Trang:Viet Nam phong tuc.pdf/53

Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.
54
VIỆT-NAM PHONG-TỤC
 

Xét về các ngày ăn Tết của ta, phần nhiều là noi theo tục Tàu, nhưng chủ ý thì chỉ nhân ngày tuần tiết mà dưng cúng gia tiên, chớ không có ý gì nhớ đến người Tàu cả.

Cứ như nước ta khi xưa, quanh năm chí tối làm ăn, mồ hôi nước mắt, không có thì giờ nghỉ ngơi. Nhà làm ruộng thì sáng vác cuốc, trưa vác cày, hết mùa cấy đến mùa gặt, quanh năm chí tối, chân lấm tay bùn. Người làm thợ thì canh ba chưa nằm, canh năm đã dậy, làm lụng chúi mũi chúi lái, không lúc nào mở mắt ra được. Người đi buôn thì nay ngược mai xuôi, tất ta tất tưởi để cầu chút lợi cho nên giàu nên có. Người đi học thì nung kinh nấu sử, thức khuya dậy sớm để cầu lấy chút danh phận cho vẻ vang cùng người. Nói tóm lại thì tính An-nam ta rất là cần mẫn, chịu thương chịu khó, mà không có ngày nào là ngày chủ nhật. Vậy nên thỉnh thoảng phải có một ngày nghỉ ngơi ăn chơi cho giải trí. Nhưng chẳng lẽ tự nhiên vô cớ mà nghỉ công nghỉ việc, mà ăn chơi không. Vậy mới nhân tuần này tiết nọ, bày ra cách ăn Tết, trước là đem lòng thành kính, thờ phụng tổ tiên, sau là được một ngày nhàn nhã, cầm chén rượu mà yên úy tinh thần.

Cứ như chủ ý ấy thì cách ăn tết của ta cũng không hại gì. Nhưng chỉ hiềm ta hay tin những chuyện huyền hoặc của Tàu mà không nghĩ đến nghĩa lý gì cả. Thờ phụng thì cứ việc mà thờ phụng, ăn chơi thì cứ việc mà ăn chơi. Ma quỉ đâu mà lại phải đốt pháo đốt vàng? Sâu bọ nào mà lại giết bằng đào, bằng mận. Lá mồng năm uống bậy uống bạ, uống không khéo thì hóa ra sinh bệnh. Mã tháng bảy, thức này thức khác, đốt