Trong tòa báo Đuốc nhà Nam ai là Đức Kỉnh? Xin người ấy phải trả lời cho tôi về việc nầy

Trong tòa báo Đuốc nhà Nam ai là Đức Kỉnh? Xin người ấy phải trả lời cho tôi về việc nầy  (1930) 
của Phan Khôi

Bài đăng trên Trung lập, Sài Gòn, số 6197 (16.7.1930)

Đuốc nhà Nam ra ngày 12 Juillet vừa rồi, nơi phụ trương, bài “Nói chuyện văn chương II”, người viết ký tên là Đức Kỉnh, có dẫn một bài thơ của tôi mà nhiều chỗ sai lầm, vả lại trong đó có ý như là muốn gây chuyện với tôi sao chẳng biết, nên tôi phải viết lên đây mà hỏi lại người ấy.

Người ký tên là Đức Kỉnh đó, tỏ ra mình chẳng biết văn chương chi hết, sao cũng dám viết ra mà nói chuyện văn chương ? Tôi nói vậy là vì người ấy đã phân loại về thi chỉ có bốn lối mà thôi, là vịnh sử, vịnh vật, tả tình, tả cảnh. Phân loại như vậy đã lộn xộn mà lại thiết sót nhiều phần, không bao quát hết, thà là đừng phân loại. Hãy hỏi ông chủ nhiệm Đuốc nhà Nam là nhà văn học mà coi. Sự phân loại về văn học như sự người ký tên Đức Kỉnh đã làm đó, là khó lắm, không phải biết sơ sơ mà làm được. Vậy mà người ấy dám làm, cũng một kiểu “điếc không sợ súng”, bởi vậy tôi mới đoán cho là chẳng biết văn chương chi hết.

Tuy vậy, cái dốt của va thì va chịu lấy, tôi chẳng nói làm chi cho nhiều. Duy có va chép bậy bài thơ của tôi, tôi phải cãi lại.

Bài thơ nói về ông Lê Chất của tôi mà va dẫn đó, cái nguyên đề của nó là “Viếng mộ ông Lê Chất”, làm sao va lại đổi lại là “Vịnh ông Lê Chất” rồi va liệt vào thi “vịnh sử”?

Lại còn sai hết mấy chữ nữa : Bình tây chớ không phải chinh nam, hùm thét chứ không phải hổ thét, ai giở đến chớ không phải ai nhắc lại, như va đã nói[1].

Nguyên ông Lê Chất chết chôn ở Bình Định mà làm sao không biết bây giờ mả ổng lại ở tại vườn bách thú Hà Nội. Năm nọ, một ngày về tháng giêng, trời mưa lâm râm, tôi cùng vài người bạn đi thăm mộ ông, nên làm bài thơ nầy. Vì trời mưa và ở đó gần chuồng mấy con cọp, nên tôi mới có cặp 5 –6 như vậy. Những lời trên đó, khi tôi đăng bài thi lên báo Thực nghiệp có chua rõ ràng. Sao va không coi mà hiểu cho đâu ra đó, lại nhè nói là thơ vịnh sử rồi cắt nghĩa ra tầm bậy tầm bạ, làm hư bài thơ của tôi, tôi giận lắm.

Thôi đừng biết đến lời chua làm chi nữa, cứ coi một bài thi như vậy cũng đủ biết không phải là thi “vịnh sử” ; vậy mà dám nói là thi “vịnh sử”, sắp vào lối thi vịnh sử, thì tôi kêu bằng điếc không sợ súng là phải lắm, có vậy mới dám nói chuyện văn chương một cách dạn dĩ như vậy.

Nội chửng[2] mà thôi, thôi, tôi cũng bỏ qua chẳng nói làm chi. Coi đến mấy câu phê bình của va mà tôi sẽ dẫn đây thì lại tỏ ra là như tuồng va nói xấu tôi, muốn gây chuyện với tôi sao đó, nên tôi mới nói.

Dẫn bài thơ xong rồi, người ký tên Đức Kỉnh viết một đoạn như vầy :

“Bài thi nầy là của người đương thời viết ra, nên sự hay dở không ai bàn đến, vả lại người mình có cái tật “vì người mà bỏ lời nói” nên chi bài thi nầy hay thật, nhưng không mấy ai truyền tụng đến”.

Có sanh rầy, là tại chữ “người” trong câu “vì người mà bỏ lời nói” đó.

Người ký tên Đức Kỉnh chắc đã biết câu nầy là câu sách cổ, nên mới có để hai cái dấu ngoặc lại. Nguyên câu ấy ở sách Luận ngữ, như vầy: “Quân tử bất dĩ ngôn cử nhân ; bất dĩ nhân phế ngôn”. Nghĩa là, người quân tử chẳng vì lời nói cử người lên, chẳng vì người bỏ lời nói đi.

Vậy thì, theo nghĩa các tiên nho đã chú thích giống nhau, câu “chẳng vì người bỏ lời nói” chữ “người” đó là chỉ người bậy bạ, hoặc là người ác, hoặc là người tiểu nhân, v.v… Cho nên câu ấy có ý như vầy : Tuy là người bậy, người ác, tiểu nhân… song lời nói của người ấy mà phải, thì người quân tử cũng nghe, không vì có người ấy mà bỏ lời nói của nó đi.

Như vậy mà đem câu ấy phê bình tôi, lấy chữ “người” ấy chỉ vào tôi, tức là nói xấu tôi đó, tức là làm mất danh dự tôi đó.

Tôi cắt nghĩa ra như vầy rồi, bây giờ tôi xin hỏi mấy điều :

1) Ở trong tòa báo Đuốc nhà Nam, người nào có tên hoặc biệt hiệu là Đức Kỉnh ? Nếu biệt hiệu thì người ấy tên thiệt là gì ? Người ấy có thể xưng tên thiệt của mình ra mà trả lời cho tôi không ?

2) Nếu người ấy bằng lòng xưng tên thiệt ra mà trả lời cho tôi thì tôi xin hỏi : Ông (tôi xưng người ký tên Đức Kỉnh) đem câu sách đó vô mà nói về tôi, thế là ông có hiểu nghĩa nó như tôi đã giải trên kia không ? Ông có thiệt tình mà nhìn tôi là người bậy bạ, người ác, tiểu nhân không ? Nói tóm lại, câu ông phê bình đó là có hại đến danh dự tôi rõ ràng lắm ; vậy ông vô tình mà nói như vậy ? hay là hữu ý mà nói như vậy ?

3) Nếu ông vô tình, nghĩa là ông không hiểu nghĩa sách cho rõ mà dùng lầm, thì xin ông cải chánh đi, đăng báo mà xóa bỏ đoạn ấy đi, tôi sẽ bằng lòng bỏ qua đi cho ông. Còn ông hữu ý mà nói, thì tôi không xin ông nói chi cho nhiều, chỉ xin ông : 1. Cho tôi biết tên thiệt của ông là chi ; 2. Ông viết trên báo mà nói rằng “tôi (Đức Kỉnh) nói như vậy là hữu ý” - ấy là đủ.

Vậy, Đức Kỉnh là ông nào ? Xin theo như tôi nói đó mà trả lời cho tôi trên tờ báo Đuốc nhà Nam vào số ra sau số Trung lập nầy. Nếu không ai trả lời hết thì tôi sẽ giao thiệp với ông Nguyễn Phan Long chủ nhiệm quý báo.

Việc nầy có thể cáo cho người viết đó là “phỉ báng”, hoặc kết là “làm tổn hại danh dự”, tức tiếng Pháp kêu là “diffamation” được. Nhưng xin chớ tưởng tôi chực lấy đủ chứng cớ rồi kiện cáo gì. Không đâu, tôi đối phó bằng cách khác, nếu người đó nhận là mình hữu ý nói xấu tôi.

PHAN KHÔI

   




Chú thích

  1. Bài thơ Viếng mộ ông Lê Chất của Chương Dân (Phan Khôi) đăng Thực nghiệp dân báo ở Hà Nội trong năm 1921, như sau:
    Bình Tây trấn Bắc sử nghìn thu
    Áy cỏ mờ rêu đất một u
    Ấy dũng ấy trung là thế thế !
    Mà ân mà nghĩa ở mô mô !
    Chim gào hờn sót xuân ầm ỹ ;
    Hùm thét oai lưa gió vụt vù
    Cái chuyện anh hùng ai giở đến,
    Hồ Tây còn vẳng tiếng chuông bu
  2. Chửng : chừng ấy