Trong cơn Hoa-Nhựt đánh nhau nầy chúng ta khá giữ danh dự cho báo giới Việt Nam
Hoa-Nhựt họ đánh nhau thì mặc kệ, kể số chi thứ dân An Nam nầy mà cũng nói vào? Báo giới Việt Nam! Báo của An Nam viết thì An Nam coi với nhau, đọc với nhau, khen hay chê dở với nhau, chớ ai thèm để mắt đến mà hòng sợ rằng mất danh dự vì nó?
Không, chúng ta chớ nên tự khinh lấy mình quá như vậy mà lầm. Ấy là dịp tình cờ, tình cờ có cuộc Hoa-Nhựt chiến tranh mà làm cho tờ báo An Nam, ở đâu thì không biết, chớ ở đây lại được thêm một số đông người để mắt. Ấy là người Tàu ở Chợ Lớn và Sài Gòn mà kẻ nào biết tiếng An Nam vậy.
Vừa rồi tôi có gặp một vị Hoa kiều, nhơn nói chuyện về cuộc đánh nhau ấy, lại về chuyện báo nữa mà tôi mới biết ra, chớ mấy bữa trước tôi cũng vẫn không ngờ đến vậy đâu.
Muốn biết dư luận An Nam đối với bổn quốc mình thế nào, theo lời người ấy nói, nên độ nầy Huê kiều ở đây ai biết quốc ngữ thì sốt sắng mà đọc báo An Nam lắm.
Người ấy có hỏi tôi, có phải dạo nầy báo An Nam tiêu thọ nhiều hơn trước một ít chăng? Câu hỏi ấy tôi không biết mà trả lời. Nhưng tại sao người kia lại hỏi vậy?
Vì cứ như lời y nói thì vừa Chợ Lớn vừa Sài Gòn, trước rày có tới vài ba trăm nhà bắt đầu đọc báo An Nam lận. Như vậy thì hẳn là số tiêu thọ có thêm lên chớ.
Lời của vị Hoa kiều đó, theo tôi thì cũng có thể tin được. Ai hay đi dạo Chợ Lớn thì biết độ nầy cái hứng đọc báo của người Tàu ở đó lên đến bậc nào! Đọc báo mà đến giành dựt nhau, nhà báo không kịp bán, sợ xâu ẩu sanh rầy, cảnh sát phải tới mà can thiệp (đó là cái hiện trạng ở Chợ Lớn trước cửa nhà Dân báo[1] từ bữa Tết đến nay), thì cũng có lẽ đọc báo Tàu không đủ mà họ đọc đến báo An Nam nữa vậy.
Sau khi khen người An Nam ngày nay tấn bộ lắm, báo An Nam cũng có giá trị lắm, rồi vị Hoa kiều ấy mới tỏ ra đôi lời phàn nàn cùng tôi.
Người ấy nói:
"Chúng tôi đọc báo các ông, cốt nhứt là xem cái luận điệu các ông đối với chúng tôi thế nào. Thứ đến là xem những tin về chiến tranh do điện tín của người Pháp hoặc do báo các nước dịch ra, mà trong báo chúng tôi không có.
Về luận điệu, các ông nói bề nào chúng tôi cũng vui lòng mà nghe hết. Duy có về tin tức, chúng tôi cốt tìm lấy sự xác thật (exactitude) mà thôi. Chúng tôi tưởng rằng nếu đọc báo An Nam mà biết được sự thật mình chưa biết thì còn có ích hơn đọc báo Tàu nữa.
Vậy mà mới hôm qua đây, (vị Hoa kiều nói chuyện cùng tôi trưa ngày 17, thế thì "hôm qua" là 16) chúng tôi đọc một tờ báo Quốc ngữ, thấy có nhiều tin tức rất sai lầm.
Không phải cái việc sai lầm mà sai lầm cái ngày. Như mấy trận đại chiến ở Ngô Tùng xảy ra từ mấy ngày thượng tuần trong tháng, mà báo ấy cứ nói bữa qua với bữa kia, như thế thành ra ở vào ngày 15 và 14 mới đây.
Rõ ràng nhứt là trận phục binh mà Tàu thắng Nhựt ở gần Thượng Hải, chính xảy ra hồi 2 giờ đêm 10 Février. Vậy mà báo ấy nói "Hồi hôm, theo điện tín Nam Kinh", thì thật là sai xa quá. Vả, những tin tức ấy thì chúng tôi đã có cả từ mấy bữa trước rồi".
Vị Hoa kiều ấy còn nói với tôi nhiều nữa, song cái điều đáng thuật lại ở đây là mấy điều trên đó thì tôi đã thuật lại.
Như vậy thì cũng đủ biết dạo nầy người Tàu ở đây, họ chú ý tới tờ báo của mình lắm, chớ chẳng phải lơ lửng đâu. Mà phải, tôi tưởng, nếu mình đến ở nước người ta mà gặp cơ hội nầy thì cũng phải vậy.
Thế thì vì cớ nào mà phải giữ danh dự cho báo giới chúng ta? Và giữ danh dự thì làm thế nào?
Tôi tưởng về cuộc chiến tranh nầy, lẽ khúc trực rất phân minh, nhà viết báo An Nam dầu có quyền nói đi nữa là nói cũng hơi thừa. Vậy thì về mặt phê bình, ta không cần gì lắm. Mà nếu có chỗ nào mình đặt miệng vào được, thì cũng phải nhắm trước nhắm sau, nghĩ tới nơi rồi sẽ nói, chớ không nên vội vàng hấp tấp, nói mà lòi cái non cái dại ra cho họ thấy họ khinh.
Ta là kẻ viết cũng như họ là kẻ đọc, chỉ cần thuật lại những việc đã xảy ra, mà thuật lại thế nào cho thật đúng. Đúng là đúng với cái tin đã truyền tới, họ nói thế nào thì mình nói thế ấy; chớ còn sự thiệt ở bên Thượng Hải thì mình ở đây biết thế nào cho đúng được ư? Tuy vậy, làm sai về ngày hoặc về chỗ của cái tin đi, ấy là điều tối kỵ trong nghề làm báo.
Tờ báo nào nói sai làm cho vị Hoa kiều chỉ vạch ra đó, thì tôi không biết, mà vì sợ thất công nên tôi cũng chẳng tìm tòi làm chi. Có điều tôi cũng tưởng sự nói đó là có lẽ. Việc xảy ra đã lâu rồi mà cứ nói hôm kia, hôm qua, hồi hôm để nghe cho sốt dẻo, tỏ ra rằng tin tức của mình là lanh lẹ, cái thủ đoạn thay đen đổi trắng ấy cũng đã có nhiều kẻ thiệt hành rồi. Hoặc giả trong bạn đồng nghiệp ta có ai diễn lại cái trò ấy chăng!
Có thì nên bỏ đi mà cứ nói đúng. Không ai chê cái đúng đâu. Chớ làm lanh mà sai đi, thì tại bị người ta khinh cho đó! Người ta ngó vào lắm đó!
PHAN KHÔI
Chú thích
- ▲ Dân báo 民 報 nhắc đến ở đây là tờ báo chữ Hán xuất bản ở Chợ Lớn, số đầu ra ngày 24.10.1931; khi mới thành lập, Trung ương Quốc Dân Đảng (Trung Quốc) ở Nam Kinh cử một phái viên là ông Trần Chí Minh (Chen Chih Ming) từ Nam Kinh đến Chợ Lớn trông nom việc xuất bản tờ báo này (Xem tin: Tiệc mừng đản sinh “Dân Báo” ở Chợ Lớn // Trung lập, 26.10.1931). Báo chí tiếng Việt cũng có một số tờ mang tên Dân báo; trong số đó, tờ Dân báo xuất bản ở Sài Gòn từ 1939 đến 1944, thời kỳ Bùi Thế Mỹ làm chủ bút (6.11.1939 đến 4.5.1943), Phan Khôi có viết cho tờ này.