Trang:Viet Nam phong tuc.pdf/41

Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.
42
VIỆT-NAM PHONG-TỤC
 

mình có lẽ nào vong tình được mà chẳng khoản đãi. Vì thế thành tục, rồi nhiều người phải miễn cưỡng mà theo tục, té ra phần nhớ đến tiên nhân thì ít, mà phần lo về khoản đãi bà con khách khứa thì nhiều.

Đã đành rằng có thì mâm cao cỗ đầy, chẳng có thì lưng cơm cái trứng, cũng đủ tỏ chút lòng thành, nhưng ngặt vì tục đã quen, không cố mà lo được thì người ta chê là bủn xỉn, mà trong lòng mình cũng áy náy không đành!

Ngày kỵ nhật là một ngày chung thân chi tang, thì là ngày thương xót, ngày rầu buồn, đáng lẽ chỉ nên đóng cửa mà thương nhớ mới phải. Mà dẫu có theo tục dùng cách cúng tế làm sự kỷ-niệm thì làm thế nào cho giản tiện, miễn là tỏ được chút lòng với tổ tiên là đủ, tưởng không nên bày vẽ cho sinh tốn làm gì. Nếu có của mà muốn họp mặt bà con anh em, khoản đãi khách khứa thì tưởng nên dùng vào những dịp ăn mừng còn phải hơn.

Xét như tục Âu Châu, nhớ ngày húy-nhật, con cái chỉ đem bó hoa ra thăm mả là cùng.

Tục Nhật Bản cũng chuộng sự tế tự, nhưng đến ngày húy nhật, con cháu chỉ đem hương hoa dâng cúng mà thôi.

Xét như tục các nước văn minh ấy, tuy rằng thanh-đạm nhưng thực là đủ tỏ lòng thành kính, mà lại giữ được tiền của để dùng vào việc đáng dùng.


XII.— TỨ THỜI TIẾT LẠP

I.— Tết nguyên-đán. Mồng một đầu năm là tết nguyên đán. Tết này ăn to hơn cả tết trong một năm.