai bên về các vấn đề an ninh quốc tế mà hai bên cùng quan tâm;
  • hoan nghênh thường xuyên trao đổi các chuyến thăm của lãnh đạo Bộ Quốc phòng hai nước.


THỰC HIỆN

Đối thoại Chính sách quốc phòng (DPD) tiếp tục là cơ chế chính để đánh giá và định hướng quan hệ quốc phòng Việt Nam–Hoa Kỳ. Hai bên cam kết sử dụng cơ chế Tham vấn Quốc phòng song phương (BDD) hiện có để xác định cách thức triển khai những hiểu biết chung đạt được tại DPD, và các cuộc tham vấn cấp quân chủng thường niên để triển khai các sáng kiến được đề ra tại DPD và BDD. Bộ Quốc phòng Việt Nam và Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ sẽ dựa vào Tuyên bố Tầm nhìn chung này để có các hướng dẫn về nguyên tắc và mục tiêu của quan hệ quốc phòng Việt Nam–Hoa Kỳ và nỗ lực để đạt được các mục tiêu này.

Hai bên công nhận rằng Tuyên bố Tầm nhìn chung này thể hiện sự hiểu biết chung của hai bên và không phải là một văn kiện ràng buộc về pháp lý.

Ký tại Hà Nội ngày 01 tháng 6 năm 2015, một bản tiếng Việt và một bản tiếng Anh, cả hai bản có giá trị như nhau.

Bộ Quốc phòng
Hợp chúng quốc Hoa Kỳ

Ngài Ash Carter
Bộ trưởng Quốc phòng
Bộ Quốc phòng
Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Đại tướng Phùng Quang Thanh
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng

Tác phẩm này thuộc phạm vi công cộng vì theo Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam, Điều 15, khoản 2, thì "Văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hành chính, văn bản khác thuộc lĩnh vực tư pháp và bản dịch chính thức của văn bản đó" không phải là đối tượng bảo hộ bản quyền. Còn theo Nghị định số 17/2023/NĐ-CP, Điều 8, khoản 2 của Chính phủ Việt Nam, văn bản hành chính bao gồm "văn bản của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân".